Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do người lãnh đạo dân tộc ấy?

Nguyễn Quang A

Tôi đặt thêm dấu hỏi (?) vào một khẳng định do Ts. Mai Liêm Trực nêu ra trong buổi trực tuyến với Vietnamnet. Trong buổi trực tuyến đó, Ts. Mai Liêm Trực và Gs. Dương Phú Hiệp đã đề cập đến nhiều vấn đề (nhằm góp ý cho đại hội Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới).

Ý kiến của hai vị được đông đảo bạn đọc tán thưởng. Tôi cũng chia sẻ nhiều ý kiến của hai ông. Riêng về khẳng định nêu trên tôi muốn bàn thêm một chút. Có thể do báo chưa nêu rõ khung cảnh của lời khẳng định, hay nói chưa hết ý của ông Mai Liêm Trực. Tôi thực tình nghĩ thế, nhưng chỉ xin lạm bàn riêng về khẳng định đó thôi.

Khẳng định này nhiều lắm chỉ đúng một nửa. Nó chỉ đề cập đến khía cạnh nhân sự, sự anh minh hay ngu dốt của người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất mà chưa đả động gì đến khía cạnh thể chế của vị trí đó..

Lãnh đạo cao nhất, dẫu được gọi là vua, thống chế, tổng thống hay chủ tịch-tổng bí thư, trước hết là một định chế do luật hay luật tục quy định.

Nếu số phận của một dân tộc bị phó mặc cho (những) người lãnh đạo, dù đôi khi có may mắn chứ không phải bất hạnh đi nữa do có lãnh đạo sáng suốt, thì dân tộc ấy vẫn thực sự chưa trưởng thành, vẫn trong vòng mông muội và là dân tộc bất hạnh.

Có thể chế để nhân dân định kỳ lựa chọn và phế truất một cách văn minh (những) người lãnh đạo cao nhất, có các thể chế để giám sát, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế chúng lạm dụng quyền lực và đánh giá thành tích của các nhà lãnh đạo,…, mới là cái quan trọng nhất cho sự phồn thịnh của một dân tộc. Đó là thể chế của nền dân chủ.

Nhân dân, với tư cách là người chủ của đất nước, phải được quyền và có cách thích hợp để thực hiện sự lựa chọn và phế truất ấy (phế truất một cách hòa bình văn minh hay gấp vạn lần phế truất bằng bạo lực, đó là cách phế truất bằng lựa chọn những người khác lên nắm quyền). Như vậy, thể chế đó ít nhất phải bao gồm thể chế bầu cử tự do và cạnh tranh chính trị (tức là ít nhất có 2 đảng chính trị tranh đua để nắm quyền), chuyển giao quyền lực từ những người được chọn cũ sang cho những người được chọn mới. Tạo ra thể chế đó hay chí ít có lộ trình rõ ràng để đạt tới thể chế đó mới xứng được gọi là anh minh.

Một dân tộc cam chịu sống dưới chế độ chuyên chế, độc tài khi những người lãnh đạo luật hóa việc nắm quyền vĩnh viễn của họ (bằng chế độ gia truyền con nối hay bằng luật do chính họ làm ra chẳng hạn) là một dân tộc bất hạnh, dẫu cho đôi khi có một lãnh tụ anh minh thực sự vì dân. Nhưng lãnh tụ được coi là “anh minh” đó (và theo ông Mai Liêm Trực dân tộc được may mắn đó) cũng chưa thật anh minh nếu ông hay bà ta không thay đổi tận gốc cái thể chế đó, vẫn chưa dũng cảm xóa bỏ sự luật hóa nêu trên, vẫn để cho những người kế vị mình có quyền vin vào luật hay hiến pháp để hòng duy trì sự lãnh đạo vĩnh viễn.

Lãnh tụ cũng là con người với tài năng và khiếm khuyết nhất định. Không ai là thánh, không bao giờ sai lầm cả. Tính có thể sai là bản tính con người, là tính phổ quát. Chọn được những người tài, ít khiếm khuyết (nhưng nhất thiết có khiếm khuyết) là việc quan trọng.

Thủ tục chọn (đăng ký, vận động, bầu cử, kiểm phiếu, giám sát, giải quyết tranh chấp [nếu có], công bố kết quả, chuyển giao quyền lực) là những vấn đề kỹ thuật mà nhiều người coi là “hình thức” và không tiếc lời phỉ báng chúng là các đặc trưng nền dân chủ “hình thức”, lại chính là cái cốt lõi nhất của thể chế lựa chọn văn minh nêu trên. Họ coi “dân chủ” của mình mới là dân chủ thực ngàn lần hơn dân chủ hình thức, nhưng đáng tiếc thiếu những thủ tục “hình thức” ấy thì cái gọi là dân chủ chỉ là dân chủ trá hình.

Một đất nước không có các thủ tục hình thức đó hay có trên danh nghĩa nhưng không được thực thi nghiêm túc trên thực tế, thì đất nước ấy, dân tộc ấy vẫn là dân tộc bất hạnh dẫu thi thoảng gặp may có được một nhà độc tài nhân từ.

Trong một xã hội dân chủ, vẫn có thể chọn nhầm lãnh đạo, song còn có các thể chế khác hạn chế quyền lực của người lãnh đạo làm cho “tai hại do lãnh đạo tồi gây ra” bớt đi, và đến hết nhiệm kỳ người dân chọn những người khác (vẫn có thể sai, nhưng nếu một dân tộc ù lỳ đến mức có quyền được chọn mà liên tục chọn sai, thì không nên trách ai về sự bất hạnh nữa).

Còn trong chế độ chuyên chế, phi dân chủ việc họa may có được một lãnh đạo anh minh cũng chỉ là chuyện may thi thoảng mà thôi, còn bất hạnh thì thường trực. Người dân không có quyền lựa chọn. Xác suất của sự duy trì chuyên chế (dùng bạo lực, đe dọa và trấn áp) là rất cao, và dân tộc nào cam chịu sống dưới chế độ như vậy là dân tộc bất hạnh.

Số phận của dân tộc không thể bị phó mặc cho sự may rủi, không thể để bị phó mặc cho một (hay một số) cá nhân.

Như vậy cái phần thể chế quan trọng không kém cái phần nhân sự. Cho nên, nói “khâu cán bộ là quyết định” nhiều nhất cũng chỉ đúng một nửa.

Một dân tộc không có thể chế lựa chọn và phế truất lãnh đạo và chịu để cho sự may mắn hay bất hạnh của mình phụ thuộc vào vị lãnh đạo dân tộc quả thực là một dân tộc bất hạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét