Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

DẠY HỌC VÀ DẠY VĂN HỌC

Chuyện dạy học và dạy Văn học

Vừa rồi trong chương trình Game show Ai là triệu phú trên đài VTV3, một giảng viên đại học đã không trả lời được câu hỏi liên quan đến nhóm Tự lực văn đoàn và các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Khái Hưng. Cô giảng viên này đã tiết lộ rằng chưa bao giờ nghe nói tới tên của nhóm này và bảo rằng tên Nhất Linh gợi trong cô đến một gánh cải lương. Xem đến đó bỗng dưng tôi thấy chán một cách khủng khiếp, tôi cảm thấy tội nghiệp cho cô giáo ấy, tội nghiệp cho những sinh viên đang được cô ấy dạy dỗ và cũng tội nghiệp cho cả một thế hệ.

Lâu nay, báo chí và mọi người khi bàn đến vấn đề giáo dục thường đổ lỗi cho học sinh, nhất là khi bàn đến môn Văn học. Nhiều ý kiến cho rằng học sinh bây giờ thực dụng, chỉ lo học những môn sẽ thi vào các trường đại học mà lơ là những môn học khác. Rằng thì là học sinh bây giờ không còn tôn trọng văn chương, thi phú mà chỉ chuộng khoa học kỹ thuật và ngoại ngữ... Chẳng có mấy ai nhìn lại người Thầy và suy nghĩ cho kỹ xem người Thầy đã làm gì để cho nền giáo dục nước nhà sa sút trầm trọng đến như vậy. Chẳng có mấy người đặt vấn đề trách nhiệm của người Thầy đối với thảm họa giáo dục hiện nay.


Tôi đã có thời gian gần 20 năm đi dạy học và tôi có thể mạnh dạn mà phát biểu rằng ở trong nhà trường hiện nay, rất nhiều Thầy Cô giáo đã chọn lầm nghề và đã sai lầm khi còn đứng trên bục giảng. Hiện nay tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp rất phổ biến, hầu như tỉnh thành nào cũng có xảy ra, tại sao chúng ta không đặt thêm vấn đề Thầy Cô giáo đang ngồi nhầm chỗ.

Chuyện dạy học
Theo quan niệm giáo dục từ xưa đến nay, người dạy học phải có kiến thức cao hơn học sinh một cái đầu. Và khi đi dạy học, chỉ cần sử dụng hai ba phần kiến thức của mình có. Nói gọn lại là người dạy học phải trang bị một số kiến thức nhất định về môn học mà mình đang phụ trách, đồng thời phải có một số vốn kiến thức phổ thông mà bất kỳ người nào được gọi là trí thức trong xã hội cũng cần phải có. Thế nhưng, than ôi!!! Rất nhiều người làm nghề dạy học mà chẳng có số vốn kiến thức gì ngoài mấy trang giáo án được viết lại từ sách hướng dẫn giảng dạy, hay lơ thơ số vốn kiến thức đã được học lỏm bõm ở nhà trường đại học. Và từ đó, họ như những cái máy bật lên khi vào lớp để nhồi vào những con robot đang hối hả ghi chép một cách thụ động để đối phó với trường với lớp, với cha với mẹ, với thầy với cô. Thế nên mới có chuyện cô giảng viên đã nói ở trên suy nghĩ rằng cái tên Nhất Linh gợi cho cô một cái gánh hát cải lương; và nhiều học sinh lẫn lộn giữa vua Càn Long viết chiếu Cần Vương.

Đối với người thầy, ngoài kiến thức đã được học ở nhà trường, phải được trang bị thêm rất nhiều từ cuộc sống và tự học. Tự làm cho kiến thức càng ngày càng phong phú và tiếp thu những cái hay cái mới đang thay đổi hàng ngày là trách nhiệm của người thầy. Bởi có được số vốn kiến thức như vậy thì người thầy mới có tự tin để giảng dạy và có sức thuyết phục đối với học trò.
Kiến thức bị thiếu hụt, một số người thầy hôm nay lại tự đánh mất nhân cách. Nghề dạy học rất cần sự phẩm hạnh, bởi ta gọi đó là những nhà mô phạm. Thế nhưng, những hiện tượng nhan nhản xảy ra trong các trường học mà báo chí liên tục đưa tin đã cho chúng ta thấy rằng đạo đức của nhiều người thầy hôm nay đang ở trong tình trạng báo động. Theo một cuộc khảo sát đã được công bố trong năm vừa qua thì ngành giáo dục lại là ngành có số người ăn nhậu, rượu bia nhiều nhất. Đó có phải là một nghịch lí chăng ?

Hiện tượng cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo dụ học sinh vào nhà trọ để cưỡng dâm, cô giáo đi chấm thi tráo bài tráo điểm, thầy cô đi học sử dụng tài liệu lúc đi thi, ban giám hiệu ăn hối lộ, sửa bài sửa điểm để ăn tiền, cả hội đồng thi rắp tâm để cho thí sinh tự tung tự tác vì đã nhận phong bao, phong bì, bán đề thi, làm bài thi hộ v.v. không chỉ là hiện tượng cá biệt mà nhiều nơi đã trở thành một hệ thống.

Đó là chưa kể đến những chuyện bình thường là những mánh khóe để bắt học sinh phải học thêm để cải thiện đời sống. Cứ đầu năm học, các thầy cô của những môn chính thường tổ chức cuộc thi khảo sát trình độ. Và kết quả thường là rất bi đát, thế là trong kì họp phụ huynh đầu năm, thầy cô giáo báo cáo tình trạng và khuyên phụ huynh nên cho các em đi học ngoài giờ để nắm vững kiến thức. Chỉ cần đi học thêm, kì họp phụ huynh cuối học kì một đã thấy những báo cáo khởi sắc hơn và các phụ huynh có cảm tưởng con cái mình học giỏi hơn qua những kết quả của kì thi học kì.

Nếu khó khăn thì nên kiếm nghề khác để sống, không nên kiếm chác bằng cái nghề dạy học.

Trong các kì thi dạy giỏi hay các buổi dự giờ, thầy cô giáo thường tổ chức như là một vở kịch khôi hài. Các câu hỏi được soạn rất kĩ lưỡng, và có khi được dạy trước đó nữa kia. Em nào sẽ giơ tay phát biểu, người giỏi giơ tay phải, người yếu tay trái... Buổi học chuẩn bị sẵn như vậy mà vẫn có những giờ dạy cười ra nước mắt. Nhà trường dạy các em phải trung thực và thật thà dũng cảm, nhưng thầy cô, đúng ra phải là tấm gương sáng thì lại đi dạy cho học sinh những dối trá và những báo cáo láo. Trách chi khi ra đời, các em lại tiếp tục làm những báo cáo không trung thực.

Thầy giáo Khoa ở Hà Tây, người mạnh dạn tố cáo chuyện bê bối trong thi cử ở đơn vị mình, được báo đài ủng hộ, nhân dân quan tâm. Nhưng khi ra tự ứng cử quốc hội, lúc lấy ý kiến tại đơn vị thì nhận được 0% (zéro phần trăm) phiếu tín nhiệm. Điều đó nói lên thực trạng gì còn ở trong nhà trường, các thầy cô giáo ở đó đang nghĩ gì về hành động của thầy Khoa, mỗi người chúng ta cũng phải suy nghĩ.

Bỗng dưng tôi chợt nhớ đến nhân vật giáo Thứ trong Sống mòn của nhà văn Nam Cao và tôi có cảm tưởng những ngừơi làm nghề giáo có cái vẻ hèn hèn và cam chịu.

Thiếu kiến thức, thiếu nhân cách, những người làm nghề dạy học vừa không được học trò nể phục mà còn làm cho học trò xem thường, bất kính. Lỗi đó là bởi tại chúng ta, những nhà giáo không đủ điều kiện để làm nghề.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
Sao chúng ta không soi lại mình mà cứ trách mãi học trò.

Chuyện dạy Văn học
Trong các môn học, Văn học là một môn rất khó dạy. Bởi tuy người thầy giáo dạy môn Văn học không phải là nhà văn, nhà thơ sáng tạo văn chương, nhưng họ là những ngưởi truyền thụ văn chương, do vậy họ phải là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Bởi dạy Văn học không chỉ truyền đạt kiến thức mà chủ yếu là truyền sự rung động trước tác phẩm. Tức là người dạy Văn là người phải có cảm xúc về tác phẩm và truyền cảm xúc đó đến với học sinh. Người thầy như là người nhóm lửa, thổi lên ngọn lửa văn chương trong mỗi tâm hồn của những đứa học trò. Và muốn được như thế thì người dạy phải có sự rung cảm sâu sắc và bằng ngôn ngữ và kĩ thuật diễn đạt làm cho học trò rung động theo. Chẳng cần nhồi nhét chi cho nhiều, chẳng cần thuộc chi cho lắm ba cái đại ý và bố cục bài này chia làm mấy phần, một giờ dạy và học Văn tốt là một giờ mà qua đó những tần số cảm thụ cùng rung lên và tự động tác phẩm đó, câu thơ đó, đoạn văn đó tự động thấm sâu vào tâm hồn của người học và trở thành hành trang đi suốt cuộc đời của chúng.

Dạy Văn mà giảng khô cứng, máy móc, chỉ mục đích truyền kiến thức, lúc nào cũng lên gân giáo dục này nọ thì làm sao chuyên chở những rung động văn chương.

Thật ra, trong chương trình học, không phải bài nào cũng hay, đôi khi quá dở nữa là khác. Gặp những tác phẩm như thế thì cũng chẳng biết trách ai, bởi không thể dạy tốt những tác phẩm như vậy vì không thể tìm được chỗ nào để gọi là văn chương mà rung cảm. Thôi thì đành trách sao mấy người sọan chương trình ngu quá vậy ?

Người ta hay bảo Văn học là Nhân học, là có ba chức năng hiện thực, thẩm mỹ và giáo dục, trong đó giáo dục là quan trọng nhất. Vì thế nên nhiều thầy cô cứ ép mà giáo dục. Dạy Kiều đoạn Thúy Kiều báo ân báo oán, cái ghen của Hoạn Thư, sự tráo trở của nhân vật Sở Khanh, sự bất lực của nhân vật Thúc Sinh... thì giáo dục cái gì mà cũng lồng ghép vô chuyện chống chế độ phong kiến với áp bức một cách xơ cứng và ngô nghê. Chuyện gì cũng phải có giáo dục, cố ghép cho nó một cách khiên cưỡng và làm người nghe nhàm chán và bất phục. Dạy mà người nghe cảm động, học trò rớt nước mắt thương cho số phận nàng Kiều, thương cho cái Tý phải ăn cơm thừa của chó, cảm thương cho số phận Chí Phèo, xót cho chị Dậu phải đem sữa cho người khác bú khi con mình đang đói... tức là đã giáo dục rồi, cần chi phải lên gân đánh đổ thực dân phong kiến và lũ cường hào, ác bá, cần chi phải kêu gọi vùng lên.

Khi người ta yêu, người ta cảm thì tự khắc người ta sẽ có thái độ thôi, cần chi gắn gậy vào và bắt ép người ta phải có tính giai cấp.

Đừng trách học sinh không thích học Văn mà hãy suy nghĩ sao chúng ta dạy Văn dở quá nên chúng nó chẳng yêu Văn.


Vì chúng ta biến văn chương thành chính trị và nhiều người dạy Văn chương chẳng khác nào những nhà đang rao giảng chính sách.

Bao giờ chương trình Văn học trong nhà trường đều là những tác phẩm văn chương đích thực và người dạy Văn có cảm xúc và truyền được rung cảm đến cho học trò như những người ca sĩ diễn đạt được bài nhạc của người nhạc sĩ, như vừa được xem một vở kịch đời, thì lúc đó chắc chắn học trò sẽ khoái môn Văn học và chúng sẽ tự động yêu văn chương thi phú.


Để nhớ những năm làm thầy. DODUYNGOC. 18.4.2007

Bài viết và hình ảnh của hoạ sĩ Đỗ Duy Ngọc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét