Sau thảm họa, dù rất đói khát nhưng người Nhật vẫn giữ được sự bình tĩnh và ý thức cộng đồng. Trong ảnh là người dân ở thành phố Koriyama xếp hàng dài đợi đến lượt lấy nước sạch.Ảnh: |
Động đất cực lớn nhưng người Nhật không hoảng loạn, mất bình tĩnh. Trên các trang truyền thông lớn như CNN, BBC… và báo chí Việt Nam nói người Nhật thứ tự ra khỏi các toà nhà đang run lên bần bật một cách trật tự. Không có cảnh la hét, hoặc gây gổ, giẫm đạp lên nhau.
AFP dẫn lời giáo sư đại học Harvard, Joseph Nye nhận xét rằng thảm họa này có thể khiến "quyền lực mềm" của nước Nhật tăng lên. Quyền lực mềm, theo giáo sư Nye, là thuật ngữ ông dùng để mô tả cách mà các quốc gia đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến nước khác ngưỡng mộ.
Ông nhận xét: "Họ cho thấy một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại. Họ đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và trật tự".
Đến hôm nay ngày 15.3, đã qua nhiều ngày, nước Nhật đối mặt với thảm hoạ, khó khăn vô biên nhưng chưa thấy bản tin nào nói về sự hôi của, cướp bóc. Một cuộc khủng hoảng lớn của thiên tai, xoả sổ nhiều khu dân cư, nhưng người Nhật vẫn trật tự, họ biết liên kết lại để vượt qua khó khăn.
Cũng như trước đây, người Nhật từng bước ra khỏi thế chiến thứ II với tư thế thua trận, nhưng họ đã liên kết lại để xây dựng đất nước mặt trời mọc thành siêu cường. Nước Nhật đã đưa các chương trình thảm hoạ vào trường học, dạy kỹ năng ứng phó với động đất, núi lửa, sóng thần. Ứng xử với nhau trật tự, văn minh, ngay cả lúc cận kề giữa sống và chết.
Sự bình tĩnh của từng người dân trong thảm hoạ đã giúp ít rất nhiều cho việc cứu trợ. Ảnh: AFP |
Người Nhật dạy công dân của mình rằng đất nước không có tài nguyên nào lớn hơn ngoài con người, và họ phải dùng trí tuệ để đưa đất nước phát triển chứ không phải bám vào “rừng vàng, biển bạc”. Công dân bình tĩnh xếp hàng nhận cứu tế của nhà nước trật tự, không chen lấn xô đẩy. Báo chí dẫn lời một du học sinh nói: “Tôi đang đi bộ về nơi trú tạm thì một phụ nữ gọi tôi lại và tặng tôi một cái bánh, mặc dù cửa hàng của chị vừa phải đóng cửa vì thảm họa động đất và sóng thần”.
Nhìn lại chúng ta, trận lũ lịch sử năm 2010 ở miền Trung đi qua, nhiều đoàn cứu trợ được triển khai. Cứ tưởng sau thiên tai mọi người sẽ liên kết để vượt qua khó khăn, nhưng đã có nơi này, nơi kia xảy ra hiện tượng tranh giành hàng cứu trợ, sau đó là kiện cáo, tố nhau nhận nhiều nhận ít. Thậm chí có cả chuyện hiệu trưởng một trường học cũng “cướp” tiền cứu trợ của học sinh để may váy đã diễn ra ở Hà Tĩnh.
Bao nhiêu hội cứu tế ở Nhật được lập ra để ứng cứu tình nguyện, nhiệt tình, thì ở ta lại có đoàn cứu trợ lại phát biểu kỳ quái: “Của tôi, tôi ưa cho ai là quyền tôi”.
Người Nhật dạy dỗ nhau không được nói dối, nói dối như quốc nhục, và họ đã thành công. Chính sự liêm chính đã đưa nước Nhật hùng mạnh, ít tham nhũng.
Chúng ta cũng là đất nước thiên tai, nhưng mấy chục năm nay có dạy học sinh thuần thục các kỹ năng ứng phó với mưa bão, lũ lụt?
Chúng ta có bình tĩnh xếp hàng trước các đoàn cứu trợ?
Trận động đất lớn đến 9 độ Richter khiến nước Nhật mất đi hàng trăm tỉ USD nhưng nước Nhật lại nhận được sự liên kết mạnh mẽ của dân tộc họ. Và thế giới sẽ chứng kiến một sự hồi sinh kỳ diệu từ ý chí của người Nhật. Quốc tế giúp đỡ trước mắt, sau đó người Nhật phải làm lại mọi thứ.
Người Nhật đã chuẩn bị tinh thần từ công dân nhỏ bé đến người đứng đầu Chính phủ từ hàng thập niên qua để đối đầu với các thảm hoạ lớn nhất thế giới. Và điều quan trọng nữa, dù thiệt hại lớn về kinh tế, nước Nhật vẫn chưa tuyên bố rút lại các giá trị tài trợ cho cộng đồng các đất nước mà họ đang giúp đỡ. Có lẽ bởi giá trị Nhật không bội tín với lời hứa của mình!
Nhìn vào trận động đất 9 độ Richter, ý chí người Nhật lại lớn hơn cả 9 độ và sóng thần 10m. Một ý chí liên kết xuất phát từ tinh thần samurai tốt cần học hỏi để chấn hưng tinh thần chúng ta.
Tôi cúi đầu thán phục những người bạn Nhật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét