Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Tự do ngôn luận và ý thức trách nhiệm công dân

Pierre Darriulat

Theo tôi, nhìn chung việc người dân lên tiếng phê phán những tiêu cực không phải là đang chống lại chính quyền, mà ngược lại, đó chính là thực hiện quyền và trách nhiệm chính đáng của người dân – như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, dân chủ chính là làm sao để người dân mở miệng – mặt khác qua đó giúp chính quyền khắc phục, sửa chữa những sai sót của mình.


Vì vậy, các chính phủ đều cần lắng nghe những tiếng nói phê phán của người dân. Đặc biệt với thế hệ trẻ, cần khuyến khích họ tự do phát biểu, bởi đó cũng là cách thúc đẩy và phát triển ý thức trách nhiệm của họ với tương lai của đất nước, khiến họ biết lo lắng về những lợi ích chung của cộng đồng hơn lợi ích riêng. Chúng ta cần đối xử với giới trẻ như những người trưởng thành có trách nhiệm; khuyến khích họ phát biểu một cách tự do miễn là họ làm điều đó với tinh thần tích cực và xây dựng. Thậm chí trong một xã hội tiến bộ, người ta phải khoan dung và độ lượng với giới trẻ nếu, đôi lúc, vì nhiệt huyết quá mức của tuổi trẻ mà họ có những tuyên bố không có đầy đủ căn cứ.

Nếu không khuyến khích tinh thần phê phán có trách nhiệm ở giới trẻ, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ những người chỉ biết vâng lời một cách thụ động. Có thể ai đó cho rằng làm như vậy là bảo vệ họ khỏi vấp vào những sai lầm trong nhận thức, nhưng thực ra chúng ta đang thất bại trong việc trang bị cho họ bản lĩnh cần thiết để đối mặt với tương lai khó khăn, thất bại trong việc đào tạo họ biết phản ứng, nói “không” khi phải nói không và biết tức giận khi cần phải tức giận.

Việc giáo dục tinh thần phê phán lành mạnh luôn đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều một cách khoa học trong mọi vấn đề, kể cả những lĩnh vực được coi là nhạy cảm về chính trị bởi chỉ có như vậy mới giúp xây dựng, phát triển, củng cố những tri thức và lý tưởng đích thực. Ví dụ khi giảng dạy về chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng ta cần cung cấp đầy đủ những thông tin đa chiều cần thiết để giới trẻ có thể đánh giá khách quan những thành công và thất bại của các hình thái xã hội khác nhau: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa tự do. Sẽ rất lý thú và hữu dụng nếu chúng ta dạy chủ nghĩa Mác-Lênin một cách nghiêm túc, về những năm tháng ban đầu của quan điểm chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vào thời kỳ cách mạng công nghiệp, niềm cảm hứng của giới trí thức trong những ngày đấu tranh cho công bằng và đoàn kết trên toàn thế giới; về thành công của chủ nghĩa xã hội trong việc giải phóng dân tộc khỏi ách phong kiến và thực dân và sự thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết trước đây trong việc hiện thực hóa giấc mơ của những người sáng tạo ra nó. Chúng ta cũng nên nói về những thành công và thất bại của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tự do, bình luận về sự gia tăng mất kiểm soát mà chúng tác động lên nền tài chính thế giới. 

Nếu tất cả những điều này được dạy một cách đúng đắn, sẽ có nhiều bài học được rút ra, và thế hệ trẻ cần phải học những bài học đó để có thể đối diện với nhiều khó khăn và thử thách mà họ sẽ gặp phải khi gánh vác sứ mệnh của mình với đất nước. 


(Trích lược từ bài diễn văn của GS Pierre Darriulat tại buổi họp mặt cộng tác viên cuối năm 2014 của Tạp chí Tia Sáng, bản dịch của Phạm Ngọc Điệp; nội dung trích lược được đăng với sự đồng ý của GS Pierre Darriulat).
Đọc thêm!

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Lỗi nhỏ… cần sửa


Mỗi lần có tổ chức thế giới nào đó đánh giá (xếp hạng) các học viện và đại học trên thế giới, chúng ta lại biết được vị trí của các đại học và trường đại học tại VN. Tại sao tôi không chỉ nói đại học mà còn nêu lên trường đại học ở VN? Điều này dễ hiểu vì các tổ chức xếp hạng thế giới đều dùng Anh ngữ để tìm hiểu rồi đánh giá, và khi tìm hiểu về các đại học ở VN, họ không biết đến hiện tượng – chỉ có ở VN – là nhiều đại học (universities) trong một đại học (university). Ví dụ, Trường đại học Bách Khoa Tp.HCM, có tên tiếng Anh là University of Technology, không đứng độc lập mà là một thành viên thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM với tên tiếng Anh là Vietnam National University – HCMC. Mỗi trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Tp. HCM đều mang một tên tiếng Anh là “University…” Như vậy đây không phải là nhiều “universities” trong một “university” thì là gì? Trước khi nói tiếp câu chuyện trên, chúng ta cần tìm hiểu cho rõ ràng những từ Anh ngữ liên quan đến vấn đề này. Đó là các từ: university, faculty, college, và school. Tôi chỉ có trong tay quyển Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, Encyclopedic Edition, nên liền tra ngay các từ vừa nói. Các định nghĩa có liên quan với nhau của mỗi từ được chép lại dưới đây.

 university (colleges, buildings, etc of an) institution that teaches and examines students in many branches of advanced learning, awarding degrees and providing facilities for academic research…
 faculty … department or group of related departments in a university, etc: the Faculty of Law, Science, etc…
 college 1 institution for higher education or professional training… 2 (a) (in Britain) any of a number of independent institutions within certain universities, each having its own teachers, students and buildings: the Oxford and CambridgeColleges ○ New College, Oxford. (b) (in the US) university, or part of one, offering undergraduate courses…
 school … 2 (US) college or university: famous schools like Yale and Harvard… 5 department of a university concerned with a particular branch of study: the law, medical, history school ○ the School of Dentistry…
Nói chung, các nước sử dụng Anh ngữ làm tiếng mẹ đẻ như Anh, Canada, Mỹ, Úc, v.v., thường có mỗi “university” theo đúng nghĩa là đại học[nghiên cứu] tổng hợp nhiều ngành, và các trường thành viên – cũng có thể gọi là khoa – của “university” đó (nằm chung trong một “làng đại học – campus” hoặc nằm ở nhiều vị trí riêng biệt) đều được gọi là “faculty,” “college,” hoặc “school.” Chính vì vậy mà ở các thành phố lớn của các nước này thường có nhiều “universities” theo đúng nghĩa vừa nói. Đối với người Mỹ, “college” hoặc “school” cũng có nghĩa là trường đại học. Ngay ở Lào, Đại học Quốc gia Lào tại Vạn Tượng (National University of Laos [in Vientiane] – NUOL) có một trường thành viên là Trường đại học (hoặc Khoa) Khoa học Kỹ thuật – nằm tại một cơ ngơi khá rộng và ngoài “campus” của ĐHQG Lào – có tên Anh ngữ là Faculty of Engineering. Quá đúng! Còn tại VN thì sao?
Các trường đại học như Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Trường đại học Bách Khoa, Trường đại học Quốc tế, v.v., thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam – TP.HCM, khi viết như thế bằng tiếng Việt thì không có gì là sai sót cả. (Tôi đề nghị cần thống nhất là mỗi thành viên của một đại học lớn Đại học Quốc gia VN thì cần thêm từ “trường” để thành “Trường đại học …”, còn một “đại học” mang tên một ngành riêng thì nên thêm từ “trường” thành “Trường đại học X.” Ví dụ, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội dù chẳng thuộc “ông đại học” nào cả nhưng chỉ chuyên về ngành khoa học ứng dụng và kỹ thuật thì nên gọi nó là “Trường đại học BK HN” chứ không nên gọi tắt là “Đại học BK HN”). Tuy nhiên, tên Anh ngữ của các trường thành viên của ĐHQGVN đúng là có vấn đề. Vấn đề ở đây là “Mẹ” được gọi là “University” mà “[các] Con” cũng là “Universities.” Điều này chẳng khác nào một bàn tay có năm ngón, mỗi ngón có một tên khác nhau, cho dù đó là tiếng Việt hay tiếng Anh. Nhưng chẳng lẽ người Việt khi dùng tiếng Anh để giao dịch khi nói đến bàn tay là “hand” và mỗi ngón tay cũng là “hand” hay sao? Lâu nay đã có một số người nêu lên vấn đề này nhưng cho đến nay chẳng có gì thay đổi cả. Cách nay khoảng 10 năm, tôi có trao đổi với một người công tác về quan hệ quốc tế của một trường thành viên ĐHQGVN (người này nói và hiểu tiếng Anh khá tốt, và đã được công tác tại một số nước nói tiếng Anh) là khi một người nước ngoài – với Anh ngữ là tiếng mẹ đẻ – cầm một tuyển tập báo cáo khoa học với cả hai dòng chữ riêng biệt “Vietnam National University” và “University of ...” phía trên trang bìa thì ông/ bà ta sẽ nghĩ hội nghị đó do cả hai “universities” kể trên tổ chức. Câu đáp lời mà tôi nghe được là có thể tôi nói đúng nhưng “không sao, vì nhờ đó mà người nước ngoài ấy có cơ hội tìm hiểu thêm về trường đại học của ta.” Bó tay thôi với cách giải thích này. Tôi còn nghe một ông giáo sư tây kể lại lời giải thích về cái lỗi dùng từ này từ một quan chức đại học, nhưng xin cho tôi miễn kể lại ở đây.
Có một câu chuyện khác như thế này. Các ông giáo sư tây ưa khôi hài nói là VN thích “chơi” sang nên đặt ra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ministry of Education and Training – MOET) vừa giáo dục con người vừa huấn luyện thú vật. Đây chỉ là nói cho vui chứ sự việc chẳng có gì nghiêm trọng cả. Nhưng thực tế thì cụm từ “Đào tạo” có hơi bị thừa. Muốn hiểu lý do tại sao các vị ưa khôi hài có cớ để nói như vậy thì ta cứ tra trong cuốn tự điển tiếng Anh đã nói ở trên
 education 1 (system of) training and instruction (esp of children and young people in schools, colleges, etc) designed to give knowledge and develop skills: … 2 knowledge, abilities and the development of character and mental powers that result from such training: intellectual, moral, physical, etc education, …
 training process of preparing or being prepared for a sport or job … (Còn động từ train là “bring (a person or an animal) to a desired standard of efficiency, behaviour, etc by instruction and practice : ...”)
Như vậy, trong “education” đã có chuyện “training” rồi. Nhưng “education” là cả một hệ thống giáo dục dành riêng cho con người, còn “training” là quá trình đào tạo con người và huấn luyện thú vật. Do đó khi thêm từ “Đào tạo” vào trong “Bộ Giáo dục và Đào tạo” thì đó có nghĩa là “đào tạo con người và huấn luyện thú vật.” Đây chỉ là chuyện nhỏ, không cần phải sửa bỏ phần dư thừa. Nhưng chuyện các “universities” trong một “university” thì không phải như vậy. Đây là một lỗi không thể chấp nhận được.
Thế thì tại sao một lỗi nhỏ như vậy mà cho đến nay vẫn chưa sửa? Hay là các vị có trách nhiệm sợ phải tốn tiền cho sửa sai? Tiền sửa sai này chẳng thấm vào đâu so với nhiều lãng phí trong giáo dục, chẳng hạn như dự án 112. Vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Qua một số lần trao đổi với nhiều người khác nhau về nền giáo dục VN, tôi hình dung ra vấn đề nằm ở chỗ mà nhiều người cũng thường nhắc tới là khi “trên” đã quyết định cái gì đó thì dù thế nào chăng nữa cũng không nên sửa đổi.
Một cái lỗi nhỏ như thế, cho dù không sửa cũng chẳng “chết” ai cả, nhưng nếu khả năng sửa đổi vẫn không có thì những chuyện lớn hơn bao giờ mới làm được đây?

NGUYỄN HẢI (Montréal)
Đọc thêm!

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Văn hóa phát ngôn của chính khách

Nguyễn Văn Mỹ (TGTT 30-03-2015)


Hè năm 2013, tôi đưa đoàn Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia thành phố Hồ Chí Minh sang thăm Phnom Penh. Trong tiệc chiêu đãi, sau vài ly bia Angkor xoay vòng; Kepchuk Tema, đô trưởng, chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam thủ đô ganh tị “Làm cán bộ Việt Nam là sướng nhất!”. “Tại sao?”, mấy vị khách hỏi lại. “Vì không phải sợ ai và cũng không có ai để sợ. Làm sai, cứ rút kinh nghiệm sâu sắc, thậm chí, cũng chẳng cần xin lỗi”. Ngưng một chút, ông trầm ngâm “Chẳng bù cho bọn này. Nói gì, làm gì cũng phải cân nhắc, nhìn trước ngó sau vì đối thủ luôn chờ mình sơ sẩy. Vì một câu nói thiếu suy nghĩ, mất chức như chơi”. Anh Lê Công Giàu, phó đoàn Việt Nam buột miệng “Nhờ vậy, mấy anh mới giỏi”. Ngẫm lại mới thấy nhận xét của bạn “chuẩn không cần chỉnh”. 

Có lẽ vì “không sợ ai và không có ai để sợ” nên từ việc nhỏ đến việc lớn, hứng là làm, chẳng thèm quan tâm đến dư luận xã hội. Cha ông mình từng dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngôn phong thể hiện văn hóa nền, bản lĩnh và cả đạo đức cá nhân. Cán bộ nhỏ ăn nói tầm bậy đã đành, cán bộ lớn, phải trải qua nhiều chức vụ, học đủ thứ trường lớp, vậy mà nhiều khi vẫn phát ngôn ngang ngửa “hàng tôm hàng cá”. Vì không có người can ngăn, giám sát; có hình thức xử lý nên tình trạng phát ngôn tùy tiện, hớ hênh, phi lý của nhiều quan chức có chiều hướng gia tăng. Gần đây, phát ngôn của nhiều vị trở nên dậy sóng, thành chuyện tiếu lâm nhiều tập.

Còn nhớ câu nói nổi tiếng của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 12.11.2012 về chất lượng công trình, sai phạm tại tập đoàn và thị trường bất động sản: “Báo cáo với đại biểu Lê Như Tiến, câu hỏi của đại biểu chúng tôi có đầy đủ (tài liệu) nhưng để ở nhà. Mời đại biểu Lê Như Tiến sang và chúng tôi báo cáo…”

Tại cuộc họp quốc hội vào tháng 4 năm ngoái, bàn về trách nhiệm của Quốc hội khi đưa ra những quyết định, chủ trương sai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 17.11.2014, trả lời cử tri về vấn đề quản lý thị trường trước gian lận thương mại còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phân trần: “Công tác đấu tranh của riêng Quản lý thị trường đã cố gắng nhưng phương tiện công cụ vừa yếu, vừa thiếu. Một câu chuyện có thật là, ở nhiều nơi thanh kiểm tra, anh em cán bộ phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón!”.

Còn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi trả lời chất vấn trước quốc hội hồi tháng 6.2014 đã giải thích con số dự toán 34.000 tỷ đồng trong dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 là… “sai sót do lỗi kỹ thuật đánh máy”.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn gần 340 triệu USD; dư luận bức xúc, nhưng Cục trưởng Cục Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng lại nổi nóng: “Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.

Mới nhất, bên lề cuộc họp báo chiều 17.3.2015, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long đã giải thích việc thực hiện đề án chặt 6.700 cây ở Hà Nội mà bỏ qua việc lấy ý kiến nhân dân: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến (dân) hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì…” Trước đó, ông Long còn đẻ ra những thuật ngữ mới khi phát biểu về việc cướp hoa tre đến đổ máu ở lễ hội đền Gióng: “cần lưu ý, chữ ‘cướp’ ở đây không phải là cướp giật mà cướp có văn hóa!”…và …

Trong cuộc đời làm chính trị, những phát ngôn sơ sẩy có thể không tránh khỏi. Điều quan trọng là thái độ cầu thị, sửa sai sau đó. Trước những câu nói phũ phàng của các “đầy tớ” nhân dân, người dân có thể không bằng lòng nhưng cũng sẽ sẵn lòng tha thứ khi họ biết đó chỉ là lỡ lời. Và điều này phải được chính người mắc sai lầm thể hiện thông qua những việc làm thiết thực. Tuy nhiên, có những câu nói tưởng như hớ hênh, buột miệng, nhưng nó lại thể hiện cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo. Khi những phát ngôn kiểu này liên tục bị phát tán, nó sẽ tích tụ lại để rất có thể tạo nên một cái nhìn không thiện cảm, hay lớn hơn là sự thất vọng về một lớp lãnh đạo hiện nay.

Ở Việt Nam, chưa thấy quan chức nào có phát ngôn kiểu đó bị phê bình. Có lẽ người ta sợ rằng quan chức là nhân tài đất nước, nếu đem ra xử chỉ vì nói một câu nói hớ hênh thì có thể “sẽ không còn cán bộ mà lãnh đạo”. Dường như, càng có chức, có quyền, việc xin lỗi càng khó khăn. Lãnh đạo là một khoa học hẳn hoi, nhưng nhiều quan chức lại quan niệm lãnh đạo đồng nghĩa với khoa học. Nguy hại là chỗ đó. Đất nước cứ mãi nghèo nàn phần lớn cũng từ đó.

Quá xức xúc trước những chuyện “cười ra nước mắt” này, thầy giáo tôi từng bảo, ông muốn mở một trường đào tạo phát ngôn cho lãnh đạo và cho rằng sẽ đắt như tôm tươi vì đông người học. Nhưng tôi lại cho rằng, sẽ không có ai học vì lãnh đạo Việt Nam vốn không sợ ai và không có ai để sợ.


Đọc thêm!