Trang

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Không thể xem nhà máy ĐHN như một món hàng thông thường có thể mua sắm dễ dàng, ai cần thì sắm, cần bao nhiêu sắm bấy nhiêu, mà quên rằng đây là một công nghệ rất phức tạp, quy mô đồ sộ, lại chứa đựng không ít rủi ro, nhạy cảm, vốn gây chia rẽ thế giới dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua.


Tại kỳ họp QH lần này, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Dự án được xem có ý nghĩa chiến lược trong cân bằng năng lượng phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Và đây cũng là một dự án không dễ nghiên cứu đối với các ĐBQH. Vì sao phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào thời điểm này? Nếu xây dựng thì những yếu tố cần và đủ là gì? Phải bảo đảm những yêu cầu gì về nguồn vốn đầu tư, về công nghệ, về độ an toàn và nhiều vấn đề phát sinh khác... Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của GS Phạm Duy Hiển phần nào sẽ giúp độc giả giải đáp những câu hỏi này.

Nhà máy điện hạt nhân (Ảnh minh họa)

Điện hạt nhân trên bàn nghị sự 
Báo cáo đầu tư (BCĐT) Dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận đã được Chính Phủ thông qua và trình ra Quốc Hội xem xét trong kỳ họp cuối năm 2009, theo đó hai nhà máy ĐHN với bốn lò phản ứng công suất 4x1000 MW sẽ xuất hiện vào năm 2020 - 2022. Cũng theo BCĐT, bốn lò nữa sẽ tiếp tục đưa vào vận hành từ năm 2023 đến 2025. Một tốc độ khởi động ĐHN ồ ạt như thế chưa hề có tiền lệ trên thế giới. Với 8000 MW ĐHN vào 2025, Việt Nam sẽ đặt chân vào câu lạc bộ 15 nước hàng đầu thế giới về ĐHN. Để thuyết phục Chính phủ và Quốc hội, BCĐT đưa ra mấy nhận định cơ bản sau đây: 
·         Nước ta rất thiếu điện, dự báo nhu cầu điện năng vào năm 2020 là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010, nhưng than, dầu, thủy điện đến lúc này đều cạn kiệt,
·         ĐHN bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước,
·         ĐHN rất an toàn,
·         Giá thành ĐHN chấp nhận được, tổng vốn đầu tư cho bốn tổ máy đầu tiên khoảng 11 tỷ USD.
·         Kế hoạch hoàn toàn khả thi.
BCĐT đi đến những nhận định trên qua thông tin từ rất nhiều nước trên thế giới, trên mạng và qua những chuyến tham quan được các hãng chế tạo nhà máy ĐHN nước ngoài bố trí. Nhưng vì nguồn thông tin phiến diện, được chọn lọc có chủ đích, không được xử lý từ góc độ khoa học, nên những nhận định trên đây đều không ổn. 
Không thể xem nhà máy ĐHN như một món hàng thông thường có thể mua sắm dễ dàng, ai cần thì sắm, cần bao nhiêu sắm bấy nhiêu, mà quên rằng đây là một công nghệ rất phức tạp, quy mô đồ sộ, lại chứa đựng không ít rủi ro, nhạy cảm, vốn gây chia rẽ thế giới dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua. Cũng phải đạt đến một trình độ KH-CN nhất định mới chinh phục được nó. Cho nên cho đến nay mới chỉ 31 nước có nhà máy ĐHN. 
Chúng ta cần phải làm ĐHN, và cọc mốc 2020 đưa ĐHN lên lưới là một chủ trương cần ra sức phấn đấu thực hiện. Ở cọc mốc đó có mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa mà đất nước đang hướng tới. Nhưng tám lò phản ứng cỡ lớn vào năm 2025 không phải là biểu hiện của một nước Việt Nam công nghiệp hóa - hiện đại hóa nếu chúng ta chỉ sở hữu mà không làm chủ chúng. 
Câu hỏi quan trọng giờ đây là làm ĐHN với tư thế nào, theo con đường nào? Muốn trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ nhà nước cần phải có đầy đủ thông tin khách quan và khoa học. Tránh né phản biện đa chiều để những tiếng vỗ tay lấn át sẽ tạo ra không khí chủ quan, coi thường tri thức khoa học-công nghệ, coi thường pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, rất tai hại.
Những sự cố ĐHN lớn xảy ra trên thế giới đều do con người và quản lý gây ra, nhân tố kỹ thuật chỉ đóng góp một phần. Lắng nghe ý kiến phản biện không phải để tháo lui, mà để ra các quyết sách đúng đắn cho đất nước, tạo ra đủ hành trang để bước lên quỹ đạo ĐHN. 

Thiếu điện hay lãng phí điện 
Thiếu điện nghiêm trọng là lý do tường minh được nêu ra để phát triển ồ ạt ĐHN. BCĐT dự báo nhu cầu điện năng vào năm 2020 là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Muốn thế, từ nay đến đó phải bảo đảm tăng trưởng điện năng trung bình khoảng 17%/năm, vượt quá kỷ lục 15%/năm cũng chính do ta nắm giữ (xem cột 2 bảng 1). Hậu quả là chúng ta lãng phí điện vào loại hàng đầu trên thế giới. Năm 2005 tiêu thụ 01 kWh ta chỉ làm ra 0,89 USD, trong khi Inđônêxia và Philippin làm ra 2 USD, một số nước khác còn nhiều hơn (xem cột 3, bảng 1). 




Bảng 1 Sử dụng điện ở một số nước châu Á căn cứ trên thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và UNDP

Tốc độ tăng điện năng
2000-2006, %/năm
Hiệu quả sử dụng
USD/kWh, 2005
Nhật Bản
0.8
4,6
Đài Loan
3,9

Singapore
4,4
3,4
Philippines
4.6
2,1
Ấn Độ
5,7
1,7
Indonexia
6,3
2,7
Malaysia
7,1
1,6
Thái Lan
7,2
1,5
Hàn Quốc
7,7
2,2
Trung Quốc
13,7
1
Việt Nam
14,4
1,15

Những thông tin trên bảng 1 cho thấy càng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng điện năng càng giảm và hiệu quả sử dụng điện càng tăng. Chúng ta đang lạc hậu hơn ai hết, lại muốn tụt hậu thêm. 
Sử dụng điện kém hiệu quả là do nền kinh tế có khuyết tật. Nếu dám nhìn thẳng vào khuyết tật để nâng hiệu quả sử dụng điện lên, chỉ cần ngang bằng với những nước Philippines, Inđônêxia, cũng đủ để chúng ta cắt giảm hẳn một nửa số nhà máy điện xây mới trước 2020. 

Điện hạt nhân  và an ninh năng lượng 
BCĐT cho rằng ĐHN là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Song với cách làm như BCĐT thì chẳng những an ninh năng lượng không được bảo đảm mà độc lập tự chủ còn bị nguy cơ. Đơn giản là vì chẳng có bất cứ chi tiết nào trong nhà máy ĐHN do chúng ta làm ra, và chưa biết đến bao giờ chúng ta mới hết phụ thuộc vào người nước ngoài, ngay cả khâu xây dựng và vận hành nhà máy, nhất là với tốc độ ĐHN ồ ạt như BCĐT đề xuất. Có gì bảo đảm chắc chắn nhiên liệu hạt nhân sẽ được cung cấp kịp thời cho hàng chục nhà máy định đưa vào vận hành từ 2020 đến 2030?
Ai dám chắc các thanh nhiên liệu đã cháy với hoạt độ phóng xạ rất cao sẽ được mang đi?
Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đối mặt với vấn đề an ninh năng lượng và đều thành công khi xem ĐHN là một giải pháp. Nhưng rất khác ta, họ nhập công nghệ và nội địa hóa nó nhờ biết cách phát triển lực lượng hạt nhân ngày càng hùng hậu, từ đó tiến lên làm chủ công nghệ, và tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định lâu dài. 
Khi bàn đến an ninh năng lượng ta không nên quên năng lượng tái tạo. Tại sao với thiên nhiên ưu đãi, nắng gió quanh năm, mà năng lượng tái tạo vô tận với công nghệ đơn giản đầy thân thiện lại không được xem là một trong những giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước?
Năng lượng tái tạo hiện đang còn đắt, nhưng sẽ ngày càng rẻ hơn theo xu thế chung ngày càng phổ biến trên thế giới. Nếu đem hàng chục tỷ đô la của dự án ĐHN Ninh Thuận đầu tư vào năng lượng tái tạo thì phương án nào hiệu quả và đỡ rắc rối hơn? Cứ xem nước Đức từng dẫn đầu thế giới về công nghệ ĐHN, nơi ươm tạo ra các lò phản ứng thế hệ III+, IV cho thế kỷ 21, họ vẫn sẵn sàng từ bỏ con đường này để dựng lên những cánh quạt gió, những tấm pin mặt trời trên khắp cả nước. 

Tính khả thi
Những ai có chút  ít trải nghiệm về hạt nhân-phóng xạ ắt sẽ  thấy ngay một kế hoạch như BCĐT đề ra hoàn toàn không khả thi. Ngay những cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga, Trung Quốc cũng không phiêu lưu như thế. Phần Lan, một nước rất tiên tiến về khoa học-công nghệ, từng nhiều năm khai thác lò phản ứng VVER thế hệ II của Nga đạt hệ số phụ tải kỷ lục 94%, song để bảo đảm an toàn hơn, họ chấp nhận đầu tư cao gấp bội để nhập lò phản ứng thế hệ III EPR của Pháp, một trong ba lò phản ứng đang xây dựng ở châu Âu. Nhưng trong quá trình xây dựng rất nhiều vi phạm quy chuẩn kỹ thuật, khuyết tật đã bị phát hiện, phải phá đi làm lại. Vì thế đến nay nhà máy đã trễ tiến độ hơn ba năm, giá thành đội lên hai lần, mà cuộc tranh chấp bồi thường thiệt hai giữa hai bên mua-bán vẫn chưa ngã ngũ. 
Tiên tiến và đầy kinh nghiệm như Phần Lan, lại chỉ xây một lò, mà ỳ ạch như thế, liệu chúng ta có phép thần nào đưa tám lò vào hoạt động trong sáu năm? Trong khi hiện nay các cơ sở nghiên cứu và triển khai của ta đang trong quá trình thoái trào, ta không đủ chuyên gia để tự giải quyết bất cứ những vấn đề chuyên sâu nào liên quan đến ĐHN.
Rất ít người có thể giảng dạy môn hạt nhân, nhất là công nghệ ĐHN, ở cấp đại học. Các cơ sở đào tạo hạt nhân luôn trong tình trạng ế ẩm, các thầy dạy chay, chất lượng đầu vào đầu ra đều rất thấp. Hệ thống pháp quy và thực thi pháp luật hạt nhân mới bắt đầu chập chững.
Theo báo cáo của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (VARANS), chúng ta đang còn thiếu nhiều quy định cụ thể để triển khai dự án ĐHN, “để có ĐHN vào năm 2020, trong ba năm 2009-2011 cần phải ban hành 45 văn bản pháp quy, và phải có ít nhất 50 người để làm việc này”. 

An toàn 
BCĐT cho rằng những nhà  máy ĐHN ở nước ta sẽ bảo đảm an toàn và giá thành điện năng có thể chấp nhận được với các lò phản ứng “thế hệ II trở lên”. Trên thực tế, ĐHN chưa an toàn, mà cũng chính vì vậy nên người ta phải đầu tư công sức để nâng cấp các lò phản ứng thế hệ II hiện nay lên thế hệ III và IV.
Những thế hệ lò mới này có tính an toàn thụ động (khi xuất hiện hiện tượng có thể dẫn đến mất an toàn tự nó sẽ có cơ chế hóa giải kịp thời), đủ kiên cố để nhốt các chất phóng xạ không cho thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố nóng chảy vùng hoạt, và chống chịu được các va đập từ bên ngoài như máy bay rơi, động đất cấp tám trở lên. Nhưng lò thế hệ III vẫn không làm nản lòng những kẻ chủ mưu khủng bố và phá hoại. Lò thế hệ IV sẽ loại trừ được khả năng sử dụng nhiên liệu đã cháy để làm vũ khí hạt nhân. 
Đối với Việt Nam, nhập lò phản ứng thế hệ thứ ba trở lên là điều kiện tiên quyết để khởi động chương trình ĐHN. Điều này cần được Quốc Hội ra quyết định dứt khoát, dù biết chắc nó sẽ đội giá thành lên rất nhiều. Với lò EPR thế hệ III đang xây ở Phần Lan, suất đầu tư đã lên đến 4800 USD/kW. Nhiều nguồn thông tin cho biết suất đầu tư lò thế hệ III AP-1000 của Mỹ cũng không dưới 5000 USD/kW.
An toàn và kinh tế là hai mục tiêu luôn đối kháng nhau, song trong bất cứ trường hợp nào an toàn vẫn phải đặt lên trên hết. Cho nên không thể vì chạy theo mục tiêu kinh tế mà phải hạ cấp lò phản ứng xuống thế hệ II như BCĐT đề xuất. Nghĩa là tổng đầu tư cho bốn tổ máy đầu tiên sẽ phải lên đến quá 16 tỷ, chứ không phải 11 tỷ USD như trong BCĐT. 
Để bảo đảm tính nghiêm túc của dự án ĐHN, thiết tưởng nhà đầu tư phải long trọng khẳng định con số tổng đầu tư này trước Quốc Hội và dân chúng. 
Nhưng sử dụng lò  thế hệ III trở lên mới chỉ giảm bớt một phần rủi ro. An toàn ĐHN bao gồm nhiều khâu công nghệ cả bên trong lẫn bên ngoài lò phản ứng, mức độ sự cố trải rộng ra bảy cấp từ thấp lên cao. Ngay trong điều kiện lò hoạt động bình thường, hàng nghìn nhân viên làm việc quanh lò phải trực tiếp chịu phóng xạ, hàng vạn dân chúng sẽ nằm trong vùng chịu tác động bởi chất phóng xạ. Họ được bảo vệ bằng phương tiện kỹ thuật và Luật Năng lượng Nguyên tử sao cho liều chiếu xạ luôn dưới mức cho phép. Nhưng “dưới mức cho phép” không có nghĩa là an toàn. Khoa học đã chứng minh rằng liều phóng xạ thấp bao nhiêu cũng tác hại đến sức khỏe con người, ai tiếp xúc với nó cũng đều phải chịu rủi ro, mức độ càng cao khi liều chiếu càng lớn. BCĐT quên mất chuyện này. 

Chất thải
Lò phản ứng tạo ra hai loại chất thải phóng xạ. Loại có hoạt độ thấp sau khi tạm giữ trong nhà lò một thời gian sẽ chuyển đến các nghĩa địa chôn cất lâu dài. Xử lý loại chất thải này không khó lắm. Đáng lo hơn là loại chất thải hoạt độ cao, gồm các thanh nhiên liệu đã cháy. Chúng được mang ra khỏi lò đem ngâm trong các bể chứa để được làm nguội bằng nước trong hàng chục năm, chờ phân rã bớt phóng xạ, sau đó mới tính đến chuyện vận chuyển trở lại cho hãng cung cấp. Trong chất thải hoạt độ cao này có các chất siêu urani sống hàng nghìn năm, lại rất độc hại, gây hiểm họa lâu dài cho bao nhiêu thế hệ tương lai. Xử lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao, là thách thức rất nan giải mà ĐHN hầu như chưa có phương án giải quyết, và cũng đồng thời là tâm điểm chống đối ĐHN, vì đây là nguy cơ mất an toàn, lan truyền vũ khí hạt nhân và bom bẩn phóng xạ. 
Với một tổ máy 1000 MW ở Ninh Thuận, lượng phóng xạ hàng năm sinh ra do các thanh nhiên liệu đã cháy sẽ gấp 1600 lần những gì hiện có bên trong lò phản ứng Đà Lạt đã hoạt động hơn 25 năm, ước tính lên đến ngót một triệu curi. Từ đó nhân lên cho 8 lò (và sẽ còn nhiều hơn nữa), mỗi lò hoạt động hàng chục năm, ta sẽ được một con số “khủng khiếp”.
Trên nguyên tắc, nước cung cấp lò sẽ mang đi những thanh nhiên liệu đã cháy sau vài chục năm ngâm giữ chúng tại chỗ, nhưng câu chuyện này cũng hết sức rắc rối, khó lường. Nên nhớ rằng chỉ cần 01 curi chất phóng xạ có thể đủ gây chết người khi nó không được bảo quản tốt. Đành rằng lượng phóng xạ khổng lồ đó được nhiều tầng bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng ai dám khẳng định chúng sẽ an toàn tuyệt đối trước mọi thiên tai địch họa và sự bất cẩn của con người. Bảo quản một lượng phóng xạ khổng lồ như vậy chẳng khác nào mang về nhà một bầy hổ. Liệu cái cũi sắt nhốt chúng có làm cho chủ nhà và hàng xóm ngủ yên không? 

Nhân lực cho ĐHN và vấn đề đào tạo chuyên gia 
Địa điểm dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Ảnh: taichinh.saga.com

ĐHN có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ vận hành và hệ thống quản lý, quan trọng nhất là bộ phận chuyên gia đầu đàn. BCĐT chẳng những không dám nhìn thẳng vào hiện trạng thiếu chuyên gia nghiêm trọng của chúng ta, mà không vạch ra được con đường dẫn đến những bước đột phá. Những ai có chút ít kinh nghiệm về hạt nhân-phóng xạ sau khi đọc BCĐT sẽ hiểu ngay rằng chúng ta sẽ dựa hoàn toàn vào người nước ngoài trong những quyết định chủ yếu nhất về ĐHN. 
Không nước nào sẵn lòng giúp ta đào tạo chuyên gia, kể cả những nước sắp cung cấp nhà máy cho ta, bởi ĐHN là lãnh vực rất nhạy cảm. Vậy chỉ còn cách thông qua chà xát với những bài toán cụ thể trong chương trình ĐHN để đào tạo chuyên gia, cách làm “learning by doing” của các nước đi sau trên thế giới. Ba mươi năm trước đây, ngành hạt nhân Việt Nam cũng theo cách này để làm chủ lò phản ứng Đà Lạt. Chủ trương nhập ồ ạt hàng loạt nhà máy ĐHN có nghĩa là khước từ con đường này. 

Chấp nhận rủi ro để giảm thiểu rủi ro
Làm ĐHN là chấp nhận rủi ro như khi ta chấp nhận rủi ro (có thể nằm trong số 30 ca tử vong hằng ngày) để ngồi lên chiếc xe khách chạy trên quốc lộ. Theo tính toán cho lò phản ứng thế hệ II, sai sót kỹ thuật dẫn đến nóng chảy nhiên liệu có thể xảy ra trung bình 01 lần khi có 1000 lò chạy trong 100 năm. Nhưng trên thực tế, tai nạn ở Three Mile Island, Mỹ, xảy ra vào năm 1979, sớm hơn tính toán trên đây rất nhiều, khi mới có hơn một trăm lò chạy hơn chục năm. 
Tai nạn “đến sớm” như vậy là do con người và quản lý gây ra. Chủ quan, bất cẩn, là kẻ thù không đội trời chung với ĐHN, nó có thể làm tê liệt cả hệ thống, chẳng những xem thường mọi quy trình quy phạm lò phản ứng mà còn dửng dưng khi sự cố xảy ra. Tiếng nổ phá tung tòa nhà lò phản ứng Chernobyl (nổ do hydro) phải “mất” ba ngày mới đến tai Tổng Thống Gorbachev, trước đó đám mây phóng xạ đã kéo quá bờ Đại Tây Dương. Không phải Liên Xô thời ấy không đủ chuyên gia giỏi, nhưng chủ quan và thiếu công khai minh bạch trong toàn hệ thống đã dẫn đến thảm kịch. Với lò thế hệ III có khả năng nhốt chặt chất phóng xạ lại bên trong nhà lò, những thảm họa như Chernobyl sẽ rất khó xảy ra. Nhưng đừng quá lạc quan để rồi chủ quan. Con người có thể làm ra những chuyện rất bất ngờ! 
Rủi ro về ĐHN có  thể giảm thiểu giống như chúng ta có thể  giảm số ca tử vong hằng ngày do tai nạn giao thông nhờ nâng cao ý thức của  người đi đường, bằng luật pháp nghiêm minh và bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Cũng vậy, quyết định làm ĐHN là chấp nhận rủi ro để cả nước tìm cách giảm thiểu rủi ro.
Tổ chức kinh doanh ĐHN và nhà nước phải sòng phẳng với công chúng trong chuyện này. Chẳng thế mà theo Luật Năng lượng nguyên tử, nhà nước phải tổ chức ra hệ thống ứng phó tai nạn hạt nhân khẩn cấp, thường xuyên diễn tập, và dành hẳn ra một khoản tiền “đặt cọc” khá lớn để bảo đảm cho người dân “yên tâm” sẽ được bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn.
Năng lực của đội ngũ chuyên gia và quản lý là nhân tố chủ yếu bảo đảm giảm thiểu rủi ro. Chăm lo phát triển đội ngũ này là cách tốt nhất để công chúng tin tưởng và ủng hộ ĐHN, chứ không phải tuyên truyền một chiều. 
Với nguyên tắc an toàn trên hết, chỉ có thể bắt đầu dự án ĐHN khi có đầy đủ văn bản pháp luật, quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn hạt nhân để không ai có thể đứng trên luật pháp.
Phải có đội ngũ chuyên gia để người Việt Nam quyết định công việc của nước Việt Nam. Năm 2020 chỉ nên xem là cọc mốc để phấn đấu, từ đó tính lùi để biết những việc cần xúc tiến gấp, quyết không thể xem là cọc mốc kế hoạch, phải thực hiện cho kỳ được, ngay cả khi điều kiện không cho phép. 
Trong quá trình thực hiện dự án lại phải có đủ thời gian để  đội ngũ chuyên gia trong nước trưởng thành qua công việc và từng bước làm chủ công nghệ, hạ tầng cơ sở pháp luật được thử thách, hệ thống quản lý công nghiệp dần dần làm quen với một lãnh vực hoàn toàn mới là ĐHN. Làm như thế qua tổ máy thứ nhất, sau đó sẽ bắt đầu tổ máy thứ hai. Làm quyết liệt, nhưng thận trọng. Một chương trình ĐHN ồ ạt với tám lò phản ứng đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020-2025 chẳng những hoàn toàn không khả thi mà chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước.

Phạm Duy Hiển 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét