Tác giả: LIM PHAM
(TuanVietnam.net)
Nếu một người vừa được học nhiều vừa có lòng nhân ái thì đó chính là vật báu đáng quý nhất, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
Vài tháng trước đây cả xã hội nức lên vì một anh GS học ở bên Mĩ được giải thưởng Fields - được coi là giải Nobel cho toán học. Trước đó một hai tháng, xã hội này cũng hồ hởi cho kỳ thi đại học với biết bao kỳ vọng và mong mỏi đến khôn cùng của các đấng sinh thành. Điều này cho thấy bằng cấp, giải thưởng, tước hiệu luôn được coi là thước đo chuẩn mực cho trình độ học vấn của cá nhân thời đại ngày nay.
Nhưng tước hiệu, bằng cấp, giải thưởng đó không làm nên tính nhân văn cho con người - một phẩm chất mà theo tôi chính là chuẩn mực để đo trình độ học vấn. Các phương tiện thông tin đại chúng, các chính sách của các nhà lãnh đạo luôn hô hào "xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh".
Yếu tố quan trọng nhất, theo họ, để xây dựng thành công một xã hội như vậy là đầu tư cho giáo dục, và hậu quả là nhà nhà chạy đua "vũ trang" để cho con mình được vào trường điểm để sau này thi đỗ vào đại học để có một mảnh bằng "nở mặt nở mày" với thiên hạ. Điểm cốt yếu của các bậc phụ huynh là mong con mình được coi là người có "học vấn".
Lòng nhân ái là đức tính cao quý nhất của con người. |
Nhưng xã hội và các đấng sinh thành này không hiểu hay "quên không hiểu" là giá trị nhân văn, lòng trắc ẩn mới làm nên "một con người có học".
Không biết có phải tôi có cảm nhận khác số đông mà khi gặp hoặc nghe một ai đó có bằng cấp, danh hiệu đáng giá, cảm thấy rất dửng dưng và hờ hững.
Cần phải dạy con lòng nhân ái từ lúc còn thơ. Ảnh: sinhcon.com |
Ngược lại, tôi luôn cảm thấy sống mũi cay cay, trái tim run lên từng hồi khi biết một bà lão đã gần 80 tuổi nghèo khổ đến tận cùng vẫn dang tay nâng đỡ một số phận cũng bất hạnh không kém mình, một người lái tàu đã hy sinh thân thể mình để cứu những người gặp nguy hiểm, một đứa bé mới hơn 5 tuổi đã từng đêm thức giấc để xoa bóp cho mẹ bị bệnh ung thư, một chàng trai chung thủy với tình yêu rất đỗi trong sáng của mình khi tình nguyện ở bên chăm sóc bạn gái bị bệnh hiểm nghèo...
Còn nhiều lắm những tấm lòng trắc ẩn, nhân ái bao la trên khắp thế gian này mà ta không thể biết.
Những con người đó, nếu theo tiêu chuẩn học vấn của xã hội, đều là những người không có bằng cấp và không được học nhiều, nghĩa là họ được coi là "người ít học vấn". Nhưng trong mắt tôi, họ là những người có học vấn cao nhất vì họ sở hữu những phẩm chất đáng trọng nhất của con người. Nghĩ tới họ, tôi chợt thấy mình thật nhỏ bé và quá bình thường dù tôi có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nào đi nữa.
Chính những "thiên thần" đó với "trình độ học vấn" của mình đã và đang làm cho xã hội tốt đẹp và văn minh hơn. Họ đã cho tôi niềm tin rằng tính nhân văn của con người sẽ không bao giờ khánh kiệt. Và quay lại nhìn nhiều người được coi là có "trình độ học vấn" theo tiêu chuẩn của xã hội, tôi thấy một sự bất thiện trong cách đối xử của họ với mọi người xung quanh, và nỗi thất vọng cứ đắng ứ trong cổ họng.
Thật lòng tôi không phủ nhận tầm rất quan trọng của "việc học nhiều" khi nó góp phần tạo nên nguồn nhân lực để phát triển đất nước, nhưng đừng quy kết rằng tất cả những người "học nhiều" là những người "có học vấn" nếu cách đối xử với người khác của họ không mang dấu ấn của lòng trắc ẩn. Điều này có nghĩa là "trình độ học vấn" của họ còn thua một bà lão gần 80 tuổi không được học hành, một cậu bé chưa đầy 6 tuổi, hay một chàng trai chỉ tốt nghiệp cấp ba.
Nếu một người vừa được học nhiều vừa có lòng nhân ái thì đó chính là vật báu đáng quý nhất, bởi hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Có thể nhiều người cho rằng "lòng nhân ái" sẽ không giúp nhiều cho một dân tộc, một quốc gia để trở nên hùng cường, và họ có lý do xác đáng cho nhận định của mình. Nhưng một quốc gia "hùng cường" không đồng nhất với một quốc gia "văn minh", trong khi đó, lòng nhân ái là yếu tố quyết định làm nên "sự văn minh".
Khi người nhìn người với ánh mắt của tình yêu thương thì mọi hành vi cư xử sẽ trở nên chuẩn mực, đạo đức, và văn hóa. Trong thời đại thông tin ngày nay, khi một đất nước có danh tiếng về "cư xử đạo đức và văn hóa" cộng với tiềm năng kinh tế thì sẽ thu hút sự tò mò và quan tâm của thế giới, từ đó, sự thu hút du lịch và đầu tư là rất hứa hẹn. Đây chính là điều mà Việt Nam đang thiếu, và là nguyên nhân cho sự kém hiệu quả trong đầu tư và phát triển hiện nay.
Sự "bất thiện" trong nhiều hành xử trên đường phố, quán ăn, điểm du lịch của cả những người được cho là "học nhiều" đang làm đất nước của chúng ta ngày càng xấu xí trong con mắt của khách du lịch quốc tế. Và thấy buồn và thương cho những người nông dân lam lũ nhưng thật thà, hồn hậu, cho những số phận nhỏ nhoi leo lét nhưng có một trái tim bao la như trời biển.
Và tự hỏi "liệu số phận có công bằng?", có lẽ, không tồn tại sự công bằng khi đã là một xã hội, một khi người ta phải "sống" chứ không chỉ "tồn tại". Phải chấp nhận thực tế này, nhưng nỗi day dứt và bức xúc vẫn không nguôi.
Trong xã hội này, học hành, danh dự và giải thưởng sẽ luôn được coi trọng và là chuẩn mực hàng đầu để đánh giá về con người. Lòng trắc ẩn, mối cảm thương giữa người với người nhiều khi đã bị quên lãng, nhưng chính nó, từ sâu xa nhất, là nguồn gốc của "văn minh" duy trì bản chất "người" của xã hội.
Thương lắm từng giọt lệ long lanh rơi trên má khi nhìn một em bé đang đau đớn vì căn bệnh của chất độc màu da cam, từng đôi tay run rẩy kéo một người đang chìm trong cơn lũ và từng ánh mắt trìu mến cảm thông cho những số phận đang lê lết xin từng đồng trên những con đường bụi bặm, nắng chói chang và mưa dầm dề...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét