Trang

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Sỹ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

Không ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!



Trí thức, anh là ai? (Ảnh minh hoạ)

Trí thức, anh là ai?

Ở nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng.

Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Đặc điểm, tính cách của trí thức Việt Nam là gì? Vai trò và trách nhiệm của trí thức trước vận mệnh của dân tộc ta trong thời đại mới – thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập toàn cầu, là như thế nào?

Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc và lý thú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới – hội nhập – phát triển. Để đi đến đồng thuận chắc cần phải có thời gian. Ở đây chúng tôi chỉ xin đặt vấn đề và gợi mở, mong các bạn đọc cùng chia sẻ.

Ai là trí thức? Đã từ lâu ở nước ta đã tồn tại một khái niệm đơn giản: Những người lao động trí óc là trí thức, chỉ cốt để phân biệt với những người lao động chân tay như công nhân và nông dân. Một quan niệm bớt đơn giản hơn một chút thì cho rằng hễ có trình độ học vấn từ cấp cao đẳng, đại học trở lên là trí thức.

Thật ra ngay từ khi từ “tầng lớp trí thức" (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19 [1], và sau đó là từ “người trí thức” (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871) [2], đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc.

Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người: “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. [3]

Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: 
-Tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc/và văn hóa; 
- Sáng tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hóa; 
- Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 
- Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Sỹ phu, trí thức nước nhà xưa và nay
Sĩ tử đứng chờ xướng danh Tân khoa

Quan niệm về trí thức trên đây là phổ quát đến với các xã hội văn minh cận, hiện đại. Riêng ở nước ta, từ khi có lịch sử thành văn cho đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, quan niệm này có lẽ chỉ thích hợp trong một giai đoạn phát triển ngắn ngủi, từ đầu đến giữa thế kỷ 20, khi xuất hiện tình huống giới trí thức mới (dùng chữ quốc ngữ) có cơ hội trở thành một tầng lớp xã hội khá độc lập với chính quyền về hoạt động nghề nghiệp và chính kiến. Ngoài giai đoạn này, chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.

Thường ở ta trí thức được gán một cách không đúng cho những người gọi là “có học”, chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam ở buổi đầu công nguyên từ khi nhà Hán du nhập Nho giáo vào Việt Nam với mục đích giáo hóa và đào tạo quan lại bản xứ.

Sau khi giành được độc lập vào năm 939 các triều đại phong kiến ngày càng tôn sùng Nho giáo; và đến đời nhà Trần (thế kỷ 13) thì Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng chính thống cho đến hết các triều Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Suốt gần một nghìn năm ấy chỉ có một thứ được dậy và được học (một cách có hệ thống) là Nho giáo (khác với sự chuyên biệt hạn hẹp của Phật giáo và Đạo giáo).

Các Nho sỹ sau khi đỗ đạt sẽ được bổ nhiệm làm các quan lớn, nhỏ trong hệ thống cai trị của Nhà nước phong kiến. Các Nho sỹ thi trượt thì trở lại làng quê vừa dạy “chữ thánh hiền” như một kế sinh nhai, vừa “dùi mài kinh sử” đợi kỳ thi sau, đợi được đi làm quan để “cả họ được nhờ”!

Cái cơ hội “đổi đời” dường như duy nhất ấy đã tạo ra, một mặt là cái mà chúng ta vẫn thường tự ca ngợi là truyền thống hiếu học của dân ta, mặt khác, quan trọng hơn đã tạo nên sự lệ thuộc đến nô dịch của những người “có học” vào Nhà nước phong kiến.

Và do đó, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các sĩ phu là những người “có học” có danh tiếng của các thời đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò chính thống” mà thôi - họ không hẳn là người trí thức, hoặc tầng lớp trí thức.

Đến giữa thế kỷ 19 cùng với sự hèn yếu của Triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sỹ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sỹ phu tiến bộ có đầu óc canh tân - tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20.

Những nhân vật điển hình có thể kể đến là Vũ Tông Phan (1800 - 1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828 -1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852 - 1895); Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890); Phạm Phú Thứ (1820 - 1883)v.v...

Đấy chính là những sỹ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dù là theo đường lối bạo lực như các phong trào Cần vương (Phan Đình Phùng, 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867-1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872-1920) và Đông kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854-1927).

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự suy tàn của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ thực dân cua Pháp trên cả nước, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và Khoa học - Kỹ thuật phương tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa.

Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sỹ phu - trí thức bao gồm các nho sỹ cách tân (Huỳnh Thúc Kháng, 1876-1947; Trần Quý Cáp, 1870-1908; Đào Nguyên Phổ, 1861-1907 v.v...), và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp (Phan Khôi,1887-1960; Nguyễn Văn Vĩnh,1882-1936; Phạm Quỳnh, 1892-1945,v.v...). Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.
Sĩ phu, trí thức Việt Nam xưa
(Ảnh nguồn: Từ bộ sưu tập ảnh "Việt Nam xưa" trên blog GlassMouse)

Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ càng ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là những người hành nghề tự do như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ và nghệ sỹ....

Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp trí thức mới, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội, chẳng hạn Trí Tri, Khai trí Tiến đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực Văn đoàn v.v...Là các báo hoặc tạp chí, chẳng hạn Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa học v.v...Hay các Nhà xuất bản, chẳng hạn Nam Kỳ, Tân Dân v.v...

Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến năm 1945 khi cách mạng tháng 8 thành công. Sau đó là một thời kỳ phát triển đặc biệt của tầng lớp trí thức Việt Nam mà chắc là còn phải tốn nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một cách nghiêm túc và đánh giá một cách khách quan vị trí và vai trò của họ trong xã hội.

Ngày nay trong cụm từ “Liên minh Công – Nông – Trí” tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ “trí” để chỉ những người lao động trí óc (kỹ sư, bác sỹ, nhà văn, họa sỹ, v.v.) chứ không phải là trí thức theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. Nước ta có hai tổ chức được coi (gần như mặc nhiên) là các hội của giới trí thức, đó là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam.

Thật ra không hoàn toàn như vậy. Đó thực chất là các hội của những người thực hành chuyên môn của mình chủ yếu bằng trí óc. Trong số rất đông đó chỉ có một số là trí thức thực thụ mà thôi. “Một số” này đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp trí thức với đúng nghĩa của nó hay chưa vẫn còn là một vấn đề cần được thảo luận.

Tuy nhiên tạm thời chúng ta có thể nhất trí với nhau rằng “một số” khá đông này là tầng lớp trí thức của nước ta. Tầng lớp này ngày càng rõ nét và mạnh dần lên cùng với quá trình đổi mới của Đất nước.
Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng.

Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v. Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Tôi đã từng nghe ông K.G. nói đến tính cách “phò chính thống”; bà P.T.H. nói đến tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”.

Có nhiều người nói là tính cách “tùy thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới trí thức Việt Nam chính là ở chỗ này! Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm!

Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét. Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của Sỹ phu – Trí thức nước nhà” [4] Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước giòng nước xiết, can đảm thoái lui).

Thế nhưng gianh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “tự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phẩm tính gì?

Ngày nay, khi đất nước ta đang bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu thì vai trò và trách nhiệm của tầng lớp trí thức càng quan trọng và nặng nề hơn. Đổi mới càng sâu sắc và toàn diện càng đòi hỏi phải đổi mới tư duy triệt để; muốn vậy phải có tầm trí tuệ rất cao. Tầm trí tuệ cao ấy phải có sự can dự của tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc.

Toàn cầu hóa buộc chúng ta phải hội nhập một cách ngang tầm trong mọi lĩnh vực. Trí thức Việt Nam cũng phải phấn đấu để có thể ngang tầm với tầng lớp trí thức của các nước tiên tiến khác. Điều đó thật không dễ dàng nếu chúng ta thẳng thắn và dũng cảm nhìn vào thực trạng đội ngũ trí thức nước nhà. Không ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!
Chu Hảo
-------------------
Ghi chú:
(1) Dimitri Likhachev, Phẩm tính trí thức, Bản dịch và chú thích của La Thành, Talawas 2007.
(2) Cao Huy Thuần, Thế giới quanh ta, Nhà xuất bản Đà Nẵng 2006, xem trích dẫn
(3) –nt-
(4) Vũ Thế Khôi, Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn – Một cội nguồn văn hóa xã hội sâu xa của phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục, Hội thảo về Đông Kinh nghĩa thục, Aix-en-Provence (Pháp) 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét