Mặc dù Tổng thống và Thượng viện cố gắng lựa chọn những người có cùng quan điểm với mình vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao, nhưng trên thực tế, các thẩm phán Tòa án Tối cao đều thể hiện sự độc lập của họ đối với chính phủ và nghị viện như khi được bổ nhiệm họ đã trân trọng xin thề.
Xét trên góc độ phân quyền thì Hiến pháp Mỹ là một trong những bản Hiến pháp thể hiện rõ nét nhất. Lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập và chế ước lẫn nhau.
Đầu tiên, sự độc lập được thể hiện trong quy trình xây dựng bộ máy của các nhánh quyền lực. Chẳng hạn, ở hai nhánh lập pháp và hành pháp, các nghị sỹ (thành viên của nghị viện - Thượng viện và Hạ viện) và Tổng thống (người đứng đầu nhánh hành pháp - chính phủ) được chọn lựa từ các cuộc bầu cử riêng biệt. Còn đối với nhánh tư pháp (tòa án), các nhà lập hiến khởi thủy nước Mỹ đã không dùng phương thức bầu cử để lựa chọn ra các thẩm phán, có lẽ nhằm tạo ra một nhánh quyền lực hoàn toàn độc lập - độc lập ngay cả đối với dư luận, áp lực chính trị, giúp các thẩm phán trở thành những trọng tài nhân danh công lý, lẽ công bằng để phán xử các tranh chấp.
Hiến pháp Mỹ (Điều II, Mục 2) trao quyền bổ nhiệm thẩm phán cho Tổng thống nhưng theo sự khuyến cáo và sự chấp nhận của Thượng viện. Điều này thể hiện sự chế ước của nhánh lập pháp đối với hành pháp trong việc bổ nhiệm thành viên của nhánh tư pháp. Liệu việc trao quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao cho Tổng thống và Thượng viện có làm mất đi tính độc lập của thẩm phán?
Tuy Tổng thống và Thượng viện cố gắng lựa chọn những người có cùng quan điểm với mình, nhưng trên thực tế, các thẩm phán Tòa án Ttối cao khi được bổ nhiệm đã trân trọng xin thề giữ vị thế độc lập đối với chính phủ và nghị viện. Nhờ vậy, các thẩm phán đã giành được sự tôn kính của người dân, cũng như mang lại uy tín, thẩm quyền to lớn cho Tòa án Tối cao trong chính trị và pháp luật nước Mỹ.
Hiến pháp cũng góp phần quan trọng không kém nhằm bảo đảm vị thế độc lập của thẩm phán, theo đó, “các thẩm phán Tòa án Liên bang sẽ có nhiệm kỳ suốt đời nếu làm việc tốt và đảm bảo rằng tiền lương của họ sẽ không bị cắt giảm trong suốt thời gian tại vị” (Điều III, Hiến pháp Mỹ).
Tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán
Hiến pháp trao quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Tối cao cho Tổng thống và Thượng viện mà không quy định bất kỳ điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể nào đối với thẩm phán. Tuy nhiên, trên thực tế, thông thường thẩm phán được bổ nhiệm từ các luật sư, hoặc từ các thẩm phán ở các tòa án cấp thấp hơn. Có thể hiểu rằng, trọng trách của thẩm phán là giải thích và áp dụng pháp luật do đó họ phải được đào tạo về luật và có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Ngoài ra, nhờ sự để ngỏ của Hiến pháp mà các thượng nghị sỹ được tự do đưa ra các tiêu chuẩn để bỏ phiếu, như quan điểm chính trị (đảng phái), nhân thân và trình độ tư pháp.
Số lượng thẩm phán tòa án tối cao
Số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao không được quy định trong Hiến pháp, mà do nghị viện quy định trong đạo luật của liên bang. Ngay sau khi Hiến pháp Mỹ ra đời vào năm 1789, Tòa án Tối cao được thành lập theo Luật Tư pháp cùng năm, với số lượng thẩm phán gồm sáu người (một chánh án và năm thẩm phán). Tuy nhiên, từ năm 1801 đến năm 1863, số lượng thẩm phán thay đổi một vài lần, từ năm đến mười người. Vào năm 1866, số lượng thẩm phán là chín người (một chánh án và tám thẩm phán) và con số này cố định từ đó đến nay. Chánh án điều hành Tòa án Tối cao nhưng khi biểu quyết thì chỉ có một phiếu như các thẩm phán khác.
Vượt qua sức ép chính trị
Tòa án Tối cao Mỹ được trao quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật do nghị viện ban hành, các hành vi, chương trình của Tổng thống... Thách thức để thẩm phán vượt qua sức ép chính trị từ người đã bổ nhiệm họ không phải là nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, một khi thẩm phán được bổ nhiệm, họ luôn tỏ rõ sự độc lập của mình, chỉ ra quyết định dưới màu sắc công lý. Có thể kể ra một số ví dụ: Khi Tòa án Tối cao Mỹ xem xét tính hợp hiến của hành động tịch thu các nhà máy thép lớn ở Mỹ của Tổng thống Harry S. Truman, hai trong số bốn thẩm phán do Tổng thống Truman bổ nhiệm đã bỏ phiếu chống. Hay trong vụ án nước Mỹ kiện Tổng thống Nixon sau khi ông từ chối trao các cuốn băng của Nhà Trắng theo lệnh của tòa án và viện dẫn đó là đặc quyền của Tổng thống, ba trong số bốn thẩm phán do Nixon bổ nhiệm đã bỏ phiếu chống lại ông.
Một thí dụ khác, sau khi Tổng thống Roosevelt tái đắc cử, ông đưa ra kế hoạch trình nghị viện bổ nhiệm tối đa, một lúc thêm sáu thẩm phán, nhằm khống chế Tòa án Tối cao, cũng như để “trả đũa” việc Tòa án Tối cao đã tuyên bố vi hiến một số đạo luật trong chính sách Kinh tế mới (New Deal) của ông ở nhiệm kỳ trước. Mặc dù cả Thượng và Hạ viện Mỹ đều ủng hộ chính sách kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt nhưng các nghị sỹ, trong đó có một số người cùng đảng với Tổng thống, đã bác kế hoạch bổ nhiệm này vì họ cho rằng sự độc lập của cơ quan tư pháp quan trọng hơn những bất đồng về chính sách. Có thể nói, nghị viện đã thể hiện tốt vai trò ngăn chặn sự thâu tóm của Tổng thống Roosevelt đối với nhánh tư pháp, không để các quan tòa phụ thuộc hay chịu các áp lực chính trị từ người đứng đầu nhánh hành pháp.
Mới đây, ngày 9/8/2014 tại TP Ferguson, Missouri, thanh niên da màu Michael Brown đã bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết. Vụ việc làm dấy lên làn sóng biểu tình của người da màu suốt thời gian qua, đặc biệt sau ngày 24/11/2014, khi công tố viên hạt St. Louis tuyên bố rằng bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội Wilson.
Mặc dù Hiến pháp Mỹ trao toàn quyền tư pháp cho tòa án, nhưng các thẩm phán cũng phải tuân theo các quy trình tố tụng theo luật định. Trong các vụ án hình sự, bồi thẩm đoàn được trao quyền quyết định buộc tội hay không buộc tội, trong khi các thẩm phán được trao quyền áp dụng các quy định của pháp luật vào vụ án.
Chính vì vậy, khi bồi thẩm đoàn quyết định không buộc tội Wilson, thẩm phán không thể làm khác đi. Liên quan đến vụ án, thẩm phán Tòa án Liên bang chỉ ban trát về việc cảnh sát TP Ferguson vi phạm Hiến pháp vì đã đưa ra lệnh cấm “đứng yên” và cấm quay phim chụp ảnh khi biểu tình.
Có lẽ với vai trò “gác cổng” Hiến pháp, thẩm phán liên bang đã bảo đảm được rằng, nếu vụ án chưa được tiến hành một cách công bằng bởi các nhân viên công quyền thì người dân có quyền lên tiếng, bằng quyền tự do biểu đạt cảm xúc (quyền biểu tình), và thông qua báo chí để giám sát hành vi của các nhân viên công quyền. Điều đó cũng thể hiện, quan tòa liên bang đang nhân danh công lý bảo vệ thế yếu trong phạm vi quyền hạn cho phép bởi Hiến pháp.
Trần Đức Tuấn
19/12/2014 - Tạp chí Tia Sáng - tiasang.com.vn
Đọc thêm!