Trang

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Hành trình vào vùng đất chết - Kỳ 4 - Lũ cá khổng lồ và thành phố ma


Trên cây cầu đường sắt bắc qua con kênh trong khuôn viên Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, chúng tôi ném bánh mì cho lũ cá tra khổng lồ.
Buổi trưa, nhóm chúng tôi ghé thăm tượng đài lính cứu hỏa ở thị xã Chernobyl. Họ là những người đã xả thân để khống chế sự bùng phát của ngọn lửa và bụi phóng xạ trong thảm họa năm 1986. Tôi nhớ mình từng được đọc những lời kể của họ. Anh lái xe Grigorii Khmel hồi tưởng: “Chúng tôi không biết nhiều về phóng xạ. Ngay cả những người làm việc ở nhà máy cũng thế… Vashchik, Kolya và Volodya Pravik dùng thang để leo lên mái… và tôi không bao giờ gặp lại họ nữa”. Lúc tới thăm Bảo tàng Chernobyl ở Kiev, tôi đã được xem một đoạn phim xúc động đến bàng hoàng. Chỉ trong khoảng 20 giây, đoạn phim quay cảnh một chiếc trực thăng Mi-8 bay qua đỉnh tháp của lò phản ứng số 4, đổ hóa chất xuống để khống chế phóng xạ. Một tích tắc sau, cánh quạt chính rồi đến đuôi máy bay va phải cần trục bên cạnh lò phản ứng, máy bay rơi xuống, tất cả tổ bay 4 người thiệt mạng.


 
Chiếc đu quay này chưa kịp đón một vị khách nào thì đã bị bỏ hoang cùng TP.Prypiat 
- Ảnh: Đỗ Hùng
Những người xả thân ngày ấy giờ đã được phong anh hùng, được dựng tượng, thậm chí được phong thánh. “Không ai bị lãng quên và không điều gì bị lãng quên”, lời của nữ sĩ Olga Berggolts mà tôi bắt gặp ở tượng đài hôm ấy, thật không thể quên được.
Lũ cá khổng lồ
Chúng tôi rời thị xã Chernobyl, sau chốc lát đã trông thấy những tháp cao vượt lên những vạt rừng xanh. Anh hướng dẫn viên Mark giới thiệu: “Phía trái là lò phản ứng số 4, nơi sự cố xảy ra”. Tôi nhìn theo hướng tay Mark chỉ, thấy một khối bê tông và sắt thép xám xịt, bạc màu thời gian. Không thể ngờ cái công trình đơn sơ này lại là nơi phát xuất của thảm họa kinh khiếp nhất trong lịch sử hạt nhân dân dụng. Sau 26 năm, nơi đây vẫn là nguồn phát sinh phóng xạ nguy hiểm và mối đe dọa sẽ vẫn còn tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa. Nhằm kiểm soát nguy cơ, chính phủ Ukraine đã vận động tài chính để xây một “quan tài” khổng lồ, phong tỏa lò phản ứng số 4. Sau nhiều lần trì hoãn, hiện Công ty Novarka của Pháp đang xúc tiến những bước đầu tiên để triển khai dự án ước tính tốn kém 1,54 tỉ euro này.
Mark dẫn chúng tôi đến cây cầu đường sắt bắc qua kênh đào trong khuôn viên Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nước dưới cầu trong vắt, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Đến lúc này chàng trai trẻ mới lôi bọc bánh mì ra và chia cho mỗi người một ít: “Chúng ta cùng cho cá ăn”. Chúng tôi ném bánh mì cho lũ cá, từ dưới lòng nước sâu, những con cá khổng lồ xuất hiện. Chúng thuộc bộ cá da trơn có râu. Tôi thấy trước đây người ta đồn rằng lũ cá ở đây dài tới 4-5 mét, nhưng hôm ấy tôi thấy chúng lớn bằng đứa bé 10 tuổi là cùng. Mark bảo: “Anh thấy không, cá vẫn sống khỏe dưới dòng nước này”. Tôi nghi ngờ khái niệm “khỏe” của Mark, bởi khả năng khu vực này (bao gồm đất, nước, không khí...) nhiễm xạ là rất cao. Có lẽ lâu ngày không có ai giết thịt nên lũ cá mới lớn đến thế, nhưng lớn chưa hẳn đã khỏe, tôi nghĩ bụng. Còn anh chàng Thụy Điển đồng hành thì nửa đùa nửa thật: “Có khi chúng bị nhiễm xạ nên mới lớn đến thế”. Không thể khẳng định dễ dàng như vậy, nhưng các cuộc kiểm tra trước đây từng cho thấy cá ở khu vực Chernobyl có tồn dư phóng xạ.
Prypiat đã chết
Tôi đứng rất lâu trước chiếc đu quay ấy. Chiếc đu quay cỡ trung, với khung sắt đã gỉ sét, bậc tam cấp mục nát, duy chỉ có những chiếc lồng thì vẫn giữ được màu vàng. Quanh chiếc đu quay, có thể nhận ra khu trò chơi xe điện, với lũ xe dúm dó, hộp điều khiển vỡ toác ra, những công tắc gãy vụn. Chiếc đu quay này nằm ở trung tâm Prypiat, thành phố đã chết cùng với thảm họa hạt nhân Chernobyl. Trong những ngày tươi sáng giữa thập niên 1980, người ta đã xây một công viên giải trí dành cho thiếu nhi, với chiếc đu quay là tâm điểm. Thế rồi, vụ cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân cách đó vài cây số xảy ra, và chiếc đu quay đã không kịp đón một vị khách trẻ tuổi nào trước khi bị bỏ quên vĩnh viễn.

http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/quote1.gif;pv9fd2aab5433eefcc
Tất cả đều hoang tàn. Điện hạt nhân có thể là một phép màu, nhưng ở đây nó là thảm họa
http://www.thanhnien.com.vn/PublishingImages/img-thanhnien/quote2.gif;pv337a7fb6f27ef78c
Eryk Larsson
Không chỉ chiếc đu quay, cả thành phố Prypiat cũng bị bỏ hoang. Đô thị hiện đại mang tên dòng sông chảy qua khu vực này được xây dựng vào đầu thập niên 1970 để làm chỗ ở cho lực lượng nhân công nhà máy điện hạt nhân và gia đình của họ. Vào thời hoàng kim giữa thập niên 1980, Prypiat có tới 50.000 dân, hơn 20 trường học, 1 ga xe lửa, 167 xe buýt…
Sự phồn hoa của Prypiat chấm dứt vào rạng sáng 26.4.1986, khi lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân nổ tung. Một lượng lớn bụi phóng xạ phủ lên thành phố. Gần như ngay lập tức, người dân được lệnh sơ tán. Họ bỏ lại tất cả đồ đạc; phích cắm ti vi vẫn còn trong ổ, tủ áo quần chưa kịp khóa, chảo vẫn còn để trên bếp… Họ chỉ mang theo áo quần và hành lý xách tay, bởi lúc bấy giờ tất cả được thông báo sẽ trở về nhà sau 3 hoặc 4 ngày. Nhưng rồi họ không bao giờ có thể trở lại nơi chốn thân thương ấy. Không chỉ những người chết do ảnh hưởng của phóng xạ, do bệnh tật, tuổi già, mà tất cả cư dân Prypiat thuở xưa đều không thể trở về. Họ được tái định cư ở những nơi chốn mới. Prypiat hiện đại năm xưa trở thành thành phố ma.
Khi chúng tôi đến Prypiat vào buổi chiều một ngày đầu tháng 7 này, những tòa chung cư cao tầng đã bị cây cối bủa vây; những con đường thênh thang một thời, như đại lộ Lenin, phố Hữu nghị Quốc tế, đường Anh hùng Stalingrad… giờ chỉ còn là lối đi len lỏi dưới cây rừng. Hơn 26 năm đã trôi qua, cây cối mặc sức tung hoành trước sự vắng bóng của con người.
Chúng tôi chỉ được phép vào một số nhà, bởi rất nhiều tòa nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chàng hướng dẫn viên Mark kể: “Dù chính quyền áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt, nhưng thời gian qua, nhiều người vẫn lẻn về đây để khuân đồ. Điều đó là rất nguy hiểm, bởi không thể biết được những đồ vật kia có bị nhiễm phóng xạ hay không”.
Chui ra khỏi một khu thể thao dưới nước, với đáy hồ khô nứt nẻ, chúng tôi đi dọc “đại lộ” Lenin. Giữa um tùm cây cối, tôi bắt gặp những cột đèn đường đã tắt từ lâu, trên thân cột có gắn những ngôi sao và búa liềm Xô Viết. Những ngôi sao từng một thời rực sáng dưới ánh đèn nê ông, giờ đây đang gỉ sét, lụi tàn cùng một Prypiat đang hóa thành cát bụi.
Giữa buổi chiều nắng gắt, anh bạn đồng hành Eryk Larsson nói với tôi: “Tất cả đều hoang tàn. Điện hạt nhân có thể là một phép màu, nhưng ở đây nó là thảm họa”. Vâng, ở Prypiat và ở Chernobyl trong ngày hôm ấy, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh bàng hoàng của thảm họa có tên gọi hạt nhân.
Đỗ Hùng
Đọc thêm!

Hành trình vào vùng đất chết - Kỳ 3 - Nơi giáo đường vắng


Một giáo đường nhỏ với một phụ nữ già coi sóc. Nhà thờ Thánh Elijah là chỗ dựa tâm linh của những người làm việc tại Chernobyl.
Sau trạm kiểm soát thứ 2, thị xã Chernobyl hiện ra trước mặt chúng tôi. Đó là một nơi bình yên, với nhiều cây xanh, những con phố nhỏ và vô số nhà bỏ hoang, vốn từng là nhà của người dân, công nhân làm việc tại nhà máy điện hạt nhân cách đấy gần 20 km về phía tây bắc. Sau thảm họa 1986, tất cả đã được sơ tán, nhường những ngôi biệt thự, tòa chung cư, nhà biệt lập và hàng quán cho cây cỏ.
Chernobyl hôm nay không hẳn là một thành phố ma. Thi thoảng, chúng tôi gặp những người đạp xe, đi bộ trên những con đường rợp bóng bạch dương; hay một vài người thấp thoáng trong những ngôi nhà cũ. “Họ là công nhân. Có khoảng 2.000 người đang làm việc trong khu phong tỏa, một số ở lại qua đêm, số khác đi về hằng ngày. Một cách chính thức thì ở đây không có dân cư thông thường”, chàng hướng dẫn viên tên Mark giải thích.
Tiếng chuông ban trưa
Băng qua quảng trường có tượng đài Lenin màu trắng, chúng tôi tới trước cổng một nhà thờ Chính thống giáo. “Đây là cơ sở tôn giáo duy nhất còn hoạt động tại Chernobyl”, Mark bảo thế, trong khi gọi cổng. Mở cổng cho chúng tôi là một phụ nữ ngoài 50, dáng đẫy đà.
Giáo đường duy nhất còn hoạt động tại khu vực Chernobyl - Ảnh: Đỗ Hùng

Ngôi nhà thờ nhỏ nằm trong khuôn viên rộng và đầy hoa này có một lịch sử đáng tự hào nhưng cũng lắm bể dâu. Giáo đường Thánh Elijah được xây từ thế kỷ 16, đã nhiều lần bị phá hủy vì chiến tranh và hỏa hoạn. Khi thảm họa hạt nhân xảy ra vào tháng 4.1986, nó bị đóng cửa.
Nhưng cho dù có trải qua thảm họa hạt nhân, Chernobyl cũng không vì thế mà bị bỏ hoang hoàn toàn. Con người cần phải có mặt để xử lý ô nhiễm và vận hành các lò phản ứng còn lại cho đến ngày ngưng hoàn toàn vào năm 2000, theo cam kết của Tổng thống Leonid Kuchma. Với sự có mặt của con người, nhà thờ Thánh Elijah đã mở cửa trở lại vào năm 1994, làm chỗ dựa tâm linh cho lực lượng nhân sự tại Chernobyl thời hậu thảm họa. Nhà thờ không có ban bệ, chức sắc rườm rà, chỉ có một bà đẫy đà trông coi, phụ trách luôn cả việc tiếp khách và bán bưu thiếp kể từ khi vùng cấm mở cửa cho người ngoài tham quan. Buổi trưa, bà dẫn chúng tôi vào bên trong giáo đường. Những người Nga và Ukraine thắp nến, nguyện cầu trước Chúa của họ. Tiếng chuông vang lên, càng làm cho buổi trưa Chernobyl thêm thanh bình, như chưa hề có thảm họa kinh khiếp xảy ra.
Tôi mải đứng ngắm những bức bích họa, tượng trong giáo đường. Bên cạnh hình ảnh Chúa và các vị thánh của Chính thống phương đông, tôi gặp một bức bích họa mà anh chàng người Nga bảo rằng có tên là Cứu rỗi Chernobyl. Những vị thánh, thiên thần trong bức tranh là các chiến sĩ cứu hỏa đã hy sinh và những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa của 26 năm về trước. “Họ đã hy sinh vì nơi này, vì thế họ xứng đáng được tôn vinh”, người bạn đồng hành Yushev bảo thế.
Xung quanh ngôi giáo đường bé nhỏ, tôi cũng gặp nhiều huyền thoại. Người phụ nữ đẫy đà kể rằng, trong suốt thời gian sau thảm họa, khu vực quanh nhà thờ Thánh Elijah chưa bao giờ bị nhiễm phóng xạ nặng. “Lượng phóng xạ nơi đây thậm chí còn thấp hơn ở Kiev”, cô hướng dẫn viên Elena phụ họa. Người ta còn nói rằng, sở dĩ thị xã Chernobyl sống được, tức ít nhiễm xạ, cũng là nhờ nhà thờ Thánh Elijah. Tôi từng gặp những phiên bản tương tự. Ấy là khi đi dọc vùng duyên hải miền nam Sri Lanka sau trận sóng thần cuối năm 2004, gã tài xế Anton Haleem, một tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã, cứ khăng khăng với tôi rằng sóng dữ đã phá hủy hầu hết nhà cửa, nhưng lại luôn tránh các công trình tôn giáo. Tôi không biết thực hư trong những câu chuyện đẫm chất tâm linh này thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng niềm tin luôn là thứ người ta cần nhất trong cơn hoạn nạn, để còn nghị lực hướng về phía trước.
Những cuộc trở về
Chia tay giáo đường vắng, chúng tôi tới siêu thị. Gọi siêu thị cho có vẻ hoành tráng, thực ra chỉ là một cửa hàng tạp hóa, mà từ bên ngoài nhìn vào bạn sẽ tưởng đấy là một ngôi nhà bị bỏ hoang. Chị bán hàng trạc 40 tuổi, rất mập. Sau khi đi nhiều nơi ở Ukraine, tôi đã có một đúc kết cho riêng mình. Đó là con gái xứ sở này rất xinh đẹp, nhưng lại “phát tướng” rất nhanh khi qua tuổi 30. Chẳng hiểu vì nguyên nhân gì.
“Chị bán hàng này và người phụ nữ trong nhà thờ cũng là công nhân à?”, tôi thắc mắc với Mark. Anh chàng đáp: “Cũng có thể coi như vậy. Thực ra, ngoài công nhân, trong vùng cấm còn có một số người dân sinh sống. Họ đa phần là người già nhớ nơi chôn nhau cắt rốn nên cưỡng lại lệnh cấm của chính quyền. Họ sống bằng trợ cấp và chính quyền cũng du di cho họ”.
Trên đường phố Chernobyl, chúng tôi đã gặp một vài người như thế. Họ rất già và cô đơn. Có lẽ họ không còn lựa chọn nào khác là sống với quá khứ. “Tôi trở về gần 10 năm rồi. Người ta bảo ô nhiễm phóng xạ rất nguy hiểm, nhưng tôi chẳng thấy bệnh tật gì. Khó khăn chính chỉ là vấn đề kinh tế”, người phụ nữ già mà tôi gặp ở cửa hiệu tạp hóa nói thế, qua phiên dịch của Yushev. Bên trong vành đai cấm, hiện có vài trăm tới vài ngàn người già trở về bám trụ, trong khi con cháu họ đang sống tại Kiev, Slavutych - thành phố mới được lập nên làm nơi tái định cư cho dân trong vùng phong tỏa, hoặc những nơi khác.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi mua nhiều thứ. Những chiếc áo thun có biểu tượng hạt nhân và dòng chữ Chernobyl bằng tiếng Nga hoặc tiếng Ukraine với giá 59 hryvnia (khoảng 150.000 đồng); bưu thiếp in hình nhà cửa bị bỏ hoang, lò phản ứng số 4; chiếc bật lửa có dòng chữ CCCP của một thời dĩ vãng. Chúng tôi cũng trò chuyện với chị bán hàng đẫy đà vui tính.
Mark và Elena thì mua rất nhiều bánh mì. “Thứ này không phải để ăn trưa đâu. Tí nữa anh sẽ biết để làm gì”, Mark tỏ vẻ bí mật. Tôi háo hức chờ điều bí mật của anh chàng được tiết lộ. (còn tiếp)
Đỗ Hùng
Đọc thêm!

Kỳ 1 : Chernobyl hành trình vào vùng đất chết


Phóng viên Thanh Niên đến nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân dân sự khủng khiếp nhất lịch sử loài người.
Tôi lên kế hoạch cho chuyến đi tới Chernobyl trước khi đến Ba Lan và Ukraine dự Euro 2012. Những thông tin về hành trình đến “miền đất chết” có nhiều trên mạng, nhưng một cách cụ thể thế nào thì khó mà hình dung được, cho tới lúc tôi trực tiếp va chạm với nó.


Kế hoạch của tôi càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn, khi vào ngày 19.6, trong khuôn khổ Euro 2012, UEFA tổ chức sự kiện từ thiện dành cho những đứa trẻ Chernobyl. Hôm đó, khi Alexa Milanytch, người đứng đầu Quỹ cứu trợ trẻ em Chernobyl, nói: “Nhiều em hiện vẫn phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị, để thay máu”, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Tôi hỏi Milanytch làm sao để đến được Chernobyl, người phụ nữ này đã cho tôi những thông tin và địa chỉ rất hữu ích. Từ đầu mối ấy, tôi liên hệ với Ban Quản lý Chernobyl - cơ quan được thành lập để phụ trách việc phong tỏa khu vực nhiễm xạ. Tôi cũng gọi cho Diễn đàn Prypiat, là tổ chức của những cựu công dân Prypiat, thành phố được lập nên để làm nơi ở cho nhân công của Nhà máy điện Chernobyl.
Quy định ngặt nghèo
Những liên hệ này rốt cục đã đưa tôi tới Tour 2 Chernobyl, đơn vị chuyên tổ chức các chuyến đi tới “miền đất chết”. Mọi việc thoạt tiên diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều so với hình dung của tôi. Người phụ trách Alex Kadnew bảo tôi đóng 60 USD tiền đặt cọc và chờ đến ngày khởi hành: ngày 3.7. Nhưng sau khi chia tay, về tới nhà trọ, tôi vào mạng thì nhận được thư điện tử của Kadnew: “Nãy tôi quên nói với anh một điều quan trọng, đó là với Chernobyl thì mọi việc không có gì chắc chắn cả. Trong trường hợp chuyến đi bị hủy do Ban Quản lý Chernobyl hoặc do chúng tôi, anh sẽ nhận lại tiền cọc. Còn nếu anh không tham gia, thì sẽ mất tiền cọc”. Tôi gõ “OK” và bấm nút gửi trả lời.
“Thăm” Chernobyl không hề là một chuyến nghỉ mát, bởi ngay việc đọc các quy định thôi cũng đã khiến bạn toát mồ hôi. Đầu tiên, muốn đến Chernobyl, công dân nước ngoài phải đủ 18 tuổi và chưa từng bị cấm chỉ định tiếp xúc với các nguồn phóng xạ. Người đi phải mang theo hộ chiếu, chịu sự kiểm tra an ninh ở cổng vào và sẽ được đo liều lượng phóng xạ ở cổng ra, cũng như chấp nhận việc kiểm tra phóng xạ vào bất cứ thời điểm nào trong suốt hành trình. Trong khu vực phong tỏa, “du khách” không được phép rời xa người hướng dẫn, là một nhân viên của Ban Quản lý Chernobyl.

Lò phản ứng số 4, nơi thảm họa xảy ra 26 năm trước - Ảnh: Đỗ Hùng
Đó là những quy định chung, còn sau đây là một vài điều cấm: mang bất kỳ loại vũ khí nào; sử dụng đồ uống có cồn hoặc ma túy; ăn và hút thuốc ngoài trời; chạm vào các công trình, vật dụng và cây cối; ngồi hoặc đặt các vật dụng (máy quay phim, chụp hình...) xuống đất; mang bất cứ thứ gì ra khỏi vùng phong tỏa; vi phạm quy định về ăn mặc (không được mang giày hở, quần đùi, áo ngắn tay, váy...); ở trong vùng phong tỏa mà không có sự giám sát của nhân viên hữu trách... Người ta cấm hút thuốc trong khu vực này bởi các cuộc thử nghiệm cũng như một vài sự cố đã cho thấy khi nhiệt độ tăng lên cao, lượng phóng xạ trong không khí sẽ tăng lên. Các cuộc kiểm nghiệm cũng cho thấy có khoảng 90% lượng phóng xạ nằm trong đất, nên mới có điều cấm ngồi bệt và để máy quay, chụp hình... lên nền đất.
Sau khi nghiên cứu thật kỹ những điều trên, bạn phải ký vào cam kết, đại ý là: Tất cả công dân nước ngoài và Ukraine, khi tự nguyện tới Chernobyl vì bất kỳ mục đích gì, đều phải ý thức rằng mình có thể trở thành vật bị phơi nhiễm bởi chất phóng xạ (có trong đất, nước, không khí, nhà cửa, phương tiện vận chuyển...). “Tôi, tham gia đoàn nghiên cứu tới vùng phong tỏa, đồng ý rằng Cơ quan Quốc gia phụ trách khu vực sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe mà tôi có thể gặp phải trong tương lai do chuyến đi này gây ra. Nếu xe cá nhân, máy chụp ảnh, quay phim hoặc những thiết bị khác của tôi bị nhiễm phóng xạ, tôi sẽ không kiện Cơ quan Quốc gia phụ trách khu vực về những điều đó”.
Sau khi đọc chừng ấy cảnh báo và quy định, bạn có còn muốn đi nữa không?
Hình hài hiểm họa
Trong quá trình làm báo, tôi từng đi một số nơi có thể gọi là nguy hiểm, như vùng đông bắc Sri Lanka vào những năm 2004 - 2005, Myanmar vào mùa thu 2007, Zimbabwe... Ở những nơi ấy, nguy cơ hoặc là bom mìn, hoặc là chiến tranh, trộm cướp... Còn ở Chernobyl, nguy cơ chẳng mang một hình hài nào. Ngoại trừ những người bị nhiễm phóng xạ trực tiếp với lượng lớn thì có thể phát triệu chứng ngay lập tức, hầu hết các trường hợp khác không hề biết mình bị nhiễm nếu như không có máy móc kiểm tra. Thậm chí máy móc cũng không phát hiện được. Bạn sẽ nói cười khi rời vùng phóng xạ, sẽ còn phương phi sau đó rất nhiều ngày. Chất phóng xạ nhiễm vào người bạn cứ âm thầm nằm đấy, cho đến một ngày trong tương lai, bạn sẽ cảm thấy khó thở, ngứa ở da... và lúc ấy thì bóng ma mới hiện hình. Bóng ma cũng có thể kiên nhẫn chờ đợi đến thế hệ kế tiếp, lúc người phơi nhiễm sinh con.
Khi tôi tới thăm Bảo tàng Chernobyl tại Kiev cách đây vài ngày, bóng ma bụi phóng xạ từ Chernobyl đã hiện lên một cách cụ thể. Đó là mẫu vật gia súc quái thai ở quận Narodychi. Tại địa phương này, trong vòng 4 năm sau vụ Chernobyl, có khoảng 350 gia súc bị quái thai, với các biểu hiện như thiếu hoặc thừa chân, thiếu mắt, xương sườn...
Giữa lúc đang đọc những thông tin kinh khiếp này, tôi chợt nhận được thư điện tử của Alex Kadnew từ hãng Tour 2 Chernobyl: “Chào anh Đỗ, rất xin lỗi anh, chúng tôi đã không nhận được sự cho phép từ Ban Quản lý Chernobyl. Chuyến đi sắp tới bị hủy. Chúng tôi sẽ hoàn tiền đặt cọc cho anh”. Tôi thở hắt ra, chẳng biết thở phào hay thở dài nữa. Vậy là kế hoạch Chernobyl của tôi gần như chắc chắn không thực hiện được, bởi ngày về Việt Nam đã cận kề.
Nhưng tôi vẫn còn phương án B. (còn tiếp)
Hậu quả kinh hoàng
Sự cố cháy nổ tại lò phản ứng số 4, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra vào rạng ngày 26.4.1986. Sau thảm họa, một khu vực rộng lớn tại Ukraine, Belarus, Nga (lúc bấy giờ đều thuộc Liên Xô) đã bị bụi phóng xạ bao phủ. Nhiều khu vực khác tại châu Âu - xa tới tận Na Uy, Thụy Điển, Ý, Áo, Thụy Sĩ - cũng bị ảnh hưởng. Cho đến những năm gần đây, nhiều biện pháp an toàn vẫn còn được thực hiện tại nhiều nước. Chẳng hạn, Cơ quan Quản lý nông nghiệp Na Uy vào năm 2009 đã giám sát chặt chẽ 18.000 gia súc do lo ngại thức ăn nhiễm xạ. Tại Đức, hơn 1.000 trong số 440.350 con heo rừng săn bắt được vào năm 2010 bị nhiễm phóng xạ.
Đối với con người, chất phóng xạ từ Chernobyl trực tiếp gây ra cái chết của 31 người trong vòng 3 tháng sau khi thảm họa xảy ra. Còn những tác động gián tiếp và lâu dài thì vô cùng khủng khiếp. Tổ chức Diễn đàn Chernobyl vào năm 2005 đưa ra báo cáo cho biết có đến 4.000 trẻ em đã bị các chứng ung thư, máu trắng do hậu quả của thảm họa.
Tạp chí Chernobyl của Nga năm 2007 dẫn các báo cáo khoa học khẳng định có tới 985.000 trẻ chết non trong giai đoạn 1986-2004 do hậu quả của bụi phóng xạ. Còn theo Tổ chức Hòa Bình Xanh, “những bằng chứng rõ ràng cho thấy đã có ít nhất 200.000 người tại Belarus, Ukraine và Nga” chết trong giai đoạn 1990-2004 do hậu quả của vụ Chernobyl...
Đỗ Hùng
Đọc thêm!