Trang

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Nhân lực cho điện hạt nhân chưa sẵn sàng

Nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng, quyết định sự thành, bại của chương trình điện hạt nhân. Nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến 2 vấn đề: sự an toàn của NMĐHN và tính hiệu quả kinh tế của NMĐHN. Việt Nam đã sẵn sàng?


Thế giới chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân thế nào?
Đa số các sự cố hạt nhân đã xảy ra, kể cả ở các nước tiên tiến nhất về kỹ thuật và đào tạo nhân lực ngành hạt nhân, có truyền thống về kỷ luật lao động và văn hóa an toàn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật v.v., có nguyên nhân là do con người. Vì thế, tất cả các nước đều rất coi trọng việc chuẩn bị nhân lực cho chương trình điện hạt nhân, đặc biệt là chọn người đứng đầu để giao việc chủ trì chương trình điện hạt nhân. 

Nhà máy điện hạt nhân Tricastin ở Bollene, miền nam nước Pháp. Ảnh: AP.

Liên xô cũ khi xây dựng NMĐHN đầu tiên đã chỉ định chuyên gia hàng đầu về năng lượng nguyên tử là Viện sĩ Blokhintsev phụ trách. Các nước Trung quốc, Ấn Độ khi xây dựng NMĐHN đầu tiên cũng đã mời các chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử để phụ trách dự án và chỉ bắt đầu từ một lò công suất nhỏ. Nguyên tắc chung là người phụ trách chương trình điện hạt nhân phải là chuyên gia đầu ngành về năng lượng nguyên tử.
Để quản lý an toàn một ngành đặc thù như điện hạt nhân, theo khuyến cáo của IAEA và các nước có điện hạt nhân phát triển, thì các cơ quan pháp quy, cơ quan hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân và cơ quan nghiên cứu, triển khai đều phải có đủ số lượng nhân lực cần thiết.
Thí dụ, cơ quan pháp quy phải tuyển chọn được đủ số lượng nhân lực theo các chuyên ngành ít nhất là 2 năm trước khi phải tiến hành thẩm định các nội dung an toàn hạt nhân có liên quan như thẩm định an toàn lựa chọn địa điểm, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân. Số nhân lực cần phải có và tham gia đánh giá an toàn, lựa chọn địa điểm của NMĐHN của cơ quan này trong 2 năm đầu của giai đoạn tiền khả thi là 16 người; trong 2 năm tiếp theo là 32 người v.v.
Nhân lực quản lý, vận hành cho dự án NMĐHN cụ thể thường được đào tạo trong quá trình xây dựng, đưa nhà máy vào vận hành và thường xuyên được đào tạo lại trong quá trình hoạt động của nhà máy. Số nhân lực cụ thể phụ thuộc vào công nghệ lựa chọn và quy định của từng quốc gia, thường từ khoảng 400 – trên 1000 người cho một lò phản ứng.
Ngoài ra, còn phải có đội ngũ nhân lực hàng nghìn người để xây dựng nhà máy với các tiêu chuẩn đào tạo riêng phù hợp với đặc thù và yêu cầu an toàn của công trình điện hạt nhân.
Một điều cần lưu ý là, do khủng hoảng hạt nhân gần 30 năm qua, hệ thống các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo nhân lực và đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học và giáo sư hàng đầu về hạt nhân giảm đáng kể trên khắp thế giới. Đây là một khó khăn lớn cho việc “hồi sinh” ngành điện hạt nhân trong thời gian tới.

Yêu cầu nhân lực cho điện hạt nhân của Việt Nam
Điện hạt nhân là ngành công nghiệp đặc biệt nhạy cảm, có công nghệ phức tạp với yêu cầu an toàn cao (gần như tuyệt đối) và có đòi hỏi đặc thù là nhiều cán bộ có năng lực không thay thế được cho một chuyên gia chất lượng cao đủ sức chủ trì chương trình điện hạt nhân hoặc đảm đương một công đoạn cụ thể.
Chương trình đào tạo nhân lực phải đi trước một bước so với các công tác khác và phải bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý trước khi NMĐHN đi vào vận hành từ 10-15 năm hoặc sớm hơn nữa.

Ảnh:hvacr.vn
Do tính chất đặc biệt quan trọng tới sự an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia, nhân lực cho ngành này phải dựa vào người Việt Nam là chủ yếu và phải là những người được đào tạo đáp ứng nhu cầu về chất lượng (cả về năng lực làm chủ công nghệ, năng lực quản lý và tính kỷ luật, trách nhiệm trong vận hành), đủ về số lượng cho cả chương trình điện hạt nhân nói chung và cho cả các dự án NMĐHN cụ thể.
Trong giai đoạn đầu, chúng ta cần và phải thuê chuyên gia nước ngoài, nhưng dù có thuê thì người Việt Nam vẫn phải đủ năng lực quản lý hoạt động của họ phù hợp với lợi ích của quốc gia, không được để lệ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài.

Nhân lực điện hạt nhân đã sẵn sàng?
Hiện nay, chúng ta mới có một đội ngũ khoảng 600 kỹ sư, nhân viên kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực hạt nhân, phần lớn trong các lĩnh vực phi năng lượng (chủ yếu tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt và một số viện nghiên cứu hạt nhân).
Số nhân lực này là rất quý, nhưng xét cho cùng, họ cũng chưa phải là các chuyên gia, kỹ thuật viên về điện hạt nhân và nếu muốn sử dụng họ cho điện hạt nhân thì cũng phải đào tạo lại.
Số làm việc trong lĩnh vực gần với điện hạt nhân chỉ khoảng 30-40 người, phần lớn lại đã cao tuổi. Các chuyên gia đầu ngành về hạt nhân và điện hạt nhân đều đã ở độ tuổi 70, tuy vẫn còn sức khỏe, nhưng đã nghỉ hưu. Vì vậy, họ hầu như không tham gia vào việc xây dựng chương trình điện hạt nhân và dự án NMĐHN Ninh Thuận.

Ảnh: vista.gov.vn


Hiện chúng ta vẫn chưa xác định được số nhân lực thực có cho chương trình điện hạt nhân, cho dự án NMĐHN cụ thể là bao nhiêu; trình độ, năng lực chuyên môn cụ thể thế nào; lĩnh vực nào của chương trình điện hạt nhân còn thiếu nhân lực, thời gian cần thiết để đào tạo là bao nhiêu v.v. ? Các con số thông kê nêu trên chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Nhân lực ngắn hạn theo các nhiệm vụ của từng giai đoạn triển khai dự án xây dựng NMĐHN Ninh Thuận hiện chưa khẳng định được quy mô đào tạo cụ thể, vì chưa có phương án lựa chọn công nghệ áp dụng cho NMĐHN đầu tiên, mà chỉ đưa ra một quy mô theo khuyến cáo của chuyên gia Nhật Bản.  
Có thể thấy, chủ đầu tư vẫn còn lúng túng, không có định hướng về chuẩn bị nhân lực cho dự án.
Điều này cũng cho thấy, việc chuẩn bị dự án phải rất đồng bộ mọi nội dung, không thể tùy tiện như Báo cáo đầu tư nêu ra (thí dụ, chưa đặt vấn đề quyết định công nghệ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư).
Có thể khẳng định, hiện nay Việt Nam chưa sẵn sàng về nhân lực và cũng rất khó chuẩn bị kịp nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai điện hạt nhân vào năm 2020.

Làm gì để chuẩn bị nhân lực cho điện hạt nhân?
Ông cha ta đã đúc kết: Một người biết lo bằng cả kho người làm; Sĩ tốt dễ kiếm, tướng giỏi khó tìm. Khó nhất đối với nước ta hiện nay là làm cách nào để có và đưa được chuyên gia đầu ngành phụ trách lĩnh vực đòi hỏi rất cao về học thuật này? Không đổi mới cách tổ chức chỉ đạo và không chọn đúng người để giao việc trọng đại này, chương trình điện hạt nhân chắc chắn sẽ thất bại!

Mô hình nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Ảnh: hut.edu.vn


Các chuyên gia đầu ngành về hạt nhân và điện hạt nhân của Việt Nam như GS Phạm Duy Hiển, TSKH Nguyễn Thọ Nhân và một số người khác tuy đã cao tuổi, nhưng rất minh mẫn, nhiều kinh nghiệm và còn sức khỏe tốt. Vấn đề là cần có cơ chế để mời các chuyên gia giỏi tham gia, thậm chí giao phụ trách chương trình điện hạt nhân. Đây là vấn đề phải do cấp Chính phủ quyết định. Chúng ta chỉ nên thực hiện chế độ hưu đối với công chức hành chính, còn đối với các vấn đề chuyên môn, học thuật cao, có thể sử dụng cả những người ngoài 70 đến 80 tuổi.
Để có nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân và NMĐHN, ngay từ bây giờ chúng ta phải gấp rút đào tạo, chuẩn bị cả ba loại nhân lực: cán bộ quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên vận hành nhà máy điện hạt nhân; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân. Ngoài các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, cần đặc biệt chú ý đào tạo về tính chuyên nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động và văn hóa an toàn cho những người làm trong ngành điện hạt nhân.
Đây là một việc không hề đơn giản với điều kiện và cách làm của chúng ta hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể của Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình từ năm 2007, đến nay gần 2 năm trôi qua, nhưng đề án đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân trong kế hoạch này vẫn chưa hình thành.
Cơ sở đào tạo ở trong nước không có, các cơ sở đào tạo nêu trong Báo cáo đầu tư về thực chất chưa có chuyên ngành đào tạo trực tiếp cho chương trình điện hạt nhân và cũng chưa sẵn sàng về đội ngũ cán bộ giảng dạy, việc chuẩn bị đòi hỏi phải có thời gian thì mới bảo đảm chất lượng đào tạo.
Trong khi đó chương trình cử người đi đào tạo về điện hạt nhân và an toàn hạt nhân ở nước ngoài chưa khởi động và cũng rất khó tuyển người do chưa có chế độ chính sách phù hợp và thiếu nguồn tuyển.
Giải bài toán đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực như thế nào để phát triển điện hạt nhân cũng là điều cơ quan có trách nhiệm cần báo cáo với Quốc hội khi xem xét phê duyệt chủ trương phát triển điện hạt nhân và đầu tư xây dựng NMĐHN.

Thay cho lời kết
Với loạt bài viết này, tôi không có mong muốn gì hơn là mọi người, nhất là những người có trách nhiệm và có thẩm quyền quyết định chương trình điện hạt nhân, nhìn nhận được một cách toàn diện những khó khăn, thách thức đang đặt ra khi quyết định vấn đề trọng đại này của đất nước.
Nhìn nhận được vấn đề không phải để rút lui, mà để có những quyết định tỉnh táo và thực tế. Biết mình, biết người, biết rõ công việc thì mới có cơ may thành công, không đặt đất nước vào tình thế không còn đường rút.
Một số việc cần làm ngay là phải tổ chức lại bộ máy chuẩn bị chương trình điện hạt nhân quốc gia và lựa chọn lại người để giao trọng trách gánh vác nhiệm vụ.
Tiếp theo là phải đề ra được chiến lược tổng thể phát triển điện hạt nhân, xây dựng và tổ chức thực hiện lộ trình phát triển điện hạt nhân một cách khẩn trương, tuân thủ các thông lệ quốc tế và không thể vội vã, đốt cháy giai đoạn.
Cùng với việc xây dựng dự án NMĐHN, cần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng điện khác, thí dụ như hệ thống đường truyền tải điện siêu cao áp và trạm đấu nối (không được dự toán trong Báo cáo đầu tư), nếu không điện hạt nhân làm ra cũng không để làm gì, gây lãng phí.
Tin và mong rằng, biết làm đúng cách, Việt Nam sẽ làm chủ được công nghệ, có điện hạt nhân an toàn và kinh tế ở một thời điểm thích hợp.
Ts. Nguyễn Quốc Anh 

Đọc thêm!

Điện hạt nhân: Pháp lý quốc gia và ràng buộc quốc tế

Đặc thù của điện hạt nhân khiến cho những ràng buộc quốc tế, cả về mặt pháp lý và quy trình xây dựng, vận hành và xử lý chất thải sau sản xuất điện phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế. Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho loại năng lượng mới này?


Khung pháp lý quốc gia chưa sẵn sàng?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trước khi quyết định một dự án điện hạt nhân cụ thể, mỗi quốc gia cần phải quyết định, có hay không phát triển chương trình điện hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã để xảy ra sự cố hạt nhân. Ảnh: Thư viện vật lý.


Sau khi quyết định chủ trương, vấn đề quan trọng tiếp theo là phê duyệt Chiến lược phát triển điện hạt nhân, trong đó phải định hướng được tỷ lệ đóng góp của điện hạt nhân trong tổng nhu cầu điện quốc gia; quy hoạch định hướng phát triển về số lượng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN); địa điểm xây dựng; công nghệ lựa chọn lò phản ứng; nguồn nhiên liệu và bảo đảm an ninh nhiên liệu; nguồn nhân lực và lộ trình bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vận hành an toàn NMĐHN; mối quan hệ giữa nhập khẩu công nghệ, nhiên liệu và khả năng nội địa hóa; lộ trình xây dựng hệ thống pháp luật về điện hạt nhân v.v.
Việc này phải được quyết định trước khi có một dự án NMĐHN cụ thể. Ở nước ta, các việc này chưa được cấp có thẩm quyền quyết định!
Một số nước như Hàn Quốc có thể khởi động chương trình điện hạt nhân khi chưa có hệ thống nội luật đầy đủ, nhưng họ áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng chưa có Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT), nhưng lại có đầy đủ các quy định chi tiết cho tất cả các khâu: lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, cấp phép vận hành…
Việt Nam đã có Luật NLNT, trong đó quy định, để quyết định chủ trương và xây dựng, vận hành NMĐHN, cần ban hành nhiều văn bản dưới luật: Nghị định về NMĐHN; các quy định, tiêu chuẩn nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân như về lựa chọn địa điểm, các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế, trong xây dựng và trong vận hành NMĐHN; các quy định, tiêu chuẩn về cấp phép vận hành, bảo đảm an ninh, công tác ứng phó sự cố cho NMĐHN v.v.
Ở nước ta, mới có 24 văn bản dưới luật và 26 tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, hướng dẫn chủ yếu về an toàn bức xạ (trong đó nhiều văn bản cần sửa đổi cho phù hợp với Luật NLNT).
Hệ thống các quy định chi tiết cho triển khai dự án điện hạt nhân ở Việt Nam hiện chưa sẵn sàng, vì vậy rất khó để quản lý an toàn một ngành đặc thù như điện hạt nhân.

Đã chuẩn bị đủ các cam kết quốc tế?
Khác với các loại nguồn điện khác, phát triển điện hạt nhân là vấn đề quốc tế nhạy cảm, vì có thể là khởi nguồn của chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử. Vì thế để có sự hợp tác quốc tế về mặt kỹ thuật cũng như tài chính, tránh bị bao vây, cô lập trong các lĩnh vực khác, các nước đi sau muốn có điện hạt nhân nhất thiết phải cam kết chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chấp nhận thanh sát quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr, Iran. Ảnh THX.


Hiện nay, nước ta đã tham gia 8 điều ước quốc tế, trong đó có các điều ước quan trọng như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (1982), Công ước thông báo sớm tai nạn hạt nhân (1987), Công ước trợ giúp trong trường hợp sự cố hạt nhân hoặc tai nạn phóng xạ (1987), Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (ký năm 1996, phê chuẩn năm 2006), Hiệp định thanh sát hạt nhân với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA (1990) và Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát (ký năm 2007, chưa phê chuẩn) v.v.
Để xây dựng NMĐHN, Việt Nam cần phải phê chuẩn Nghị định thư bổ sung nói trên và ký kết một số điều ước quốc tế khác như Công ước an toàn hạt nhân, Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi về Bảo vệ thực thể cơ sở hạt nhân, Công ước chung về quản lý an toàn nhiên liệu đã cháy và quản lý an toàn chất thải phóng xạ, Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với tổn hại hạt nhân, Công ước triệt tiêu các hành động khủng bố hạt nhân, v.v.
Việc tham gia các điều ước mới là một quá trình, nhưng cho đến nay hầu như chúng ta vẫn chưa bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu. Đối với các điều ước đã ký, chúng ta cũng hầu như chưa có nghiên cứu chi tiết các quy định cụ thể về trách nhiệm của quốc gia khi tham gia điều ước và cơ chế thực hiện giám sát quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân.
Không rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát, có thể dẫn đến những rắc rối, phức tạp trong quan hệ quốc tế cho quốc gia nói chung, cho chương trình điện hạt nhân nói riêng.
Thí dụ như Ấn Độ không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp định thanh sát hạt nhân nên đã bị các nước có điện hạt nhân phát triển cô lập, gặp rất nhiều khó khăn về nhiên liệu hạt nhân; gần đây mới chấp nhận thanh sát quốc tế.
Iran, CHDCND Triều Tiên không chấp nhận thanh sát quốc tế nên dù tuyên bố chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đich dân sự nhưng luôn bị quốc tế nghi ngờ chế tạo vũ khí nguyên tử và bị bao vây, cô lập cả về chính trị và kinh tế …
Quyết định chủ trương phát triển điện hạt nhân và phê chuẩn, tổ chức thực hiện các cam kết quốc tế là vấn đề lớn, nhạy cảm, liên quan đến sự an toàn, an ninh và chủ quyền của quốc gia. Việc này phải do cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội quyết định.

Tham gia các tổ chức quốc tế
Bên cạnh tham gia các điều ước quốc tế, để thực hiện chương trình điện hạt nhân, chúng ta còn cần gia nhập hoặc có lộ trình gia nhập và tham gia vào các hoạt động chung của các tổ chức quốc tế về năng lượng hạt nhân.
Thí dụ, chúng ta không thể nội địa hóa nhiên liệu cho NMĐHN, do trữ lượng uranium đã biết không đủ và không có ý nghĩa kinh tế để phát triển nhiên liệu điện hạt nhân ở Việt Nam. Mặt khác, quy trình làm giàu và chế tạo nhiên liệu hạt nhân từ quặng uranium hoặc tái chế nhiên liệu hạt nhân là rất phức tạp về mặt công nghệ, bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định quốc tế.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. Ảnh: Thư viện vật lý.


Để bảo đảm an ninh nhiên liệu hạt nhân, Việt Nam cần tham gia vào “Hiệp hội năng lượng hạt nhân toàn cầu (GNEP)” hoặc các tổ chức tương tự. GNEP thiết lập một hệ thống đa quốc gia nhằm đảm bảo cung cấp nhiên liệu hạt nhân với giá cả hợp lý, và vì vậy không cho phép các nước đang phát triển mới tham gia chương trình điện hạt nhân dân sự được phát triển công nghệ làm giàu hoặc tái chế nhiên liệu hạt nhân nội địa, buộc các nước này phải phụ thuộc về nguồn nhiên liệu hạt nhân vào các nước được phép sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Biết sẽ phải chịu ràng buộc, muốn phát triển điện hạt nhân, Việt Nam vẫn không có giải pháp nào khác là tham gia thị trường cung cấp nhiên liệu do các nước lớn chi phối và chấp nhận rủi ro về giá cả cũng như các áp đặt khác trong quan hệ quốc tế.

Hoàn chỉnh hệ thống quản lý trong nước
Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có chương trình phát triển điện hạt nhân đều có một cơ quan pháp quy hạt nhân để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh hạt nhân như nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp quy về hạt nhân, xây dựng quy trình cấp phép, phân tích, thẩm định, đánh giá an toàn của từng dự án điện hạt nhân, thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn hạt nhân và thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hạt nhân.
Thí dụ, Cơ quan Quản lý hạt nhân (NRC) của Hoa Kỳ, Cơ quan An toàn hạt nhân (ASN) của Pháp, Cơ quan An toàn hạt nhân quốc gia (NNSA) của Trung Quốc,... Nhân lực của các cơ quan này thường vào khoảng 200-300 người, cá biệt như cơ quan này của Hoa Kỳ, của Pháp có tới 2000-3000 người.
Theo quy định của Luật NLNT của Việt Nam, riêng trong lĩnh vực điện hạt nhân, Chính phủ phải trình Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư NMĐHN và nhiều Bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về điện hạt nhân như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng.
Bản đồ địa điểm các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ. Ảnh: Solcomhouse.


Việc quy định Chính phủ chịu trách nhiệm và nhiều Bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về NMĐHN cho thấy Quốc hội đã lường trước sự phức tạp, khó khăn của công việc này. Nếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thiếu thống nhất và thiếu đồng bộ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chương trình phát triển điện hạt nhân.
Hiện nay, nhiều Bộ (trừ Bộ KH&CN) hầu như chưa có cơ quan hoặc bộ phận chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân. Bản thân cơ quan thuộc Bộ KH&CN cũng mới được thành lập với số nhân lực và phương tiện rất hạn chế nên việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Việc hình thành cơ quan quản lý nhà nước thống nhất, có thẩm quyền và có khả năng phối hợp các bộ phận có liên quan về an toàn hạt nhân của các Bộ là hết sức cần thiết.
Bên cạnh cơ quan pháp quy hạt nhân, các nước phát triển chương trình điện hạt nhân đều có cơ quan hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân và cơ quan nghiên cứu, triển khai về điện hạt nhân.
Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật là cơ quan chuyên môn độc lập, có nhiệm vụ chính là phân tích, đánh giá, thẩm định về mặt an toàn đối với các công trình hạt nhân nhằm giúp cơ quan quản lý có đủ cơ sở khoa học và kỹ thuật cho việc ra quyết định cấp phép xây dựng hoặc hoạt động của NMĐHN, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo đảm thi hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong quá trình lựa chọn địa điểm, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, tháo dỡ công trình hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, giám sát môi trường và sẵn sàng ứng phó sự cố v.v.
Cơ quan nghiên cứu, triển khai có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá lựa chọn công nghệ; tiếp thu và chuyển giao, ứng dụng công nghệ điện hạt nhân; nghiên cứu, phát triển kỹ thuật công nghệ nội địa; nghiên cứu cơ bản, cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật về điện hạt nhân.
Hiện nay, ở nước ta cả 3 loại cơ quan này theo thông lệ quốc tế đều chưa có (hoặc chưa đủ thẩm quyền và chưa được tổ chức tương xứng với nhiệm vụ). Vì vây, cần gấp rút tổ chức ngay việc xây dựng các cơ quan này phù hợp với thông lệ quốc tế, đủ sức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ts. Nguyễn Quốc Anh

Đọc thêm!

Rủi ro đằng sau những nhà máy điện hạt nhân

Khủng hoảng điện hạt nhân kéo dài gần 30 năm qua chủ yếu do chưa giải quyết được vấn đề an toàn trong thiết kế, vận hành, xử lý nhiên liệu hạt nhân và lưu giữ chất thải phóng xạ. Là nước đi sau, nếu Việt Nam quyết định triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân, thì vấn đề an toàn phải được đặt lên vị trí ưu tiên số một.


Thế giới và những sự cố trong vận hành nhà máy điện hạt nhân

Các nước xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình là Hoa Kỳ năm 1954, sau đó ở Liên xô cũ (1954), Anh (1956), Pháp (1956), Đức ( 1961), Canada (1962), Bỉ (1962) v.v. Cho đến nay, có khoảng gần 40 nước sản xuất điện hạt nhân với tổng số khoảng 440 lò, trong đó các nước có số lò vận hành lớn là Hoa Kỳ với 103 lò, Pháp - 59 lò, Nhật - 53 lò…

Three Mile Island (Mỹ) và lò Chernobyl số 4 (Ukraina) - nơi từng xảy ra các vụ thảm họa hạt nhân.
Sự cố lớn đầu tiên xảy ra ngày 28/3/1979 ở lò Three Mile Island (Hoa Kỳ), tim lò (công nghệ PWR - 900 MW) bị thiệt hại, nhiệt độ lên quá 1800oC làm phát tán phóng xạ, nguyên nhân chủ yếu do lỗi của thiết bị.
Thảm họa hạt nhân lớn nhất xảy ra tại lò Chernobyl số 4 (công nghệ RBMK – 1000 MW) ở Ucraina (Liên xô cũ) ngày 26/4/1986, bị nổ hơi, bay mất nóc và nhà máy bị cháy lớn làm phát tán phóng xạ ra ngoài, lan ra nhiều vùng ở Nga, các nước Bắc Âu, miền nam nước Pháp và một số nước khác làm hàng trăm nghìn người bị chết, mang bệnh, tàn tật..
Nguyên nhân do cả lỗi thiết kế thiếu bảo đảm, thể tích giam hãm quá nhỏ (coi như không có nhà bảo vệ) và cả do lỗi của công nhân vận hành không theo đúng các hướng dẫn.

Hơn mười năm gần đây, Nhật Bản đã giữ kỷ lục thế giới về các tai nạn điện hạt nhân. Đó là những sự cố vỡ một đoạn ống của lò số 2 nhà máy Mihama, làm thoát ra 55 tấn nước nhiễm phóng xạ (năm 1991); sự cố lò notron nhanh Monju (năm 1995) khiến phương hướng năng lượng sống còn, nhưng rất tốn kém này của nước Nhật phải bị đình chỉ.
Tai nạn xảy ra ở nhà máy xử lý nhiên liệu Tokaimura (năm 1999) do những sai sót hết sức ngớ ngẩn đã làm chết hai kỹ thuật viên, 600 người bị chiếu xạ, 320.000 người dân địa phương được yêu cầu không ra khỏi nhà.
Công ty TEPCO (Tokyo Electric Power Co), lớn nhất của Nhật, đã bắt buộc phải tạm ngưng hoạt động một loạt 17 lò vì có sự dối trá trong các tài liệu về an toàn (năm 2003); một sự cố lớn (nổ đường ống đường kính 60 cm, chiều dày 10 mm) đã xảy ra tại lò PWR số 3 (825 MW) của nhà máy Mihama, tỉnh Fukui làm 5 người thiệt mạng và 6 người bị thương (năm 2004) v.v.
Sự cố hạt nhân cũng đã xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân của nhiều nước khác. Gần đây, sau vụ khủng bố 11/9 ở Hoa Kỳ năm 2001, nguy cơ xảy ra sự cố điện hạt nhân còn do nguyên nhân khủng bố, phá hoại.
Theo thống kê nguyên nhân gây ra các sự cố, thảm họa hạt nhân, chỉ 20% thuần túy do lỗi kỹ thuật của thiết bị, 65% là lỗi của con người, 15% là lỗi kết hợp giữa sai hỏng của thiết bị và vận hành của con người.

Nguy cơ từ chất thải phóng xạ
Sự cố hạt nhân không chỉ xảy ra đối với nhà máy điện hạt nhân khi vận hành, mà còn tiềm ẩn nguy cơ khi vận chuyển nhiên liệu hạt nhân; đặc biệt là ở khâu xử lý chất thải hạt nhân (nhiên liệu đã qua sử dụng), có thể gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi năm, 1 lò PWR-1000 MW (với nhiên liệu 238U + 3,5% 235U) có thể sản xuất 6-7 tỷ kWh và sinh ra khoảng 21 tấn nhiên liệu phóng xạ, gồm có 20 tấn U (0,9% 235U), 330 kg Pu (là chất dùng trong quân đội để sản xuất bom nguyên tử), 21 kg Actinides nhỏ và 1183 kg sản phẩm phân rã (có 80 kg hoạt tính cao với đời sống dài).
Khác với việc xử lý đa số các chất thải công nghiệp khác, chất thải phóng xạ có ảnh hưởng rất nguy hiểm đến an toàn của con người, nhưng cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra lối thoát cho việc xử lý chất thải phóng xạ. Quản lý an toàn chất thải phóng xạ phải được tiến hành liên tục từ khâu phát sinh ra chất phóng xạ đến xử lý, cất giữ tạm thời và chôn thải.
Đối với thanh nhiên liệu đã cháy, phải được lưu giữ tạm thời ngay tại nhà máy trong khoảng thời gian từ 30-50 năm, sau đó sẽ được tái chế hoặc tái xuất trở lại nước đã cung cấp thanh nhiên liệu để họ tái chế hay chôn cất vĩnh viễn.
Đối với các chất thải phát sinh trong quá trình vận hành của nhà máy, cần phải có giải pháp xử lý an toàn. Giải pháp tạm thời và rất tốn kém hiện đang áp dụng trên thế giới đối với chất thải phóng xạ hoạt độ cao là thủy tinh hóa rác thải, rồi tạm chôn sâu vào lòng đất có đá hoa cương, đất sét hoặc các mỏ muối không thấm nước.
Đối với chất thải hoạt độ thấp và trung bình, có thể chôn nông (từ 0-20m) trong lòng đất, sau đó phủ bằng các lớp đất sét hoặc bê tông hóa bằng những vật liệu không thấm nước. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra lối thoát cho việc xử lý chất thải phóng xạ
Trước các nguy cơ sự cố như trên, điện hạt nhân đã vấp phải sự phản đối ở nhiều nước từ những năm 80 của thế kỷ trước (đặc biệt các nước châu Âu như Thụy Điển, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ đã quyết định sẽ đóng cửa các lò hạt nhân).
Riêng Đức là nước có sản lượng điện hạt nhân đứng thứ 4 thế giới với 19 lò, tổng sản lượng năm 2001 là 171,2 tỷ KWh, chiếm 29,6% tổng sản lượng điện quốc gia. Sau cuộc trưng cầu dân ý đầu những năm 2000, chính phủ Đức đã quyết định sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020 và cấm gửi nhiên liệu hạt nhân ra nước ngoài để xử lý, chấp nhận hy sinh hàng trăm tỷ USD đã đầu tư cho điện hạt nhân, chuyển hướng nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác và đã thu được kết quả về phát triển phong điện với công suất hiện có trên 15000 MW.
Người dân khu vực bị nhiễm xạ lò Chernobyl số 4 đã phải di rời đi nơi khác. Nhà thờ đứng trơ trọi, các công trình xây dựng khác đều bị san bằng.Ảnh: Welt.

Quy chuẩn kỹ thuật cho an toàn hạt nhân
Giải quyết vấn đề an toàn hạt nhân đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đặc biệt theo các chuẩn mực quốc tế và của mỗi quốc gia. Thí dụ, chỉ riêng hướng dẫn về lựa chọn địa điểm và an toàn thiết kế nhà máy điện hạt nhân, IAEA đã ban hành 36 văn bản.
Các quốc gia có chương trình hạt nhân lớn đều có hệ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của nhà máy điện hạt nhân, như của Hoa Kỳ hệ này có 454 tiêu chuẩn, trong đó có 18 tiêu chuẩn liên quan đến lựa chọn địa điểm và 210 tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế và an toàn nhà máy điện hạt nhân.
Riêng về đánh giá địa điểm, IAEA đã ban hành 7 tiêu chuẩn: đánh giá địa điểm cho các cơ sở hạt nhân; những sự kiện từ bên ngoài do con người gây ra trong việc đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân; sự phát tán phóng xạ trong không khí và nước và vấn đề phân bố dân cư trong việc lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân; đánh giá các nguy cơ động đất đối với nhà máy điện hạt nhân; các sự kiện khí tượng học trong đánh giá địa điểm đối với nhà máy điện hạt nhân; nguy cơ lụt lội đối với nhà máy điện hạt nhân gần biển hoặc gần sông; các khía cạnh địa kỹ thuật trong đánh giá và thiết lập địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân.
Bộ tiêu chuẩn này của IAEA chúng ta mới tiếp cận gần đây, trong khi chủ đầu tư báo cáo việc lựa chọn và đánh giá địa điểm đã tiến hành từ nhiều năm trước; do đó rất nhiều tiêu chuẩn của IAEA có thể chưa được xem xét, áp dụng trong đánh giá, lựa chọn đối với địa điểm dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận.
Việc bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân phải được thẩm định kỹ lưỡng ở tất cả các công việc, bắt đầu từ lựa chọn địa điểm.
Việc bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân phải được thẩm định kỹ lưỡng ở tất cả các công việc, từ quyết định chủ trương đầu tư, lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ, quản lý xây dựng, lắp đặt thiết bị, vận hành, quản lý nhiên liệu hạt nhân và nhiên liệu đã qua sử dụng, xử lý chất thải và tháo dỡ nhà máy sau khi hết hạn sử dụng.
Trước đây, Philippines tuy đã bỏ ra 2,3 tỉ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan 621 MW năm 1976, gần xong năm 1984 thì phải đóng cửa vì sợ động đất và vì địa điểm không tốt, ở không xa núi lửa Pinatubo, nhưng từ đó đến nay vẫn phải chi phí bảo dưỡng hàng năm, rất tốn kém.
Sau cuộc động đất lớn (6,8 độ Richter) ngày 16/7/2007, do tâm động đất ở khá gần nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nhật và thế giới Kashiwazaki-Kariwa (7 lò với công suất tổng cộng là 8212 MW) của tập đoàn TEPCO. Chính phủ Nhật đã cấm vận hành trong vòng nhà máy này từ đó đến nay.
Thiệt hại do phải ngừng hoạt động rất lớn, chỉ riêng năm tài chính 2007 là 603,5 tỷ yên (khoảng 5,62 tỷ USD), trong đó 440 tỷ yên chi cho mua nguyên liệu khác phát điện bù công suất trên 8000 MW của nhà máy, 122 tỷ yên cho công tác thanh tra, 25 tỷ yên cho sửa chữa và 2 tỷ yên cho khảo sát địa chất địa điểm nhà máy.
Rất tiếc rằng, ngoài Luật Năng lượng nguyên tử với những quy định khung, chúng ta chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân. Thậm chí chúng ta còn chưa có bất cứ một tiêu chuẩn nào về an toàn hạt nhân đối với tất cả các khâu cần thẩm định để đi đến quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn để thẩm định địa điểm, liệu quyết định sẽ xây dựng 4-8 tổ máy ở hai địa điểm cách nhau chỉ có 40 km ở Ninh Thuận có chính xác?
Hiện ở Ninh Thuận vẫn chưa có trạm quan trắc khí tượng nên không có số liệu chính xác về khí tượng, các số liệu đánh giá chỉ là mô phỏng giả định.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu xảy ra sự cố hạt nhân đồng thời với sự cố thiên tai vào thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 thì thì hiểm họa sẽ rất lớn, thí dụ mây phóng xạ sẽ di chuyển theo hướng qua Tp. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Nam Bộ, hoặc có những khoảng thời gian trong năm làm cho phóng xạ không phát tán đi mà lắng đọng lại ở khu vực Phan Rang.
Hơn nữa, việc chủ đầu tư chọn địa điểm ở Ninh Thuận trước khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân có phải là đã thực hiện “quy trình ngược”, đặt cơ quan có thẩm quyền buộc phải quyết định “sự đã rồi”?
Và không rõ Hội đồng thẩm định nhà nước dựa trên căn cứ, tiêu chuẩn nào để thẩm định, đánh giá an toàn đối với Báo cáo đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận?
Nếu dự án này được trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (dự kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2009 tới) thì các đại biểu Quốc hội sẽ có an tâm khi bỏ phiếu quyết định?

Lựa chọn công nghệ
Sau khi có chủ trương đầu tư và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân được lựa chọn, yếu tố quan trọng đối với an toàn nhà máy điện hạt nhân là lựa chọn công nghệ. Từ khi có điện hạt nhân, đã có 3 thế hệ lò:
Lò thế hệ Ι gồm có những lò như Shippingport (Hoa Kỳ), Magnox (Anh) hay UNGG (Pháp). Phần lớn các lò này đã hoặc đang được tháo dỡ.
Các thế hệ công nghệ điện hạt nhân. Ảnh: Thư viện vật lý.

Lò thế hệ II gồm các kiểu lò PWR (Pressurized Water Reactor – lò nước áp lực) và BWR (Boiled Water Reactor – lò nước sôi) của châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật; VVER và RBMK (lò năng lượng nước của Nga); Candu nước nặng (của Canada, Ấn Độ) v.v.
Các lò chuyển tiếp thế hệ III với nước áp lực, như EPR (European Pressurized Reactor – lò nước áp lực châu Âu) 1600MW và với nước sôi, như SWR 1000-1250 MW (có thiết bị an toàn thụ động) được Pháp và Đức chung sức nghiên cứu hơn 15 năm nay, hoặc lò AP 1000 của Hoa Kỳ chế tạo (nguyên tắc an toàn thụ động) sẽ có hiệu suất và mức độ an toàn cao. 
Các lò thế hệ III, tuy mới ra đời, nhưng đã được nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời vì cùng một kỹ thuật với các lò PWR. Tuy nhiên, giá thành của các loại lò này thường cao hơn các loại thế hệ II khoảng 1,5 đến 2 lần (đơn giá cho 1 kW công suất khoảng 6000 USD).
Phần Lan là nước duy nhất ở EU đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân thế hệ III EPR, mua của Pháp với giá ban đầu dự toán 2,5 tỷ Euro, sau vì lý do an toàn phải chấp nhận tăng giá lên 4 tỷ Euro và chậm tiến độ 3 năm.
Ngoài ra, hiện chỉ có Điện lực Pháp có dự kiến đặt mua một số lò thế hệ III EPR để thay thế các lò hết thời hạn vận hành vào khoảng các năm 2017-2022. Lò AP 1000 chỉ mới bắt đầu được cấp phép năm 2005, hiện cũng chưa có nước nào đưa vào vận hành.
Lò thế hệ IV đang được 10 nước chung sức nghiên cứu trong khuôn khổ Forum International Generation (FIG), do Hoa Kỳ đề xướng từ năm 2000 với 6 kiểu lò (3 lò neutron nhanh, 3 lò nhiệt) đã được lựa chọn.

Lò phản ứng EPR đầu tiên của thế giới đang được xây dựng ở địa điểm Olkiluot, Phần Lan, và dự kiến hoàn thành vào năm 2009. Ảnh: Thư viện vật lý.
Các lò tương lai này có khuynh hướng tiến tới chu kỳ kín, nghĩa là các lò phải có khả năng đốt cháy phần lớn chất thải (lò nhanh) để đáp ứng 4 tiêu chuẩn chính là tiết kiệm tài nguyên; tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu; hạn chế chất thải phóng xạ; hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.
Vì đang còn trong thời kỳ phôi thai, phần lớn các lò này, trên lý thuyết, an toàn hơn, nhưng chưa thể xuất hiện trên thị trường trước những năm 2035-2040.
Quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân tại thời điểm này, Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ nào?
Theo phương án mà chủ đầu tư (EVN) đề xuất, dự kiến công nghệ lựa chọn thuộc thế hệ thứ II. Vì sao lại lựa chọn công nghệ thế hệ thứ II không an toàn mà các nước tiên tiến đang chuẩn bị thay thế khi các lò thế hệ này hết hạn sử dụng (mà phần nhiều lò hết hạn sử dụng vào khoảng những năm 2020) và chúng ta sẽ còn gặp khó khăn về bảo trì, bảo dưỡng và thiết bị thay thế.
Không thể nói như trong Báo cáo đầu tư, giai đoạn này chúng ta chưa đưa ra quyết định lựa chọn công nghệ mà vẫn để mở cho giai đoạn sau. Chủ đầu tư cần có giải trình thuyết phục về phương án công nghệ lựa chọn, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an toàn và giá thành của nhà máy, để báo cáo Quốc hội.
Chúng ta cần hết sức thận trọng và tỉnh táo trước sự vận động hành lang, tuyên truyền một chiều của các công ty nước ngoài về công nghệ điện hạt nhân của họ chỉ vì mục đích sao cho bán được lò hạt nhân, nhằm tránh mua phải công nghệ đã lỗi thời của công ty đó, kể cả các lò đã lạc hậu, thiếu an toàn bất chấp các hậu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cho nước ta, thậm chí có thể biến nước ta thành bãi thải công nghệ điện hạt nhân.
Để bảo đảm tính an toàn và kinh tế của điện hạt nhân, chúng ta cần phải nhập thế hệ lò tiên tiến nhất có thể, tức lò thế hệ III hoặc thậm chí chờ thêm một thời gian nữa để nhập về lò thế hệ thứ IV cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam!

Quy trình xây dựng nhà máy
Nhiều yếu tố khác bảo đảm an toàn (như quản lý quá trình xây dựng, lắp đặt thiết bị, vận hành...) của nhà máy điện hạt nhân đều phải tuân thủ những quy trình đặc biệt nghiêm ngặt, mà bất cứ một sai sót nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Thí dụ đơn giản, nếu không giám sát kỹ khi xây dựng nhà máy, để xảy ra việc dùng sắt thép, xi măng không đủ tiêu chuẩn, hoặc bị rút ruột công trình thì sẽ là tai họa khôn lường. 
Cơ sở hạt nhân có sự hỗ trợ kỹ thuật của IAEA. Ảnh: VNN.
Chúng ta đã có nhiều bài học về năng lực quản lý xây dựng các công trình lớn của quốc gia, để xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc như các sự cố gần đây (cầu Cần Thơ, hầm Thủ Thiêm v.v.). Xin lưu ý, nếu xảy ra tình trạng tương tự đối với công trình nhà máy điện hạt nhân thì hậu quả sẽ bi thảm và lâu dài hơn nhiều lần.
Tuy các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về các công việc này có thể ban hành khi đã chính thức quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân, nhưng cũng cần có danh mục và lộ trình cụ thể ban hành các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật chuyên ngành.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, để bảo đảm an toàn trong trường hợp bị khủng bố, trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân còn phải tăng cường khả năng chống phá hoại (kể cả phá hoại theo kiểu 11/9 ở Hoa Kỳ năm 2001, tức là phải an toàn cả trong trường hợp bị máy bay đâm thẳng vào nhà máy) và tăng cường hệ thống bảo vệ an ninh nhiều vòng, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống ứng phó sự cố hạt nhân.
Những công việc về bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân làm cho các yêu cầu kỹ thuật, tài chính đối với công trình tăng lên rất nhiều và đó là điều chủ đầu tư cần phải báo cáo Quốc hội ngay trong giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư để Quốc hội cân nhắc, quyết định.
Ts. Nguyễn Quốc Anh

Đọc thêm!