Trang

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải quyết một số vấn đề lịch sử như thế nào ? Part 2 - Những vấn đề lịch sử chủ yếu đã giải quyết xong


Dương Danh Dy

Những vấn đề đã giải quyết xong (giới thiệu theo thời gian được bình phản, sửa sai)
• Ngày 7 tháng 4 năm 1976 Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ căn cứ vào đề nghị của Mao Trạch Đông đã ra quyết nghị “về việc tước bỏ mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình, nhưng giữ lại đảng tịch để xem xét sau”.
Sau khi “lũ bốn người bị bắt được gần một năm, ngày 16/7/1977 Hội nghị Ttung ương lần thứ 3 khóa 10, quyết định khôi phục lại mọi chức vụ trong ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình.

• Ngày 5/4/1978, Trung ương ĐCSTQ phê chuẩn “Báo cáo thỉnh thị” ngày 4/4/1978 của Ban Mặt trận và Bộ Công an. Báo cáo cho biết: trong cuộc đấu tranh chống phái hữu tiến hành năm 1957, cả nước đã qui sai rất nhiều người là phần tử phái hữu, đã có mấy đợt sửa sai trước Cách mạng Văn hóa (CMVH) nhưng hiện nay vẫn còn khoảng hơn 100.000 người, phải cởi mũ cho số đông trong những người còn lại và kết thúc công việc này trước năm 1980.


• Ngày 19/8/ 1978, Trung ương ĐCSTQ quyết định giải tán tổ chức Hồng Vệ Binh vì đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Đoàn Thanh niên sẽ khôi phục hoạt động.
• Từ 10-11/15-12/1978, Hội nghị công tác Trung ương. Tại hội nghị Trần Vân phát biểu: phải giải quyết một loạt vấn đề trọng đại trong CMVH và vấn đề công tội, đúng sai của một loạt người lãnh đạo quan trọng. Ông khẳng định sự kiện Thiên An Môn (tưởng nhớ Thủ tướng Chu Ân Lai mất, năm 1976) là một phong trào quần chúng vĩ đại, khẳng định cống hiến của Bành Đức Hoài (bị xử lý sai năm 1959), phải bình phản (phân tích nhằm phản bác lại mọi quy kết để giải oan) cho Đào Chú (bị xử lý sai hồi đầu CMVH) cho cái gọi là “tập đoàn phản bội 61 người” (trong đó có Bành Chân, Bạc Nhất Ba), phải phê bình Khang Sinh, v.v.
• Ngày 16/12/1978 Trung ương ĐCSTQ phê chuẩn, đồng ý đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương: không tồn tại cái gọi là tập đoàn phản bội 61 người nêu ra trong CMVH, án oan này phải được bình phản.
• Ngày 18-22/12 năm 1978, hội nghị Trung ương ĐCSTQ lần thứ 3 khóa 11, ngoài việc quyết định chuyển trọng tâm công tác sang công tác kinh tế đã phê phán phương châm “hai cáí phàm là” (do Hoa Quốc Phong đề xuất), xóa bỏ cái gọi là “phản kích làn gió hữu khuynh” và “sự kiện Thiên An Môn”, sửa quyết định sai lầm với Đào Chú, Bạc Nhất Ba, Dương Thượng Côn, v.v. Hội nghị nhấn mạnh phải nhận thức một cách lịch sử và khoa học đối với công lao của Mao Trạch Đông, giương cao một cách hoàn chỉnh, chính xác hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông; quyết định không sử dụng mệnh đề “đấu tranh giai cấp là then chốt”, phủ định lý luận “tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản”. Bầu bổ sung Trần Vân vào Thường Vụ Bộ Chính trị (BCT), Phó Chủ tịch Đảng và Đặng Dĩnh Siêu, Hồ Diệu Bang, v.v. làm ủy viên BCT.
• Ngày 24/12/1978 Lễ truy điệu Bành Đức Hoài, Đào Chú tại Bắc Kinh, xóa bỏ hết những lời lẽ không đúng về hai người, bình phản chiêu tuyết cho họ.
• Ngày 25/12/1978. Uông Đông Hưng không được BCT ĐCSTQ cho kiêm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nữa.
• Ngày 29/12/1978 Trung ương ĐCSTQ ra quyết định: phải nhận thức rõ ý nghĩa trọng đại của công tác phúc tra các vụ án oan, án sai, án giả và tầm quan trọng của việc quán triệt chính sách sửa sai. Nêu rõ phương châm “có sai thì phải sửa, sai toàn bộ phải bình phản toàn bộ, sai bộ phận bình phản bộ phận, không sai không bình phản” và ranh giới giữa có tội và không có tội (sau quyết định này tổng cộng đã bình phản cho hơn 2,9 triệu người bị mắc vào các vụ án oan, án sai, án giả, động viên được tính tính cực của những người này và thân thích của họ).
• Ngày 4-22/1/1979 Hội nghị Ban kỷ luật Trung ương quyết định thẩm tra Khang Sinh và Tạ Phú Trị.
• Ngày 10/1/1979 Quyết định bình phản, khôi phục danh dự cho Đàm Chấn Lâm, Ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng Chính Phủ (xem thêm tin ngày 10/1/1980).
• Ngày 11/1/1979 Trung ương ĐCSTQ quyết định: các phần tử địa chủ, phú nông qua 20-30 năm lao động cải tạo đã trở thành người lao động, nay cởi mũ thành phần cho họ, họ được đối xử như những xã viên công xã nhân dân, con cháu họ được coi là xuất thân từ gia đình nông dân.
• Ngày 17/1/1979, Trung ương ĐCSTQ ra quyết định quán triệt chính sách với sĩ quan và binh lính Quốc Dân đảng khởi nghĩa, đầu hàng, không được phân biệt đối xử với họ và con cháu họ.
• Ngày 12/2/1979 bình phản cho vụ án gọi Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương là “vương quốc độc lập” và dùng cớ đó để hãm hại Hạ Long (Nguyên soái, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban TDTT) một số người lãnh đạo và vận động viên khác.
• Ngày 17/2/1979 bình phản cho Bành Chân (nguyên Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), khôi phục lại đảng tịch và phân công công tác mới.
• Ngày 9/3/1979 bình phản cho Ô Lan Phu (người Nội Mông, Ủy viên dự khuyết BCT khoá 8, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông), trong CMVH bị vu là “tập đoàn phản đảng”, ngoài ra còn khôi phục danh dự, giải phóng cho một loạt cán bộ người Mông Cổ bị án oan, góp phần ổn định tình hình, củng cố đoàn kết dân tộc ở Khu tự trị Nội Mông.
• Ô Lan Phu chủ trì Hội nghị Ban mặt trận thống nhất, xóa bỏ vu cáo Ban Mặt trận “chấp hành chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa xét lại”, kết luận những phê phán Lý Duy Hán trong công tác mặt trận năm 1962-1964 là sai lầm. Bình phản cho toàn Ban và Lý Duy Hán.
• Ngày 21/3/1979 bình phản cho Tổng Cục chính trị Quân giải phóng (trong CMVH bị gọi là “điện Diêm Vương”).
• Ngày 23/8/1979 bình phản cho “sự kiện Dương, Dư, Phó” (tức Dương Thành Vũ – Phó Tổng Tham mưu trưỏng, Phó Sùng Bích và Dư Lập Kim – người phụ trách Quân khu thủ đô Bắc Kinh trong thời gian CMVH).
• Ngày 8/6/1979 bình phản cho Lục Định Nhất (nguyên Ủy viên dự khuyết BCT, phụ trách lĩnh vực tư tưỏng văn hoá) và Bộ Văn hóa.
• Từ 4/8/1979 đến 25/2/1980, với phương châm có sai thì sửa…, Trung ương ĐCSTQ ra quyết định về việc xử lý một số vụ án xảy ra trước CMVH. Đã bình phản cho tiểu thuyết Lưu Chí Đan vì tiểu thuyết này không phải là tiểu thuyết chống Đảng, những ý kiến của Tập Trọng Huân về cuốn tiểu thuyết này là chính xác, không phải là hoạt động chống Đảng, không có cái gọi là “tập đoàn chống Đảng Tập Trọng Huân”… do Khang Sinh vu cáo.
• Ngày 14/10/1979 một số cán bộ đảng viên, dân chúng người dân tộc thiểu số, trong phong trào chống phái hữu năm 1957 và sau đó bị qui là chủ nghĩa dân tộc địa phương, được cởi mũ.
• Ngày 12/11/1979 hơn 700.000 ngàn tiểu thương, tiểu chủ bị đối xử như nhà tư bản trong cải tạo công tư hợp doanh được sửa sai, xác định lại thành phần.
• Ngày 31/12/1979 đã phúc tra được 241.000 vụ án oan, án sai, án giả trong 10 năm từ 1967-1976 (chiếm 83% tổng số) sửa được 131.000 vụ(53%). Ngoài ra còn phúc tra 507.000 vụ án hình sự, trong đó sửa được 358.000 vụ án sai. Tuy vậy vẫn còn 46.00 vụ án oan, án giả, án sai và hơn 500.000 vụ án hình sự chưa được phúc tra. Chỉ thị của Trung ương ĐCSTQ tỏ quyết tâm không để cho bất kỳ người nào chịu những án sai về chính trị.
• Ngày 29/2/1980 bình phản và 13/3/1980 tổ chức lễ truy điệu cho Lưu Thiếu Kỳ, xóa bỏ hết những tội lỗi gán ghép cho ông trong CMVH.
• Ngày 20/5/1980 bình phản cho La Thụy Khanh (Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng).
• Ngày 19/6/1980 bình phản cho tất cả những cán bộ Trung ương và địa phương cấp cao, cán bộ từ cấp Quân đoàn trở lên trong bộ đội bị điểm tên phê phán trên báo chí trong CMVH.
• Ngày 12/7/1980 bình phản cho An Tử Văn (nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương) khi ông này vừa mất.
• Ngày 30/7/1980 Trung ương ĐCSTQ ra chỉ thị yêu cầu “ít tuyên truyền cá nhân”.
• Ngày 21/8/1980, trong khi tiếp phóng viên Italia, Đặng Tiểu Bình nói, Mao Trạch Đông có một đoạn thời gian phạm sai lầm, nhưng vẫn là người sáng lập ra ĐCSTQ và nước CHNDTH.
• Ngày 26/8/1980 bình phản cho Lý Đức Sinh bị “lũ bốn người” vu cáo trong thời gian CMVH.<
• Ngày 24/9/1980 bình phản cho cái gọi là “tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” khôi phục danh dự cho tất cả những người có liên quan.
• Ngày 10/10/1980 bình phản cho diễn viên điện ảnh nổi tiếng Triệu Đan.
• Ngày 16/10/1980 Trung ương ĐCS TQ ra quyết định coi Khang Sinh và Tạ Phú Trị là những kẻ phẩm chất chính trị vô cùng xấu xa, đã trực tiếp cùng bè lũ Lâm Bưu, Giang Thanh âm mưu cướp đảng đoạt quyền, phạm tội ác rất nghiêm trọng, quyết định hủy bỏ diễn văn truy điệu (vì hai người này chết trước lúc CMVH kết thúc) khai trừ ra khỏi đảng, đưa tro xưong của họ ra khỏi Bát Bảo Sơn.
• Ngày 19/10/1980 bình phản cho Cù Thu Bạch, xóa bỏ lời buộc tội ông phản bội khi bị bắt trước khi bị giết trước đây.
• Ngày 23/10/1980 bình phản cho Dương Thượng Côn (là Chánh văn phòng Trung ương Đảng (sau khi được bình phản, có thời gian là Chủ tịch nước) bị vu cáo là đặt máy nghe trộm, tích cực tham gia hoạt động phản cách mạng, bị mất chức từ năm 1965).
• Ngày 6/11/1980 bình phản cho Dương Hiến Trân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đảng cao cấp.
• Từ ngày 10-11đến ngày 5/12/1980 BCT ĐCSTQ họp, phê bình Hoa Quốc Phong. Hoa Quốc Phong xin từ chức Chủ tịch đảng và Chủ tịch quân ủy Trung ương. Hội nghị quyết định từ nay đến khi họp hội nghị Trung ương 6, Hoa Quốc Phong không chủ trì công tác Trung ương nữa, Hồ Diệu Bang thay thế làm Chủ tịch đảng và Đặng Tiểu Bình thay thế làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
• Ngày 25/11/1980 toà án đặc biệt Trung ương xét xử vụ án bè lũ Lâm Bưu và “lũ bốn người”, tất cả gồm 16 chủ phạm: Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Tạ Phú Trị, Diệp Quần, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Giang Đằng Giao. Quyết định những người đã chết không kết án.
• Ngày 25/1/1981 Tòa án đặc biệt tuyên án xử tử hình Giang Thanh, Trương Xuân Kiều nhưng cho hoãn chấp hành 2 năm; xử Vương Hồng Văn tù chung thân, Diêu Văn Nguyên 20 năm tù giam, Trần Bá Đạt 18 năm, Hoàng Vĩnh Thắng 18 năm, Ngô Pháp Hiến 17 năm, Lý Tác Bằng 18 năm, Khưu Hội Tác 16 năm, Giang Đằng Giao 18 năm tù giam.
• Ngày 9/3/1981 bình phản cho Đặng Tử Khôi.
• Ngày 27/6/1981, hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa 11 của ĐCSTQ họp ra “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của đảng từ khi xây dựng nước đến nay”. Nghị quyết sau khi khẳng định những thành tích đã đạt được, đã công khai đánh giá công, tội của Mao Trạch Đông, đánh giá Đại hội 9 và Đại hội 10 của ĐCSTQ, phê phán tội ác của Lâm Bưu và “lũ bốn người”, v.v. (sẽ trình bày ở phần dưới). Tại hội nghị này Hoa Quốc Phong chính thức mất chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch quân ủy Trung ương, sau đó không lâu cũng mất luôn chức Thủ tướng chính phủ, do Triệu Tử Dương thay thế.
• Ngày 9/9/1981 bình phản cho “Đảng Hồng Kỳ” bị Khang Sinh vu cáo từ những năm 1942 ở Diên An.
• Ngày 28/1/1982 thả toàn bộ tù binh Quốc Dân đảng từ cấp Trung đoàn trở xuống.
• Ngày 30/12/1982 Trung ương ĐCSTQ ra quyết định thanh lý “ba loại người” vì sau khi CMVH kết thúc vẫn còn một bộ phận thuộc những loại người này vẫn còn lọt lưới, chui vào các cơ quan chính quyền và đảng ủy các cấp trong cả nước (đến tháng 10/1983 còn có thông tri nhắc nhở: phải coi vấn đề này là nhiệm vụ quan trọng).
“Ba loại người” tức là: những kẻ theo tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh tạo phản mà nổi đình đám; những người có tư tưởng bè phái nghiêm trọng; những phần tử đánh, đập phá, ăn cướp nghiêm trọng. Trong hơn 3 năm cố gắng đã xử lý được hơn 400.000 “3 loại người” trong đó có 43.070 người phạm sai lầm nghiêm trọng.
Để thấy rõ vấn đề, xin đưa môt vài ví dụ: ngoài Vương Hồng Văn ra còn có Từ Cảnh Hiền, Vương Tú Trân (những cán bộ, nhân viên công tác bình thường) chỉ trong mấy năm “ngồi tên lửa” đã trở thành Trung ương ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng thành phố Thượng Hải, Khoái Đại Phú một trong 4 “tư lệnh hồng vệ binh” nổi tiếng trong thời kỳ đầu CMVH, Nhiếp Nguyên Tử – người viết bài báo chữ lớn đầu tiên, v.v. (số người này nhiều không kể hết và những người phạm tội nặng, sau khi kết thúc CMVH đều bị xử tù giam).
Để thấy hết tội lỗi của “3 loại người” xin nêu một số ví dụ.
Theo thống kê chưa đầy đủ chỉ trong tháng 8 năm 1966 tại Bắc Kinh với lý do khám nhà, bọn đập, cướp phá đã lấy đi 103.131 lạng vàng, 345.212 lạng bạc, 55,5 triệu tiền mặt và 613.688 đồ cổ (Trung Quốc tả họa, Nhà xuất bản Triều Hoa, Bắc Kinh, tháng 2 năm 1993, tr 419). Chỉ trong 66 ngày từ 13/8/ 1967 đến 17/10/1967 trong 10 khu và 36 công xã với 2.780 hộ ở huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam đã có 4.519 người bị chết (bị giết 4.193 người, tự sát 326 người) (Trung Quốc tả họa, tr. 444).
Thủ đoạn giết người trong thời gian này là bắn, chém, dìm chết, thiêu đốt, ném xuống vực, chôn sống, treo cổ, quật chết (trẻ em).
Những thủ đoạn hành hạ người bị đấu tố vô cùng tàn nhẫn (qua sách báo, phim ảnh TQ xuất bản và chiếu ở Việt Nam đã thấy được một phần nên không nói nhiều ở đây, điển hình là cách đối xử với Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long, v.v.).
Mặc dù quân đội được coi là đội ngũ đáng tin cậy – bức trường thành trong CMVH – nhưng đã có tới hơn 80.000 quân nhân bị bức hại (trong đó có 8 Nguyên soái, 7 Đại tướng, 18 Thượng tướng), có 1.169 người bị bức hại đến chết.
Có hơn 34.000 người làm trong ngành công an, kiểm sát, tòa án bị bức hại trong đó bị chết hơn 1.100 người, bị đánh đập trở thành tàn tật hơn 3.600 người.
Vân vân.
Chú thích quan trọng:
Trong những vụ án bị kết tội trong thời gian này, có vụ án Lâm Bưu chưa được một số nhà nghiên cứu khoa học và một số người Trung Quốc đồng tình. Ngay sau khi vụ án xảy ra (13 tháng 9 năm 1971) không lâu trong dư luận Trung Quốc đã có người đòi xét lại vấn đề này. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay càng có nhiều bài viết đòi hỏi minh oan cho Lâm Bưu. Tin gần đây nhất cho biết nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Trung Quốc ngày 1/8/2007 tại Bảo tàng quân đội Trung Quốc đã trung bày tượng Lâm Bưu bằng đồng, và nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng “Bình Hình Quan” ngày 24/9/2007 cũng đã dựng tượng Lâm Bưu bằng đồng tại nơi kỷ niệm là Sơn Tây, và nhân dịp 100 năm ngày sinh của Lâm Bưu ngày 12/9/2007 Lâm Lập Hằng con gái và hai mươi thân thích của Lâm Bưu đã tổ chức buổi gặp mặt (có hậu duệ của Trần Vân, Trần Nghị, Hạ Long, Đàm Chính, Đặng Hoa, v.v. tham dự). (Theo http:// http://www.epochtimes.com/gb/7/12/13/n1940727.htm. Có thể coi vụ án này chưa giải quyết xong.
Mặc dù cho đến năm 1981, ĐCSTQ vẫn kết luận Trần Độc Tú (Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSTQ là theo chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh, nhưng đến năm 2002 ông đã được chiêu tuyết bình phản. Trong lời giới thiệu cuốn Lịch sử ĐCSTQ mới xuất bản đăng trên tạp chí Bách niên trào số 10 tháng năm 2002, Thạch Trọng Tuyền, Phó chủ nhiệm Ban Nghiên cứu lịch sử Trung ương ĐCSTQ đã viết: “Phải khẳng định công lao vĩ đại của Trần Độc Tú từ ngày thành lập đảng cho đến trước thời kỳ phong trào đại cách mạng”, “ông là một trong những người lãnh đạo chủ yếu của đảng ta”, hơn nữa “luôn luôn là lãnh tụ chủ yếu của đảng ta từ đại hội 1 đến đại hội 5 (tức từ năm 1921 đến năm 1928), uy tín của ông lúc đó trùm lên bất kỳ người nào khác”. Còn nói sai lầm của Trần Độc Tú chỉ là phạm “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” chứ không phải là “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh”.
Việc sửa sai này được thể hiện rõ khi Hội nghị Chính trị hiệp thương Trung Quốc họp kỳ họp thứ nhất khóa 10 (3/3/2003), người ta thấy trong danh sách những người tham dự có hai con gái Mao Trạch Đông là Lý Mẫn và Lý Nạp; con trai và con gái Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương và Đặng Nam và Trần Hồng cháu gọi Trần Độc Tú là ông nội. Qua việc này thấy Trần Độc Tú cuối cùng đã được đường hoàng ngồi vào hàng ngũ những người lãnh đạo ĐCSTQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét