Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Bệnh viện thi đua

Việc các bệnh viện khoán chỉ tiêu cho các phòng, khoa khiến không khí thi đua vô cùng nô nức. Nhiều khẩu hiệu được giăng ngang dọc, thể hiện quyết tâm của từng bộ phận.
“Tróc vẩy trầy vi đều đi cấp cứu!”, bộ phận cấp cứu hiên ngang, bất luận là đứt tay hay đổ ruột.
“Trẻ ho cũng cho khám não!”, khoa thần kinh dứt khoát..

Khoa xét nghiệm dịu dàng hơn: ”Xét nghiệm mỗi ngày, đổi thay cuộc sống”, giống kiểu người ta quảng cáo cho máy lạnh.
Có câu đanh thép, có câu êm ái. Phòng phòng, khoa khoa nô nức, từ ngoại thần kinh đến nội nhi, ung bướu... Nhưng một số bộ phận cũng loay hoay mãi.
Phòng kế hoạch hóa gia đình ban đầu đưa câu “Thắt ống dẫn tinh hai mình thoải mái” nhưng sau đó được sửa lại cho có tính bình đẳng giới hơn:”Vợ đặt chồng thắt, dù Bắc hay Nam”. Ý nói là triển khai cả toàn quốc và phù hợp với mọi người, bất luận tư chất, khí chất, thể chất!
Bộ phận nhà xác họp với nhau đến ngày thứ bảy mới đưa ra được khẩu hiệu thi đua của mình: "Không cần ngưng thở cũng chở vào đây!”. Khẩu hiệu này được chọn và treo ở một nơi kín đáo mặc dù cũng có một khẩu hiệu khác được đưa ra thảo luận nhưng bị các phòng ban khác phản đối: "Vào đến đây nghĩ ngay nhà xác!”.
Một số đơn vị ngoài ngành hay tin việc thi đua rộn rã của các bệnh viện đã rục rịch đến tham quan, học hỏi, không chỉ là các công ty dược mà còn cả lãnh đạo các... nghĩa địa!
Đọc thêm!

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Tặng nhau cái bánh lúc thảm họa và giành nhau hàng cứu trợ!

Động đất ở Nhật Bản đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Nước Nhật trải qua thảm hoạ lớn nhất từ thế chiến lần thứ II đến nay. Báo chí toàn thế giới đưa đậm về thảm hoạ này, với nhận xét “người Nhật chỉ có một tài nguyên duy nhất để phát triển thành siêu cường: Con người”.



Sau thảm họa, dù rất đói khát nhưng người Nhật vẫn giữ được sự bình tĩnh và ý thức cộng đồng. Trong ảnh là người dân ở thành phố Koriyama xếp hàng dài đợi đến lượt lấy nước sạch.Ảnh:

Động đất cực lớn nhưng người Nhật không hoảng loạn, mất bình tĩnh. Trên các trang truyền thông lớn như CNN, BBC… và báo chí Việt Nam nói người Nhật thứ tự ra khỏi các toà nhà đang run lên bần bật một cách trật tự. Không có cảnh la hét, hoặc gây gổ, giẫm đạp lên nhau.
AFP dẫn lời giáo sư đại học Harvard, Joseph Nye nhận xét rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên. Quyền lực mềm, theo giáo sư Nye, là thuật ngữ ông dùng để mô tả cách mà các quốc gia đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến nước khác ngưỡng mộ.
Ông nhận xét: "Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự".
Đến hôm nay ngày 15.3, đã qua nhiều ngày, nước Nhật đối mặt với thảm hoạ, khó khăn vô biên nhưng chưa thấy bản tin nào nói về sự hôi của, cướp bóc. Một cuộc khủng hoảng lớn của thiên tai, xoả sổ nhiều khu dân cư, nhưng người Nhật vẫn trật tự, họ biết liên kết lại để vượt qua khó khăn.
Cũng như trước đây, người Nhật từng bước ra khỏi thế chiến thứ II với tư thế thua trận, nhưng họ đã liên kết lại để xây dựng đất nước mặt trời mọc thành siêu cường. Nước Nhật đã đưa các chương trình thảm hoạ vào trường học, dạy kỹ năng ứng phó với động đất, núi lửa, sóng thần. Ứng xử với nhau trật tự, văn minh, ngay cả lúc cận kề giữa sống và chết.
Sự bình tĩnh của từng người dân trong thảm hoạ đã giúp ít rất nhiều cho việc cứu trợ. Ảnh: AFP
Người Nhật dạy công dân của mình rằng đất nước không có tài nguyên nào lớn hơn ngoài con người, và họ phải dùng trí tuệ để đưa đất nước phát triển chứ không phải bám vào “rừng vàng, biển bạc”. Công dân bình tĩnh xếp hàng nhận cứu tế của nhà nước trật tự, không chen lấn xô đẩy. Báo chí dẫn lời một du học sinh nói: “Tôi đang đi bộ về nơi trú tạm thì một phụ nữ gọi tôi lại và tặng tôi một cái bánh, mặc dù cửa hàng của chị vừa phải đóng cửa vì thảm họa động đất và sóng thần”.
Nhìn lại chúng ta, trận lũ lịch sử năm 2010 ở miền Trung đi qua, nhiều đoàn cứu trợ được triển khai. Cứ tưởng sau thiên tai mọi người sẽ liên kết để vượt qua khó khăn, nhưng đã có nơi này, nơi kia xảy ra hiện tượng tranh giành hàng cứu trợ, sau đó là kiện cáo, tố nhau nhận nhiều nhận ít. Thậm chí có cả chuyện hiệu trưởng một trường học cũng “cướp” tiền cứu trợ của học sinh để may váy đã diễn ra ở Hà Tĩnh.
Bao nhiêu hội cứu tế ở Nhật được lập ra để ứng cứu tình nguyện, nhiệt tình, thì ở ta lại có đoàn cứu trợ lại phát biểu kỳ quái: “Của tôi, tôi ưa cho ai là quyền tôi”.
Người Nhật dạy dỗ nhau không được nói dối, nói dối như quốc nhục, và họ đã thành công. Chính sự liêm chính đã đưa nước Nhật hùng mạnh, ít tham nhũng.
Chúng ta cũng là đất nước thiên tai, nhưng mấy chục năm nay có dạy học sinh thuần thục các kỹ năng ứng phó với mưa bão, lũ lụt?
Chúng ta có bình tĩnh xếp hàng trước các đoàn cứu trợ?
Trận động đất lớn đến 9 độ Richter khiến nước Nhật mất đi hàng trăm tỉ USD nhưng nước Nhật lại nhận được sự liên kết mạnh mẽ của dân tộc họ. Và thế giới sẽ chứng kiến một sự hồi sinh kỳ diệu từ ý chí của người Nhật. Quốc tế giúp đỡ trước mắt, sau đó người Nhật phải làm lại mọi thứ.
Người Nhật đã chuẩn bị tinh thần từ công dân nhỏ bé đến người đứng đầu Chính phủ từ hàng thập niên qua để đối đầu với các thảm hoạ lớn nhất thế giới. Và điều quan trọng nữa, dù thiệt hại lớn về kinh tế, nước Nhật vẫn chưa tuyên bố rút lại các giá trị tài trợ cho cộng đồng các đất nước mà họ đang giúp đỡ. Có lẽ bởi giá trị Nhật không bội tín với lời hứa của mình!
Nhìn vào trận động đất 9 độ Richter, ý chí người Nhật lại lớn hơn cả 9 độ và sóng thần 10m. Một ý chí liên kết xuất phát từ tinh thần samurai tốt cần học hỏi để chấn hưng tinh thần chúng ta.
Tôi cúi đầu thán phục những người bạn Nhật.
Đọc thêm!

BẢN TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN

Liên Hiệp Quốc – 10/12/1948


Xét rằng: Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.

Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.

Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.

Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, trong các dân tộc của các nước thành viên, và ngay cả trong những người dân sống trên các phần đất thuộc quyền cai quản của các nước đó.
Điều 1: Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.
Điều 2: Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.
Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Điều 4: Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm.
Điều 5: Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.
Điều 6: Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách con người của mình trước pháp luật.
Điều 7: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.
Điều 8: Mọi người đều có quyền được bảo vệ và bênh vực bởi các cơ quan tư pháp quốc gia có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quyền căn bản, do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.
Điều 9: Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.
Điều 10: Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.
Điều 11: khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự. Không ai có thể bị kết án khi có những hành động hay sơ suất xảy ra vào lúc mà luật pháp của quốc gia hay quốc tế không qui định đó là một hành vi phạm pháp. Tương tự như vậy, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt được ấn định vào lúc hành vi phạm pháp xảy ra.
Điều 12: Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.
Điều 13: Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở.
Điều 14: Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác. Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Điều 15: Mọi người đều có quyền có quốc tịch. Không một ai bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch, một cách độc đoán.
Điều 16: Nam và nữ trong tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và lúc ly hôn. Hôn nhân chỉ có thể tiến hành khi cả hai đều được tự do quyết định và đồng ý thật sự. Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và được quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.
Điều 17: Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Điều 18: Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.
Điều 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.
Điều 20: Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa. Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể.
Điều 21: Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do. Mọi người đều có quyền đón nhận những dịch vụ công cộng của quốc gia một cách bình đẳng. Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.
Điều 22: Vì là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền an ninh xã hội, qua các cố gắng của quốc gia và hợp tác quốc tế, dựa theo phương cách tổ chức và tài nguyên của mỗi nước. Quyền này được đặt trên căn bản của sự thụ hưởng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, cần thiết cho nhân phẩm và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.
Điều 23: Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp. Mọi người, không vì lý do kỳ thị nào, đều có quyền được hưởng lương bổng như nhau cho cùng một công việc. Mọi người làm việc đều được quyền hưởng thù lao một cách công bằng và thích hợp, khả dĩ bảo đảm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, cũng như được trợ giúp nếu cần, qua các phương thức bảo vệ xã hội khác. Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Điều 24: Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc, và các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Điều 25: Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền an sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, góa bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình. Các bà mẹ và trẻ con phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.
Điều 26: Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng. Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình. Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con cái mình.
Điều 27: Mọi người đều có quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thưởng thức các bộ môn nghệ thuật, và cùng chia xẻ các tiến bộ khoa học cũng như các lợi ích của khoa học. Mọi người đều có quyền được bảo vệ về tác quyền, trên bình diện tinh thần cũng như quyền lợi vật chất, đối với các tác phẩm khoa học, văn chương, hay nghệ thuật.
Điều 28: Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.
Điều 29: Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình. Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Điều 30: Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.
Đọc thêm!

Ý Nghĩa Lá Cờ Phật Giáo

I. NGUỒN GỐC: Người phát họa ra lá cờ Phật Giáo Thế Giới là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 2-8-1832 tại New Jersey, Hoa Kỳ và mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, Ấn Độ.

Ông nguyên là Đại Tá Hải Quân của Quân Đội Hoa Kỳ. Khoảng năm 1875, ông chưa hề học hỏi về giáo lý nhà Phật, nhưng khi cơ duyên đã tới, ông là phóng viên của tờ báo The New-York Daily Graphic, đã giao cho ông nhiệm vụ gặp một phụ nữ người Nga tên là Helena Petrovna Blavatsky (1831-1891), để viết bài về trường hợp bà nầy có những sự kiện huyền bí. Tại nông trại của Eddys ở New-York, hai người đã gặp nhau, từ đó bà Blavatsky đã hướng dẫn ông trên con đường đạo.

Bà H.P. Blavatsky, ông H.S. Olcott, ông W. Q. Judge là những người đã thành lập Hội Thông Thiên Học Mỹ Quốc ngày 17-11-1875, nay trở thành Hội Thông Thiên Học Quốc Tế, có 60 nước hội viên và trụ sở đặt tại Adgar, Ấn Độ.

Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo Tích Lan, từ đó nhà Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott, đã khôi phục nền Phật Giáo Ấn Độ ngày 21-1-1891, và cũng từ đó dần dần Phật Giáo truyền bá sang phương Tây, rồi lan tràn khắp thế giới.

Ông và bà Blavatsky thọ trì tam quy, ngũ giới với Thượng Tọa Bulatgama tại chùa Wijayananda có sự hiện diện của hàng ngàn chư Tăng, Ni, Phật Tử và gây xúc động mạnh mẻ cho những Phật Tử đã chứng kiến, vì đây là lần đầu tiên Giáo Hội Tăng Già Tích Lan làm lễ quy y cho hai người Phật Tử Âu Mỹ.

Sự nghiệp truyền bá và chấn hưng Phật Giáo của ông không thể nói hết trong khuôn khổ bài nầy. Ông đã tổ chức những trường học Phật Giáo khắp xứ sở Tích Lan, từ thành thị tới thôn quê hẻo lánh.

Số trường học lúc ban đầu chỉ có 46 trường (năm 1897) và 6 năm sau (1903), số trường học đã lên đến 174 trường, và đến năm 1940 đã có 429 trường, trong đó có 12 Trường Trung học được chính phủ tài trợ . Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật Giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ.

Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala, Tích Lan, phỏng theo sáu mầu hào quang của Đức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và mầu tổng hợp của năm mầu này), đã phác họa ra mẫu cờ Phật Giáo.

Về ý nghĩa, ông phát biểu như sau : "Nó có thể được các quốc gia Phật Giáo chấp nhận như một biểu tượng quốc tế cho tín ngưỡng của họ, giống như cây thánh giá đối với tín đồ Thiên chúa giáo ."

Lá cờ này được Tích Lan công nhận và treo tại các chùa ở xứ này trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889, và 61 năm sau, tại Đại hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên, tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan, từ ngày 25-5-1950 đến 8-6-1950 có 26 nước tham dự (1), phái đoàn Phật Giáo Việt Nam do Thượng Tọa Tố Liên, Trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội làm đại biểu (2), Hội nghị đã thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists), và chọn lá cờ Phật Giáo Tích Lan làm cờ Phật Giáo Thế Giới.

Đến ngày 6-5-1951, tại chùa Từ Đàm, cố đô Huế, một Đại Hội Phật Giáo ba miền Bắc Trung Nam, gồm 51 đại biểu Tăng già và cư sĩ, sau 4 ngày họp, đã thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Trong dịp nầy, Thượng Tọa Tố Liên đã tặng Đại Hội lá cờ Phật Giáo Thế Giới, và đại hội đã chấp nhận lá cờ nầy cũng là cờ Phật Giáo Việt Nam.

Bằng một tâm hồn thiết tha với Đạo Pháp, ròng rã suốt 38 năm, Phật tử Henry Steel Olcott đã dùng quãng đời quí báu của mình, để phục vụ tha nhân và ông mất ngày 17-2-1907 tại Adgar, quê hương Đức Phật. Lúc đó ông 75 tuổi.

II. Ý NGHĨA CỦA LÀ CỜ PHẬT GIÁO
Cờ Phật Giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của PhậtTử trên toàn thế giới. Cờ Phật Giáo còn tượng trưng cho niềm Chánh tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật .

Ngoài ra, cờ Phật Giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Đạo Pháp và dân tộc.

Năm sắc theo chiều dọc : Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật.

Năm sắc theo chiều ngang ( chiếm diện tích 1/6 lá cờ ) là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của màu sắc phân biệt là :

1.- Xanh đậm : Tượng trưng cho Định căn. Màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt .

2.- Vàng lợt : Tượng trưng cho Niệm căn, vì có Chánh Niệm mới sanh Định và phát Huệ.

3.- Đỏ : Tượng trưng cho Tinh Tấn căn. Có tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh .

4.- Trắng : Tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển, và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sanh ra muôn hạnh lành.

5.- Da cam : Tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Định đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sanh.

6.- Màu tổng hợp : Tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

II. KẾT LUẬN:
Là Phật Tử, chúng ta luôn luôn tôn trọng và bảo vệ lá cờ Phật Giáo, vì trên hết, nó tượng trưng cho Phật Giáo, và cho tinh thần đoàn kết, bất phân biệt của tín đồ Phật Giáo trên toàn thế giới .

Ghi chú :
(1) 26 nước tham dự Đại Hội và trở nên Hội viên sáng lập Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới là : Anh, Ấn Độ, Bhutan, Đức, Hawai, Hong Kong, Kampuchea, Lào, Mã Lai, Miến Điện, Mỹ, Na Uy, Nam Dương, Nhật Bản, Nepal, Pháp, Phi Luật Tân, Sikkim, Tân Gia Ba, Tây Tạng, Thái Lan, Thụy Điển, Tích Lan, Triều Tiên, Trung Hoa và Việt Nam.

(2) Phái đoàn Việt Nam chỉ có 2 người: Thượng Tọa Tố Liên -- đại biểu chánh thức, và ông Phạm Chữ -- công chức Bộ Ngoại Giao Quốc Gia Việt Nam, tháp tùng theo làm Thông dịch viên.
Đọc thêm!