Mỗi lần có tổ chức thế giới nào đó đánh giá (xếp hạng) các học viện và đại học trên thế giới, chúng ta lại biết được vị trí của các đại học và trường đại học tại VN. Tại sao tôi không chỉ nói đại học mà còn nêu lên trường đại học ở VN? Điều này dễ hiểu vì các tổ chức xếp hạng thế giới đều dùng Anh ngữ để tìm hiểu rồi đánh giá, và khi tìm hiểu về các đại học ở VN, họ không biết đến hiện tượng – chỉ có ở VN – là nhiều đại học (universities) trong một đại học (university). Ví dụ, Trường đại học Bách Khoa Tp.HCM, có tên tiếng Anh là University of Technology, không đứng độc lập mà là một thành viên thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM với tên tiếng Anh là Vietnam National University – HCMC. Mỗi trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Tp. HCM đều mang một tên tiếng Anh là “University…” Như vậy đây không phải là nhiều “universities” trong một “university” thì là gì? Trước khi nói tiếp câu chuyện trên, chúng ta cần tìm hiểu cho rõ ràng những từ Anh ngữ liên quan đến vấn đề này. Đó là các từ: university, faculty, college, và school. Tôi chỉ có trong tay quyển Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, Encyclopedic Edition, nên liền tra ngay các từ vừa nói. Các định nghĩa có liên quan với nhau của mỗi từ được chép lại dưới đây.
faculty … department or group of related departments in a university, etc: the Faculty of Law, Science, etc…
college 1 institution for higher education or professional training… 2 (a) (in Britain) any of a number of independent institutions within certain universities, each having its own teachers, students and buildings: the Oxford and CambridgeColleges ○ New College, Oxford. (b) (in the US) university, or part of one, offering undergraduate courses…
school … 2 (US) college or university: famous schools like Yale and Harvard… 5 department of a university concerned with a particular branch of study: the law, medical, history school ○ the School of Dentistry…
Nói chung, các nước sử dụng Anh ngữ làm tiếng mẹ đẻ như Anh, Canada, Mỹ, Úc, v.v., thường có mỗi “university” theo đúng nghĩa là đại học[nghiên cứu] tổng hợp nhiều ngành, và các trường thành viên – cũng có thể gọi là khoa – của “university” đó (nằm chung trong một “làng đại học – campus” hoặc nằm ở nhiều vị trí riêng biệt) đều được gọi là “faculty,” “college,” hoặc “school.” Chính vì vậy mà ở các thành phố lớn của các nước này thường có nhiều “universities” theo đúng nghĩa vừa nói. Đối với người Mỹ, “college” hoặc “school” cũng có nghĩa là trường đại học. Ngay ở Lào, Đại học Quốc gia Lào tại Vạn Tượng (National University of Laos [in Vientiane] – NUOL) có một trường thành viên là Trường đại học (hoặc Khoa) Khoa học Kỹ thuật – nằm tại một cơ ngơi khá rộng và ngoài “campus” của ĐHQG Lào – có tên Anh ngữ là Faculty of Engineering. Quá đúng! Còn tại VN thì sao?
Các trường đại học như Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Quốc tế, v.v., thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam – TP.HCM, khi viết như thế bằng tiếng Việt thì không có gì là sai sót cả. (Tôi đề nghị cần thống nhất là mỗi thành viên của một đại học lớn Đại học Quốc gia VN thì cần thêm từ “trường” để thành “Trường đại học …”, còn một “đại học” mang tên một ngành riêng thì nên thêm từ “trường” thành “Trường đại học X.” Ví dụ, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội dù chẳng thuộc “ông đại học” nào cả nhưng chỉ chuyên về ngành khoa học ứng dụng và kỹ thuật thì nên gọi nó là “Trường đại học BK HN” chứ không nên gọi tắt là “Đại học BK HN”). Tuy nhiên, tên Anh ngữ của các trường thành viên của ĐHQGVN đúng là có vấn đề. Vấn đề ở đây là “Mẹ” được gọi là “University” mà “[các] Con” cũng là “Universities.” Điều này chẳng khác nào một bàn tay có năm ngón, mỗi ngón có một tên khác nhau, cho dù đó là tiếng Việt hay tiếng Anh. Nhưng chẳng lẽ người Việt khi dùng tiếng Anh để giao dịch khi nói đến bàn tay là “hand” và mỗi ngón tay cũng là “hand” hay sao? Lâu nay đã có một số người nêu lên vấn đề này nhưng cho đến nay chẳng có gì thay đổi cả. Cách nay khoảng 10 năm, tôi có trao đổi với một người công tác về quan hệ quốc tế của một trường thành viên ĐHQGVN (người này nói và hiểu tiếng Anh khá tốt, và đã được công tác tại một số nước nói tiếng Anh) là khi một người nước ngoài – với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ – cầm một tuyển tập báo cáo khoa học với cả hai dòng chữ riêng biệt “Vietnam National University” và “University of ...” phía trên trang bìa thì ông/ bà ta sẽ nghĩ hội nghị đó do cả hai “universities” kể trên tổ chức. Câu đáp lời mà tôi nghe được là có thể tôi nói đúng nhưng “không sao, vì nhờ đó mà người nước ngoài ấy có cơ hội tìm hiểu thêm về trường đại học của ta.” Bó tay thôi với cách giải thích này. Tôi còn nghe một ông giáo sư tây kể lại lời giải thích về cái lỗi dùng từ này từ một quan chức đại học, nhưng xin cho tôi miễn kể lại ở đây.
Có một câu chuyện khác như thế này. Các ông giáo sư tây ưa khôi hài nói là VN thích “chơi” sang nên đặt ra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ministry of Education and Training – MOET) vừa giáo dục con người vừa huấn luyện thú vật. Đây chỉ là nói cho vui chứ sự việc chẳng có gì nghiêm trọng cả. Nhưng thực tế thì cụm từ “Đào tạo” có hơi bị thừa. Muốn hiểu lý do tại sao các vị ưa khôi hài có cớ để nói như vậy thì ta cứ tra trong cuốn tự điển tiếng Anh đã nói ở trên
education 1 (system of) training and instruction (esp of children and young people in schools, colleges, etc) designed to give knowledge and develop skills: … 2 knowledge, abilities and the development of character and mental powers that result from such training: intellectual, moral, physical, etc education, …
training process of preparing or being prepared for a sport or job … (Còn động từ train là “bring (a person or an animal) to a desired standard of efficiency, behaviour, etc by instruction and practice : ...”)
Như vậy, trong “education” đã có chuyện “training” rồi. Nhưng “education” là cả một hệ thống giáo dục dành riêng cho con người, còn “training” là quá trình đào tạo con người và huấn luyện thú vật. Do đó khi thêm từ “Đào tạo” vào trong “Bộ Giáo dục và Đào tạo” thì đó có nghĩa là “đào tạo con người và huấn luyện thú vật.” Đây chỉ là chuyện nhỏ, không cần phải sửa bỏ phần dư thừa. Nhưng chuyện các “universities” trong một “university” thì không phải như vậy. Đây là một lỗi không thể chấp nhận được.
Thế thì tại sao một lỗi nhỏ như vậy mà cho đến nay vẫn chưa sửa? Hay là các vị có trách nhiệm sợ phải tốn tiền cho sửa sai? Tiền sửa sai này chẳng thấm vào đâu so với nhiều lãng phí trong giáo dục, chẳng hạn như dự án 112. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Qua một số lần trao đổi với nhiều người khác nhau về nền giáo dục VN, tôi hình dung ra vấn đề nằm ở chỗ mà nhiều người cũng thường nhắc tới là khi “trên” đã quyết định cái gì đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không nên sửa đổi.
Một cái lỗi nhỏ như thế, cho dù không sửa cũng chẳng “chết” ai cả, nhưng nếu khả năng sửa đổi vẫn không có thì những chuyện lớn hơn bao giờ mới làm được đây?
NGUYỄN HẢI (Montréal)