Trang

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải quyết một số vấn đề lịch sử như thế nào ? Part 6 - Một số nhận định

Dương Danh Dy


Những sai lầm của ĐCSTQ và người lãnh đạo chủ yếu – Mao Trạch Đông – trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1976 rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến sinh mệnh và tài sản của hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc (có tư liệu nước ngoài nói: “nhảy vọt lớn” và “đại CMVH” đã làm chết khoảng 40 triệu người và hàng trăm triệu người bị lâm vào cảnh tù đày, đấu tố; cuốn Mao TRạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng, Nhà xuất bản Thư tác phường, 2007 (tái bản 2008) thống kê con số bị chết trong cả hai cuộc “đại” ấy là 55 triệu 550 nghìn người). Một câu hỏi được đặt ra: vì sao nhân dân, đảng viên ĐCSTQ lại cam chịu, không đứng lên chống lại?

Câu trả lời là: ngoài sự trấn áp dữ dội bằng quân sự sẽ có ngay nếu động loạn xảy ra, những người lãnh đạo Trung Quốc thường phát hiện được sai lầm khá sớm, sau đó họ lặng lẽ sửa sai một phần (xem phần nói về chống phái hữu, hay phần nói Mao Trạch Đông bảo vệ được một số lãnh đạo quan trọng trong CMVH) nên đã làm dịu được lòng người.

Câu hỏi trên không có ý nói tinh thần đấu tranh của nhân dân Trung Quốc không kiên cường mà muốn nhấn mạnh tai họa giáng xuống đầu mỗi người dân Trung Quốc rất lớn nhưng vì đại cục, vì tin tưởng vào Đảng, vào lãnh tụ nên những người cộng sản và đại đa số nhân dân Trung Quốc đành cam chịu, nhưng phần lớn vẫn kiên trì đấu tranh (dù là lâu dài) với phương châm và biện pháp rất kiên quyết nhưng cũng rất linh hoạt như: có sai phải sửa, việc dễ làm trước, việc khó làm sau, giải quyết từng phần tiến tới giải quyết toàn bộ, đời trước chưa xong thì đợi đến đời sau nhưng cuối cùng thì chân lý phải thắng.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, “lũ bốn người” bị bắt thì công việc sửa sai mới có thể tiến hành một cách toàn diện và tương đối triệt để (ngoại trừ vụ Lâm Bưu trước đó và vụ Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương sau này giải quyết còn dở dang).

Vì lợi ích của đất nước, Trung Quốc vẫn duy trì thần tượng Mao Trạch Đông một cách giới hạn và ngày một giảm dần, nhưng việc tiến hành mổ xẻ, phê phán nghiêm khắc những việc làm sai lầm của ông và những tổn thất do ông gây ra cho nhân dân, đất nước (“tội của Mao Chủ tịch một đoàn xe lửa chở cũng không hết” – Báo chữ lớn trong CMVH – Dương Danh Dy ghi) đã khiến nhiều cán bộ đảng viên và người dân bị tai nạn, dịu bớt nỗi đau. Đặc biệt là việc bình phản cho những án oan án sai án giả (có thể nói là “tiếng oan dậy đất”) cho tất cả những người vô tội, dù đông tới hàng chục triệu người (suy ra từ 2,9 triệu người bị liên quan trực tiếp) đã khiến nhiều người mừng rơi nước mắt, quên hết oán giận.

Đặc biệt đã xử lý nghiêm khắc bọn đầu sỏ và những phần tử thuộc “3 loại người” không nhẹ tay với bất kỳ ai, ví dụ như:

- Giang Thanh, dù là vợ Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn bị kết án tử hình (hoãn thi hành hai năm).

- Mao Viễn Tân, dù là cháu gọi Chủ tịch Mao Trạch Đông bằng bác ruột, con liệt sĩ cách mạng cũng bị xử 17 năm tù giam, tước đoạt quyền lợi chính trị 4 năm.

- Khang Sinh một kẻ dã tâm, trước khi chết là Phó Chủ tịch ĐCSTQ nên được hưởng mọi tiêu chuẩn đãi ngộ của chức vụ này, nay bị tước bỏ diễn văn truy điệu (vì ca ngợi công lao của hắn), khai trừ khỏi Đảng và đưa tro xương ra khỏi Bát Bảo Sơn. Tạ Phú Trị, UVBCT, Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng bị xử lý như vậy.

- Hơn 400.000 phần tử thuộc “3 loại người” bị xử lý, trong đó có 43.074 người phạm sai lầm nghiêm trọng (như Mao Viễn Tân, Khoái Đại Phú, Nhiếp Nguyên Tử… đều bị khai trừ Đảng và bị tù gần hai mươi năm). V.v.
Cách giải quyêt và xử lý kiên quyết với những kẻ phạm tội đó đã làm cho bao nhiêu nạn nhân và gia đình những người bị hại trong CMVH mát lòng hả dạ, vợi đi những đau thương.

Chính những sửa sai nói chung là chính xác, thỏa tình đạt lý, được quán triệt đến từng người dân, đã khiến cho bao nhiêu oan ức tủi hờn, đau thương mà họ và gia đình họ phải chịu dựng trong thời gian dài (có một số người là rất dài, hết cả đời người hoặc có người không còn sống để thấy ngày bình phản) được giải tỏa, bao nhiêu oán hận được quên đi, tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc hăm hở, phấn chấn bước vào cuộc cải cách, mở cửa vĩ đại do ĐCSTQ phát động năm 1978 nhằm “chấn hưng Trung Quốc”. Họ dường như đã nhanh chóng quên được quá khứ đầy nước mắt để chung lòng chung sức phấn đấu vì mục tiêu chung nhờ đó Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn mà ai cũng thấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét