Trang

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Điện hạt nhân: Không phải việc của riêng ngành điện

Vấn đề cơ bản không nằm ở tiến độ thực hiện dự án mà tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, lực lượng và cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ đến đâu sẽ quyết định thời điểm bắt tay xây dựng thực sự một nhà máy điện hạt nhân đến đó. ĐHN không phải là món hàng mà trong tay chúng ta chưa có gì vẫn có thể sở hữu.


ĐHN: 15 năm chuẩn bị nhưng vẫn ngổn ngang việc phải làm
Đôi nét về tác giả Trần Sơn Lâm
Ông Trần Sơn Lâm nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học - Giáo dục, Văn phòng Chính phủ. Là kĩ sư vật lý hạt nhân, ông  có 13 năm gắn bó với chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
Việc chuẩn bị cho dự án Điện hạt nhân đã được chính thức thức khởi động cách đây 15 năm.
Ngay từ Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII đã nêu "chuẩn bị tiềm lực khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng phần chiến lược phát triển KT-XH 2001-2010 đã nêu phương án sử dụng NLNT.
Ngày 21/12 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ KH&CN) phối hợp với Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công thương) chuẩn bị báo cáo trình Bộ chính trị và CP về việc sử dụng  và phát triển năng lượng nguyên tử (NLNT) ở VN, Đề án cụ thể phát triển năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
Phải 5 năm sau, ngày 25/8/1999, Ban cán sự đảng của hai Bộ KHCN&MT và Bộ Năng lượng mới trình chính phủ bản báo cáo đề nghị phát triển điện hạt nhân ở VN.
Và hai năm sau đó, ngày 7/5/2001 Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng trực tiếp nghe Ban cán sự đảng của 2 bộ và đại diện các cơ quan có liên quan về báo cáo nói trên và cho ý kiến chỉ đạo 2 bộ cùng các cơ quan có liên quan "tiếp tục tiến hành nghiên cứu đề án xây dựng nhà máy ĐHN ở VN và làm rõ các vấn đề liên quan đến phát triển ĐHN ở VN".
Ngày 7/5/2002 Thủ tướng CP đã quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu phát triển ĐHN.
Đến 03/01/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành QĐ số 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020".
Ngày 23/7/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành quyết định số 114/2007/QĐ-TTg phê duyệt "kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình đến năm 2020"
Năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật NLNT.
Quy hoạch dài hạn phát triển các nhà  máy điện hạt nhân yêu cầu phải xây dựng báo cáo xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy loại công suất 1.000 MW để trình Quốc hội thông qua chậm nhất trong năm 2009.
Thế nhưng, hiện nay, chúng ta đang dự kiến xây dựng tới 8 tổ máy đồng thời. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, con người đâu để làm?
Như vậy chỉ riêng để có cơ sở pháp lý về ứng dụng NLNT và để  xin chủ trương của Quốc hội về đề án xây dựng  ĐHN ở VN, chúng ta phải mất 15 năm, thế nhưng đến nay, cơ sở pháp lý để triển khai thực tế một nhà máy điện hạt nhân vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm.

Nếu chỉ vì năng lượng, không cần xây nhà máy điện hạt nhân
Chiến lược của Việt Nam đã phân tích một cách khoa học lý do cần có nhà máy điện hạt nhân: giải quyết bài toán về an ninh năng lượng, gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Tăng cường tiềm lực KHCN của đất nước là tư tưởng xuyên suốt của những người tham gia xây dựng chiến lược. Trong quá trình hoạch định chiến lược ấy, tất các các cán bộ khoa học, quản lý tham gia soạn thảo như cố giáo sư Nguyến Đình Tứ, cố giáo sư Nguyễn Tiến Nguyên, giáo sư Phạm Duy Hiển, giáo sư Trần Hữu Phát, Tiến sĩ nguyên thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Mạnh Hải... đều có chung một quan điểm là thông qua việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngành khoa học hạt nhân của chung ta sẽ nhanh chóng tiếp cận được với các công nghệ hiện đại của thế giới. Và với trí tuệ của người VN, chúng ta sẽ hấp thụ được công nghệ của nhiều lĩnh vực KHCN khác như quản lý dự án, thiết bị điều khiển tự động, kiểm tra không phá huỷ, thiết kế chịu động đất, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin hiện đại, phân tích an toàn, quản lý chất lượng hiện đại... và thúc đầy các lĩnh vực công nghiệp khác như cơ khí, chế tạo máy, tự động hoá, hoá chất, xây dựng, điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông phát triển và hiện đại hoá....
Nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.
Tóm lại việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước như kinh nghiệm phát triển của một số nước. Đơn cử trường hợp Hàn Quốc. Khi khởi động chương trình hạt nhân vào những năm 1970, GDP đầu người của nước này chỉ khoảng 70 USD nhưng đến đầu năm 2000 họ đã nội địa hoá đến 95% các thiết bị của nhà máy ĐHN kể cả việc sản xuất hoàn toàn lò phản ứng hạt nhân.
Nếu chỉ vì mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng và góp phần cung cấp từ 10-20-25% sản lượng điện cho tổng sản lượng điện quốc gia thì chúng ta có thể giải quyết bằng nhiều cách như các nước không sử dụng năng lượng hạt nhân.
Làm điện hạt nhân không thể nóng vội
Để đảm bảo thực hiện chiến lược, trong bản Kế hoạch tổng thể, Thủ tướng đã giao cho các bộ nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện 22 đề án trong đó có 9 đề án liên quan trực tiếp đến đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân; 3 đề án liên quan đến xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ về năng lượng nguyên tử, 2 đề án liên quan đến tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân.
14 đề án được giao cho các bộ ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện từ đề án quy hoạch dài hạn phát triển các nhà máy điện hạt nhân, xây dựng hạ tầng cơ sở cần thiết cho chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn của quốc gia cho đến đề án xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về ĐHN; Tăng cường tiềm lực kỹ thuật phục vụ chương trình ĐHN; Quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia; Có kế hoạch đào tạo và đầu tư cho các công ty xây dựng để có thể tham gia từng phần việc xây dựng nhà máy ĐHN; Bảo đảm ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân; Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực NLNT; Điều tra, đánh giá thăm dò tài nguyên Urani để có thể tự bảo đảm một phần nhiên liệu cho tương lai; Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân và bảo đảm an toàn hạt nhân...
Đây là một khối lượng công việc đồ sộ do nhiều Bộ, ngành cùng phối hợp thực hiện.
Thời hạn mà tất cả các đề án phải được đưa vào thực hiện đều trước 30/6/2008, nhưng, theo tôi được biết hầu hết các đề án này chưa được phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Việc phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo động lực và sức ép buộc các cơ quan chủ đề án phải triển khai thực hiện vì theo báo cáo đầu tư của Tổng công ty điện lực Việt Nam, từ nay đến khi lựa chọn nhà thầu và khỏi công xây dựng theo kế hoạch chỉ còn từ 3-4 năm.
Hơn nữa, vấn đề cơ bản không nằm ở tiến độ thực hiện dự án mà tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, lực lượng và cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ đến đâu sẽ quyết định thời điểm bắt tay xây dựng thực sự một nhà máy điện hạt nhân đến đó. ĐHN không phải là món hàng mà trong tay chúng ta chưa có gì vẫn có thể sở hữu.
Điện hạt nhân không thể làm vội vàng vì đây là công nghệ đòi hỏi kỹ thuật và kỷ luật xây dựng, vận hành khắt khe nhất, nghiêm túc nhất, vì thực tế các sự cố hạt nhân xảy ra đều là do vi phạm vào quy tắc vận hành.
Ở Việt Nam ta, thực tế có nhiều đề án do để đẩy nhanh tiến độ cho kịp với kế hoạch đã không bảo đảm chất lượng của công trình.
Ảnh Japanfocus
Thực hiện dự án điện hạt nhân, ngoài lòng mong muốn và ý chí quyết tâm phải có tri thức, mà tri thức thì không chỉ có được trong thời gian vài ba năm mà phải có lượng thời gian đủ để tích tụ. Có tri thức chúng ta mới tiến tới làm chủ và không phụ thuộc vào nhà cung cấp trong tương lai lâu dài, tri thức chính là yếu tố quyêt định để bảo đảm sự tự chủ của chương trình phát triển công nghiệp công nghệ năng lượng nguyên tử.
Trong Chiến lược cũng đã thẳng thắn nhận định "nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, nhất là chuyên gia quản lý và kỹ thuật nhà máy ĐHN là một trong các thách thức hàng đầu đối với chương trình phát triển ĐH; ngoài ra, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống pháp luật phục vụ phát triển ĐHN còn ở mức sơ khai; năng lực tài chính còn yếu...; các vấn đề xã hội như ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, văn hoá an toàn, văn minh công nghiệp còn thấp...; nhìn chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu giảng dạy còn rất thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân bước đầu được hình thành nhưng tuổi trung bình cao và chưa đáp ứng yêu cầu về cả số lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề... thậm chí nhiều chuyên gia giỏi đã và đang xin chuyển ra khỏi ngành, một số cơ sở đào tạo đã không duy trì được việc đào tạo chuyên ngành hạt nhân".
Trước hiện trạng này việc thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân phải đi trước môt bước trong một chương trình dài hạn gắn với quy hoach phát triển ĐHN và là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình phát triển ĐHN.

Lập ban chỉ đạo tập trung do Thủ tướng làm tổng chỉ huy
Việc thực hiện các đề án trong kế hoạch tổng thể là cơ sở chắc chắn để thực hiện thành công dự án điện hạt nhân vì vậy cần phải có một ban chỉ đạo thống nhất và tập trung.
Trong chiến lược đã chỉ rõ "Ứng dụng NLNT, đặc biệt là phát triển ĐHN, là lĩnh vực cao, liên ngành, dài hạn, cần đầu tư lớn, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế -xã hội, KH&CN, công nghiệp của đất nước, do đó, việc xây dựng và thực hiện cần phải có ý chí, quyết tâm cao của lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, sự chỉ đạo tập trung, đầu tư của nhà nước và huy động được sức mạnh của toàn xã hội". Liệu một mình EVN có làm nổi tất cả những việc này, nhất là 14 đề án mà Chính phủ đã yêu cầu xây dựng và triển khai.
Nếu chỉ trao vào tay EVN, lựa chọn duy nhất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân là áp dụng phương thức chìa khóa trao tay. Khi đó, làm thế nào chúng ta thực hiện được mục tiêu xuyên suốt là nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Chúng ta phải có sự chuẩn bị, có thể tham gia vào tất cả các công đoạn của việc thiết kế, xây dựng, từ đó hấp thụ và làm chủ công nghệ.
Nói cách khác, việc thực hiện tốt các đề án trong Kế hoạch tổng thể mới có thể đảm bảo từng bước tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước gắn liền với khả năng làm chủ trong nghiên cứu, thiết kế, vận hành, xử lý các tình huống, các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận hành và bảo đảm an toàn tuyệt đối khi vận hành nhà máy điện hạt nhân và sự phát triển của các lĩnh vực khoa học công nghệ khác.
Đã đến lúc nhà nước cần có cơ chế chính sách cụ thể để huy động sức mạnh của các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đã và đang hoạt động trong lĩnh vực NLNT và ĐHN và các lĩnh vực có liên quan, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các bộ, ngành, các tỉnh thành phố có liên quan. Phải có đủ lực lượng thì mới kí kết hợp đồng và xây dựng. Con người phải có trước.
Vì vậy để thực hiện tốt chiến lược và kế hoạch tổng thể đặc biệt là chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn cần thành lập một Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để chỉ đạo tập trung và huy động được sức mạnh của toàn xã hội. (Ở các nước, khi bắt đầu phát triển điện hạt nhân, người đứng đầu Chính phủ cũng là tổng chỉ huy, như Pháp, Mỹ, Trung Quốc...)
Bên cạnh sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, vì đây là chương trình dài hạn nhằm phát triển tiềm lực khoa học kĩ thuật của đất nước, Quốc hội nên lập một Uỷ ban Giám sát bao gồm các nhà khoa học và các nhà quản lý có kinh nghiệm giám sát kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng NLNT và chương trình phát triển ĐHN.

Những thông tin đáng lưu tâm:
1. Quy hoạch dài hạn phát triển các nhà  máy điện hạt nhân và thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên
Nội dung: Lập quy hoạch dài hạn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên cơ sở lựa chọn các công nghệ điện hạt nhân hiện đại đã được thương mại hoá và hướng vào các đối tác có bản quyền công nghệ, có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân với công nghệ tiên tiến nhất; xây dựng báo cáo xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy loại công suất 1.000 MW để trình Quốc hội thông qua chậm nhất trong năm 2009; xây dựng chương trình nội địa hoá sản xuất thanh nhiên liệu từ Urani nhập khẩu làm cơ sở cho việc thực hiện dự án chuyển giao công nghệ chế tạo thanh nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu ở trong nước bao gồm các hoạt động nghiên cứu thiết kế, phân tích an toàn, công nghệ gốm nhiên liệu, công nghệ vỏ thanh nhiên liệu, chế tạo  urani có độ sạch hạt nhân, các sản phẩm Zirconi tinh khiết, thử nghiệm thanh nhiên liệu và hệ thống các phòng thí nghiệm phục vụ cho các hoạt động này; xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao năng lực các ngành công nghiệp trong nước nhằm tham gia hiệu  quả vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2. Xây dựng hạ tầng cơ  sở cần thiết cho Chương trình phát triển  điện hạt nhân dài hạn của quốc gia
Mục tiêu: Bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ  kỹ thuật bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và ứng phó sự cố, tai nạn hạt nhân cùng các điều kiện pháp lý  cho việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn của quốc gia.
Nội dung bao gồm các vấn đề sau:
2-1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo, kế hoạch quốc gia về phát triển nguồn nhân lực bao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề trong lĩnh vực điện hạt nhân nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân.
Đề án này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
2-2. Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về điện hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch nghiên cứu và triển khai về điện hạt nhân nhằm đánh giá, đề xuất việc lựa chọn công nghệ điện hạt nhân hiện đại cho việc thực hiện chương trình điện hạt nhân, tiến tới thực hiện việc tiếp thu, làm chủ công nghệ điện hạt nhân được chuyển giao và phát triển các công nghệ liên quan đến điện  hạt nhân, nhằm nắm vững và xác định những tiêu chuẩn cơ bản để lựa chọn công nghệ điện hạt nhân phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân và phát triển các công nghệ có liên quan
Đề án này do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
2-3. Tăng cường tiềm lực kỹ thuật phục vụ chương trình điện hạt nhân
Đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện các nhiệm vụ về phân tích, đánh giá và thẩm định an toàn các dự án điện hạt nhân, thanh tra bảo đảm an toàn hạt nhân trong xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân. Nhằm có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật liên quan để thực hiện an toàn chương trình điện hạt nhân
Đề án này do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
2-4. Quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.
Thăm dò, khảo sát địa chất công trình, nguồn nước làm mát, đặc điểm về địa lý, môi trường, tự nhiên và xã hội và đánh giá các địa điểm có đủ  điều kiện đáp ứng với tiêu chuẩn xây dựng nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ nhằm xác định các địa điểm đạt tiêu chuẩn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2-5. Quy hoạch và đầu tư cho các tổng công ty xây dựng lớn về năng lực xây lắp, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật lành nghề.
Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực cho các tổng công ty lớn, đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu tham gia thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Đề án này do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2-6. Bảo đảm ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân.
Nội dung: Xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân. Xây dựng các trung tâm kỹ thuật xử lý các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân trong phạm vi cả nước, đặc biệt chú trọng đối với các khu vực có nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu và các cơ sở chiếu xạ có sử dụng nguồn phóng xạ cường độ lớn. Xây dựng cơ sở chữa bệnh phóng xạ do ảnh hưởng của các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân nhằm  xây dựng năng lực quốc gia và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp các sự cố, tai nạn bức xạ và hạt nhân.
Đề án này do Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2-7. Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Xây dựng các biện pháp bảo đảm an ninh, lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng đối với các biện pháp bảo đảm an ninh trong lựa chọn địa điểm, thiết kế, xây dựng, vận hành  và tháo dỡ các cơ sở hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Đề án này Bộ Công an chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiệnm trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2-8. Xây dựng kế hoạch tham gia các điều ước quốc tế có liên quan bảo đảm cơ sở pháp lý quốc tế cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Đề án này do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì  xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
3. Điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên urani
Điều tra để phát hiện các loại hình mỏ quặng urani có giá trị kinh tế; tập trung thăm dò mỏ quặng urani vùng bồn trũng Nông Sơn (Quảng Nam) với mục tiêu 8.000 tấn U3O8 trữ lượng cấp 122; thăm dò các diện tích khác đã được đánh giá để có thêm trữ lượng.
Hoàn thành về cơ bản việc điều tra, đánh giá, thăm dò trữ lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của việc khai thác và chế biến tài nguyên urani làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách quốc gia về khai thác thương mại.
Đề án này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
4. Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ về năng lượng nguyên tử
Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ  về năng lượng nguyên tử được thực hiện thông qua đào tạo và thực hiện các Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại theo các dự án đầu tư .
4-1. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ hạt nhân
Xây dựng kế hoạch đào tạo, mạng lưới các cơ sở đào tạo , cơ sở vật chất kỹ thuật, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ và tổ chức đào tạo theo kế hoạch nhằm có đủ đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề, phục vụ hiệu quả cho nghiên cứu, đào tạo, phát triển các công nghệ liên quan đến điện hạt nhân và bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện, trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
4-2. Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân
- Nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, công nghệ ứng dụng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; nghiên cứu cơ bản về năng lượng nguyên tử; nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ công nghệ xử lý và quản lý chất thải phóng xạ, công nghệ đánh giá và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân nhằm xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
4-3. Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Xây dựng và phát triển Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu - triển khai công nghệ kỹ thuật cao trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Quy hoạch phát triển dài hạn Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; nâng cấp hệ thống các phòng thí nghiệm hiện có; xây dựng các tổ hợp khoa học - công nghệ - sản xuất với các thiết bị bức xạ hiện đại và các phòng thí nghiệm liên ngành; xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới công suất cao, đa mục tiêu và hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên đề hiện đại; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động thông tin khoa học - công nghệ và thông tin đại chúng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
5. Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân
5-1. Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân
Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và vật liệu hạt nhân.
Tăng cường khả năng kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp...chiếu xạ đối với dân chúng và quản lý chất thải phóng xạ theo tiêu chuẩn quốc tế; bảo đảm kiểm soát nguồn phóng xạ, nguyên, nhiên vật liệu hạt nhân, công nghệ và thiết bị liên quan tới chu trình nhiên liệu hạt nhân.
Từng bước khắc phục các hạn chế và nâng cao năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và nhiên vật liệu hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.
5-2. Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn hạt nhân
Tăng cường năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn hạt nhân. Xây dựng và hoàn thiện quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ về phân tích, đánh giá và thẩm định an toàn các dự án điện hạt nhân, thanh tra bảo đảm an toàn hạt nhân trong xây dựng, vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hạt nhân khác, nhằm  từng bước nâng cao năng lực quốc gia trong việc bảo đảm an toàn hạt nhân.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, xây dựng đề án, tổ chức phê duyệt và thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.

Tác giả: TRẦN SƠN LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét