Dương Danh Dy
Ngay sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời và “lũ bốn người” bị bắt không lâu, một số cán bộ lão thành cách mạng Trung Quốc đang còn giữ được cương vị lãnh đạo lúc đó đã kịp thời đưa ra chủ trương, nguyên tắc rất kiên quyết, rất được lòng người: “Có sai phải sửa, sai toàn bộ phải bình phản toàn bộ, sai bộ phận phải bình phản bộ phận, không sai không bình phản” và “thành tựu là chủ yếu, nhưng không cho phép xem nhẹ sai lầm” để căn cứ vào đó mà đánh giá đúng, sai, công, tội của các tổ chức và cá nhân, bất kỳ là ai; do đó đã bình phản và khôi phục, đưa được một số người lãnh đạo cũ bị đánh đổ ra công tác, tăng cưòng thêm lực lượng (như trường hợp Đặng Tiểu Bình). Trần Vân là một trong những nhà lãnh đạo đi hàng đầu trong công tác sửa sai. Ông có câu nói bất hủ: “Thế hệ chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết xong những vấn đề lịch sử để lại, không được đùn đấy cho thế hệ sau” (Trần Vân văn tuyển).
Khó khăn nhất trong việc giải quyết những vấn đề lịch sử để lại là đánh giá công tội, đúng sai của Mao Trạch Đông, qua các thời kỳ, kể từ ngày thành lập nước CHNDTH, vì ông là người vừa được coi là “cứu tinh” của dân tộc Trung Hoa, từng được đề cao như một ông thánh, một người thầy vĩ đại, một lãnh tụ thiên tài của nhân dân Trung Quốc, nhưng trên thực tế cũng là người gây ra nhiều tai họa, nhiều đau thương nhất cho dân chúng và đất nước Trung Quốc. ĐCSTQ đã giải quyết vấn đề gay cấn này như thế nào? “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử..” viết:
Đánh giá những sai lầm của Mao Trạch Đông trước CMVH
- “Năm 1957, Đảng triển khai phong trào chỉnh phong, phát động quần chúng đề xuất phê bình, kiến nghị với Đảng là một bước đi bình thường, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng một số cực ít phần tử phái hữu đã thừa cơ cổ xúy cho cái gọi là “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”, phát động tiến công một cách bừa bãi vào Đảng cà chủ nghĩa xã hội mới ra đời, ý đồ thay thê sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành phản kích kiên quyết cuộc tấn công đó là hoàn toàn chính xác và cần thiết. Thế nhưng cuộc đấu tranh chống phái hữu do đồng chí Mao Trạch Đông phát động đã bị mở rộng một cách vô cùng nghiêm trọng, đã qui sai một loạt trí thức, nhân sĩ yêu nước và cán bộ trong Đảng là “phần tử phái hữu” tạo ra hậu quả bất hạnh…”.
“Năm 1958, hội nghị lần thứ hai Đại hội 8 thông qua đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội… Thế nhưng do chưa đủ kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức không đầy đủ qui luật phát triển kinh tế và do đồng chí Mao Trạch Đông, do không ít đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương, trước những thắng lợi đã nảy sinh tâm tình kiêu ngạo, tự mãn, muốn thành công gấp, khuếch đại tác dụng của ý chí chủ quan, nỗ lực chủ quan, không trải qua nghiêm túc điều tra, nghiên cứu, làm thử đã khinh suất phát động phong trào “nhảy vọt lớn” và phong trào công xã nhân dân khiến cho sai lầm tả khuynh lấy chỉ tiêu cao, chỉ huy mù quáng, làn gió ba hoa và “làn gió cộng sản” làm tiêu chí chủ yếu đã lan tràn nghiêm trọng… Tại thời kỳ sau của hội nghị Lư Sơn (7/1959) đồng chí Mao Trạch Đông đã phát động một cách sai lầm đợt phê phán đồng chí Bành Đức Hoài tiến tới triển khai một cách sai lầm cuộc đấu tranh “chống phái hữu”. Nghị quyết phê phán cái gọi là “tập đoàn chống đảng Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu” là hoàn toàn sai lầm. Cuộc đấu tranh này về chính trị đã làm cho sinh hoạt dân chủ trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở bị tổn hại nghiêm trọng; về kinh tế làm gián đoạn tiến trình uốn nắn sai lầm tả khuynh, cộng thêm ba năm bị thiên tai nghiêm trọng đã làm rất nhiều người bị chết vì đói và vì bệnh [có tư liệu nói là 20 triệu người]”.
“Mọi thành tựu trong thời gian này đều do sự lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông. Những sai lầm cũng vậy, trách nhiệm là ở tập thể, đồng chí Mao Trạch Đông chịu trách nhiệm chủ yếu nhưng không thể qui hết mọi sai lầm vào đồng chí Mao Trạch Đông. Trong thời gian này sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông về lý luận và thực tiễn đấu tranh giai cấp trong xã hội chủ nghĩa đã phát triển ngày càng nghiêm trọng, tác phong độc đoán chuyên quyền cá nhân của đồng chí đã từng bước làm tổn hại chế độ tập trung dân chủ của đảng, hiện tượng sùng bái cá nhân phát triển từng bước, Trung ương Đảng không uốn nắn kịp thời những sai lầm đó. Bọn dã tâm Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh đã dụng tâm lợi dụng và giúp cho những khuyết điểm ấy phát triển lên. Những điều đó đã dẫn tới CMVH”.
Đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông đối với Cách mạng văn hoá
- “Nghị quyết…” cho rằng những luận điểm để Mao Trạch Đông phát động CMVH như: “một loạt lớn nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản, phần tử xét lại phản cách mạng đã chui vào đảng vào chính quyền vào quân đội và vào các giới lãnh đạo văn hóa; quyền lãnh đạo của đa số tương đối lớn đơn vị đã không còn trong tay những người macxit và nhân dân quần chúng. Phái đương quyền đi con đường tư bản ở Trung ương đã hình thành một Bộ tư lệnh tư sản, nó có dường lối chính trị và đường lối tổ chức của chủ nghĩa xét lại… Các loại đấu tranh trước đây không thể giải quyết vấn đề, chỉ có thực hiện đại CMVH vô sản, phát động quần chúng một cách công khai, toàn diện, từ trên xuống dưới, vạch trần những mặt đen tối nói trên mới có thể cướp lại quyền lực đã bị phái đương quyền cướp đoạt. Thực chất đây là một cuộc cách mạng chính trị, giai cấp này lật đổ giai cấp khác, sau này còn phải tiến hành nhiều lần” là “không phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin cũng vừa không phù hợp với thực tế Trung Quốc. Những luận điểm này trong đánh giá tình hình giai cấp nước ta lúc đó cũng như tình trạng chính trị của Đảng và nhà nước là hoàn toàn sai lầm.” Cụ thể là:
- Đã tiến hành đấu tranh sai lầm với cái gọi là “tập đoàn phản Đảng Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn” và cái gọi là” Bộ tư lệnh Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình”.
- Tiến hành cải tổ sai lầm đối với cơ cấu Trung ương Đảng, thành lập cái gọi là “Tổ Văn cách Trung ương” để cho Tổ này nắm bộ phận quyền lực rất lớn của Trung ương.
- Sự lãnh đạo sai lầm tả khuynh của đồng chí Mao Trạch Đông trên thực tế đã thay thế sự lãnh đạo tập thể của Đảng, sùng bái cá nhân đồng chí Mao Trạch đông đã được cổ xúy đến trình độ cuồng nhiệt. Bọn Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh… đã lợi dụng, thừa cơ kích động “đả đảo tất cả, nội chiến toàn diện”.
- Một số đồng chí như Đàm Chấn Lâm, Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh… khi phê bình cách làm sai lầm của CMVH đã bị vu cáo là “dòng nước ngược” bị chèn ép, đả kích.
- Sự kiện Lâm Bưu bỏ chạy ngày 13/9/1971 về khách quan đã tuyên bố sự thất bại về lý luận và thực tiễn của CMVH vô sản.
- Trong sự kiện Thiên An Môn (tháng 4/1976), Bộ Chính trị và đồng chí Mao Trạch Đông đã đưa ra phán đoán sai lầm về tính chất của sự kiện, hơn nữa còn sai lầm tước bỏ mọi chức vụ trong và ngoài đảng của đồng chí Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Đồng chí Mao Trạch Đông có trách nhiệm chủ yếu về những sai lầm nghiêm trọng, tả khynh, kéo dài có tính toàn cục của CMVH”, “đồng chí luôn luôn kiên trì sai lầm của CMVH”, “đồng chí dần dần kiêu ngạo lên, dần dần thoát ly thực tế và thoát ly quần chúng, chủ nghĩa chủ quan và tác phong chuyên quyền độc đoán ngày càng nghiêm trọng, ngày càng bao trùm lên Trung ương, khiến nguyên tắc lãnh đạo tập thể và chế độ tập trung dân chủ trong sinh hoạt chính trị của đảng không ngừng bị suy yếu rồi đến bị phá hoại”.
Mặc dù đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông là rất nghiêm trọng, nhưng ĐCSTQ đã không phủ định ông, mà cho rằng “thế nhưng sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông rốt cuộc vẫn là sai lầm của một nhà cách mạng vô sản vĩ đại phạm phải”, “trong lúc phạm sai lầm nghiêm trọng đồng chí vẫn nhiều lần yêu cầu toàn đảng nghiêm túc học tập các tác phẩm của Mác-Lênin, vẫn trước sau cho rằng lý luận và thực tiễn của mình là chủ nghĩa Mác”, “đồng chí cũng ngăn chặn và uốn nắn một số sai lầm cụ thể, bảo vệ một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và nhân sĩ nổi tiếng ngoài Đảng, làm cho một số cán bộ phụ trách lại dược trở lại cương vị lãnh đạo quan trọng”, “đồng chí đã lãnh đạo cuộc đấu tranh đập tan tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, ngăn chặn dã tâm cướp quyền của “lũ bốn người”, “đất nước vẫn duy trì được thống nhất và phát huy ảnh hưởng quan trọng trên thế giới.” “ Vì những cái đó, đặc biệt là vì những cống hiến vĩ đại của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng lâu dài, nên nhân dân Trung Quốc mãi mãi coi đồng chí Mao Trạch Đông là lãnh tụ và người thầy vĩ đại, kính yêu của mình”.
Ngoài việc đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông qua các thời kỳ, “Nghị quyết…” đã đánh giá hai Đại hội 9 (tháng 4/1969) và Đại hội 10 (tháng 8/1973) của ĐCSTQ như sau:
“Đại hội 9 đã hợp pháp hóa sai lầm lý luận và thực tiễn của CMVH. Tăng cường địa vị cho bọn Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh trong Trung ương Đảng. Phương châm chỉ đạo về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức của Đại hội 9 đều sai lầm”.
“Đại hội 10 của Đảng vẫn tiếp tục sai lầm tả khuynh của Đại hội 9, hơn nữa còn đưa Vương Hồng Văn lên làm Phó Chủ tịch Đảng; bọn Giang thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn kết thành “lũ bốn người” trong BCT, thế lực tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh được tăng cường”.
(Những đánh giá này có thể coi là sự phủ định hoàn toàn hai Đại hội đảng toàn quốc, một sự kiện có một không hai trong lịch sử ĐCSTQ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét