Theo tôi, nhìn chung việc người dân lên tiếng phê phán những tiêu cực không phải là đang chống lại chính quyền, mà ngược lại, đó chính là thực hiện quyền và trách nhiệm chính đáng của người dân – như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, dân chủ chính là làm sao để người dân mở miệng – mặt khác qua đó giúp chính quyền khắc phục, sửa chữa những sai sót của mình.
Vì vậy, các chính phủ đều cần lắng nghe những tiếng nói phê phán của người dân. Đặc biệt với thế hệ trẻ, cần khuyến khích họ tự do phát biểu, bởi đó cũng là cách thúc đẩy và phát triển ý thức trách nhiệm của họ với tương lai của đất nước, khiến họ biết lo lắng về những lợi ích chung của cộng đồng hơn lợi ích riêng. Chúng ta cần đối xử với giới trẻ như những người trưởng thành có trách nhiệm; khuyến khích họ phát biểu một cách tự do miễn là họ làm điều đó với tinh thần tích cực và xây dựng. Thậm chí trong một xã hội tiến bộ, người ta phải khoan dung và độ lượng với giới trẻ nếu, đôi lúc, vì nhiệt huyết quá mức của tuổi trẻ mà họ có những tuyên bố không có đầy đủ căn cứ.
Nếu không khuyến khích tinh thần phê phán có trách nhiệm ở giới trẻ, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ những người chỉ biết vâng lời một cách thụ động. Có thể ai đó cho rằng làm như vậy là bảo vệ họ khỏi vấp vào những sai lầm trong nhận thức, nhưng thực ra chúng ta đang thất bại trong việc trang bị cho họ bản lĩnh cần thiết để đối mặt với tương lai khó khăn, thất bại trong việc đào tạo họ biết phản ứng, nói “không” khi phải nói không và biết tức giận khi cần phải tức giận.
Việc giáo dục tinh thần phê phán lành mạnh luôn đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều một cách khoa học trong mọi vấn đề, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm về chính trị bởi chỉ có như vậy mới giúp xây dựng, phát triển, củng cố những tri thức và lý tưởng đích thực. Ví dụ khi giảng dạy về chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta cần cung cấp đầy đủ những thông tin đa chiều cần thiết để giới trẻ có thể đánh giá khách quan những thành công và thất bại của các hình thái xã hội khác nhau: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa tự do. Sẽ rất lý thú và hữu dụng nếu chúng ta dạy chủ nghĩa Mác-Lênin một cách nghiêm túc, về những năm tháng ban đầu của quan điểm chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vào thời kỳ cách mạng công nghiệp, niềm cảm hứng của giới trí thức trong những ngày đấu tranh cho công bằng và đoàn kết trên toàn thế giới; về thành công của chủ nghĩa xã hội trong việc giải phóng dân tộc khỏi ách phong kiến và thực dân và sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết trước đây trong việc hiện thực hóa giấc mơ của những người sáng tạo ra nó. Chúng ta cũng nên nói về những thành công và thất bại của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, bình luận về sự gia tăng mất kiểm soát mà chúng tác động lên nền tài chính thế giới.
Nếu tất cả những điều này được dạy một cách đúng đắn, sẽ có nhiều bài học được rút ra, và thế hệ trẻ cần phải học những bài học đó để có thể đối diện với nhiều khó khăn và thử thách mà họ sẽ gặp phải khi gánh vác sứ mệnh của mình với đất nước.
(Trích lược từ bài diễn văn của GS Pierre Darriulat tại buổi họp mặt cộng tác viên cuối năm 2014 của Tạp chí Tia Sáng, bản dịch của Phạm Ngọc Điệp; nội dung trích lược được đăng với sự đồng ý của GS Pierre Darriulat).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét