Victor Sebestyen
T.K. dịch
Những giây phút đầu tiên
Địa điểm: Priyat, Unkraine. Thời gian: thứ bảy 26 tháng 4, 1986.
Ba ngày trước đó, các Kỹ sư tiến hành thử nghiệm định kỳ tại Lò phản ứng số 4 thuộc Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách thành phố Kiev 140 cây số về phía Bắc.
Họ thử xem lò phản ứng có thể hoạt động được nhờ nguồn điện tạo ra từ vận động cơ học của tua-bin trong hệ thống lò hay không. [Nguồn điện này, nếu có, sẽ được dùng làm nguồn điện thay thế, khi điện lưới vào nhà máy bị cúp và trước khi máy phát điện riêng hoạt động đủ công suất. Theo tính toán thì từ khi cúp điện đến khi máy phát điện chạy đủ công suất phải mất khoảng 60 giây, nhưng vì lò phản ứng cần có điện liên tục, nếu không sẽ nóng đến độ nguy hiểm, nên cần có nguồn điện thay thế tức thời, dù chỉ trong vòng 45 giây. Người dịch ghi chú]
Đây là việc không có gì phức tạp hoặc nguy hiểm. Những thử nghiệm kiểu này vẫn thường xuyên diễn ra tại hàng loạt các lò phản ứng loại RBMK làm mát bằng nước, được Liên Xô xây dựng từ những năm 1950.
Nhưng các Kỹ sư đã phạm một loạt sai lầm, lại thêm chủ quan không kiểm tra xem thử nghiệm diễn ra thế nào. Không ai để ý là điện trong lò phản ứng đã xuống thấp tới mức báo động. Lỗi này được phát hiện vào cuối chiều ngày hôm trước. Trước tình hình đó, các nhà khoa học tại đây dự định hoãn thử nghiệm để dời qua ngày khác, vì thử nghiệm cũng không là việc gấp. Nhưng, Phó Giám đốc nhà máy, ông Anatoli Dyatlov, lại thấy không có gì đáng ngại vì mọi sai sót đã được khắc phục, nên ông cho tiếp tục thử nghiệm theo đúng kế hoạch.
Quá 1 giờ sáng, các Kỹ sư thấy điện lại tụt giảm đến mức nguy hiểm, chỉ còn một phần trăm so với thông thường. Điều này có nghĩa hệ thống bơm nước làm mát khu vực lõi của lò phản ứng đã hư. Một phần ba kí lô chất đốt hạt nhân trong 1.661 thỏi thép nén đã bị nung nóng vượt quá mức kiểm soát. Các Kỹ sư vội tìm cách tắt lò khẩn cấp, nhưng đã quá trễ.
Lúc 1 giờ 23 phút sáng, một vụ nổ khủng khiếp phá thủng mái vòm của lò phản ứng, bắn lên trời đêm chất đốt hạt nhân đỏ rực, cộng với mảnh vỡ xi măng, cốt thép. Lượng phóng xạ được phóng ra mạnh gấp mười lần quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima.
Bốn giây sau, vụ nổ thứ hai xảy ra phá hủy toàn bộ bốn bức tường của Lò phản ứng số 4 và gây hỏa hoạn lớn, phun vào không khí một cột lửa cao tới 1.200 mét, chứa đầy các phân tử than chì có mức phóng xạ nồng độ cao. Một đám mây phóng xạ theo chiều gió bắt đầu trôi theo hướng Tây Bắc.
Năm phút sau. Người đầu tiên trong số các Kỹ sư phát hiện sự cố được vội vàng phái đến, không có cả áo quần phòng hộ hay thiết bị thở an toàn, để làm một công việc gần như tuyệt vọng là tìm cách tắt lò phản ứng bằng tay.
Hai công nhân có mặt tại lò khi vụ nổ xảy ra bị bỏng rất nặng. Họ được đưa đến phòng sơ cứu. Nhưng phòng sơ cứu đã đóng cửa từ vài năm trước. Lãnh đạo nhà máy cho rằng sẽ chẳng cần tới phòng sơ cứu vì bao lâu nay nhà máy vẫn hoạt động rất tốt.
Nhiều giờ liền sau đó, không ai ở Chernobyl biết chính xác bao nhiêu phóng xạ đã được thải ra. Máy đo Geiger dùng bên trong nhà máy chỉ có thể đo mức phóng xạ thấp mà thôi, lần này thì máy không còn tác dụng. Những thiết bị đo đạc mức phóng xạ cao hơn lâu nay được cất giữ trong kho, cũng với suy nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ phải dùng đến.
Mười phút sau vụ nổ, đội cứu hỏa địa phương có mặt tại hiện trường, nhưng họ cũng không có thiết bị đặc biệt để xử lý vụ cháy nổ.
Nửa giờ sau, đội cứu hỏa thuộc quân đội được điều tới để hỗ trợ nhóm kia. Hai nhóm phối hợp dập tắt được một đám lửa tại khu tản nhiệt vào lúc 3 giờ 30 sáng, nhưng lò phản ứng vẫn tiếp tục cháy và bắn phun bụi phóng xạ lên trời.
Che đậy
Rạng sáng, Giám đốc Nhà máy Chernobyl, ông Viktor Bryukhanov, báo cáo với cấp trên ở Moscow rằng có vài sự cố nhỏ ở Chernobyl, nhưng Lò phản ứng số 4 vẫn hoạt động và mức phóng xạ tại nhà máy là “ở mức bình thường”. Đó là sự dối trá trắng trợn. Rõ ràng, Bryukhanov đã không leo lên đến vị trí hiện tại của mình nếu đã báo cáo cho cấp trên những điều cấp trên không muốn nghe.
Bryukhanov là một quan chức lên như diều gặp gió, xuất thân Kỹ sư, nhưng không phải Kỹ sư điện hạt nhân, khi được bổ nhiệm Giám đốc nhà máy điện hạt nhân, ông chỉ 35 tuối. Trong hệ thống quan chức Xô Viết, lên quá cao khi còn quá trẻ như thế là một kỳ tích. Nhưng dù sao thì ông đã luôn hoàn thành chỉ tiêu được trên đặt ra cho nhà máy, dĩ nhiên điều này làm vui lòng lãnh đạo ở trên, và thêm tiền thưởng cho công nhân cấp dưới.
Nếu bất đắc dĩ phải lươn lẹo chút ít để thành công, thì ông cũng không ngại, vì nếu sai lầm có được đưa ra ánh sáng thì lúc ấy ông cũng đã ung dung nơi nhiệm sở mới tốt hơn rồi. Và quả là bốn năm trước đã có một tai nạn không nghiêm trọng xảy ra tại một trong những lò phản ứng khác thuộc nhà máy, nhưng Bryukhanov đã ém nhẹm thông tin về vụ này và tìm cách sửa chữa mọi thiệt hại trước khi Moscow biết chuyện.
Lo lắng nhất của ông là làm sao bảo vệ chính mình, nhưng không phải là bảo vệ cho khỏi bị nhiễm phóng xạ. Ban đầu, ông không tin rằng tai nạn là thực sự nghiêm trọng. Ông muốn bảo vệ cho mình khỏi bị khiến trách, theo cách mà các công chức Xô Viết thường làm.
Một trong những Kỹ sư cấp cao nhất của ông, Anatoli Sitnikov, nói rằng lò phản ứng đã bị phá hủy, nhưng Bryukhanov không tin. Sitnikov đích thân đến tận nơi tìm hiểu và bị nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm đến tính mạng. Ông nói với Giám đốc nhà máy rằng mình đã đến tận nơi và chứng kiến tận mắt, nhưng Bryukhanov vẫn cho rằng ông chỉ khéo thồi phồng!
Tuy vậy, ông Giám đốc cũng có một hành động tức thời, đó là sau khi trao đổi xong với Sitnikov, lúc đó đã dở sống dở chết vì phóng xạ, ông Giám đốc đã ra lệnh cắt đứt toàn bộ đường dây điện thoại quanh Chernobyl để ngăn chặn tối đa những thông tin “không được tiết lộ” rò rỉ ra bên ngoài công chúng.
Thả và thoát
Quân đội là đối tượng bên ngoài đầu tiên nghe biết về tai họa. Thói quen bưng bít của họ còn mạnh mẽ hơn cả của một quan chức đảng viên cộng sản trung cấp. Nỗ lực quái lạ nhằm che đậy thông tin về vụ nổ Chernobyl – ngay khi thế giới đã biết cả rồi – một phần còn là vì tại Liên Xô, mọi vụ việc liên quan đến nguyên tử, quân sự hay dân sự, thực chất đều nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Lúc 2 giờ 20 sáng, Tham mưu trưởng quân đội, Nguyên soái Sergei Akhromeyev được thông báo về vụ việc, nhưng thông tin chi tiết còn sơ sài. Ông không biết mức độ thiệt hại tại Chernobyl là bao nhiêu, cũng không biết một đụn mây phóng xạ độc hại đã bắt đầu lan ra ngoài biên giới Xô Viết.
Lúc 6 giờ sáng, Thủ tướng Xô Viết, Nikolai Ryzkhov được thông báo. Ông tức tốc gọi cho Gorbachev. Cả hai đều bị lừa: họ được trấn an rằng lửa đã tắt, và không có vụ rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng nào. Họ được báo rằng có 9 người tại nhà máy nhiễm bệnh nặng và 25 quân nhân bị thương nhẹ, nhưng đề nghị của quân đội và của Bộ Năng lượng là không di tản bất cứ ai khỏi khu vực, vì như vậy sẽ gây hoang mang.
Trong những giờ sau đó, quân đội càng lúc càng hiểu rõ hơn quy mô của tai họa. Lò phản ứng vẫn còn nóng đỏ, và vào sáng ngày Chủ nhật, các chuyên gia quyết định rằng cách duy nhất để làm dịu độ nóng là đổ cát xuống miệng lò từ trên không, cát sẽ được lấy từ mỏ đá cạnh đó. Đó là phương án khó và đầy nguy hiểm, đòi hỏi sự gan dạ và độ chính xác cao của phi công. Một phi đội trực thăng “ngựa chiến” MiG-8 được chọn để thi hành nhiệm vụ.
Nhiệt độ và nồng độ phóng xạ đều ở mức rất cao và các phi công phải tìm ra đường bay nhanh nhất tới miệng hố, thả các bao cát vào đúng vị trí được tính toán cẩn thận và lập tức phải thoát ra khỏi vùng nóng, tất cả chỉ trong vài giây đồng hồ. Và họ đã thực hiện 93 phi vụ “thả và thoát” này mà không có bất kỳ quần áo bảo hộ an toàn nào.
Một trong số các phi công sau này kể lại rằng họ phải nhét những miếng kim loại chì dưới ghế ngồi và đùa với nhau rằng “Nếu vẫn muốn làm bố, phải lấy chì che ... ‘bi’”. Nhưng buồn thay, những lời đùa cợt ấy cũng không giúp gì được vì một số trong nhóm phi công này sau đó đã phát bệnh ung thư.
Cuộc di tản chậm trễ
Giới lãnh đạo tại Moscow biết lò phản ứng vẫn đang cháy. Trước đó Gorbachev đã gửi một ủy ban do Thủ tướng dẫn đầu đến tận nơi kiểm tra tình hình và gửi báo cáo trung thực về điện Kremlin. Họ đã đến nơi vào chiều thứ Bảy.
Đến sáng Chủ nhật, tức một ngày rưỡi sau khi các vụ nổ xảy ra, chính quyền địa phương mới quyết định di tản thị trấn Pripyat với dân số 45.000 người, nằm cách nhà máy Chernobyl chỉ có 3 km.
Theo tiêu chuẩn Xô Viết, đây là một thị trấn được xây dựng rất bài bản, nằm giữa một khung cảnh hữu tình, không đến nỗi bị xấu đi vì mái vòm lò nguyên tử gần đó hoặc tiếng động rù rì từ nhà máy phát ra.
Pripyat sạch sẽ, có các tòa nhà chung cư bề thế và các phương tiện giải trí tuyệt vời dành cho cư dân, phần lớn làm tại Nhà máy Chernobyl. Ngoại ô thị trấn là một rừng cây đẹp đẽ, thông mọc cạnh dòng sông uốn quanh.
Hôm đó là cuối tuần, giữa mùa xuân ấm áp. Mép ngoài thị trấn là một khu dạo bộ lý tưởng, từ đó người dân có thể thấy được thiệt hại tại nhà máy và công việc cứu hộ khẩn cấp đang diễn ra. Nhưng họ đã được thông báo suốt ngày thứ Bảy rằng không có gì nguy hiểm, rằng độ phóng xạ cũng chỉ xấp xỉ cao hơn mức bình thường một chút, và rằng chẳng có gì phải lo lắng cả. Vì vậy, họ tận dụng ngày đẹp trời, đi dạo ở ngoại ô, trẻ con chơi đùa ngoài sân, 16 cặp vợ chồng cử hành đám cưới, bình thường như bất cứ một ngày mùa xuân bình thường nào khác.
Nhưng, vào giữa sáng Chủ nhật, họ lại được thông báo phải nhanh chóng rời thị trấn. Hầu hết mọi người đều nghĩ mình sẽ có thể trở lại sau vài ngày, nên họ để lại phần lớn đồ dùng, tài sản.
Lúc 1 giờ 30 chiều, tất cả cư dân đã ra đi, Pripyat nhìn như một thành phố ma, chỉ còn sót lại mấy chú vật nuôi bị bỏ lại. Chẳng bao lâu sau thì lũ vật nuôi cũng hoặc chết hoặc hóa dại.
Cuộc di tản diễn ra quá trễ. Nếu cư dân được di tản khỏi thị trấn sớm hơn thì họ đã thoát khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ nồng độ cao trong thời gian quá lâu. Hoăc nếu chỉ trong vài giờ, họ đã được cho dùng i-ốt thì rất có thể họ đã không bị chứng u tuyến giáp mà sau này hàng ngàn cư dân Pripyat mắc phải. Hàng trăm người khác chết vì ung thư và bệnh bạch cầu trong 3 năm sau đó, và rất nhiều người khác nữa trong suốt một thập niên sau [2].
Thế giới bên ngoài biết chuyện
Vào chiều Chủ nhật thì thế giới bên ngoài đã bắt đầu biết về tai họa Chernobyl. Một vùng mây phóng xạ bay theo phía Tây Bắc, bao trùm đông Ba Lan, vùng Baltic và Scandinavia. Cũng vào chiều Chủ nhật, một phòng thí nghiệm tại Helsinki báo cáo họ phát hiện mức độ phóng xạ cao hơn sáu lần mức bình thường.
Đến sáng sớm ngày 28 tháng 4 thì phòng thí nghiệm năng lượng Studsvik trên bờ biển Baltic thuộc Thụy Điển, và Nhà máy điện nguyên tử Forsmark, khoảng 80 km về phía Bắc Stockholm, báo cáo mức phóng xạ cao gấp 150 lần bình thường. Thoạt đầu người ta nghĩ mức phóng xạ cao là do một vụ thử tên lửa hoặc do vũ khí hạt nhân bất ngờ phát nổ trong hầm phóng gây ra.
Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia Thụy Điển hiểu ra rằng vùng mây phóng xạ kia phải đến từ một nhà máy điện hạt nhân, vì vũ khí hạt nhân và điện hạt nhân sẽ tạo ra ra các vật liệu hạt nhân rất khác nhau.
Dựa trên hướng gió và vận tốc gió, Thụy Điển chính thức thông báo đã xảy ra một vụ nổ lớn tại một nhà máy điện hạt nhân Xô Viết, và phóng xạ đang lan ra khắp Bắc Âu. Đó cũng là thông tin nóng trên trang nhất báo chí toàn thế giới suốt những ngày sau đó.
Nhà nước Xô Viết không nói gì. Họ không thông báo cho chính phủ các nước đang bị nhiễm xạ, cũng chẳng nói gì cho dân chúng của họ tại Ukraina, Nga và Beylorussia. Họ cũng chẳng thông báo cho các đồng chí trong “khối thịnh vượng chung xã hội chủ nghĩa”.
Đây không phải là thảm họa hạt nhân đầu tiên trong lịch sử Xô Viết. Thế giới bên ngoài không biết, công chúng Xô Viết cũng không biết rằng đã từng có ít nhất là một tại nạn hạt nhân xảy ra tại một trạm thí nghiệm vũ khí và 13 tai nạn nghiêm trọng khác tại các lò phản ứng hạt nhân khác, kể từ khi Liên Xô trở thành một cường quốc nguyên tử vào cuối thập niên 1940.
Năm 1982, một tai nạn khác đã xảy ra tại Lò phản ứng Chernobyl số 1. Khu chứa nhiên liệu trung tâm bị nứt vỡ và một lượng ít phóng xạ đã thoát ra ngoài.
Năm 1975, vùng lõi của Nhà máy hạt nhân Leningrad, một lò phản ứng RBMK, tương tự như bốn lò tại Chernobyl, đã bị tan chảy một phần, phun phóng xạ vào không khí, nhưng gió đã đẩy mây phóng xạ qua vùng Siberia hoang vu.
Năm 1985, 14 công nhân tại Nhà máy nguyên tử Balakovo bên Sông Volga gần Samara đã chết khi luồng hơi nước nóng đến 500 độ C bắn thủng khu vực lò phản ứng, khi họ đang có mặt để khởi động lò, sau thời gian ngưng hoạt động để bảo trì [3].
Phản ứng im lặng
Phản ứng rất quen thuộc của Liên Xô là luôn giữ im lặng, hoặc nếu bị ép hỏi thì chối bay biến rằng chẳng có tai nạn gì xảy ra cả. Thói quen hóa thành truyền thống này cũng được dùng trong vụ Chernobyl. Đây là thử thách lớn đầu tiên cho chính sách cởi mở (glasnost) của Gorbachev, và ông đã thất bại thảm hại.
Vào Chủ nhật, hôm sau khi vụ nổ xảy ra, báo Izvestia được chỉ đạo không nhắc tới tai họa này. Gorbachev tuy không trực tiếp đưa ra lệnh bịt miệng này, nhưng ông biết lệnh đã được đưa ra và không làm gì để đảo ngược nó.
Đến sáng thứ Hai, giới truyền thông thế giới gọi tới tấp tới đường dây điện thoại của Liên bang Xô Viết với những chất vấn chính thức. Nhưng chính quyền Xô Viết vẫn không nói bất cứ điều gì.
Lúc 11 giờ sáng, các lãnh đạo tối cao họp tại điện Kremlin lần đầu tiên kể từ khi tai họa xảy ra. Quân đội vẫn đề nghị giữ im lặng và lên tiếng bác bỏ sự cố, với lý do Chernobyl nên được xem như một bí mật quốc gia. Họ bàn thảo khá lâu về tai họa. Nhưng phần lớn nội dung bàn luận chỉ xoay quanh việc nên tiết lộ bao nhiêu thông tin là đủ.
Đáng ngạc nhiên là Ngoại trưởng Shevardnadze cũng chưa hề nghe nói gì về tai họa, cho tới sáng hôm đó, tức 48 tiếng đồng hồ sau khi vụ nổ xảy ra. Trong khi đó các vị lãnh đạo thế giới và Đại sứ quán các nước chẳng bao lâu nữa sẽ phải lên tiếng phản đối cách hành xử của chính quyền Xô Viết trong vụ này. Nhưng thuộc tính của nền văn hóa che đậy là vậy, nên chẳng ai nghĩ tới việc báo cho ngài Ngoại trưởng biết để ông chuẩn bị đối phó và xử lý một vụ khủng hoảng ngoại giao nhãn tiền.
Ban đầu, chính Shevardnadze và Yakolev là những người đề nghị nên nói điều gì đó về Chernobyl. Shevardnadze trích lời Gorbachev đưa ra cách đó mấy ngày về “cởi mở”, trong đó, ông nói rằng: “Chúng ta dứt khoát chống lại những ai đề nghị chỉ cung cấp cho công chúng những thông tin có liều lượng. Không bao giờ có cái gọi là quá nhiều sự thật được!” Quan điểm của Shevardnadze không làm giảm được tình trạng nghịch lý đến khôi hài mà người dự họp đang gặp phải về tính minh bạch trong vụ này.
Rồi ông nói không thể nào bác bỏ vụ Chernobyl được, vì “Đó là sỉ nhục mọi người, một việc làm ngu xuẩn. Làm thế nào để che đậy điều không thể che đậy được? Sao các vị có thể nói rằng làm như thế là vạch áo cho người xem lưng, khi vấn đề ở đây là vấn đề phóng xạ, và nó đã vuột khỏi tầm kiểm soát của chúng ta rồi”. Gorbachev cũng đồng tình, ông nói: “Chúng ta phải đưa ra lời tuyên bố càng sớm càng tốt. Chúng ta không được phép trì hoãn.”
Thế nhưng quân đội và những kẻ bảo thủ không hài lòng trước những tuyên bố vừa kể. Nhiều giờ liền tiếp tục trôi qua và không có gì xảy ra. Mãi đến cuối chiều hôm đó, chỉ có một tuyên bố nhạt nhẽo được đưa ra như sau: “Tin từ Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Liên bang Xô Viết. Một tai nạn đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một trong bốn lò phản ứng đã bị hư hỏng. Các biện pháp đã được triển khai để giảm thiểu hậu quả của tai nạn. Các nạn nhân đang được giúp đỡ. Một Ủy ban Chính phủ đã được thành lập” (Trích biên bản cuộc họp Bộ chính trị Liên Xô ngày 28/4/1986).
Đó là một tuyên bố gần như vô giá trị, đặt ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời. Đúng như dự đoán, khi giới truyền thông thế giới có quá ít thông tin chính thức từ Moscow, và không có phóng viên phương Tây nào được phép đến gần hiện trường, thì những câu chuyện đồn thổi càng lúc nghe càng khủng khiếp. Nhiều tường thuật cho rằng hàng ngàn người đã chết vì vụ nổ, và một số lớn hơn nhiều chết vì phóng xạ ở Ukraina.
Phản ứng ồn ào
Một số lãnh đạo Xô Viết có vẻ lo lắng về những bài báo phương Tây phanh phui vụ việc hơn là lo về đám mây phóng xạ đang hoành hành. Người đứng đầu cơ quan tình báo KGB, ông Viktor Chebrikov, nghĩ rằng có một âm mưu bêu xấu Cộng hòa Liên bang Xô Viết, và ông đề nghị phải dùng những biện pháp truyền thống để xử lý vụ này. Ông báo cáo cho Gorbachev vào ngày 30 tháng 4, bốn ngày sau thảm họa, rằng: “Các biện pháp đã được triển khai... nhằm kiểm soát hành vi của các nhà ngoại giao và phóng viên nước ngoài, hạn chế cơ hội thu thập thông tin của họ về ... Chernobyl và phá vỡ việc họ dùng chúng để đẩy mạnh một chiến dịch chống Xô Viết tại phương Tây”.
Vào ngày thứ Ba, báo Sự thật (Pravda) lần đầu tiên được phép tường trình về thảm họa, nhưng nội dung đã bị kiểm duyệt sát sao và chỉ đưa tin vắn tắt. Báo Sự thật cho biết “18 người đang trong tình trạng nguy cấp”. Cùng ngày, có một báo cáo mật khác gửi về điện Kremlin nói rằng 1.882 người đang được điều trị tại bệnh viện, và 204 người (trong đó có 64 là trẻ em) đang nguy kịch vì nhiễm độc phóng xạ nồng độ cao. Trong vụ này, những người lãnh đạo Liên Xô đang thua dần trên mặt trận tuyên truyền.
Những gì xảy ra ngay sau thảm họa Chernobyl không phải là những giờ phút đáng nhớ nhất của Gorbachev. Ông đã không đến nơi để gặp gỡ và thăm hỏi nạn nhân, hoặc cho thấy là ông đang nắm quyền kiểm soát. Ông cũng chẳng bảo đảm được rằng chính sách cởi mở của ông đang được tuân thủ. Thay vào đó, ông gần như hợp tác để che đậy sự thật với công chúng và thế giới bên ngoài.
Ông đã không tuyên bố gì cho tới ngày thứ 18 sau khi tai họa xảy ra, và ngay cả lúc đó, màn trình diễn của ông cũng mờ nhạt. Ông nói: “Một nỗi bất hạnh lớn lao đã đổ xuống chúng ta” nhưng ông lại giấu giếm quần chúng về con số thương vong và về các nỗ lực nhằm kiểm soát thiệt hại.
Khi ông nói chuyện trên truyền hình vào ngày 18 tháng 5, lõi của lò phản ứng vẫn còn đang bốc cháy, và còn tiếp tục cháy trong ba tuần sau đó. Ông không nhắc đến điều đó, trong khi lại lớn tiếng tấn công phương Tây, với lời lẽ quen thuộc của thời Chiến tranh Lạnh, rằng họ đang tìm cách “hạ nhục Liên bang Xô Viết”... với chiến dịch cố tình chống Xô Viết... với vô số những dối trá. Rõ ràng, những lời này nghe không có vẻ gì là “đổi mới”.
Chernobyl, lỗi hệ thống và Gorbachev
Chernobyl có ảnh hưởng sâu sắc đến Gorbachev. Đó là một cú đánh thảm hại vào sự tín nhiệm của quần chúng dành cho ông, và vào niềm tin của ông dành cho những người cộng sự. Đó là một lời nhắc nhở đầy kịch tính về tình trạng tồi tệ của hệ thống Xô Viết, và thúc đẩy ông càng phải cải tổ mạnh dạn hơn nữa.
Ông xử lý sự cố một cách yếu kém, nhưng ông quyết tâm học tập từ đó. Ông đã bị lừa dối bởi các quan chức tự mãn chỉ chăm lo cho cái ghế của mình. Ba nhân vật chủ chốt lãnh đạo Chernobyl đã bị xét xử và kết án, có bản án lên tới 10 năm tù, vì phán đoán thiếu chính xác, sai lầm và lừa dối trong đêm biến cố xảy ra. Ba người đó là Giám đốc nhà máy Bryukhanov, Phó giám đốc Dyatlov, và Kỹ sữ trưởng Nikolai Fomin.
Nhưng không phải chỉ vài cá nhân mà nguyên cả hệ thống mắc lỗi, như Gorbachev hiểu rõ: nhà máy được vội vã đưa vào sử dụng dưới áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch; những quy tắc an toàn bị bỏ mặc; và những lò phản ứng đều có thiết kế không đạt chuẩn. Một kết cấu bảo vệ bao trùm bằng bê tông và thép xây quanh lò phản ứng, như thường thấy ở các lò phản ứng các nước Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, gần như chắc chắn có khả năng hạn chế vụ nổ. Trong khi đó các lò phản ứng ở Liên Xô lại không có kết cấu bảo vệ này, vì tốn kém nhiều và cần nhiều thời gian để xây dựng. Chernobyl là một thất bại điển hình của cách điều hành kiểu Xô Viết.
Tuy nhiên, ông cũng muốn một số cá nhân khác phải chịu trách nhiệm. Ông đã rất nóng nảy với các cơ quan ban ngành khoa học và với những quan chức đầu ngành hạt nhân, là những người phủi tay không chịu bất cứ trách nhiệm nào liên quan, và cả với quan chức các Bộ Năng lượng và Bộ Đầu tư, những kẻ ông cho là bất tài, vô dụng.
Chín tuần sau vụ nổ, vào ngày 3 tháng 7 năm 1986, ông triệu tập một nhóm khoảng 20 người trong số vừa kể để huấn thị. Và ông đã nói huỵch toẹt ra rằng:
“Suốt 30 năm, các vị nói với chúng tôi rằng mọi thứ đều tuyệt đối an toàn. Các vị muốn chúng tôi nhìn lên quý vị như những vị thần. Đó chính là lý do mọi việc như thế này xảy ra, là lý do mọi việc kết thúc bằng thảm họa.
Chẳng có ai kiểm soát các bộ ngành và trung tâm khoa học. Mọi sự đều nằm trong vòng bí mật... Ngay cả quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở địa phương nào cũng không do lãnh đạo trung ương đưa ra.
Hệ thống bị nhũng nhiễu bởi tinh thần nô lệ, thói liếm gót bợ đỡ, thói che đậy, thiên vị, quản lý theo bè phái. Lại cũng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy các vị rút ra được bài học nào cần thiết. Ngược lại, dường như các vị đang cố che đậy mọi thứ nữa kia...
Chúng ta sẽ phải chấm dứt những tình trạng như thế này. Chúng ta đã thiệt hại quá lớn, không chỉ về kinh tế mà thôi. Đã có thiệt hại về người và sẽ còn nhiều nạn nhân hơn nữa. Chúng ta thiệt hại cả về chính trị. Mọi cố gắng của chúng ta đều thiệt hại. Nền khoa học và kỹ thuật của chúng ta cũng thiệt hại vì những gì xảy ra...
Từ nay trở đi, những gì chúng ta làm sẽ được phơi bày minh bạch trước dân chúng và trước toàn thế giới.
Chúng ta cần có đầy đủ thông tin”.
Ông cũng nói các nhà khoa học và giới quân sự cần được kiểm tra bởi những đơn vị kiểm tra độc lập, và phải học cách để giải trình công việc của mình sao cho hợp lý (Trích biên bản họp Bộ chính trị Liên Xô ngày 3/7/1986).
Chernobyl đã biến đổi Gorbachev trở thành người chủ trương giải trừ hạt nhân hăng hái hơn rất nhiều. Từ đó, một điệp khúc được nhắc tới thường xuyên là: chiến tranh hạt nhân “chắc chắn sẽ tệ hơn Chernobyl gấp ngàn lần”. Một lần nữa ông đẩy mạnh gấp đôi nỗ lực thương lượng nhằm cắt giảm vũ khi với Mỹ.
Một phụ tá của Gorbachev cho biết “Ảnh hưởng của vụ việc (Chernobyl) là sự kiện lớn nhất tính từ cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba đến nay”.
Lần đầu tiên, phần bí mật nhất, bất khả xâm phạm nhất, không thể dò tìm nhất của hệ thống Xô Viết – chương trình hạt nhân của Liên Xô – trở thành mục tiêu của búa rìu dư luận.
Vụ việc cũng ảnh hưởng sâu sắc tới cá nhân ông Gorbachev. Một số quan chức gần gũi với Tổng thống Reagan lúc đó tỏ ra hoài nghi, không biết Gorbachev có dám nhấn nút chiến tranh hạt nhân hay không, dù trong bất kỳ tình huống nào. Một số quân nhân Liên Xô thì biết rõ Gorbachev sẽ chẳng khi nào dám nhấn nút chiến tranh hạt nhân và vì vậy mà một số tỏ thái độ xem thường ông.
Không lâu sau tai họa Chernobyl, Gorbachev dự một cuộc tập trận mô phỏng dưới hầm trú ẩn trong điện Kremlin. Theo kịch bản, tới lúc Liên Xô phải đáp trả một cuộc tấn công giả định của Mỹ. Ông Gorbachev sau này kể lại với một trong các cộng sự của ông rằng: “Trung tâm điều khiển tập trận gửi cho tôi tín hiệu cho thấy: nhiều tên lửa đang bay về phía nước ta, hãy đưa ra quyết định. Vài phút trôi qua. Thông tin tiếp tục dồn dập. Tôi phải ra lệnh tấn công trả đũa. Nhưng tôi đã nói “Không. Tôi sẽ không nhấn nút, dù chỉ với mục đích tập trận””.
T.K.
Đọc thêm!