Thành Văn thực hiện
LTS: Nhiều chuyên gia tiếp tục góp ý về tính khả thi của siêu dự án này. Theo TS Lê Đăng Doanh, một dự án lớn khi quyết định cần phải nhìn một cách tổng thể bối cảnh chung của nền kinh tế.
TS Phạm Sĩ Liêm cảnh báo việc thẩm định dự án có vấn đề khi được làm trong một thời gian quá gấp. TS Nguyễn Xuân Đào lưu ý vấn đề quan trọng là chọn thời điểm và cách làm. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng nếu làm thì nên làm từng đoạn chứ không làm liền một lèo.
Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế cao cấp:
Dự án lớn, sai một ly, đi một dặm.
. Dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc-Nam đang gây ra nhiều quan điểm trái chiều. Là chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận thế nào về tính khả thi của dự án?
+ Đây là một dự án của sản phẩm công nghệ cao mà chỉ có các nước giàu mới làm. Việt Nam chúng ta nếu có nhiều tiền mà xây dựng ĐSCT thì tốt quá rồi. Nhưng đi vay một số vốn rồi thuyết phục, biện minh để làm thì dường như chúng ta đã quá say sưa về công nghệ, quên mất rằng những vấn đề về tài chính mới là quyết định.
Trước hết, phải nhìn nhận rằng nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách, nợ quốc gia còn lớn nên khi nào nhiều tiền thì hãy làm.
Khi dự án này được đưa ra Quốc hội, tôi cũng đã hỏi nhiều người Nhật về ĐSCT. Họ nói rằng ở Nhật không phải người dân nào cũng đi được tàu cao tốc vì giá vé rất cao. Bản thân họ là Giáo sư nhưng cũng không có nhiều tiền để đi lại. Họ còn khẳng định khi nào Chính phủ có chính sách hỗ trợ thì họ mới đi ĐSCT.
Điều này cho thấy một sản phẩm như thế, vấn đề quan trọng nhất là khả năng về tài chính của cả quốc gia lẫn người sử dụng.
. Trong bốn phương án mà Chính phủ đưa ra để xây dựng ĐSCT, với góc độ nhà kinh tế, ông lựa chọn phương án nào?
+ Như tôi đã nói, vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế. Bỏ một đống tiền ra làm ĐSCT mà chỉ chuyên chở vận tải hành khách thì sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. Do đó, tôi cho rằng trước mắt cần hiện đại hóa hệ thống đường sắt cũ. Đồng thời phát triển hệ thống đường sắt có khả năng vừa chở hàng, vừa chở khách theo phương án ba.
. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng có thể làm ĐSCT và chỉ làm một đoạn ngắn để thử nghiệm, ông đánh giá sao về ý kiến trên?
+ Đây cũng là một giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Ngay Trung Quốc cũng chỉ làm thử một đoạn ngắn rồi sau đó mới phát triển dài ra. Cách làm này là hết sức thận trọng, do đó Việt Nam cũng có thể xem xét áp dụng theo. Nếu hiệu quả ta sẽ đầu tư làm tiếp, không hiệu quả thì thôi. Chứ làm cả một đoạn dài, trường hợp các dự báo, tính toán sai thì hậu quả kinh tế sẽ hết sức nặng nề.
. Theo ông, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đến đâu với dự án trên?
+ Như tôi đã nói, chúng ta không thể quá say sưa về công nghệ. Các đại biểu cần phải đặt dự án vào bối cảnh chung của nền kinh tế một cách tổng thể, nhất là theo quy hoạch chúng ta sẽ làm cả đường bộ cao tốc, đường thủy, phát triển hàng không, mà cái gì cũng cần thiết.
Chúng ta không thể vì nhiệt tình dẫn đến duy ý chí trong việc đưa ra một quyết định vội vàng. Bởi một dự án lớn sai một ly sẽ đi một dặm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét