Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Ba nguyên nhân của vấn đề suy thoái về đạo đức, “xuống cấp” về văn hóa trong xã hội Việt Nam từ góc nhìn lịch sử - văn hóa

Nguyễn Trọng Bình

Thời gian qua, có nhiều ý kiến luận bàn nhằm lý giải nguyên nhân của vấn đề “xuống cấp về văn hóa”, “suy thoái về đạo đức” trong xã hội Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn lịch sử-văn hóa, người viết bài này mạo muội tiếp lời và đi vào mổ xẻ cụ thể hơn những vấn đề trên


1. Nguyên nhân thứ nhất: sự “xáo trộn” và “đứt gãy” các hệ giá trị văn hóa
1.1 Nước Việt Nam trước khi có mặt của người Pháp là một đất nước mà mọi vấn đề liên quan đến thể chế chính trị, thể chế văn hóa đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc từ Trung Hoa trong đó nổi bật nhất là học thuyết Nho giáo của Khổng Tử.

Khi người Pháp đặt chân lên và dần dần thiết lập sự thống trị trên toàn lãnh thổ thì như một lẽ tất yếu xã hội đã xảy ra những “va chạm”, “xung đột” trong nhận thức văn hóa của mỗi người dân. Xã hội Việt Nam từ đây chính thức bị phân hóa thành hai xu hướng kéo dài cho đến tận ngày nay. Xu hướng cổ vũ và ủng hộ văn hóa phương Tây và xu hướng lên án văn hóa phương Tây, ra sức bảo vệ những giá trị văn hóa có tính “truyền thống”. Đây có thể xem là “sự xáo trộn và mất ổn định” hay nói cách khác là sự “đứt gãy” và loạn chuẩn (mực) văn hóa đầu tiên trong xã hội Việt Nam.

1.2 Từ sau 1945, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đặc biệt là trong suốt thời kì xảy ra chiến giữa hai miền Nam Bắc thì một lần nữa những sự xáo trộn và “đứt gãy” văn hóa trong xã hội lại diễn ra. Thời kỳ này, đặc biệt là ở miền Bắc những vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây, văn hóa thời phong kiến bị lên án, bị phê phán thậm chí được là yêu cầu phải triệt để xóa bỏ. Khẩu hiệu:“Phú, Trí, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rể” là minh chứng tiêu biểu nhất cho vấn đề này. Đây là nhận thức ấu trĩ và sai lầm đã được Đảng thừa nhận sau này. Điều đáng nói là chính nhận thức này đã để lại hậu quả, những dư chấn rất nặng nề trong đời sống tinh thần của người Việt mãi cho đến ngày nay vì lẽ, sự xáo trộn và “đứt gãy” lần này là trầm trọng nhất. Sở dĩ nói sự xáo trộn và “đứt gãy” lần này là trầm trọng nhất là vì thời kỳ này hàng loạt hệ giá trị văn hóa của người Việt đã bị bức tử một cách không thương tiếc. Cụ thể, tất cả những gì liên quan đến văn hóa thời phong kiến đều bị xem là mê tín, là hủ tục (nói như nhà thơ Nguyễn Duy là “đền chùa thành kho hợp tác”), còn những giá trị văn hóa du nhập từ phương Tây đang dần đi vào ổn định thì bị xem là mang tính “tư sản”, “đồi trụy”, “phản động”...

Nói cách khác, nếu như ở lần “đứt gãy” thứ nhất tuy lúc đầu cũng là sự cưỡng bức của chính quyền thực dân Pháp nhưng về sau người Việt đã dần tự nguyện thay đổi và sàn lọc lại để từ đó làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc (điều này đã được chứng minh qua sự ra đời và thành công của thế hệ trí thức Tây học từ đầu thế kỷ XX đến 1945) thì lần “đứt gãy” thứ hai này hoàn toàn là sự cưỡng bức. Và trong khi các hệ giá trĩ cũ bị loại bỏ nhưng hệ giá trị mới chỉ vừa hình thành, chưa có sự ổn định nên tất yếu dẫn đến sự rối loạn. Vì những lý do khách quan của lịch sử nên những rối loạn ấy chưa có điều kiện để bùng phát ra nhưng có thể xem đây là thời kỳ “ủ bệnh”, chờ dịp chín muồi sẽ vỡ ra.
Tuy vậy, như đã nói thời kỳ này, những người dân sinh sống ở miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề hơn các vùng miền khác. Đây phải chăng cũng chính là nguyên nhân làm cho sự “xuống cấp” về văn hóa và suy đồi về đạo đức biểu hiện qua sự bát nháo trong các mùa lễ hội ở các tỉnh phía Bắc hiện nay nặng nề hơn so với ở miền Nam hay “khúc giữa” miền Trung?

1.3 Sau ngày đất nước thống nhất cho đến nay thì như mọi người đã thấy xã hội lại phải hứng chịu thêm một lần “xáo trộn” và “đứt gãy” văn hóa với những biểu hiện qua hai giai đoạn rất cụ thể. Giai đoạn đầu là từ khi nước nhà thống nhất đến năm 1986 – năm có tính bước ngoặt đánh dấu cho sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo của Đảng nhằm cứu vãn đất nước đang đứng cheo leo bên bờ vực thẳm của đói nghèo trên tất cả mọi phương diện. Do “vật chất quyết định ý thức” nên từ đói nghèo về miếng cơm manh áo đã đưa đến hệ lụy là sự cằn cỏi về tâm hồn, sự trượt dốc về nhân tâm (hay như cách nói của người xưa “phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”). Có thể dẫn ra đây hàng loạt những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà nội dung của nó đã phản ánh rất rõ cái tâm thế của cả một dân tộc trong thời kỳ này như một ví dụ cụ thể và sinh động nhất.

Giai đoạn thứ hai là từ sau 1986 và nhất là những năm đầu thế kỷ XXI cho đến nay. Có thể lý giải nguyên nhân của sự xáo trộn và “đứt gãy” văn hóa giai đoạn này này qua hai biểu hiện sau:

Một, do tâm lý mặc cảm vè sự nghèo đói, lạc hậu, trì trệ trước đó nên khi có điều kiện và cơ hội nhìn ra thế giới bên ngoài nhiều người đã không ngần ngại mở toang hết tất cả các cánh cửa ra để mặc tình cho các làn gió văn hóa ngoại ùa vào mà thiếu sự sàn lọc dẫn đến sự mất kiểm soát lúc nào không hay. Đại khái vấn đề này, nói như giáo sư Trần Văn Khê trong bài nói chuyện về vấn đề âm nhạc dân tộc là, lẽ ra khi chúng ta đón khách đến chơi thì phải dướng dẫn họ sang phòng khách để tiếp chuyện đằng này chúng ta đã lơ là để cho khách tự tiện đi lại hay thậm chí “trèo lên” cả bàn thơ tổ tiên ông bà mình trong nhà.

Hai, trước đây, do nhận thức sai lầm nên đã nhiều người đã hăng hái nhảy vô “đánh” tất cả những gì thuộc về “văn hóa phong kiến”, “văn hóa “tư sản”, hậu quả là những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, những đức tin của con người cũng theo đó bị xiêu đổ thì bây giờ khi có điều kiện nhìn nhận lại các giá trị ấy, tiếc thay, do thiếu hiểu biết nên đã xảy ra những chuyện dở khóc dở cười. Điều này thể hiện qua việc sự tùy tiện trong khi tiến hành phục dựng, trùng tu những di tích cổ; sự phóng đại, quốc gia hóa, quốc tế hóa những lễ hội truyền thống vốn chỉ ý nghĩa và diễn ra trong một cộng đồng dân cư nào đó...

1.4 Như vậy, có thể nói, do có quá nhiều sự “xáo trộn” và “đứt gãy” các hệ giá trị văn hóa của dân đã làm nẩy sinh tâm lý hoài nghi, hoang mang thậm chí mất phương hướng trong nhận thức văn hóa của nhiều người dân hiện nay. Nói cách khác, chính sự “xáo trộn” và “đứt gãy” những hệ giá trị văn hóa có tính khách quan trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc là một nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất gây nên sự “xuống cấp” về văn hóa, suy thoái về đạo đức rất đáng sợ của dân tộc.

Bên cạnh đó, trước tình hình đất nước đầy phức tạp và ngổn ngang hiện nay, nhiều người thực sự không biết dựa vào đâu, tin vào ai, vào hệ giá trị văn hóa nào để xác lập cho bản thân một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn. Nếu như trước đây nhà thơ Vũ Hoàng Chương nói thế hệ của ông là thế hệ“đầu thai nhầm thế kỷ” thì người dân (nhất là thế hệ trẻ) bây giờ cũng đang sống trong nỗi niềm và tâm trạng ấy. Thậm chí còn đau đớn và oằn oại hơn như cách nói của một nhà thơ trẻ nọ là:

“Ta ói ra ngàn lời khinh bỉ
Ta đi xiêu vẹo giữa đèn vàng
Ta vào nhầm triều, thờ nhầm chúa
Ta kết huynh đệ với phường gian...” [1]

Và như vậy, từ chỗ do mất phương hướng và mất niềm tin nên xã hội đang bắt đầu rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai. Hậu quả là như nhiều người đã và đang cảnh báo.

2. Nguyên nhân thứ hai: sự thất bại của hệ thống giáo dục “già nua” và lộn xộn
Giáo dục là một bộ phận của văn hóa, vì vậy, khi những hệ giá trị văn hóa bị “đứt gãy” thì đương nhiên giáo dục cũng bị tổn thương và ngược lại. Tuy vậy, ở đây chúng tôi muốn tách yếu tố giáo dục ra để phân tích và nhìn nhận như một nguyên nhân cốt lõi gây nên sự “xuống cấp” về văn hóa, suy thoái về đạo đức hiện nay, vì lẽ:

Thứ nhất, giáo dục suy cho cùng là con đường, là “công cụ” quan trọng nhất để nuôi dưỡng và bồi đắp văn hóa cho con người thế nhưng như mọi người đã thấy hệ thống giáo dục của chúng ta kể từ khi nước nhà thống nhất đến nay đã phơi bày quá nhiều những khiếm khuyết và hạn chế.

Có thể nói, thời gian qua người Việt Nam (nhất là thế hệ trẻ) thực ra không phải đang thụ hưởng mà là “chịu đựng” và “sống trong sợ hãi” trước một nền giáo dục “già nua”, lạc hậu và vô cùng lộn xộn. Trong đó, nổi bật hơn cả là quan điểm giáo dục mang nặng sự áp đặt một chiều về mọi vấn đề liên quan đến nhận thức, đến suy nghĩ của mỗi cá nhân trong xã hội. Nói khác đi, trong suốt một thời gian dài giáo dục đã không hoàn thành sứ mạng của nó là phát triển nhân cách, đạo đức cho con người vì bận làm tuyên truyền, cổ vũ cho những vấn đề cao siêu nhưng rất mơ hồ và không thực tế của một hệ thống chính trị. Sự áp đặt một chiều này cũng giống như người ta dùng cái bơm hơi để thổi không khí vào cái bong bóng một cách nhiệt tình và thái quá vì muốn nhanh chóng làm cho cái bong bóng kia căng tròn theo ý của riêng họ. Hậu quả là chẳng mấy chốc, “bùm” một cái bong bóng vỡ ra, mọi thứ trở nên lộn xộn và bát nháo cả lên.

Thứ hai, ở trên là nói về giáo dục nhìn từ phía hệ thống nhà trường chịu sự chi phối trục tiếp từ chính sách chung của Nhà nước. Còn nếu nhìn từ phía gia đình thì phải nói sự “lộn xộn” này cũng không thua kém gì.

Thời gian qua nhất là khi dất nước mở cửa để làm ăn đến nay điều dễ thấy nhất là cái “nếp nhà”, “cái gia phong lễ giáo” trong rất nhiều gia đình Việt bị đảo lộn hay thậm chí là hoàn toàn mất đi. Bên cạnh đó, có không ít người vì quá “yêu bản thân mình” đã cố níu kéo nhằm giữ cái “nếp nhà” ấy lại trong sự khắc khe và cứng nhắc nhằm thỏa mãn cái uy quyền, sự độc đoán và tính gia trưởng. Tức là, có không ít bậc phụ huynh vì muốn giữa cái “nếp nhà” truyền thống nhưng tiếc thay, họ hoàn toàn không màng đến sự vận động và thay đổi của môi trường xung quanh, không màng đến sự tiến bộ của thế giới trong hoàn cảnh và điều kiện mới. Những người này, vì vậy, xem con cái như những chú chim non nên đã nhốt nó vào một cái lồng kín và hàng ngày mang nước và thức ăn đến chăm bẵm chúng rất cẩn thận. Thế nhưng, dù cẩn thận đến mấy cũng có lúc lơ là. Hậu quả là một lần nọ, chú chim kia được sổ lồng tung cánh bay ra bên ngoài. Trước bầu trời xanh bao la, thoạt đầu chú chim có chút ngạc nhiên nhưng ngay sau đó chú cảm thấy đây mới thật sự là thế giới của mình, là con đường, là cuộc đời của mình. Nghĩ vậy, nên chú không bao giờ quay lại cái lồng kín dù rất đẹp nhưng quá tù túng và chật chội...

Như vậy, có thể thấy, sự già nua và lộn xộn của hệ thống giáo dục (nhà trường lẫn gia đình) đã góp phần làm cho đạo đức, văn hóa của người Việt hiện nay thêm phần ngổn ngang và có nguy cơ mất kiểm soát.

3. Nguyên nhân thứ ba: hệ thống pháp luật thừa nghiêm khắc nhưng thiếu nghiêm minh
Có thể thấy so với nhiều nước khác trên thế giới thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia còn duy trì án tử hình cho những hành vi vi phạm luật của con người. Vấn đề này, theo tôi ít nhiều đã thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam. Tuy vậy, điều đáng bàn ở đây là tuy pháp luật Việt Nam nghiêm khắc như vậy nhưng khi thực thi lại rất không nghiêm minh. Và sự không nghiêm minh này thể rõ nhất ở sự bất công và thiên vị trắng trợn trong quá trình xử lý vi phạm giữa một bên là những người lãnh đạo có chức có quyền và một bên là những người dân; giữa một bên là những tầng lớp giàu có, ăn trên ngồi trước và một bên là đại bộ phận người dân nghèo khổ.

Thực ra vấn đề này, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều là như vậy chứ không riêng gì ở Việt Nam, tuy vậy phải thừa nhận rằng ở Việt Nam thời gian qua sự bất công này về mức độ và cường độ thì có vẻ như ngày một “đậm đặc” hơn.

Vừa rồi, trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/2/2015 và 2/3/2015 có đăng hai bài báo mà theo tôi đã phản ánh rất rõ sự bất công này.

Ở bài báo thứ nhất, liên quan đến một cô người mẫu nọ vì bênh vực người lái tắc xi vi phạm luật giao thông đã không ngần ngại mắng xối xả những người đang chấp pháp. Rất nhanh chóng cô này đã bị “bắt khẩn cấp” vì tội “chống người thi hành công vụ” ngay sau đó. [2]

Ở bài báo thứ hai thì đưa tin “11 lãnh đạo, cán bộ công an huyện Cư Kuin tỉnh Đắc Lắc liên quan đến vụ chạy án và rút súng dọa bắn đoàn kiểm tra liên ngành” bị xử kỷ luật “cảnh cáo” và chờ chuyển công tác lên... tỉnh [3]. Trong đó, đáng nói là trường hợp của vị thiếu tá công an Võ Ngọc Quang - Đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Cư Kuin đã rút súng doạ bắn đoàn công tác liên ngành khi ông được mời để thông báo lệnh khám xét nhà theo quyết định của UBND huyện Cư Kuin vi đơn tố cáo của nhân dân liên quan đến việc mua bán và tàng trữ trái phép gỗ quý. Theo đó, ngày 13/11 ông thiếu tá công đã “phanh ngực áo (đang mặc sắc phục công an), tỏ thái độ hung hăng, đe doạ đoàn công tác. Rồi bất ngờ ông Quang rút súng ngắn chĩa vào đoàn liên ngành, trần nhà doạ bắn khiến mọi người hoảng loạn, bỏ chạy. Sự việc diễn ra ngay tại phòng họp của trụ sở UBND huyện Cư Kuin” (trích báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana – báo Tuổi trẻ ngày 2/11/2014).

Bỏ qua những vấn đề không liên quan, ở đây chúng ta thử so sánh hành động của cô người mẫu khi “phun châu nhả ngọc” vào mặt những người đang thực thi pháp luật và việc “rút súng dọa bắn” những người cũng đang thi hành nhiệm vụ để thấy hành động nào nguy hiểm cho xã hội hơn? Đương nhiên ai cũng thấy, việc rút súng dọa bắn người khác của ông thiếu tá công an là cực kỳ nguy hiểm thế nhưng cuối cùng thì sao? Cô người mẫu nọ “bị bắt khẩn cấp” còn ông thiếu tá công an chỉ bị kỷ luật “cảnh cáo”. Ở đây, phải khẳng định việc bắt cô người mẫu kia là không có gì sai nhưng vấn đề là hành động “rút súng dọa bắn” người khác của ông thiếu tá công an nguy hiểm hơn gấp nhiều lần và những quy định của pháp luật cũng sờ sờ ra đó nhưng không hiểu sao không có một cái lệnh “bắt khẩn cấp” nào được đưa ra?

Tương tự như vậy là trường hợp “xử lý” có tính chất “nội bộ” liên quan đến hai cựu quan chức trong bộ máy lãnh đạo vốn nổi đình nổi đám thời gian gần đây. Đó là trường hợp ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ và ông cựu Tổng bí thư. Cũng xuất phát từ sự nghi ngờ của dư luận về tài sản “khủng” sau nhiều năm liêm khiết và tận tụy phụng sự nhân dân với đồng lương công chức “ba cọc ba đồng”. Thế nhưng, qua các phương tiện truyền, mọi người đã biết, ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ thì bị “đánh” tơi bời còn ngài cựu Tổng Bí thư đến một câu nói cũng không một ai trong lực lượng chấp pháp hó hé (ở đây đúng ra cũng không thể gọi là xử lý)! Tại sao như vậy? Tôi tin ở chỗ này mọi người đã tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Trên đây chỉ là vài ví dụ điển hình trong vô thiên lủng những câu chuyện cho thấy sự thừa nghiêm khắc nhưng thiếu nghiêm minh của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

Có thể nói, sự thừa nghiêm khác nhưng thiếu nghiêm minh của hệ thống pháp luật này không chỉ xảy ra giữa người dân và lãnh đạo chính quyền mà còn trong nội bộ những lãnh đạo với nhau. Một người dân bình thường mà vi phạm pháp luật thì nhìn chung sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc (từ bản án cho đến công khai rộng rãi trong xã hội) nhằm “phòng ngừa, răn đe” nhưng nếu một lãnh đạo hay lãnh đạo cấp cao nào đó mà vi phạm tính nghiêm minh của pháp luật bị giảm sút một cách bất thường. Điều này nếu so sánh với các nước phát triển trên thế giới thì chẳng khác gì một trò hề, cười ra nước mắt.
Nhìn ở góc độ văn hóa, đây là biểu hiện của sự “loạn chuẩn” trong hành xử và ứng xử của những người được xã hội phân công nhằm thực thi công lý. Chính điều này đã làm cho pháp luật Việt Nam trở thành “có cũng như không” trong mắt những kẻ có quyền và có tiền; là nguyên nhân gây nên sự mất niềm tin cũng như tâm lý bất mãn và coi thường pháp luật, coi khinh lực lượng chấp pháp trong quần chúng nhân dân. Lâu dần, như nhiều người đã nói, vì không còn tin nữa nên một khi trong cuộc sống xảy ra va chạm dù lớn hay nhỏ thì người dân bắt đầu có xu hướng “tự xử” theo luật của riêng mình. Nhẹ thì ném vào nhau vô số những ngôn từ “chợ búa” (như kiểu cô người mẫu trong câu chuyện ở trên), nặng thì thông qua “nắm đấm”. Xã hội vì thế, nếu không loạn mới là chuyện lạ.

4. Thay lời kết
Trên đây là chỉ những luận giải thể hiện góc nhìn riêng trong sự hiểu biết còn hạn hẹp của người viết. Thật ra, 3 nguyên nhân mà chúng tôi đề cập ở trên trước đây ít nhiều đã có người chỉ ra. Vấn đề là những biểu hiện cụ thể trong từng vấn đề thì hình như nhiều ý kiến vẫn còn rất dè dặt, vẫn chưa dám “nhìn thẳng và nói cho rõ những sự thật”. Với tinh thần “quét rác”, “dọn rác” chứ không “bới rác”, người viết bài này thiển nghĩ: nếu chúng ta bàn về chuyện văn hóa của con người mà tiếng nói góp bàn lại không trung thực thì chẳng khác nào chính chúng ta chứ không ai khác đã vô tình tiếp tay cho sự “xuống cấp” về văn hóa, suy thoái về đạo đức trong xã hội thêm phần trầm trọng hơn? Bởi lẽ, một trong biểu hiện rõ nhất về sự sự “xuống cấp” về văn hóa, suy thoái về đạo đức trong xã hội ta hiện nay đó là sự lên ngôi của căn bệnh giả dối và không trung thực của con người trong các mối quan hệ đời sống.

Cần Thơ, 8/3/2015
N.T.B
------------
Chú thích nguồn:
[1]: Thơ Nguyễn Thiên Ngân
[2]: Báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/2/2015 http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150227/bat-khan-cap-nguoi-mau-dien-vien-trang-tran-ve-hanh-vi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu/714347.html
[3]: Báo Tuổi trẻ số ra ngày 2/3/2015 http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150302/bi-ky-luat-bon-cong-an-huyen-duoc-chuyen-lencong-an-tinh/715355.html
Đọc thêm!