Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nền Giáo dục Miền Nam trước 1975 - Triết lý và Mục đích giáo dục

Tổng quan
Từ năm 1917, chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam đã có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc, và cả Lào cùng Cao Miên. Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc có ba bậc: tiểu học, trung học, và đại học. Chương trình học là chương trình của Pháp, với một chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phụ. Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập vào năm 1945, chương trình học của Việt Nam - còn gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn (ban hành thời chính phủ Trần Trọng Kim) - được đem ra áp dụng ở miền Trung và miền Bắc. Riêng ở miền Nam, vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950. Đến thời Đệ nhất Cộng hòa thì chương trình Việt mới được áp dụng ở miền Nam để thay thế cho chương trình Pháp. Cũng từ đây, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo thực sự của mình. 
Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm công tác giáo dục ở miền Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Nhìn chung, người ta thấy mô hình giáo dục ở miền Nam Việt Nam trong những năm 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng hòa có một phần năm (20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học sinh trung học, và 101.454 sinh viên đại học; số người biết đọc biết viết ước tính khoảng 70% dân số. Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chánh và ở các trường đại học cộng đồng). 
Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ (trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7-7,5% cho giáo dục), nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có học vấn và có khả năng chuyên môn đóng góp vào việc xây dựng quốc gia và tạo được sự nghiệp vững chắc ngay cả ở các quốc gia phát triển. Kết quả này có được là nhờ các nhà giáo có ý thức rõ ràng về sứ mạng giáo dục, có ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã sống cuộc sống khiêm nhường để đóng góp trọn vẹn cho nghề nghiệp, nhờ nhiều bậc phụ huynh đã đóng góp công sức cho việc xây dựng nền giáo dục quốc gia, và nhờ những nhà lãnh đạo giáo dục đã có những ý tưởng, sáng kiến, và nỗ lực mang lại sự tiến bộ cho nền giáo dục ở miền Nam Việt Nam. 

Triết lý giáo dục 
Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản" (humanistic), "dân tộc" (nationalistic), và "khai phóng" được chính thức hóa ở hội nghị này. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967). 

1. Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục. 

2. Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác. 

3. Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới. 

Mục tiêu giáo dục 
Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại? 

1. Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào. 

2. Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập. 

3. Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét