Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Dạy và học sử: Đâu chỉ là vấn đề giáo dục

Lịch sử là một thứ vô cùng quý báu của mỗi dân tộc. Một thế hệ mà sự hiểu biết về lịch sử nước nhà được thể hiện bằng những con số 0 tròn trĩnh thì không khác nào con người sống mà không hề biết đến tổ tông, gốc tích của mình. Đây mới là điều đáng sợ nhất.

Người lớn xem thường lịch sử, trách gì học sinh?
Không một chút do dự khi trả lời trước báo chí, vị thuyền trưởng của con thuyền giáo dục nước nhà, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử trong đợt thi đại học vừa qua là “điều bình thường”. Câu trả lời này đã khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng. Tuy nhiên phát biểu của ông không phải hoàn toàn vô lý.
Quả là “bình thường” thật khi kết quả năm nay cũng tương tự như nhiều năm trước. Thực trạng này đã phản ánh đúng những gì dư luận và nhiều chuyên gia về giáo dục, lịch sử đã lên tiếng trong thời gian qua. Đó là đang tồn tại nhiều bất cập trong việc dạy và học môn Lịch sử trong chương trình phổ thông nói riêng và những cấp bậc khác nói chung.
Sự việc không dừng lại ở đó, môn Lịch sử đã bị xã hội ‘ghẻ lạnh’ trong một thời gian dài. Đã từ lâu, môn Lịch sử luôn được xem là môn phụ nên việc đầu tư cho quá trình dạy và học thường ít được chú trọng. Cả người dạy và người học luôn trong tâm lý đối phó. Thông thường chỉ có những năm môn Lịch sử được chọn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì kết quả mới khả quan hơn.
Thực trạng việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay đã quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt nhưng lại thiếu không gian tư duy. Ngoài ra, đề thi và gợi ý đáp án trong kỳ thi đại học năm nay lại quá cứng nhắc, chủ yếu xoay quanh khối lượng kiến thức lịch sử hiện đại với nhiều cương lĩnh, nghị quyết rất khó tiếp thu đối với một học sinh THPT nên kết quả thấp là điều khó tránh khỏi.
Ngoài ra, khi nhìn lại thực tế hiện nay, hàng loạt các công trình, di tích lịch sử đang bị đối xử một cách thô bạo. Nếu không bị đập phá thì cũng bị làm cho biến dạng dưới nhiều hình thức thông qua cái cánh mà người ta gọi là trùng tu di tích.
Không kể, một số nghi thức, lễ hội mang tính lịch sử, văn hóa đang được thương mại hóa hay biến tướng dưới nhiều hình thức mà báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực như trong thời gian qua. Chính những người làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử còn phạm quá nhiều sai lầm, thậm chí xem thường lịch sử đến vậy thì thử hỏi làm sao mà đào tạo một thế hệ biết… yêu quý lịch sử?
Người học lịch sử cốt yếu là để hiểu biết về nguồn gốc, về quá trình hình thành và phát triển của con người, xã hội, đất nước để từ đó có thể rút ra được bài học cho riêng mình. Đồng thời thông qua lịch sử, học sinh sẽ được giáo dục về tính tự tôn dân tộc, về tình yêu quê hương, đất nước. Nó không thể là môn học thuộc lòng những con số vô tri như ngày tháng, số lượng hay những trang cương lĩnh, nghị quyết chằng chịt chữ.
Nếu học lịch sử mà chỉ học về những chiến thắng hay thành công không thì chưa đủ mà người học cũng cần được trang bị kiến thức về những thất bại, và những bài học từ những thất bại ấy là gì, để có thể rút ra được kinh nghiệm nhằm tránh những sai lầm tương tự có thể xảy ra.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Công bằng mà nói thì kết quả thi môn Lịch sử be bét như vừa qua là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của các ngành liên quan khác chứ không riêng gì của ngành giáo dục. Người học lịch sử có thể học ở bất kỳ đâu, từ các phương tiện sách báo cũng như phim ảnh.
Nếu những bài học khô khan gói gọn trong sách giáo khoa được hỗ trợ bằng những công cụ khác sinh động hơn thông qua các phương tiện giải trí như truyện hay phim thì có lẽ người học sẽ dễ tiếp thu, đồng thời cũng sẽ nhớ lâu hơn.
Nói về việc này, không thể không nhắc đến 1 điểm mà nhiều người đã rất đồng tình. Đó là hiện nay người Việt Nam ít hiểu biết về lịch sử Việt Nam nhưng lại thuộc làu làu lịch sử Trung Quốc.
Nếu học lịch sử mà chỉ học về những chiến thắng hay thành công không thì chưa đủ mà người học cũng cần được trang bị kiến thức về những thất bại, và những bài học từ những thất bại ấy là gì, để có thể rút ra được kinh nghiệm nhằm tránh những sai lầm tương tự có thể xảy ra.
Đây cũng là kết quả của một thời gian dài phim ảnh lịch sử Trung Quốc được trình chiếu dày đặc trên sóng truyền hình. Trung Quốc đã rất thành công trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử của mình thông qua phương tiện giải trí là phim ảnh. Vậy tại sao Việt Nam mình lại không làm được điều này? Lịch sử Việt Nam cũng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, cũng gay cấn và hấp dẫn đâu thua kém gì lịch sử Trung Quốc?
Sẽ chẳng ai dám cho rằng học lịch sử là không hấp dẫn, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên lâu nay người học luôn bị đặt trong tư thế gượng ép với cách nhồi nhét xơ cứng. Môn Lịch sử cũng như môn Văn học, người học cần được khơi mào cảm hứng và để cho họ tự cảm nhận cái đúng, cái sai.
Lịch sử là một thứ vô cùng quý báu của mỗi dân tộc. Một thế hệ mà sự hiểu biết về lịch sử nước nhà được thể hiện bằng những con số 0 tròn trĩnh thì không khác nào con người sống mà không hề biết đến tổ tông, gốc tích của mình. Đây mới là điều đáng sợ nhất.
Lịch sử không chỉ bằng những con chữ khô khan trong sách giáo khoa mà nó còn là những mái đình cổ kính, những mảng rêu phong mang dấu tích thời gian. Học lịch sử không phải là cách đọc- chép vô hồn giữa thầy và trò, mà cần được tăng cường thêm sức lôi cuốn thông qua các phương tiện giải trí khác.
Và quan trọng hơn là phải biết truyền cho học sinh tình yêu đối với lịch sử, với quê hương đất nước thì mới mong nhận lại sự đáp trả của người học. Đây cũng là sự đối xử công bằng, sự công bằng cần thiết như chính chúng ta đối xử với lịch sử vậy.
TRẦN MINH QUÂN
Đọc thêm!

Dạy sử, “không thể nấu sỏi và nước lã thành súp”

Thực tế cuộc sống dạy ta rằng 1 khi người ta cứ nhăm nhăm định “giáo dục” một cái gì đó thì biện pháp ấy chỉ thường phản tác dụng. Món giáo dục không nên bắt… ăn sống.

Không thể nấu sỏi và nước lã để thành… súp
Vẫn như mọi khi, sau “sự cố” hàng nghìn thí sinh được điểm không (0) môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2011, người ta quay ra đổ lỗi cho cách dạy của thày cô, cách học của học sinh, thái độ xã hội với môn này…. và phê phán luôn Bộ Giáo dục.
Chúng ta hãy bình tĩnh điểm lại từng vấn đề xem sự cố đó từ đâu đến và nó có đến nỗi gây hoảng loạn hay không. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là từ thí sinh, những người trực tiếp nhận sự giáo dục về lịch sử. Trên các trang web đã có khá nhiều ý kiến của thí sinh và những người quan tâm, tôi xin không nhắc lại.
Đổ lỗi cho người dạy là không công bằng. Bài hát dở về lời, hỏng về nhạc thì ca sĩ dù có xoay xở biến báo đến mấy thì cũng không thể hát hay được. Về vai trò của người dạy, ai đó đã ví người dạy như người nấu món ăn. Thực phẩm để chế biến chỉ có vậy thì làm sao nấu ngon? Đầu bếp tài hoa đến mấy cũng không thể nấu sỏi và nước lã thành món súp thơm ngon được cho dù đổ thêm bao nhiêu gia vị. Đừng đổ tại người dạy.
Tại ai? Tại truyền thông Nhà nước!
Có người cho rằng thanh thiếu niên không thích học môn lịch sử? Sai! Có rất nhiều thiếu niên, thanh niên  tôi được biết, vẫn rất thích đọc những cuốn như “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Dã Tượng”, “Danh nhân đất Việt”, “Sao Khuê lấp lánh” … Dã sử như thế không phải về lịch sử nước nhà sao?
Không những thế, thanh thiếu niên ngày nay còn có điều kiện quan tâm đến lịch sử các nước khác một cách không khó khăn. Qua Internet, qua phim ảnh, tiểu thuyết… họ biết được sự thật về khá nhiều sự kiện lịch sự trên thế giới và trao đổi lại với thế hệ cha anh họ để hiểu cho đúng. Như vậy, không thể nói thanh thiếu niên thờ ơ với lịch sử. Họ quan tâm đến lịch sử đấy chứ!
Nhưng muốn sử đến với người đọc, các sự kiện không chỉ được chép một cách khô khan trong sách giáo khoa. Người lớn phê phán thanh thiếu niên thuộc sử Tàu hơn sử ta. Có thể là như vậy. Nhưng do ai? Câu trả lời đơn giản: Do truyền thông Nhà nước. Vì mục đích gì? Câu trả lời lại càng đơn giản: Vì tiền.
Trên hệ thống truyền thông (tất nhiên là Nhà nước), phim Tàu, phim Hàn Quốc chiếu tràn lan ở tất cả các kênh từ Trung ương đến các tỉnh thành. Do có quá nhiều đài (mỗi tỉnh ít  nhất có một), không có nội dung nên dễ nhất là chiếu phim cho không.
Ai cũng biết các phim Tàu/Hàn Quốc cho không chỉ là thứ hàng “mua 1 tặng 2″ hoặc “không mua cũng tặng” để tuyên truyền và quảng cáo hàng hóa (Âu-Mỹ gọi loại này là “phim xà phòng” – tức là để quảng cáo bán xà phòng). Lợi nhuận thu từ quảng cáo rất lớn trong khi đầu tư thiết bị, .. lại là tiền… nhân dân.
Lịch sử phải là khoa học
Nếu học sinh không thích học môn lịch sử thì tại sao? Những lý do cho rằng cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn hơn, chỉ đúng một phần. Có cả nghìn nguyên nhân nhiều người đã nhắc đến tại sao học sinh không muốn học môn lịch sử. Nhưng có 1 nguyên nhân căn cốt lại lảng tránh. Thực sự chúng ta lâu này đã dạy môn lịch sử theo đúng nghĩa của từ này cho học sinh chưa? Đó là sự trung thực trong các tư liệu lịch sử, trong đó có sách giáo khoa lịch sử.
Thời còn là học sinh, chúng tôi được dạy rằng giáo dục XHCN phải làm tròn nhiệm vụ cao cả là công cụ phục vụ cho ý thức hệ XHCN. Môn lịch sử lại càng được tận dụng làm công việc này. Những ai quan tâm đến giáo dục nói chung và môn lịch sử nói riêng từ lâu đều biết nó “không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học …”
Nhưng rất tiếc, cho đến nay môn học này ở nước ta đã và đang thực hiện cái trách nhiệm không thuộc thiên chức của nó. Một khi nó được dùng làm công cụ tuyên truyền chính trị, nó sẽ mất đi cái tính chất cốt tử của nó là tính trung thực. Và chừng đó môn lịch sử vẫn không được học sinh yêu thích, xứng đáng là một khoa học và nó sẽ chịu mãi số phận như hiện nay.
Tuy nhiên, ta cần đánh giá đúng vị trí và tầm quan trọng của môn học này. Có một số người tự huyễn hoặc cho rằng môn học của mình là “quan trọng nhất”, hoặc “khoa học của mọi khoa học”. Chẳng có môn nào là quan trọng NHẤT cả. Con người cần nhiều tri thức và kỹ năng khác nhau để hoàn thiện mình.
Lại có những ý kiến của một số nhà làm sử cường điệu tầm quan trọng của chuyên ngành mình rằng “không biết sử, không thành người”. Xin thưa, để thành NGƯỜI với nghĩa đầy đủ, người ta cần rất nhiều thứ khác nữa, chứ không phải chỉ biết sử, nhất lại là sử sách.
Thiên chức muôn thưở của khoa học lịch sử là ghi chép lại những gì đã xảy ra một cách trung thực, chứ không đòi hỏi sự sáng tạo nào. Còn người ta dùng các ghi chép đó hoặc “tra chuôi, tra cán” cho nó phục vụ mục đích gì lại là chuyện khác.
Lỗi của ai?
Có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục làm chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa không tốt, phương pháp dạy không hấp dẫn,… Xin thưa, Bộ Giáo dục chưa phải là cơ quan tối thượng quyết định nội dung chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử. Nhưng đến khi có “sự cố”, chính những người tham gia quyết định nội dung chương trình lại là những người phê phán chương trình mạnh mẽ nhất.
Mọi tài liệu lịch sử, trong đó có sách giáo khoa ở trường học, đều nhằm cung cấp cho người đọc và người học những cứ liệu về sự kiện… có thực xảy trong qua khứ, để từ đó tìm ra những gì có tính quy luật. Biết hôm qua để biết ngày mai. Biết cái hay để phát huy, biết cái dở để tránh. Nhưng điều đó chỉ có giá trị khi những ghi chép về lịch sử của ngày hôm qua được truyền cho thế hệ sau phải công bằng và trung thực.
Người sau may ra, chỉ là may ra thôi, có thể tránh được cái sai của người trước nếu cái sai đó được nói thật ra. Cái hay của quá khứ chỉ khi được nói đúng mức, mới không khiến người đi sau mù quáng lao theo cái giá trị ảo được quá tô hồng.
Ngày xưa vua chúa phong kiến còn có quan chép sử được làm việc tương đối độc lập. Những gì họ chép, vua chúa thậm chí cũng không được biết, và họ chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Có như vậy, những gì truyền cho hậu thế còn có thể gọi là sử. Sử khác với văn là văn được hư cấu còn sử thì không được phép.
Nếu người đọc tài liệu lịch sử quay lưng, người học học đối phó thì những nhà làm sử và dạy sử cần phải xem lại chính mình trước khi phê phán học sinh.
Người viết bài này không biện minh cho việc không thuộc sử nước nhà. Nhưng, cực đoan đến mức cho rằng “không thuộc sử nhà là không yêu nước” là quan điểm chụp mũ. Thuộc sử nhà chưa chắc đã yêu nước. Ngược lại, không thuộc sử không đồng nghĩa với không yêu nước. Yêu nước phải được thể hiện bằng hành động.
Thử hỏi bao nhiêu liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước này thuộc sử nước nhà? Thử hỏi bao nhiêu người lao động một nắng hai sương xây dựng đất nước thuộc sử nhà? Nhưng chính những con người đó, có khi chưa bao giờ biết đến cuốn sách giáo khoa lịch sử, lại là những người mà lịch sử dân tộc đã thấm vào tận huyết mạch.
Hơn nữa, ta không nên đồng nhất sử nước nhà với chương trình và sách giáo khoa lịch sử. Sử nước nhà không chỉ là sách giáo khoa, mà sách giáo khoa lịch sử không hẳn là lịch sử nước nhà.
Môn Lịch sử trong thời đại thông tin
Không còn như trước nữa, ngày nay người học và người đọc không chỉ có sách giáo khoa là nguồn duy nhất. Bộ môn Lịch sử của nước nhà đã không theo kịp tiến bộ xã hội loài người, mở ra cho mọi người cơ hội được tìm và hiểu. Khi có những mâu thuẫn về thông tin, người đọc và người học có quyền hoài nghi. Và một khi họ hiểu đúng sự thật thì những gì mà tài liệu lịch sử đưa ra không đúng sẽ hết giá trị hấp dẫn.
Trong thời đại thông tin không còn là lĩnh vực độc quyền, ta thử hỏi sách giáo khoa lịch sử viết cho học sinh đã viết đúng về các sự kiện chưa? Từ chuyện nhà đến chuyện người như Chiến tranh Triều Tiên, vai trò của các bên tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2 chống Phát-xít, … viết đã đúng chưa?
Nếu tôn trọng lịch sử là một khoa học, những người viết sử phải loại bỏ được cái não trạng “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”, “cười thuê, khóc mướn”. Vì cái đó tự nó sẽ mâu thuẫn với thực tế có thể kiểm chứng. Cứ xem ngôn từ được sử dụng trong sách giáo khoa khi viết về “phe ta” và “phe địch” thì rõ. Giữ mãi não trạng đó chỉ làm cho môn Lịch sử càng bị xa lánh dưới ánh sáng mặt trời. Thái độ đó không phải thái độ của người làm khoa học; viết sử như thế là tự giết môn Lịch sử.
Hãy đặt mình vào địa vị của thí sinh
Các thày cô ra sức phê phán học sinh thờ ơ với môn Lịch sử. Xin các vị hãy đặt mình vào địa vị của thí sinh ngày nay. Trước một lựa chọn khó khăn, một là theo ngành sử (nếu thi đậu) để sau khi ra trường cầm tấm bằng “đỏ” ngồi đợi “đến Tết” không đến lượt mình xin được một chỗ làm nếu không có người thân là quan chức hay không có tiền chạy chọt.
Ngày xưa vua chúa phong kiến còn có quan chép sử được làm việc tương đối độc lập. Những gì họ chép, vua chúa thậm chí cũng không được biết, và họ chịu trách nhiệm với những gì họ viết ra. Có như vậy, những gì truyền cho hậu thế còn có thể gọi là sử. Sử khác với văn là văn được hư cấu còn sử thì không được phép.
Nếu người đọc tài liệu lịch sử quay lưng, người học học đối phó thì những nhà làm sử và dạy sử cần phải xem lại chính mình trước khi phê phán học sinh.
Hai là chọn ngành khác vừa được học, vừa được làm việc để nuôi sống bản thân và phục vụ xã hội. Thử hỏi các thày cô ở trong địa vị đó, các thày cô lựa chọn con đường nào? Có thực mới vực được đạo, cha ông ta dạy rồi.
Bao nhiêu thầy dạy lịch sử cho con mình theo ngành lịch sử của mình? Rất ít. Tôi có mấy người quen dạy lịch sử ở đại học. Một ông bạn có 2 con theo ngành tài chính kế toán. Ông thích lắm vì các con ông có thu nhập cao, thỉnh thoảng biếu ông tiền tiêu vặt. Một ông bạn có 3 con thì 1 đứa theo ngành toán tin làm cho một hãng nước ngoài, 1 theo ngành ngoại ngữ làm cho một tờ báo, còn 1 theo ngành thương mại buôn bán ô tô, thỉnh thoảng lại chở ông bà về thăm quê. Nhưng các ông bạn này rất hay phàn nàn tại sao học sinh không thích học môn Lịch sử của ông.
Xét quan hệ dạy-học-thi, ta thấy lẽ thường là thi cử có tác động ngược trở lại việc dạy và học – thi gì học nấy. Nhìn vào đề thi sử của các năm gần đây, ta không thấy mảy may bóng dáng lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc ở đâu. Dường như lịch sử nước nhà chỉ bắt đầu từ những năm 1930 (xem đề thi các năm từ 2006 đến 2011).
Cho nên, có học sinh nhầm Lý Thường Kiệt là một đồng chí được Hồ Chí Minh giác ngộ cách mạng. Đó là chuyện kỳ quặc nhưng không làm tôi ngạc nhiên. Vì cái gì được nhắc đến quá nhiều ắt sẽ át những cái ít được nói đến. Một lần tôi hỏi 1 thầy dạy sử là tại sao đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử của các thầy không bao giờ hỏi đến các bậc tiền nhân như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, vv… Câu trả lời tôi nhận được là “Lê Lợi, Nguyễn Trãi … xưa quá rồi, ai chẳng biết”, “vả lại Bộ yêu cầu đề thi chỉ ra trong chương trình cuối cấp”!?
Đề thi môn Lịch sử dành cho học sinh THPT mấy năm nay chỉ xoáy vào 1 phần vô cùng nhỏ trong lịch sử nhiều nghìn năm của dân tộc: Giai đoạn từ 1930 – thực chất là lịch sử gắn với Đảng CSVN – việc mà Viện Lịch sử Đảng lâu nay đã làm.
Ta không nhớ đến cha ông mình thì sao mong con trẻ nhớ đến chúng ta! Chẳng cần đợi đến tương lai, nay chúng ta đã được ăn “tên lửa” rồi đó.
Hãy thay da đổi thịt cho môn Lịch sử
Nếu muốn môn lịch sử thành một môn bắt buộc trong các kỳ thi, trước hết phải “thay da đổi thịt” cho nó, bằng không việc đó lại là hành động khiên cưỡng áp đặt mới chồng lên sự áp đặt cũ. Hậu quả của áp đặt đã nhãn tiền: Áp đặt ắt sẽ dẫn đến dạy-học đối phó, chiếu lệ và gian lận trong thi cử. Còn một khi nó đã có sức hấp dẫn rồi, khỏi cần “bắt buộc”.
Thực tế cuộc sống dạy ta rằng 1 khi người ta cứ nhăm nhăm định “giáo dục” một cái gì đó thì biện pháp ấy chỉ thường phản tác dụng. Món giáo dục không nên bắt ăn sống.
Nếu nói cần phải có cuộc cách mạng cho môn Lịch sử cũng đúng. Những thay đổi vá víu không mang lại hiệu quả.
Chúng ta đang loay hoay sửa những cái sai nho nhỏ thành những cái đúng nho nhỏ trong cả một cái sai lớn. Điều này đúng cả với môn Lịch sử.
NGUYỄN PHƯƠNG
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-08-05-day-su-khong-the-nau-soi-va-nuoc-la-thanh-sup-
Đọc thêm!

Nước Mỹ “quên” khóa cửa và thấy khóa bị phá ở Nội Bài

Tác giả: NGUYỄN QUANG THIỀU

Những ngôi nhà ở Mỹ thường “quên” khóa cửa nhưng không thấy kẻ cắp, kẻ trộm lọt vào. Việt Nam thì khóa đủ các loại khóa vẫn bị bẻ khóa, cắt khóa. Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút. Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được.

Những người Mỹ không khóa cửa nhà bao giờ !
Đấy là câu nói như thốt lên của những người đã đến Mỹ. Chuyện người Mỹ không khóa cửa là chuyện xưa lắm rồi. Nhưng tôi vẫn muốn nói lại. Bởi câu chuyện người Mỹ không khóa cửa chứa đựng bao điều suy ngẫm khi tôi phải chứng kiến những gì ngược lại ở Việt Nam.
Ngày đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của một gia đình Mỹ đang đi nghỉ cuối tuần. Một người bạn của tôi lần đâu đến Mỹ đã không thể hiểu vì sao một ngôi nhà đẹp như thế, nhiều đồ đạc như thế mà không khóa cửa. Tôi đã giải thích nhưng người bạn ấy vẫn băn khoăn mãi đến gần hết chuyến đi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, khi người bạn đi ngủ bèn mang theo cả chiếc túi sách đựng hộ chiếu và một ít tiền lên giường vì sợ đang đêm kẻ trộm mò vào nhà ăn cắp. Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nỗi ám ảnh về những chuyện mất mát ở khách sạn hay trong chính nhà mình đã theo đuổi bạn tôi không rời.
Trong những ngày cuối cùng ở Mỹ, một người bạn nhờ con trai tôi mua giúp một cái ipad2 qua mạng. Một chiều đi chơi về, tôi thấy chiếc ipad2 được đóng gói cẩn thận để trên bậc cầu thang trước cửa nhà sát ngay vỉa hè khu phố. Cho dù đã bắt đầu hiểu một phần nào đó nước Mỹ nhưng bạn tôi vẫn rất bị "sốc". Chiếc Ipad2 được đóng gói để một nơi rất dễ nhìn thấy và chỉ cách lối đi bộ một hai bước chân mà thôi. Đấy là một khu phố vắng vẻ gần như nhà nào biết nhà ấy. Nếu ai đó muốn lấy cái ipad2 kia thì chẳng khó khăn gì, chỉ cần bước ba bước và nhặt lên. Tất cả quá dễ dàng và an toàn. Nhưng không ai lấy chiếc ipad2 đó. Không ai lấy bất kỳ những gì mà những người vận chuyển hàng hóa để trước cửa nhà của khách hàng. Người già đi qua không lấy. Người trẻ đi qua không lấy. Những người làm công việc vệ sinh môi trường đi qua cũng không lấy. Và có lẽ những người vô gia cư đi qua cũng không lấy.
Lối sống ấy không phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh sống nghèo khó hay thiếu thốn...Đó là lối sống của văn hóa, luật pháp và lòng tự trọng. Đương nhiên không phải tất cả những người Mỹ sống như vậy. Nhưng cách sống ấy là cách sống của đại đa số người Mỹ.
Xin đừng nghĩ là nước Mỹ giàu có nên chẳng ai muốn ăn cắp. Người Mỹ là người tiêu tiền một cách kỹ lưỡng và có kế hoạch nhất. Thực tế, người Mỹ vào siêu thị sẽ đứng khá lâu trước một mặt hàng giá 2 đô 99 xu và một mặt hàng giá 3 đô 10 xu. Khi đi ăn với bạn, họ trả không thừa một xu với số tiền họ phải trả. Mà khi đó, một cái ipad2 giá ở Mỹ khoảng 1.200 đô la.
Chúng ta từng đọc trên báo Việt Nam viết về những làn sóng khổng lồ người Mỹ ùa đến các siêu thị trong những ngày giảm giá và tai nạn chết người đã xẩy ra khi những khách hàng chen nhau vào siêu thị để mua hàng giảm giá. Một đô la có giá trị rất nhỏ với mức lương tháng trung bình của người Mỹ là hàng ngàn đô la. Nhưng tôi đã quan sát trong nhiều năm khi ở Mỹ cách tiêu một đô la của người Mỹ. Nhiều lúc, tôi có cảm giác họ đang tiêu những đồng một đô la như tiêu những đồng tiền cuối cùng của đời họ. Nói vậy để thấy họ quý từng đồng đô la như thế nào.
Ông cha ta có câu " đói cho sạch, rách cho thơm". Những tưởng đó là lối sống của người Việt Nam ngày nay. Nhưng câu nói của ông cha chúng ta đang bị vấy bẩn và làm lu mờ. Trong chuyến đi này, khi quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo, tôi đã phải mở cái thùng giấy của mình cho an ninh cửa khẩu Nhật khi họ soi thấy có một số bật lửa ga trong đó.  Sau khi kiểm tra xong, họ đã tự tay dán băng dinh chiếc thùng giấy của tôi một cách cẩn thận như chính họ đang dán chiếc thùng của họ vậy.
Thế nhưng, khi về đến Hà Nội, chiếc thùng giấy của tôi đã bị rạch và một số thứ trong thùng giấy đã biến mất. Cái vali có khóa ngầm cũng bị đập vỡ. Chiếc khóa kiểu như vậy không thể bị vỡ một cách vô tình như thế. Tôi không có chứng cứ để nói rằng những ai đó ở sân bay Nội Bài đã rạch thùng, đập khóa vali và ăn cắp đồ của tôi. Nhưng tôi tin thùng hàng của tôi đã bị rạch và khóa vali của tôi bị đập ở đó. Tôi không bao giờ tin những nhân viên làm việc ở sân bay Narita, Tokyo đã làm cái việc xấu xa đó.
Bởi ngay ở sân bay Narita, tôi đã chứng kiến nhân cách của người Nhật ngay trong chính thời gian mà người Nhật vừa trải qua đại thảm họa sóng thần. Tôi đã viết câu chuyện về nhân cách Nhật thông qua một người hầu bàn ở câu chuyện trước. Những thứ tôi mất tính ra không phải là một món tiền lớn. Nhưng hành động ăn cắp đã làm tôi nổi giận nhiều ngày. Mà không chỉ là tôi, không ít hàng khách Việt Nam và báo chí đã lên tiếng về những điều xấu xa tương tự mà họ là nạn nhân.
Đời sống của con người Việt Nam đã khác trước rất nhiều so với 10 năm trước và quá nhiều so với những năm tháng ngèo đói trước kia. Nhưng những hành động tham nhũng, tham ô, ăn cắp, lừa dối... của người Việt Nam hình như mỗi ngày một gia tăng. Mấy ngày trước, chúng tôi đi du lịch ở Nha Trang. Người hướng dẫn viên mỗi khi lên xe lại nhắc chúng tôi hãy cảnh giác cao độ nếu không muốn bị móc túi, nếu không muốn mua phải hàng giả. Anh cảnh báo chúng tôi rằng ngay cả mặt hàng yến sào đắt như vàng cũng dễ dàng bị làm giả.
Đời sống kinh tế của đất nước được cải thiện rất nhiều và với một tốc độ khá nhanh. Nhưng lòng tự trọng và lối sống văn hóa thì những người có quan tâm đều nhận thấy nó bị đánh mất đi nhanh hơn và lan truyền rộng hơn sự phát triển kinh tế nhiều lần. Nếu cứ đà này thì chỉ mươi năm nữa, những người yếu bóng vía ra đường sẽ chỉ thấy nhan nhản những kẻ ăn cắp và bọn lừa đảo.
Tại sao những năm tháng chiến tranh đầy thiếu thốn và hy sinh con người Việt Nam lại sống với lòng tự trọng cao như vậy mà bây giờ giàu có hơn thì lòng tự trọng ấy lại bị hoen ố quá nhiều ? Tôi biết rằng câu hỏi của tôi quá ngây thơ nhưng tôi cứ phải hỏi. Mà đúng hơn đó không phải là một câu hỏi mà là một tiếng kêu đau đớn và lo sợ. Và những điều làm cho chúng ta đau đớn và lo sợ sinh ra từ nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục ở đây xin đừng hiểu chỉ là nhà trường mà là cách quản lý và điều hành xã hội. Không có sự thật nào ngoài sự thật này.
Lần đầu tiên đến Mỹ cách đây 19 năm, tôi thực sự ngạc nhiên vì những ngôi nhà ở Mỹ không đóng khóa cửa. Trong mỗi ngôi nhà của họ có biết bao thứ đắt tiền. Nhưng không mấy ai lọt vào nhà người khác để lấy cắp. Có nhiều lý do. Nhưng lý do cơ bản nhất là ý thức làm người của họ cùng với sự trợ giúp cho ý thức sống ấy là luật pháp và cách quản lý xã hội. Còn ở đất nước chúng ta, nhiều ngôi nhà khóa ba tầng bảy lớp vần bị phá tan tành.
Khóa cửa nếu xét về mặt cơ học thì chỉ là hành động diễn ra trong mấy phút.  Nhưng để đi đến việc không cần khóa cửa thì có lẽ người Việt Nam có ý thức về việc đó cũng phải mất 100 năm nữa mới có thể làm được. Khi tôi nói vậy, nhiều người thấy mệt mỏi rã rời vì nghĩ đến chặng đường dài đến tận...100 năm. Nhưng cho dù có phải đi đến 1000 năm thì chúng ta cũng phải đi chứ không còn cách nào khác.

Đọc thêm!