Trang

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải quyết một số vấn đề lịch sử như thế nào ? Part 3 - Những vấn đề lịch sử chủ yếu còn tồn tại


Dương Danh Dy

Những vấn đề chưa giải quyết
Sau khi “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử…” ra đờì, nhân dân Trung Quốc hy vọng những vấn đề tương tự sẽ không xảy ra nữa, thế nhưng chỉ mấy năm sau, mấy sự kiện lớn đã xảy ra trong xã hội và ĐCSTQ, đó là:
1. Việc xử lý Hồ Diệu Bang.
• Ngày 16/1/1987 Hội nghị BCT ĐCSTQ mở rộng họp, tại hội nghị Hồ Diệu Bang đã kiểm thảo trong thời gian làm Tổng Bí thư đã vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng, phạm một số sai lầm nghiêm trọng trong một số vấn đề trọng đại, và xin từ chức Tổng Bí thư. Những người tham dự đã nghiêm túc phê bình Hồ Diệu Bang, đồng ý chấp nhận đề nghị từ chức của Hồ Diệu Bang. Hội nghị cử Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư.


Cần lưu ý là trước đó từ trung tuần đến hạ tuần tháng 12/1986 một bộ phận sinh viên tại các trường đại học ở Hợp Phì (An Huy), Vũ Hán, Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Bắc Kinh đã diễu hành thị uy trên đường phố, hô to khẩu hiệu đòi dân chủ, gây ảnh hưởng nhất định dến trật tự giao thông. Đặng Tiểu Bình phát biểu cho rằng: học sinh diễu hành thị uy không thể gây ra việc lớn, nhưng xét về tính chất thì đây là vấn đề nghiêm trọng, nguyên nhân là do chống tự do hóa tư sản chưa đắc lực.
• Ngày 1/1/1987 xảy ra diễu hành thị uy lớn ở Bắc Kinh, tiếp đó ĐCSTQ đã ra quyết định khai trừ một số đảng viên có tên tuổi bị coi là dính líu vào phong trào học sinh như Vương Nhược Vọng, Chủ tịch Hội Nhà văn Thượng Hải, Phương Lệ Chi, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Lưu Tân Nhạn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc.
• Ngày 15/4/1989 Hồ Diệu Bang chết vì bệnh.
2. Việc xử lý Triệu Tử Dương.
• Ngày 16/4/1989, bắt đầu có người đến đặt vòng hoa tại quảng trường Thiên An Môn viếng Hồ Diệu Bang, ngoài ra còn có biểu ngữ, khẩu hiệu, báo chữ lớn chữ nhỏ công kích người lãnh đạo Trung ương và Chính phủ.
• Ngày 17-18/4/1989 diễu hành thị uy của học sinh qui mô lớn.
• Ngày 22/4 sau lễ truy điệu Hồ Diệu Bang, “Hội đoàn kết học sinh” thành lập, số học sinh tham gia phong trào ngày càng đông.
• Ngày 24/4/1989 Lý Bằng chủ trì hội nghị Thường vụ BCT, nhận định đây là cuộc đấu tranh chính trị chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội có kế hoạch, có tổ chức, quyết định thành lập Tổ ngăn chặn. Đặng Tiểu Bình tán thành nhận định trên và cách làm.
• Ngày 27/4/1989 hơn 100.000 học sinh diễu hành thị uy trên đường phố.
• Ngày 9 và 10/5/1989 hơn 100 phóng viên của hơn 38 đơn vị tân văn, truyền thông cùng mấy vạn học sinh lại diễu hành thị uy.
• Ngày 13/5/1989 học sinh tổ chức tuyệt thực và ra tuyên ngôn tuyệt thực, trong 7 ngày liền có hơn 3.000 người tham gia tuyệt thực, học sinh chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, được nhiều cơ quan báo chí ủng hộ, số người tham gia biểu tình ngày càng đông, học sinh trong cả nước kéo tới Bắc Kinh tới trên 200.000 người. Bắc Kinh hỗn loạn. Triệu Tử Dương tỏ ra đồng tình với học sinh.
• Ngày 16/5/1989 Triệu Tử Dương lợi dụng cơ hội gặp Gocbachov và báo chí trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Đặng Tiểu Bình, tình hình ngày càng xấu. Các thành phố lớn, thậm chí ở một số thành phố nhỏ cũng xuất hiện học sinh diễu hành thị uy, động loạn có xu hướng lan rộng ra cả nước.
• Ngày 19/5/1989 Trung ương ĐCSTQ triệu tập hội nghị các cơ quan dân, chính đảng và quân đội tại Bắc Kinh, tuyên bố dùng biện pháp quyết đoán ngăn chặn động loạn.
•  Ngày 20/5/1989 tuyên bố thiết quân luật một phần ở Bắc Kinh.
• Ngày 3/6/1989 bộ đội từ nhiều hướng kéo vào trung tâm thành phố, trên đường đi gặp cản trở của một bộ phận người và chướng ngại vật do quần chúng dựng.
• Ngày 4/6/1989 bộ đội hoàn thành việc thanh lý quảng trường Thiên An Môn.
Chỉ trong mấy ngày động loạn này đã có hơn 1280 ô tô của quân đội, cảnh sát vũ trang… bị phá huỷ, trên 1.000 ôtô quân sự bị đốt cháy. Có hơn 60 xe bọc thép, một số vũ khí bị phá hỏng. Hơn 6.000 sĩ quan, binh sĩ và công an bị thương, bị chết hơn một chục người. Có trên 3.000 nhân viên phi quân nhân bị thương, khoảng 200 người bị chết.
Trên đây là những số liệu chính thức do chính quyền Trung Quốc công bố. Theo Tôn Phượng Minh tác giả cuốn Những câu chuyện của Triệu Tử Dương trong thời gian bị giam lỏng (Nhà xuất bản Khai Phóng, Hồng Công, 2007) thì có tới mấy chục vạn quân đội đã tham gia cuộc đàn áp này, số học sinh và quần chúng chết và bị thương rất nhiều.
Những nguyên nhân xảy ra sự kiện Thiên An Môn nói trên là do nhà đương quyền Trung Quốc đưa ra, để tham khảo sự kiện này cần đọc thêm cuốn sách nói trên của Tôn Phượng Minh (do Dương Danh Dy dịch).
- Ngày 23-24/6/1989 Hội nghị Trung ương ĐCSTQ lần thứ 4 khóa 12 họp nghe báo cáo “về những sai lầm mà đồng chí Triệu Tử Dương đã phạm phải trong cuộc động loạn chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội” đã quyết định cách chức Tổng Bí Thư, Phó Chủ tịch thứ nhất quân ủy Trung ương của Triệu Tử Dương và cử Giang Trạch Dân thay thế.
Chú thích quan trọng:
Một số dư luận và giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn chưa đồng tình với những kết luận và xử lý sai lầm đối với Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương cũng như cách định tính sự kiện Thiên An Môn 4-6-1989. Vào dịp trước khi Đại hội 17 ĐCSTQ họp đã có nhiều người ở trong và ngoài nước lên tiếng đòi bình phản cho hai ngưòi và sự kiện trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét