Hoàng Xuân
(TuanVietnam.net)
Trong hầu hết báo cáo xin đầu tư dự án thủy điện gần như không có dòng nào đề cập đến thiệt hại về giảm nguồn nước, tác động xấu đến hệ sinh thái, mất rừng đầu nguồn... mà chỉ nhấn mạnh vai trò điều tiết lũ, cắt lũ.
Thủy điện có rẻ?
Chỉ trong 10 năm, hệ thống sông ngòi Việt Nam gánh trên 500 công trình thủy điện lớn nhỏ.
Vẫn theo ông Oanh, tính đến cuối năm 2009, cả nước có 23 công trình thủy điện vừa và lớn đang hoạt động, tổng công suất lắp đặt khoảng 6.200 MW, khai thác gần 30% tiềm năng kinh tế-kỹ thuật của thủy điện ở Việt Nam.Mặc dù thống nhất về lợi ích của thủy điện, hiện đang có hai luồng quan điểm khác nhau giữa những nhà nghiên cứu về phát triển thủy điện ở Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Danh Oanh, thủy điện bền vững hơn các dạng năng lượng khác, có thể được coi là một nguồn năng lượng tái tạo, thải ra rất ít khí nhà kính so với các phương thức sản xuất điện khác.
Còn theo ông Đào Trọng Tứ, tác hại của thủy điện rất lớn. Đầu tư thủy điện đắt hơn rất nhiều so với nhiệt điện, lên đến 30-40 tỷ đồng/MW. Thủy điện còn khiến di dời số lượng dân rất lớn (dự án Đồng Nai 8 dự tính di dời tới 8.000 dân), thay đổi hẳn các tập tục văn hóa của họ, là những thiệt hại chưa tính được bằng tiền.
Về tác động đối với hệ sinh thái, ông Tứ dẫn chứng: sông Nile có một hệ sinh thái rất đặc biệt. Trước khi xây đập thủy điện, riêng cá mòi thu được là 500.000 tấn/năm. Chỉ sau 15 năm có đập thủy điện, lượng cá mòi giảm chỉ còn 500 tấn/năm.
Bàu Cá, một trong những vùng đất ngập nước trong Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, nơi cư trú của hàng chục loài thủy sản đặc hữu quý hiếm. Ảnh Tư liệu. |
Nguyên là đầu mối của Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hợp tác với Ủy ban thế giới về đập (WCD), ông Tứ cho biết, trên thế giới, theo nghiên cứu của WCD, khoảng 40-80 triệu người đã phải di dời để xây đập. Về chức năng thủy điện, về cơ bản đạt hiệu quả nhưng tỷ lệ khác nhau còn phải xét toàn diện, có đến gần một nửa số đập kém hiệu quả. Chi phí trung bình vượt mức 50%; một nửa các công trình trong nghiên cứu của WCD bị chậm một hoặc nhiều năm. Chỉ hoàn vốn với thủy điện, còn về phần tưới tiêu, kết quả về tài chính và kinh tế rất kém, nhưng tất cả mọi thành quả đều được quy vào cho thủy điện.
Thủy điện còn làm mất tính đa dạng sinh học của sông và ven bờ, tác động có hại đến sinh kế ở các đồng bằng ngập lũ, các hồ chứa tạo nên khí ga gây hiệu ứng nhà kính. 67% thay đổi của hệ sinh thái được khảo sát là những thay đổi tiêu cực.
Ở Đồng Nai, nghiên cứu tác động của các hồ chứa nước đến những hệ sinh thái, với hệ thống số liệu từ 1983 đến nay, các nhà nghiên cứu Phạm Văn Miên (Viện Môi trường và Phát triển bền vững), Phạm Anh Đức và Nguyễn Thị Mai Linh (Khoa Môi trường và BHLĐ, Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM) đưa ra những thông tin đáng lo lắng.
Theo quy hoạch, trên hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 19 hồ chứa nước lớn để điều tiết dòng chảy cho mục đích phát điện, cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ...
Dưới tác động của chúng, các yếu tố sinh thái cơ bản như độ mặn, độ pH, nhiễm bẩn và biến đổi vi khí hậu ở lòng hồ đều tăng.
Mùa khô, ngưỡng mặn 4% đã đẩy sâu khoảng 20 km xuống hạ lưu. Nhiễm bẩn tăng do nguồn nước xả từ các hồ Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ. Các hồ này cũng là chướng ngại vật chặn đường di cư của tôm cá từ biển, cửa sông lên thượng lưu, trong đó có nhiều loài có giá trị cao như tôm càng xanh, cá chình mun. Chỉ trừ hồ Phước Hòa đang xây dựng là có đường di cư của cá, toàn bộ các hồ khác đều không thực hiện việc này (đây là một trong những quy chuẩn xây hồ chứa nước ở các nước tiên tiến).
Lượng nước xuống vùng hạ du cũng bị giảm rất nhiều. Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Huy, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hệ thống sông Đồng Nai có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày (trữ lượng tĩnh: 10 triệu m3/ngày, trữ lượng động 12 triệu m3/ngày). Nhưng từ khi xây các đập thủy điện, lượng nước đã giảm hẳn, tới mức tiệm cận dần với ngưỡng hạn chế về nguồn nước, đặc biệt thiếu nước trong mùa khô (theo Hội Tài nguyên nước quốc tế IWRA, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là thiếu nước) nhưng mùa mưa lại có lũ dữ và sạt lở ở hạ du. Ví dụ rõ nét nhất là thác Pongour, từng được người Pháp tôn vinh là dòng thác hùng vĩ nhất Đông Dương, chiều cao 40 m, chiều rộng 100 m, nước tuôn ào ạt xuống vách đá 7 tầng, nhưng từ 2008, khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước thì Pongour đã cạn khô, trở thành dòng thác chết.
Không chỉ ngày càng thiếu, nguồn nước trên sông Đồng Nai ngày càng ô nhiễm. Ở khu vực thượng lưu và trung lưu các sông Đồng Nai, Sài Gòn, toàn bộ sông Bé và sông La Ngà, tuy bị ô nhiễm cục bộ như làng nuôi cá bè La Ngà nhưng nhìn chung chất lượng nước còn tốt. Ở khu vực hạ lưu (sau đập Trị An trên sông Đồng Nai, sau đập Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Thị Vải), nhiều nơi đã bị ô nhiễm nặng như khu vực xung quanh các vùng phát triển công nghiệp và các kênh rạch nội thành, nội thị. Nước ngầm nhiều nơi cũng đã cạn kiệt hoặc nhiễm mặn.
Thiếu quy hoạch, mỗi tỉnh làm một phách
Điều làm các nhà khoa học lo ngại hơn cả là cho đến nay vẫn chưa có quy hoạch sử dụng nước trong lưu vực sông Đồng Nai khiến mỗi địa phương sử dụng tài nguyên chung một phách.
Theo quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện hệ thống sông Đồng Nai đã được thủ tướng phê duyệt năm 2002, các công trình chính là Đa Nhim, Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận, Đa Mi. Các công trình đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng là Cần Đơn, Đại Ninh, Srokphumieng. Các công trình chuẩn bị đầu tư là Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8, Dakr Tih, Bảo Lộc và La Ngâu. Nhưng quy hoạch này liên tục bị xáo trộn.
Tháng 3-2008, UBND tỉnh Đồng Nai làm văn bản gửi Bộ Công thương yêu cầu bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện Thanh Sơn, Phú Tân 1 và Phú Tân 2 thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Trả lời, Bộ Công thương nói rõ trong văn bản 2084/BCT-NL ngày 17-3-2008: các dự án trên đều làm thay đổi quy hoạch bậc thang thủy điện đã được phê duyệt và đề nghị tỉnh lập báo cáo hiệu chỉnh toàn vùng để thẩm định và trình lại Thủ tướng. Tháng 10, UBND tỉnh Đồng Nai chính thức đề nghị Bộ Công thương hiệu chỉnh dự án Đồng Nai 8 thành 5 dự án nhỏ vào quy hoạch các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao gồm dự án Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định.
Cũng trong năm 2008, chỉ sau Đồng Nai hai tháng, Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long-Gia Lai, doanh nghiệp đầu tư bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 cũng đề nghị hiệu chỉnh dự án này thành hai bậc: Đồng Nai 6 và 6A, lý do là diện tích ngập nước của Đồng Nai 6 quá lớn (gần 2000 ha) và cách quá gần khu vực bảo tồn tê giác (7 km-11 km).
Tháng 1 và tháng 5-2009, UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng lần lượt có công văn đề nghị bổ sung dự án thủy điện Bù Đăng (Công ty cổ phần đầu tư-xây dựng-thương mại-dịch vụ Đức Hòa, TP HCM đầu tư, vị trí xây dựng thuộc huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước và huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng). Tiếp liền, tháng 6-2009, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Á Đông (Bình Phước) xin bổ sung dự án thủy điện Đức Thành (nằm dưới dự án Đồng Nai 6A)
Trong tháng 3-2009, bộ Công thương cho phép Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Lĩnh nghiên cứu dự án thủy điện Đồng Nai 7/Đạ Kho (nằm trên xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) và công ty cổ phần Chân Minh Châu nghiên cứu dự án thủy điện Đồng Nai 8 (phía dưới Đồng Nai 7).
Sau dồn dập các bổ sung, thay đổi dự án thủy điện của các địa phương, cuối cùng trong trả lời của Bộ Công thương năm 2009 về điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai, dự án Đồng Nai 8 chia thành 5 dự án nhỏ, Đồng Nai 6 được chia thành 6 và 6A.
Nhận xét về quy hoạch bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, ông Nguyễn Vũ Huy nói: "Quy hoạch hiện nay đang bị thay đổi một cách tùy tiện, không được xem xét lợi ích tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn, dòng chảy môi trường... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác và quản lý tổng hợp nguồn nước".
"Quản lý và vận hành các hồ chứa thủy điện còn có vấn đề về phòng lũ và cấp nước, có thể gây ra thiệt hại cho hạ du" - ông Huy cho biết.
Cắt lũ là cái gậy to nhất của ông xin đầu tư thủy điện
Nhưng trong tất cả các báo cáo xin đầu tư dự án thủy điện nêu trên, hầu như không có dòng nào đề cập đến thiệt hại về giảm nguồn nước, tác động xấu đến hệ sinh thái, mất rừng đầu nguồn... mà chỉ nhấn mạnh vai trò điều tiết lũ, cắt lũ.
"Điều tiết lũ, cắt lũ là cái gậy to nhất của các ông xin đầu tư thủy điện" - bà Trần Thị Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng) châm biếm.
"Tính đúng, tính đủ thì thủy điện không rẻ, vì mất rừng, mất hệ sinh thái, nhưng địa phương nào nghe (có nhà) đầu tư thủy điện là ok trăm phần trăm. Trước mắt là lợi cho địa phương mà. Ông môi trường có can ngăn thì cũng để đó nghe thôi"- trong hội thảo về tác động của thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai đến hệ sinh thái, tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên ngày 17, 18-4-2010, một số cán bộ lãnh đạo ngành môi trường của các địa phương nhận xét.
Tuy sông ngòi chằng chịt, Việt Nam chỉ có 10 con sông có thể phát triển thủy điện. Theo Tiến sĩ Nguyễn Danh Oanh, Viện Năng lượng, 10 hệ thống sông đó là sông Đà, sông Lô-sông Gâm-sông Chảy, sông Mã-sông Chu, sông Cả, sông Vu Gia-sông Thu Bồn, sông Trà Khúc-sông Hương, sông Sê San, sông Ba, sông Srêpok và sông Đồng Nai. Trong đó, 4 lưu vực sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất là sông Đà, sông Lô-sông Gâm-sông Chảy, sông Sê San và sông Đồng Nai, chiếm 75% tiềm năng cả nước. |
HX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét