Nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng, quyết định sự thành, bại của chương trình điện hạt nhân. Nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến 2 vấn đề: sự an toàn của NMĐHN và tính hiệu quả kinh tế của NMĐHN. Việt Nam đã sẵn sàng?
Thế giới chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân thế nào?
Đa số các sự cố hạt nhân đã xảy ra, kể cả ở các nước tiên tiến nhất về kỹ thuật và đào tạo nhân lực ngành hạt nhân, có truyền thống về kỷ luật lao động và văn hóa an toàn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật v.v., có nguyên nhân là do con người. Vì thế, tất cả các nước đều rất coi trọng việc chuẩn bị nhân lực cho chương trình điện hạt nhân, đặc biệt là chọn người đứng đầu để giao việc chủ trì chương trình điện hạt nhân.
Liên xô cũ khi xây dựng NMĐHN đầu tiên đã chỉ định chuyên gia hàng đầu về năng lượng nguyên tử là Viện sĩ Blokhintsev phụ trách. Các nước Trung quốc, Ấn Độ khi xây dựng NMĐHN đầu tiên cũng đã mời các chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử để phụ trách dự án và chỉ bắt đầu từ một lò công suất nhỏ. Nguyên tắc chung là người phụ trách chương trình điện hạt nhân phải là chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử.
Để quản lý an toàn một ngành đặc thù như điện hạt nhân, theo khuyến cáo của IAEA và các nước có điện hạt nhân phát triển, thì các cơ quan pháp quy, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân và cơ quan nghiên cứu, triển khai đều phải có đủ số lượng nhân lực cần thiết.
Thí dụ, cơ quan pháp quy phải tuyển chọn được đủ số lượng nhân lực theo các chuyên ngành ít nhất là 2 năm trước khi phải tiến hành thẩm định các nội dung an toàn hạt nhân có liên quan như thẩm định an toàn lựa chọn địa điểm, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân. Số nhân lực cần phải có và tham gia đánh giá an toàn, lựa chọn địa điểm của NMĐHN của cơ quan này trong 2 năm đầu của giai đoạn tiền khả thi là 16 người; trong 2 năm tiếp theo là 32 người v.v.
Nhân lực quản lý, vận hành cho dự án NMĐHN cụ thể thường được đào tạo trong quá trình xây dựng, đưa nhà máy vào vận hành và thường xuyên được đào tạo lại trong quá trình hoạt động của nhà máy. Số nhân lực cụ thể phụ thuộc vào công nghệ lựa chọn và quy định của từng quốc gia, thường từ khoảng 400 – trên 1000 người cho một lò phản ứng.
Ngoài ra, còn phải có đội ngũ nhân lực hàng nghìn người để xây dựng nhà máy với các tiêu chuẩn đào tạo riêng phù hợp với đặc thù và yêu cầu an toàn của công trình điện hạt nhân.
Một điều cần lưu ý là, do khủng hoảng hạt nhân gần 30 năm qua, hệ thống các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo nhân lực và đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và giáo sư hàng đầu về hạt nhân giảm đáng kể trên khắp thế giới. Đây là một khó khăn lớn cho việc “hồi sinh” ngành điện hạt nhân trong thời gian tới.
Yêu cầu nhân lực cho điện hạt nhân của Việt Nam
Điện hạt nhân là ngành công nghiệp đặc biệt nhạy cảm, có công nghệ phức tạp với yêu cầu an toàn cao (gần như tuyệt đối) và có đòi hỏi đặc thù là nhiều cán bộ có năng lực không thay thế được cho một chuyên gia chất lượng cao đủ sức chủ trì chương trình điện hạt nhân hoặc đảm đương một công đoạn cụ thể.
Chương trình đào tạo nhân lực phải đi trước một bước so với các công tác khác và phải bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý trước khi NMĐHN đi vào vận hành từ 10-15 năm hoặc sớm hơn nữa.
Do tính chất đặc biệt quan trọng tới sự an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, nhân lực cho ngành này phải dựa vào người Việt Nam là chủ yếu và phải là những người được đào tạo đáp ứng nhu cầu về chất lượng (cả về năng lực làm chủ công nghệ, năng lực quản lý và tính kỷ luật, trách nhiệm trong vận hành), đủ về số lượng cho cả chương trình điện hạt nhân nói chung và cho cả các dự án NMĐHN cụ thể.
Trong giai đoạn đầu, chúng ta cần và phải thuê chuyên gia nước ngoài, nhưng dù có thuê thì người Việt Nam vẫn phải đủ năng lực quản lý hoạt động của họ phù hợp với lợi ích của quốc gia, không được để lệ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài.
Nhân lực điện hạt nhân đã sẵn sàng?
Hiện nay, chúng ta mới có một đội ngũ khoảng 600 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực hạt nhân, phần lớn trong các lĩnh vực phi năng lượng (chủ yếu tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt và một số viện nghiên cứu hạt nhân).
Số nhân lực này là rất quý, nhưng xét cho cùng, họ cũng chưa phải là các chuyên gia, kỹ thuật viên về điện hạt nhân và nếu muốn sử dụng họ cho điện hạt nhân thì cũng phải đào tạo lại.
Số làm việc trong lĩnh vực gần với điện hạt nhân chỉ khoảng 30-40 người, phần lớn lại đã cao tuổi. Các chuyên gia đầu ngành về hạt nhân và điện hạt nhân đều đã ở độ tuổi 70, tuy vẫn còn sức khỏe, nhưng đã nghỉ hưu. Vì vậy, họ hầu như không tham gia vào việc xây dựng chương trình điện hạt nhân và dự án NMĐHN Ninh Thuận.
Hiện chúng ta vẫn chưa xác định được số nhân lực thực có cho chương trình điện hạt nhân, cho dự án NMĐHN cụ thể là bao nhiêu; trình độ, năng lực chuyên môn cụ thể thế nào; lĩnh vực nào của chương trình điện hạt nhân còn thiếu nhân lực, thời gian cần thiết để đào tạo là bao nhiêu v.v. ? Các con số thông kê nêu trên chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Nhân lực ngắn hạn theo các nhiệm vụ của từng giai đoạn triển khai dự án xây dựng NMĐHN Ninh Thuận hiện chưa khẳng định được quy mô đào tạo cụ thể, vì chưa có phương án lựa chọn công nghệ áp dụng cho NMĐHN đầu tiên, mà chỉ đưa ra một quy mô theo khuyến cáo của chuyên gia Nhật Bản.
Có thể thấy, chủ đầu tư vẫn còn lúng túng, không có định hướng về chuẩn bị nhân lực cho dự án.
Điều này cũng cho thấy, việc chuẩn bị dự án phải rất đồng bộ mọi nội dung, không thể tùy tiện như Báo cáo đầu tư nêu ra (thí dụ, chưa đặt vấn đề quyết định công nghệ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư).
Có thể khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa sẵn sàng về nhân lực và cũng rất khó chuẩn bị kịp nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai điện hạt nhân vào năm 2020.
Làm gì để chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân?
Ông cha ta đã đúc kết: Một người biết lo bằng cả kho người làm; Sĩ tốt dễ kiếm, tướng giỏi khó tìm. Khó nhất đối với nước ta hiện nay là làm cách nào để có và đưa được chuyên gia đầu ngành phụ trách lĩnh vực đòi hỏi rất cao về học thuật này? Không đổi mới cách tổ chức chỉ đạo và không chọn đúng người để giao việc trọng đại này, chương trình điện hạt nhân chắc chắn sẽ thất bại!
Các chuyên gia đầu ngành về hạt nhân và điện hạt nhân của Việt Nam như GS Phạm Duy Hiển, TSKH Nguyễn Thọ Nhân và một số người khác tuy đã cao tuổi, nhưng rất minh mẫn, nhiều kinh nghiệm và còn sức khỏe tốt. Vấn đề là cần có cơ chế để mời các chuyên gia giỏi tham gia, thậm chí giao phụ trách chương trình điện hạt nhân. Đây là vấn đề phải do cấp Chính phủ quyết định. Chúng ta chỉ nên thực hiện chế độ hưu đối với công chức hành chính, còn đối với các vấn đề chuyên môn, học thuật cao, có thể sử dụng cả những người ngoài 70 đến 80 tuổi.
Để có nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân và NMĐHN, ngay từ bây giờ chúng ta phải gấp rút đào tạo, chuẩn bị cả ba loại nhân lực: cán bộ quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên vận hành nhà máy điện hạt nhân; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân. Ngoài các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, cần đặc biệt chú ý đào tạo về tính chuyên nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và văn hóa an toàn cho những người làm trong ngành điện hạt nhân.
Đây là một việc không hề đơn giản với điều kiện và cách làm của chúng ta hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể của Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình từ năm 2007, đến nay gần 2 năm trôi qua, nhưng đề án đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân trong kế hoạch này vẫn chưa hình thành.
Cơ sở đào tạo ở trong nước không có, các cơ sở đào tạo nêu trong Báo cáo đầu tư về thực chất chưa có chuyên ngành đào tạo trực tiếp cho chương trình điện hạt nhân và cũng chưa sẵn sàng về đội ngũ cán bộ giảng dạy, việc chuẩn bị đòi hỏi phải có thời gian thì mới bảo đảm chất lượng đào tạo.
Trong khi đó chương trình cử người đi đào tạo về điện hạt nhân và an toàn hạt nhân ở nước ngoài chưa khởi động và cũng rất khó tuyển người do chưa có chế độ chính sách phù hợp và thiếu nguồn tuyển.
Giải bài toán đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực như thế nào để phát triển điện hạt nhân cũng là điều cơ quan có trách nhiệm cần báo cáo với Quốc hội khi xem xét phê duyệt chủ trương phát triển điện hạt nhân và đầu tư xây dựng NMĐHN.
Thay cho lời kết
Với loạt bài viết này, tôi không có mong muốn gì hơn là mọi người, nhất là những người có trách nhiệm và có thẩm quyền quyết định chương trình điện hạt nhân, nhìn nhận được một cách toàn diện những khó khăn, thách thức đang đặt ra khi quyết định vấn đề trọng đại này của đất nước.
Nhìn nhận được vấn đề không phải để rút lui, mà để có những quyết định tỉnh táo và thực tế. Biết mình, biết người, biết rõ công việc thì mới có cơ may thành công, không đặt đất nước vào tình thế không còn đường rút.
Một số việc cần làm ngay là phải tổ chức lại bộ máy chuẩn bị chương trình điện hạt nhân quốc gia và lựa chọn lại người để giao trọng trách gánh vác nhiệm vụ.
Tiếp theo là phải đề ra được chiến lược tổng thể phát triển điện hạt nhân, xây dựng và tổ chức thực hiện lộ trình phát triển điện hạt nhân một cách khẩn trương, tuân thủ các thông lệ quốc tế và không thể vội vã, đốt cháy giai đoạn.
Cùng với việc xây dựng dự án NMĐHN, cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng điện khác, thí dụ như hệ thống đường truyền tải điện siêu cao áp và trạm đấu nối (không được dự toán trong Báo cáo đầu tư), nếu không điện hạt nhân làm ra cũng không để làm gì, gây lãng phí.
Tin và mong rằng, biết làm đúng cách, Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ, có điện hạt nhân an toàn và kinh tế ở một thời điểm thích hợp.
Ts. Nguyễn Quốc Anh
Đọc thêm!