Trang

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Pháp luật bảo vệ đạo đức và các giá trị cộng đồng


Pháp luật định ra các chuẩn mực tối thiểu để yêu cầu các thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ. Nếu vi phạm, các chế tài thường được áp dụng. Trong khi đó, đạo đức thường được đưa ra với tiêu chuẩn cao hơn pháp luật, và đối với từng chủ thể thì chuẩn mực đạo đức lại đặt ra khác nhau. Do vậy luật pháp cần có các quy định mở, linh hoạt để dễ dàng vận dụng vào thực tiễn.

Pháp luật được sinh ra với mục đích bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng. Nếu không có pháp luật bảo vệ hoặc pháp luật không đủ sức mạnh để bảo vệ, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn. Trong quốc gia có nền pháp lý tiên tiến, pháp luật sẽ được phân loại và bảo vệ được các giá trị đạo đức đối với từng đối tượng. Chẳng hạn như, đối với bác sỹ, luật sư, thẩm phán... nếu vi phạm các quy định về nghề nghiệp, họ sẽ bị trừng phạt bằng pháp luật với những chế tài khắt khe hơn so với người bệnh, thân chủ hay đương sự... Và trong một xã hội hoàn hảo, các quy định của pháp luật sẽ trùng với các quy tắc đạo đức, chuẩn mực của xã hội. Khi đó, các quy tắc đạo đức được luật hóa bằng các quy định cụ thể và có hiệu quả thực thi trên thực tế.


Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp giúp hình thành nên các hành xử chuẩn mực cho cộng đồng, từ từ tạo ra các quy tắc đạo đức được xã hội thừa nhận nếu các quy định của luật pháp là hợp tình, hợp lẽ. Nếu pháp luật không hợp lý, điều này có thể xung đột và làm hại tới các giá trị của đạo đức, và cũng có thể đẩy cả cộng đồng đến với những thói quen xấu bởi việc chấp hành các quy định pháp luật đó.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng mô hình dựa vào ý chí của số đông và bảo vệ các giá trị mà số đông đó định ra để thông qua luật, mà chưa có cơ chế để bảo vệ lợi ích cho thiểu số, thế yếu, hay đi xa hơn đó là sự công bằng, bình đẳng giữa những con người với nhau trong giá trị đạo đức. Theo quy trình này, luật pháp được ban hành bởi đa số tán thành ở Quốc hội (Nghị viện), cơ quan lập pháp gồm các dân biểu đại diện cho ý chí đa số người dân. Sau đó, luật pháp có hiệu lực.

Một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đã áp dụng mô hình kiềm chế và kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế sức mạnh số đông của Nghị viện và bảo vệ lợi ích của thế yếu, thông qua việc trao quyền cho Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp) quyền phủ quyết luật, hay trao cho Tòa án quyền bảo vệ các giá trị căn bản (các giá trị đạo đức được ghi nhận) được quy định trong Hiến pháp (vai trò bảo Hiến). Từ đó, giả sử có một đạo luật được thông qua bởi Nghị viện yêu cầu trục xuất toàn bộ người da màu ra khỏi nước Mỹ, thì bất kỳ một người nào cũng có thể viện dẫn Hiến pháp để đệ đơn lên Tòa án tối cao yêu cầu tuyên đạo luật đó vi Hiến. Những cơ chế như vậy giúp người dân mạnh dạn đứng ra bảo vệ sự công bằng, lẽ phải hay các giá trị đạo đức, chuẩn mực cho cộng đồng.

Ở nước ta, liệu rằng một người tàn tật ngồi xe lăn hay một người nào đó có thể khởi kiện, yêu cầu làm đèn tín hiệu giao thông, thay vì các cầu đi bộ dành cho người đi bộ hay không, khi họ viện dẫn nguyên tắc mọi công dân đều có quyền bình đẳng theo quy định của Hiến pháp?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến đạo đức của người Việt hiện nay đang xuống cấp là luật pháp chưa đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo vệ các giá trị đạo đức.

Có thể viện dẫn một số ví dụ như: Căn cứ Nghị định 167/2013, chỉ áp dụng chế tài hành chính là phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng như đối với người khác (thương tích 11%). Trên thực tế, chế tài này tỏ ra bất lực, bạo lực gia đình vẫn xảy ra thường xuyên. Thiết nghĩ, việc bổ sung các biện pháp khác như “lao động công ích” hay “hình sự hóa” một số hành vi trái đạo đức, luân lý trong mối quan hệ gia đình là cần thiết.

Hay một ví dụ khác, người thầy nhận phong bì của một sinh viên, đổi lại, sinh viên sẽ được cho điểm cao. Khi bị phát hiện, người thầy ấy sẽ bị kiểm điểm hoặc kỷ luật. Nhưng nếu vụ việc này xảy ra ở một số nước khác, người thầy ấy sẽ bị truy tố và có thể ngồi tù một vài năm bởi mối quan hệ đạo lý thầy trò là đặc biệt và cần được bảo vệ bằng những hình phạt đủ tính răn đe. Ở nhiều nước, chế tài hình sự cũng được áp dụng đối với các mối quan hệ như bác sỹ và bệnh nhân, luật sư và thân chủ,...

Có thể nói, trong phần lớn các trường hợp khi các giá trị đạo đức bị xâm phạm thì chưa có chế tài mang tính pháp lý thích đáng để xử lý, răn đe, cũng như thông qua đó để giáo dục người xâm phạm. Chính vì vậy, nên chăng cần ban hành các bộ quy tắc về chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành xử đối với một số nghề nghiệp, chẳng hạn như đối với luật sư, bác sỹ, thương nhân... Và điều quan trọng là một khi vi phạm những đòi hỏi chuẩn mực này, họ sẽ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, hình sự một cách thích đáng. Những khẩu hiệu như “lương y như từ mẫu” , “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không có chế tài thì dần dần cũng bị lãng quên.

Ở phạm vi rộng hơn, đối với người dân nói chung, luật pháp cần có các quy định mở, linh hoạt để dễ dàng vận dụng vào thực tiễn bởi không thể liệt kê được tất cả các quy tắc về chuẩn mực đạo đức của xã hội muôn hình vạn dạng vào trong các điều luật. Và để áp dụng có hiệu quả, các cơ quan công quyền, đặc biệt là các quan tòa, cần công tâm giải thích các quy định đó để đưa vào từng trường hợp cụ thể, từ đó bảo vệ các giá trị đạo đức, các chuẩn mực của cộng đồng.

Trần Đức Tuấn
23/01/2015 - Tạp chí Tia Sáng - tiasang.com.vn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét