Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Một mô hình giáo dục trung học 41 năm về trước - TRƯỞNG TRUNG HỌC KIỂU MẪU THỦ ĐỨC

TT - Chúng ta cần phải quan tâm đến việc cải tổ bậc trung học trước khi đổi mới nền giáo dục đại học... 

Mọi khó khăn, dù lớn lao đến đâu, cũng có thể vượt qua nếu có tinh thần đoàn kết, bất vụ lợi của những người làm giáo dục.

Từ năm 1945, khi bắt đầu giảng dạy bậc trung học theo chương trình Hoàng Xuân Hãn, cho đến ngày nay tôi vẫn có một niềm tin tưởng mạnh mẽ rằng nền giáo dục tiểu học và trung học VN phải do người VN xây dựng, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và văn hóa VN, chứ không thể trông cậy các nhà giáo dục nước ngoài và cũng không thể bứng trồng nền giáo dục của một nước nào khác, dù là tân tiến nhất.

Mãi đến khi có cơ hội du học ở Anh (1956) và ở Mỹ (1963) tôi mới nhận ra ngoài nền giáo dục Pháp mà chúng ta rất quen thuộc, còn có nhiều nền giáo dục khác trên thế giới cũng tiến bộ không kém, đặt căn bản trên triết lý giáo dục phù hợp với nền văn hóa, xã hội, kinh tế riêng của từng nước. Tôi biết được điều này qua các môn học về giáo dục đối chiếu (comparative education) và giáo dục quốc tế (international education) mà tôi đã có dịp học tập và nghiên cứu lúc bấy giờ.
Sau khi du học trở về, tôi mong muốn tha thiết rằng nền giáo dục VN được đổi mới và tôi sẽ đóng góp một phần nhỏ vào sự thay đổi ấy. Tôi nhớ lúc ấy vào khoảng tháng 3-1965, tức bảy tháng trước khi Trường trung học Kiểu mẫu (THKM) Thủ Đức được khai giảng khóa đầu tiên, tôi đệ trình ông khoa trưởng ĐH Sư phạm Trần Văn Tấn một bản dự án thành lập Trường THKM trực thuộc ĐH Sư phạm Sài Gòn.

Trong một môi trường xã hội không mấy thuận lợi, chúng tôi đã cố gắng thiết lập một mô hình giáo dục trung học mới chưa từng có tại VN, với một chương trình học đặt căn bản trên triết lý, mục tiêu và điều kiện riêng của nhà trường (school-based curriculum), sự phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp, việc thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho HS phổ thông, việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn (guidance) và khải đạo (counseling), việc áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập lấy HS làm trung tâm (student-centered teaching and learning), việc sử dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập, tìm hiểu tâm lý và tuyển sinh...

Tất cả các hoạt động ấy chưa từng có tại bất cứ trường trung học nào ở VN vào thời ấy, kể cả một trường mới cũng mang tên là THKM nhưng được đặt tại Huế, hay loại trường trung học tổng hợp mà bộ giáo dục của chế độ cũ đang chuẩn bị thiết lập vào lúc ấy với sự góp sức của các chuyên gia Mỹ.

Sự táo bạo ấy của chúng tôi đã mang đến kết quả tốt đẹp không ngờ: Trường THKM Thủ Đức được khai giảng vào tháng 10-1965 nhờ sự quyết tâm của toàn thể ban giảng huấn và nhân viên văn phòng, với sự hỗ trợ về mọi phương diện của Trường ĐH Sư phạm và nhất là sự đóng góp bất vụ lợi của hội cha mẹ HS. Chỉ qua một niên học đầu tiên, Trường THKM đã trở thành một trung tâm giáo dục mới khá nổi tiếng, tiếp đón các phái đoàn giáo dục trong nước và quốc tế đến tham quan, và cuối niên học ấy nhà trường đã nhận được rất nhiều quà biếu làm phần thưởng cho HS. 


Khách tham quan một lớp học đang học đánh máy của môn học doanh thương năm 1970 - Ảnh tư liệu


Qua kinh nghiệm nói trên, tôi nghĩ trong lĩnh vực giáo dục, bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu có sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí của toàn thể giáo viên và cha mẹ HS, nhất là khi mọi người thực tâm chăm lo giáo dục con em với tinh thần bất vụ lợi hoàn toàn. Nhà trường không thu học phí, không có “quĩ đen”.

Hiệu trưởng và các thầy giáo Trường THKM Thủ Đức chỉ ăn lương nhà nước, không có thì giờ dạy thêm ở nhà hay bất cứ nơi nào khác. HS cũng chỉ học ở trường là đủ, không cần phải học thêm ở bất cứ nơi nào. Thật là một điều khó tưởng tượng được ngày nay, nhưng các đồng nghiệp của tôi tại Trường THKM Thủ Đức lúc bấy giờ chỉ xem nó như là một chuyện rất bình thường.

Ngày nay, đa số HS Trường THKM Thủ Đức đều thành đạt vẻ vang trong nước và ngoài nước, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Điều này được chứng tỏ qua các cuộc họp của gia đình THKM tại TP.HCM vào tháng mười hằng năm.

TS DƯƠNG THIỆU TỐNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét