Phạm Thành Nhân
Một cách duy ý chí, có chiếc shinkansen chạy tốc hành Sài Gòn - Hà Nội cũng thích. Song nếu để có chiếc shinkansen ấy mà bắt con cháu phải oằn vai trả nợ thì tôi thành thật xin can.
Những chuyến tàu cao tốc liệu có thể đưa Việt Nam tiến mạnh vào tương lai? |
Được tin Chính phủ vừa đệ trình Quốc hội dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Phạm Nhân tôi phấn khích quá chừng; bởi mãi cho đến nay tôi vẫn đang mơ một cái ước mơ - dẫu chỉ một lần, leo lên chiếc shinkansen vi vu đây đó. Số là thời sinh viên tôi đã chọn Nhật ngữ làm ngôn ngữ phụ bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Trong chương trình học, tôi được giới thiệu về hệ thống tàu cao tốc shinkansen do người Nhật sáng chế - những chiếc tàu có thể chạy với vận tốc 300 km/giờ. 300 km/giờ, nghĩa là với khoảng cách 1730 km (theo đường bộ) giữa Sài Gòn - Hà Nội thì tàu này chỉ mất chưa đầy 6 tiếng trong khi xe lửa hiện nay của ta hay xe đò phải mất tới hơn 30 tiếng. Điều đó thật đặc biệt!
Nghĩ, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi đã có dịp đi trên hầu hết các phương tiện giao thông, từ xe đò, xe hơi, xe máy, xe đạp, xích lô, ba gác thậm chí xe lôi, xe bò, xe ngựa cho đến tàu thủy, máy bay, thế mà vẫn chưa đi shinkansen thì quả là đáng tiếc. Nghe mấy người bạn Nhật nói đi tàu này êm hơn đi xe buýt và trong nhiều trường hợp còn êm hơn cả máy bay. Tôi thích quá, định bụng có dịp nhất định sẽ đi một lần cho biết với người ta. Tất nhiên ước mơ ấy đến nay vẫn chưa thành hiện thực vì tôi chưa đi Nhật, cũng chưa đi Pháp, đi Hàn, Tây Ban Nha hay Mỹ để có thể leo lên TGV, KTX, AVE, Acela (những tên gọi, phiên bản khác nhau của tàu cao tốc - được biết Việt Nam nếu thực hiện dự án sẽ sử dụng công nghệ Nhật nên tôi gọi nó là shinkansen).
300km/giờ. Giấc mơ lớn hơn, nhanh hơn, xa hơn, cao hơn... nguyên thủy của loài người chưa bao giờ trở nên gần như thế.
Có điều, sau khi tham khảo ý kiến phản biện của các chuyên gia, lắng nghe các quan chức Chính phủ, thận trọng cân nhắc lợi hại, tôi buộc phải bỏ phiếu chống lại ước mơ của mình.
Shinkansen - những ưu thế không thể chối cãi
Công bằng mà nói, hệ thống đường sắt cao tốc có khá nhiều ưu thế so với đường sắt truyền thống, đường bộ, thậm chí đường không. Nếu không thế thì những quốc gia phát triển đã không xây dựng và đưa chúng vào vận hành. Xem nào...
1. Tốc độ
Nếu so với hệ thống đường bộ tại Việt Nam hiện nay, rõ ràng đường sắt cao tốc có ưu thế vượt trội về tốc độ. Một chuyến xe khách thông thường chạy từ Sài Gòn ra Hà Nội phải mất độ 40 giờ (hình như hơn vì xe còn phải dừng dọc đường cho khách nghỉ ngơi, ăn uống, vệ sinh). Chuyến xe lửa nhanh nhất hiện nay (tàu E1, E2) để vượt quãng đường đó cũng cần tới 32 giờ trong khi shinkansen chỉ mất hơn 5 giờ một tẹo (theo dự án thì tuyến đường này dài hơn ngàn rưỡi cây số một tí). Thậm chí nếu so với đường không thì đường sắt cao tốc cũng không thua sút là bao bởi tuy thời gian bay giữa Sài Gòn - Hà Nội chưa tới hai giờ nhưng chúng ta không được quên rằng ta luôn được (bị) yêu cầu có mặt ở sân bay trước đó (tối thiểu là) một tiếng để làm các thủ tục kiểm tra an ninh, gởi hành lý... rồi lại làm thủ tục nhận hành lý ở nơi đến. Một điều nữa chúng ta cũng cần nhớ là sân bay Nội Bài nằm khá xa trung tâm Hà Nội. Nghĩa là chúng ta phải cộng thêm thời gian di chuyển bằng xe buýt, taxi hay xe ôm đến hoặc rời sân bay. Có thể máy bay ưu thế hơn một chút về thời gian, nhưng con số đó theo tôi không đáng kể. Tôi chưa đi tàu thủy tuyến Sài Gòn - Hà Nội nên tạm không xét tới phần này.
2. Khả năng vận chuyển
Xét ở khả năng vận chuyển, rõ ràng đường sắt cao tốc ưu thế hơn cả đường bộ và đường không. Một chiếc xe đò có 50 chỗ không thể so sánh với một chiếc Airbus A320 (thường được dùng để bay tuyến Sài Gòn - Hà Nội) có thể chở 180 hành khách hoặc một chiếc Boeing 777 có thể chở tới 350 khách. Vấn đề là 350 hành khách của Boeing 777 cũng chẳng thấm gì so với 12 toa tàu của shinkansen. Tạm tính mỗi toa chở 50 khách thì tàu hỏa cao tốc chở được 600 người mỗi chuyến. Theo dự án của các quan thì nghe đâu mỗi chuyến tàu sẽ chở tới cả 1000 khách. Con số thật ấn tượng!
3. Diện tích mặt đất bị chiếm dụng
So với đường bộ, đường sắt chiếm diện tích mặt đất nhỏ hơn bởi tuy cũng có nhiều sân ga, nó không đòi hỏi phải có nhiều trạm xăng, quán cơm, tiệm sửa, rửa xe... càng không chạy quanh co trên đèo.
Tất nhiên bên cạnh các ưu thế kể trên cũng còn có những lợi ích khác không thể định lượng như lợi ích chính trị, văn hóa, sự tự hào của người dân...
Và câu chuyện đếm cua trong lỗ
Không phải một mà là rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản biện dự án này dưới nhiều góc độ, thiết nghĩ tôi không cần phải nhắc lại. Nếu bạn vẫn muốn tham khảo thêm, xin mời xem bài "Liệu có hiệu quả?" của giảng viên Nguyễn Xuân Thành. Ở đây chỉ xin đặt ra vài câu hỏi nhỏ...
1. Đầu tiên - tiền đâu?
Dự án có số vốn đầu tư dự tính lên đến gần 56 tỷ USD. Nếu bạn không hình dung nổi số tiền này nhiều như thế nào thì ta có thể lấy số tiền này chia cho giá của một chiếc iPhone 3GS khoảng 700 USD. Kết quả sẽ đủ điện thoại để phát cho hơn 80 triệu dân Việt Nam xài chơi. Nên biết rằng GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 100 tỷ USD. Nghĩa là số vốn đầu tư này chiếm hơn một nửa giá trị của tổng sản phẩm quốc nội. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là tiền này không nằm sẵn trong túi ta mà phải đi vay nợ. Mà vay nợ thì phải trả. Không trả được thì người ta xiết nợ bằng đất, bằng biển, bằng tài nguyên hoặc gì gì khác ai biết được. Nghe ông Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long nói "Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay" mà tôi choáng váng hết cả người. Trẻ con Việt Nam hết bị nhồi nhét cả khối kiến thức giáo khoa theo kiểu đào tạo thần đồng đến phát khùng vì học đến bị đánh đập, bị đuổi để đảm bảo thành tích... thì nay lại phải gánh thêm chuyện trả nợ cho cha ông.
Nếu bạn phải còng lưng trả nợ cho cha mẹ, ông bà vì cái mà bạn có khi không xài hoặc không biết có thích hay không thì bạn có chịu không? Với entry này, Phạm Thành Nhân tôi xin đăng ký bản quyền cụm từ "VAY NỢ TƯƠNG LAI" (để đối lại cụm "Ăn mày dĩ vãng" của nhà văn Chu Lai) để chỉ những dự án, những tính toán mà mai sau con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả.
2. Hiệu quả?
Xin được nói thẳng rằng tôi không có cơ sở để tin rằng dự án nêu trên có hiệu quả bởi gần như các tính toán của những người ủng hộ dự án đều là những tính toán trong mơ hay nói nôm na là "trong điều kiện lý tưởng", "trong điều kiện phòng thí nghiệm". Theo dõi trả lời của các quan chức Chính phủ, chúng ta nghe rõ rằng "nếu quản lý tốt", "nếu đúng tiến độ", nếu nếu và nếu... Dựa trên những gì nhìn thấy hàng ngày - chiếc cầu Phú Mỹ xây xong đã lâu vẫn loay hoay phương án thu phí, dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kéo dài nhiều năm, những lô cốt thường xuyên trễ hẹn... thì đánh chết tôi cũng không tin là dự án này sẽ đúng tiến độ. Mà, thời gian thực hiện dự án càng dài thì số tiền lãi phải trả càng tăng, càng giảm hiệu quả kinh tế.
3. Ai đi shinkansen?
Theo tính toán của các sếp thì đến khi dự án hoàn thành, thu nhập bình quân đầu người ở VN sẽ đạt 3000USD/năm (Thích quá! Thật đáng ngưỡng mộ!). Thế nhưng khi ấy giá tiêu dùng đã tăng tới đâu rồi? Nhớ năm 2005, khi tôi kết hôn, giá vàng chỉ mới hơn 800 ngàn đồng một chỉ. Năm 2010 giá là hơn 2 triệu 7 tức hơn gấp 3 lần. Nếu đến khi chúng ta đạt thu nhập bình quân đầu người là 3000USD thì giá có tăng 9 lần không? Khi đó, liệu người ta có đủ tiền đi tàu hỏa cao tốc? Sao không ai tính chuyện này nhỉ? Đó là chưa kể cái-gọi-là "thu nhập bình quân" đã từng bị chỉ ra là một cách tính chẳng thể hiện được gì nhiều. Thử nhé!
Có 10 người và một con gà. Một trong số đó ăn hết nguyên con gà. Vị chi bình quân mỗi người ăn 1/10 con gà. Tuyệt nhỉ! Một chiếc máy bay của bầu Đức hay ngôi nhà dát vàng của Mỹ Uyên bằng bao nhiêu vé tàu cao tốc nếu tính theo mức bình quân như trên?
4. Chất lượng công trình
Chất lượng các công trình xây dựng tại Việt Nam luôn là mối quan ngại lớn của tôi, ít nhất là sau thảm họa cầu Cần Thơ khiến nhiều chục người chết và bị thương. Hầm Thủ Thiêm đang thấm nước. Mặt cầu Thăng Long lỗ chỗ. Sập dầm cầu Chợ Đệm... Những thông tin về rút ruột công trình được đăng tải liên tục trên báo chí khiến tôi hoài nghi về độ an toàn cũng như chất lượng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Thật lạ! Nếu xây dựng đường sắt cao tốc, chúng ta sẽ là nước nghèo nhất trong số những nước có đường sắt cao tốc. Nghèo nhất nhưng lại sang nhất khi tuyến đường chúng ta xây dựng có khoảng cách dài nhất và vốn đầu tư lớn nhất. Điều này khiến tôi liên tưởng tới anh chàng mang dép lê, mặc quần đùi, áo dăm ba chỗ vá sắm điện thoại vertu để gọi cho tình nhân.
Trung tuần tháng 5/2010, ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Cục phó Tổng cục TDTT Việt Nam đã đề xuất TP HCM đăng cai tổ chức SEA Games 2017 để kích thích thể thao TP HCM khôi phục và phát triển. Tôi đã gọi đó là đề xuất đếm cua trong lỗ bởi ai dám đảm bảo rằng đăng cai SEA Games thì thể thao sẽ phát triển? Ai dám đảm bảo rằng có thêm sân bãi, lập thêm đội tuyển thì sẽ phát triển? Nếu tôi bảo rằng cứ cho con nít uống sữa nó sẽ thông minh, bất chấp các điều kiện khác thì bạn có dám quả quyết điều đó không? Nếu dám thì dựa trên căn cứ nào?
Entry đã dài, xin tạm dừng tại đây (dù vẫn còn nhiều điều muốn nói). Để kết bài, xin nhắn với các vị dân biểu rằng cử tri Phạm Thành Nhân tôi bỏ phiếu chống dự án này. Nếu quý vị đại diện cho tôi, xin hãy lưu ý điểm đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét