Phong trào “chống phái hữu”. Nguồn gốc của phong trào này bắt đầu từ cuộc chỉnh phong: chỉnh đốn chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa quan liêu nhằm khắc phục hiện tượng Đảng ngày càng thoát ly quần chúng, triển khai tháng 3 năm 1957.
Ngày 30 tháng 5 năm 1957, Mao Trạch Đông mời đại biểu các đảng phái dân chủ và nhân sĩ ngoài Đảng dự cuộc tọa đàm, hoan nghênh họ giúp đỡ ĐCSTQ chỉnh phong. Sau đó Ban Mặt trận thống nhất Trung ương ĐCSTQ đã nhiều lần triệu tập hội nghị trưng cầu ý kiến nhân sĩ ngoài Đảng về công tác của đảng. Trước những lời kêu gọi đó, phong trào chỉnh phong được tiến hành vô cùng sôi nổi. Đa số người đã góp nhiều ý kiến và kiến nghị chính xác cho Đảng và Chính phủ, nhưng có một số cực ít người có ý đồ xấu, muốn nhân dịp này công kích và đòi chia xẻ quyền lãnh đạo với ĐCSTQ.
Trung tuần tháng 5/1957, Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đánh giá tình hình và cho rằng tình hình đã thay đổi, ra chỉ thị “Tổ chức lực lượng phản kích sự tấn công điên cuồng của phái hữu”.
Ngày 1/7/1957 Mao Trạch Đông viết xã luận Nhân dân nhật báo phê phán Chưng Nãi Khí và La Chương Long, đều là nhân sĩ ngoài Đảng, qua đó chỉ ra phái hữu của giai cấp tư sản là phái phản động chống cộng, chống nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội, đẩy phong trào chống hữu lên cao trào, mở rộng diện đấu tranh chụp mũ cho rất nhiều nhân sĩ, phần tử trí thức trong ngoài Đảng.
Phong trào này cơ bản kết thúc vào mùa hè năm 1958 (khoảng một năm) mặc dù không kéo dài nhưng đã có tới 552.877 người bị qui là phái hữu (trong đó có những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học như cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, hoặc những kỹ thuật viên chưa đến 18 tuổi).
Trung ương ĐCSTQ đã nhanh chóng phát hiện được sai lầm. Từ năm 1959 bắt đầu sửa sai một phần, đến năm 1964 đã sửa sai được 5 đợt. Từ tháng 4/1978 tiếp tục sửa sai, tổng cộng đến tháng 5/1980 đã cởi bỏ mũ phái hữu cho 540.000 người và vẫn còn hơn 10.000 người nữa. Tiếp tục điều tra và sửa sai đến cuối năm đã đưa ra kết luận cuối cùng: Trong số 552.000 người bị qui là phái hữu chỉ có 96 người không được bình phản, xác suất chưa tới hai phần vạn (cứ qui 10.000 người chỉ đúng chưa tới hai người).
Những người bị qui sai đều là những đồng chí tốt, cán bộ tốt, trí thức tốt, vì vậy phong trào đã tạo thành tổn thất nghiêm trọng cho đảng và nhà nước Trung Quốc.
Vụ Hồ Phong. Hồ Phong là nhà lý luận, phê bình văn học nổi tiếng. Từ năm 1933 đã cùng Lỗ Tấn đấu tranh chống “văn hóa vây quét” của bọn Quốc Dân đảng phản động. Năm 1936 cùng Lỗ Tấn, Phùng Tuyết Phong (người cũng bị xử lý trong phong trào chống phái hữu) nêu khẩu hiệu “Văn học đại chúng”. Từ sau 1949 là Ủy viên thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc.
Do có lý luận văn nghệ độc đáo và ảnh hưởng cá nhân to lớn nên được mọi người chú ý, được coi là “tư tưởng văn nghệ Hồ Phong” (phải chăng đây chính là lý do khiến ông bị phê phán và đấu tố?).
Năm 1954, từ một vấn đề văn nghệ đơn thuần, ông bị nâng lên là “phản cách mạng”. Có hơn 2.000 người (cả trong đảng và ngoài đảng) bị qui kết liên quan tới vụ án, trong đó có 78 người được xếp vào “tập đoàn Hồ Phong”. Ông bị giam 10 năm ở ngục Tần Thành (1955-1965) mới được đưa ra xét xử và bị kết án 14 năm tù giam, và mãi đến tháng 1/1979 mới được thả, tổng cộng sống trong tù 24 năm. Ngày 18/6/1988 ông mới được bình phản toàn diện, nhưng đáng tiếc là ông đã mất ngày 8/6/1985 (Xem thêm bài Vài nét về cái gọi là “Vụ án tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong của Dương Danh Dy, đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 125 tháng 10/2002).
- Vụ Đinh Linh. Đinh Linh, nữ văn sĩ, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Trung Quốc, tác giả tiểu thuyết Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn, được giải thưởng văn học Stalin và đã được dịch ra tiếng Việt, năm 1958 bị qui là “tập đoàn chống Đảng” đưa đi lao động cải tạo ở Bắc Đại Hoang, năm 1970 bị qui là tội phạm quan trọng, bị giam ở nhà ngục Tần Thành, năm 1978 mới được tha, đến ngày 1/8/1984 mới được khôi phục danh dự.
- Vụ “thôn ba nhà”. Tháng 10/1962, Đặng Thác (Tổng biên tập Nhân dân nhật báo, Bí thư thành ủy Bắc Kinh), Ngô Hàm (nhà lịch sử, Phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh), Liêu Mạt Sa (nhà thơ) mở mục “Bút ký thôn ba nhà” trên báo Bắc Kinh buổi chiều chuyên đăng các bài tạp văn, tùy bút khôi hài, đả kích các thói hư tật xấu của mọi người – có thể ngầm hiểu là cả người lãnh đạo cao nhất, rất có ảnh hưởng. Ngày 10/5/1966 bị phê phán là “một cuộc tiến công lớn vào chủ nghĩa xã hội có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức được dày công sắp đặt” là “ngọn cỏ độc chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”… Đặng Thác bị truy bức đến mức phải tự sát, Ngô Hàm bị bức hại đến chết năm 1969, Liêu Mạt Sa bị bắt giam. Tháng 7/1979 “vụ án” này được bình phản, ba người được khôi phục hoàn toàn danh dự.
- Cái gọi là ”Cách mạng văn hóa” kéo dài hơn 10 năm, thực chất là một cuộc nội chiến, động loạn lớn, trên 20 triệu người bị đả kích bức hại, chưa rõ số người chết là bao nhiêu (có số liệu nói là trên 20 triệu người bị chết). Từ Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, Nguyên soái, Đại tướng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng (như Lão Xá) cho đến nhiều cán bộ và người dân bình thường đã bị các vụ án oan, án giả, án sai cũng như sự bức hại của “ba loại người” đến mức ngậm oan mà chết hoặc phải tự kết liễu đời mình. Tổn thất về kinh tế lên tới hơn 500 tỷ nhân dân tệ, nền kinh tế Trung Quốc đứng bên bờ vục thẳm của sự sụp đổ. Vết thương do nó tạo ra khiến một số người lãnh đạo Trung Quốc sau khi CMVH vừa kết thúc đã tỏ ý lo lắng rằng phải mấy thế hệ mới giải quyết được (trên thực tế đã có cái gọi là “Văn học vết thương” tồn tại trên mười năm sau CMVH).
Để xử lý, giải quyết những vụ án lịch sử nhiều không kể xiết ấy, trong nội bộ lãnh đạo ĐCSTQ đã có sự đấu tranh quyết liệt. Tiêu biểu cho những người kiên trì giữ nguyên hiện trạng là Hoa Quốc Phong. Ngày 7 tháng 2 năm 1977, xã luận của hai tờ báo, một tạp chí (tức Nhân dân nhật báo, Giải phóng quân báo và tạp chí Hồng kỳ) đã đăng bài xã luận, trích lời nói của Hoa Quốc Phong (lúc đó là Chủ tịch đảng, Chủ tịch quân ủy Trung ương, Thủ tướng Chính phủ) rằng: “phàm là chỉ thị do Mao Chủ tịch đã đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm là chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều trước sau như một tuân theo”. Câu nói đó được coi là một trong những phương châm chỉ đạo trong thời kỳ mới. Sau này, ngày 10/3/1977 trong hội nghị Trung ương, Hoa Quốc Phong còn nói thêm: “phàm là những quyết sách của Mao Chủ tịch đều phải ủng hộ; phàm là những lời nói, hành động tổn hại đến hình tượng của Mao Chủ tịch đều phải ngăn chặn”.
Sau khi được phục hồi công tác, Đặng Tiểu Bình và một số người lãnh đạo khác đã kiên quyết ngăn chặn chủ trương trên. Tại hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa 11 họp tháng 6 năm 1981, “hai cái phàm là” là một trong những nguyên nhân khiến Hoa Quốc Phong bị phê phán và mất các chức vụ quan trọng đã đề cập trên, vì phương châm này đã ngăn chặn, làm chậm trễ việc giải quyết các vụ án oan, án giả, án sai trước CMVH cũng như việc xử lý “3 loại người” trong CMVH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét