Trên cây cầu đường
sắt bắc qua con kênh trong khuôn viên Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, chúng
tôi ném bánh mì cho lũ cá tra khổng lồ.
Buổi trưa, nhóm chúng tôi ghé thăm
tượng đài lính cứu hỏa ở thị xã Chernobyl. Họ là những người đã xả thân để
khống chế sự bùng phát của ngọn lửa và bụi phóng xạ trong thảm họa năm 1986.
Tôi nhớ mình từng được đọc những lời kể của họ. Anh lái xe Grigorii Khmel hồi
tưởng: “Chúng tôi không biết nhiều về phóng xạ. Ngay cả những người làm việc ở
nhà máy cũng thế… Vashchik, Kolya và Volodya Pravik dùng thang để leo lên mái…
và tôi không bao giờ gặp lại họ nữa”. Lúc tới thăm Bảo tàng Chernobyl ở Kiev,
tôi đã được xem một đoạn phim xúc động đến bàng hoàng. Chỉ trong khoảng 20
giây, đoạn phim quay cảnh một chiếc trực thăng Mi-8 bay qua đỉnh tháp của lò
phản ứng số 4, đổ hóa chất xuống để khống chế phóng xạ. Một tích tắc sau, cánh
quạt chính rồi đến đuôi máy bay va phải cần trục bên cạnh lò phản ứng, máy bay
rơi xuống, tất cả tổ bay 4 người thiệt mạng.
Những người xả thân ngày ấy giờ đã được
phong anh hùng, được dựng tượng, thậm chí được phong thánh. “Không ai bị lãng
quên và không điều gì bị lãng quên”, lời của nữ sĩ Olga Berggolts mà tôi bắt
gặp ở tượng đài hôm ấy, thật không thể quên được.
Lũ cá khổng lồ
Chúng tôi rời thị xã Chernobyl, sau
chốc lát đã trông thấy những tháp cao vượt lên những vạt rừng xanh. Anh hướng
dẫn viên Mark giới thiệu: “Phía trái là lò phản ứng số 4, nơi sự cố xảy ra”.
Tôi nhìn theo hướng tay Mark chỉ, thấy một khối bê tông và sắt thép xám xịt,
bạc màu thời gian. Không thể ngờ cái công trình đơn sơ này lại là nơi phát xuất
của thảm họa kinh khiếp nhất trong lịch sử hạt nhân dân dụng. Sau 26 năm, nơi
đây vẫn là nguồn phát sinh phóng xạ nguy hiểm và mối đe dọa sẽ vẫn còn tồn tại
hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa. Nhằm kiểm soát nguy cơ, chính phủ
Ukraine đã vận động tài chính để xây một “quan tài” khổng lồ, phong tỏa lò phản
ứng số 4. Sau nhiều lần trì hoãn, hiện Công ty Novarka của Pháp đang xúc tiến
những bước đầu tiên để triển khai dự án ước tính tốn kém 1,54 tỉ euro này.
Mark dẫn chúng tôi đến cây cầu đường
sắt bắc qua kênh đào trong khuôn viên Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Nước
dưới cầu trong vắt, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Đến lúc này chàng trai trẻ
mới lôi bọc bánh mì ra và chia cho mỗi người một ít: “Chúng ta cùng cho cá ăn”.
Chúng tôi ném bánh mì cho lũ cá, từ dưới lòng nước sâu, những con cá khổng lồ
xuất hiện. Chúng thuộc bộ cá da trơn có râu. Tôi thấy trước đây người ta đồn
rằng lũ cá ở đây dài tới 4-5 mét, nhưng hôm ấy tôi thấy chúng lớn bằng đứa bé
10 tuổi là cùng. Mark bảo: “Anh thấy không, cá vẫn sống khỏe dưới dòng nước
này”. Tôi nghi ngờ khái niệm “khỏe” của Mark, bởi khả năng khu vực này (bao gồm
đất, nước, không khí...) nhiễm xạ là rất cao. Có lẽ lâu ngày không có ai giết
thịt nên lũ cá mới lớn đến thế, nhưng lớn chưa hẳn đã khỏe, tôi nghĩ bụng. Còn
anh chàng Thụy Điển đồng hành thì nửa đùa nửa thật: “Có khi chúng bị nhiễm xạ
nên mới lớn đến thế”. Không thể khẳng định dễ dàng như vậy, nhưng các cuộc kiểm
tra trước đây từng cho thấy cá ở khu vực Chernobyl có tồn dư phóng xạ.
Prypiat đã chết
Tôi đứng rất lâu trước chiếc đu quay
ấy. Chiếc đu quay cỡ trung, với khung sắt đã gỉ sét, bậc tam cấp mục nát, duy
chỉ có những chiếc lồng thì vẫn giữ được màu vàng. Quanh chiếc đu quay, có thể
nhận ra khu trò chơi xe điện, với lũ xe dúm dó, hộp điều khiển vỡ toác ra,
những công tắc gãy vụn. Chiếc đu quay này nằm ở trung tâm Prypiat, thành phố đã
chết cùng với thảm họa hạt nhân Chernobyl. Trong những ngày tươi sáng giữa thập
niên 1980, người ta đã xây một công viên giải trí dành cho thiếu nhi, với chiếc
đu quay là tâm điểm. Thế rồi, vụ cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân cách đó vài
cây số xảy ra, và chiếc đu quay đã không kịp đón một vị khách trẻ tuổi nào
trước khi bị bỏ quên vĩnh viễn.
|
|
Không chỉ chiếc đu quay, cả thành phố
Prypiat cũng bị bỏ hoang. Đô thị hiện đại mang tên dòng sông chảy qua khu vực
này được xây dựng vào đầu thập niên 1970 để làm chỗ ở cho lực lượng nhân công
nhà máy điện hạt nhân và gia đình của họ. Vào thời hoàng kim giữa thập niên
1980, Prypiat có tới 50.000 dân, hơn 20 trường học, 1 ga xe lửa, 167 xe buýt…
Sự phồn hoa của Prypiat chấm dứt vào
rạng sáng 26.4.1986, khi lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân nổ tung.
Một lượng lớn bụi phóng xạ phủ lên thành phố. Gần như ngay lập tức, người dân
được lệnh sơ tán. Họ bỏ lại tất cả đồ đạc; phích cắm ti vi vẫn còn trong ổ, tủ
áo quần chưa kịp khóa, chảo vẫn còn để trên bếp… Họ chỉ mang theo áo quần và
hành lý xách tay, bởi lúc bấy giờ tất cả được thông báo sẽ trở về nhà sau 3
hoặc 4 ngày. Nhưng rồi họ không bao giờ có thể trở lại nơi chốn thân thương ấy.
Không chỉ những người chết do ảnh hưởng của phóng xạ, do bệnh tật, tuổi già, mà
tất cả cư dân Prypiat thuở xưa đều không thể trở về. Họ được tái định cư ở
những nơi chốn mới. Prypiat hiện đại năm xưa trở thành thành phố ma.
Khi chúng tôi đến Prypiat vào buổi
chiều một ngày đầu tháng 7 này, những tòa chung cư cao tầng đã bị cây cối bủa
vây; những con đường thênh thang một thời, như đại lộ Lenin, phố Hữu nghị Quốc
tế, đường Anh hùng Stalingrad… giờ chỉ còn là lối đi len lỏi dưới cây rừng. Hơn
26 năm đã trôi qua, cây cối mặc sức tung hoành trước sự vắng bóng của con
người.
Chúng tôi chỉ được phép vào một số nhà,
bởi rất nhiều tòa nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Chàng hướng dẫn viên
Mark kể: “Dù chính quyền áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt, nhưng thời gian qua,
nhiều người vẫn lẻn về đây để khuân đồ. Điều đó là rất nguy hiểm, bởi không thể
biết được những đồ vật kia có bị nhiễm phóng xạ hay không”.
Chui ra khỏi một khu thể thao dưới
nước, với đáy hồ khô nứt nẻ, chúng tôi đi dọc “đại lộ” Lenin. Giữa um tùm cây
cối, tôi bắt gặp những cột đèn đường đã tắt từ lâu, trên thân cột có gắn những
ngôi sao và búa liềm Xô Viết. Những ngôi sao từng một thời rực sáng dưới ánh
đèn nê ông, giờ đây đang gỉ sét, lụi tàn cùng một Prypiat đang hóa thành cát
bụi.
Giữa buổi chiều nắng gắt, anh bạn đồng
hành Eryk Larsson nói với tôi: “Tất cả đều hoang tàn. Điện hạt nhân có thể là
một phép màu, nhưng ở đây nó là thảm họa”. Vâng, ở Prypiat và ở Chernobyl trong
ngày hôm ấy, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh bàng hoàng của thảm họa có
tên gọi hạt nhân.
Đỗ Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét