Muốn hiểu về nguồn gốc trường KMTĐ, chúng ta cần xem xét lại bối cảnh giáo dục trung học miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Sau năm 1954, chương trình trung học công lập phổ thông miền Nam dựa trên chương trình Hoàng Xuân Hãn (HXH, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim). Chương trình này, ra đời từ tháng sáu năm 1945, được soạn thảo dựa một phần rất lớn theo mô hình trung học Pháp, với tất cả những cái hay cũng như cái dở của nó. So với những chương trình cải tổ nền trung học Việt Nam sau đó, chương trình HXH là một chương trình cải tổ nền trung học sâu và rộng nhất, từ việc thay đổi cấu trúc nền trung học cho đến việc đặt ra những môn học mới, thay đổi nội dung các môn học cũ. Tuy nhiên, mô hình này phân biệt giữa học thuật và kỹ thuật, thiên về kiến thức từ chương, coi nhẹ vấn đề hướng nghiệp và có tính chất chọn lọc cao (elitist). Ngay vào cuối thập kỷ 1950, giới giáo dục miền Nam đã có nhiều thảo luận về vấn đề cải tổ trung học để thích ứng với nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội lúc bấy giờ.
Trong Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc lần thứ nhất (HTGDTQ-I) tại miền Nam năm 1958, ba nguyên tắc định hướng (triết lý) giáo dục căn bản đã được đề xướng (xem Nguyễn Hữu Phước 2000, trang 256):
- Nhân bản;
- Dân tộc; và
- Khai phóng.
Giáo dục Nhân Bản (humanist) là giáo dục đặt con người là cứu cánh, chú trọng vào sự phát triển toàn diện, và tôn trọng những giá trị thiêng liêng của con người. Giáo dục Dân Tộc (national) là giáo dục tôn trọng truyền thống dân tộc, phù hợp với hoàn cảnh của con người trong gia đình, địa phương, nghề nghiệp, xã hội và quốc gia, và nhằm bảo đảm cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia dân tộc. Giáo dục Khai Phóng (open-minded) là giáo dục cởi mở đón nhận các văn hoá và tiến bộ trên thế giới trong tinh thần khoa học, và nhằm phát triển tinh thần xã hội và dân chủ.
Ba triết lý giáo dục này đựợc Bộ Giáo Dục miền Nam bắt đầu áp dụng vào chương trình trung học năm 1960 (xem Ministry of Education 1960, trang 9). Chúng chính là những triết lý giáo dục của KMTĐ sau này, và là của tất cả các trường trung học miền Nam thời đó. Cần nhấn mạnh, đây là triết lý chung của Bộ Giáo Dục và không phải là nguyên tắc riêng của trường KMTĐ như một số bạn lầm tưởng.
Sau HTGDTQ-I, Bộ Giáo Dục bắt đầu dự án xây cất một trường tân tiến với các lớp học khang trang, học cụ đầy đủ, phương pháp giảng dạy hiện đại, và chương trình phù hợp cho nhu cầu phát triển của học sinh, xã hội. Trường này sẽ là một nơi nghiên cứu và kiểm nghiệm giáo dục bậc trung học, và trực thuộc ĐHSP Saigon. Dự án này là nguồn gốc nguyên thủy của trường KMTĐ và được bắt đầu tiến hành từ năm 1959
Cùng một lúc với dự án cải tổ trung học nói trên là dự án thành lập Trung Tâm Đại Học Thủ Đức (ĐHTĐ). Làng ĐHTĐ cũng nằm trong kế hoạch này. Dự án ĐHTĐ mang các trường Cao đẳng của Viện Đại Học Saigon, rải rác các nơi trong thành phố, về một địa điểm ngày xưa là một đồn điền cao su trên Thủ Đức, cách Saigon độ 16 cây số, nằm gần xa lộ Thủ Đức–Biên Hoà. Địa điểm này thuộc Xã Linh Xuân Thôn, Quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định.
Muốn xây dựng một ngôi trường trung học tân tiến như KMTĐ cần hai nguồn lực chính: tài lực dồi dào và nhân lực hùng hậu. Ngân sách giáo dục miền Nam thời bấy giờ đã nhờ một phần lớn vào viện trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) để thi hành những cải tổ giáo dục, nhất là từ năm 1960. Theo lời kể của Giáo sư Lê Văn (nguyên Khoa trưởng ĐHSP Huế 1958–64, sau chuyển về làm Phó Khoa Trưởng ĐHSP Saigon) thì năm 1959 USAID tài trợ một ngân khoản đầu tiên là 80 triệu đồng (theo thời giá lúc bấy giờ) dành riêng để xây cất và thiết bị KMTĐ và ĐHSP Saigon, nhưng phải dùng hết trong vòng ba năm.
Lựa chọn địa điểm xây cất một cơ sở mới, tân tiến cho KMTĐ và ĐHSP Saigon cho phù hợp với kế hoạch cải tổ giáo dục bậc đại học đã cần khá nhiều suy xét và thời gian, và gặp một số trở ngại. Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Làng ĐHTĐ và Trung Tâm ĐHTĐ là ba địa điểm đã được Bộ Giáo Dục cứu xét chọn lưạ cho việc xây cất trường KMTĐ và ĐHSP Saigon. Tuy nhiên, vì thời gian cứu xét để quyết định chọn lựa địa điểm kéo dài, 50 triệu đồng của ngân khoản đầu tiên nói trên được chuyển sang ngân sách xây cất Kiểu Mẫu Huế (KMH) và ĐHSP Huế .
Bộ Giáo Dục cuối cùng đã quyết định chọn Trung Tâm ĐHTĐ làm nơi xây cất trường KMTĐ và trường sở mới cho ĐHSP Saigon (chúng tôi đoán là vào năm 1962). Theo các số liệu chính thức, viên đá xây cất đầu tiên được đặt vào ngày 26/5/1963, công việc xây cất hoàn tất ngày 30/3/1964, với ngân khoản thành lập KMTĐ gồm 40 triệu đồng cho xây cất (tài khoá 1963), 7 triệu đồng cho thiết bị (tài khoá 1964) và 6 triệu đồng cho xưởng công kỹ nghệ & hàng rào (tài khoá 1965).
Ngoài ngân khoản xây cất và trang bị, USAID cũng đã tài trợ huấn luyện các giáo sư KMTĐ tại Mỹ và cố vấn sư phạm trong việc phát triển các môn hướng nghiệp và tổ chức hành chính tại KMTĐ. Đại Học Ohio tại Athens đã được USAID chọn làm cố vấn cho ĐHSP Saigon và trường KMTĐ. PĐCV Ohio (còn gọi là Ohio University Contract Team) cho trường KMTĐ gồm tất cả sáu vị giáo sư về ngành sư phạm chuyên về các môn hướng nghiệp hoặc tổ chức hành chính: Tiến sĩ Raines (Hướng Dẫn Khải Đạo), Bà Apple (Doanh Thương), Tiến sĩ McGinty (Kinh Tế Gia Đình), Tiến sĩ Pawelek, Ông Sells (Công Kỹ Nghệ) và Tiến sĩ Hubler (Tổ chức Hành chính).
Người đầu tiên chịu trách nhiệm phát huy chương trình GDTH tại KMTĐ là Giáo sư Dương Thiệu Tống, cũng là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Vì KMTĐ trực thuộc ĐHSP Saigon, chương trình này là kết quả nghiên cứu phối hợp của Hội Đồng Khoa ĐHSP Saigon và Hội-Đồng Giáo sư KMTĐ, với sự góp ý của PĐCV Ohio, và được Giáo sư Trần Văn Tấn, Khoa trưởng ĐHSP Saigon, phê chuẩn.
Trong niên khoá đầu tiên (1965–66), đại đa số Ban Giám Đốc và Giáo Sư KMTĐ đã được đào tạo thêm và tốt nghiệp ở các nước ngoài về:
(i) Đại Học Ohio (Athens) như các Thầy Cô Dương Thiệu Tống, Trần Cẩm Hồng, Dương Thị Kim Sơn và Huỳnh Thị Bạch Tuyết;
(ii) các nơi khác trên Hoa kỳ như các Thầy Cô Nguyễn Huy Du, Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Văn Quảng, Đỗ Quang Giao, Nguyễn Ứng Long, vv;
(iii) Pháp như các Thầy Đỗ Quang Giao, Nguyễn Văn Trường; và
(iv) Đài Loan như Thầy Nguyễn Hữu Phước
Đó là chưa kể đến các giáo sư tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP Saigon như các Thầy Trịnh Tiến Đạt (Lý Hoá), Huỳnh Hữu Thế (Toán), Trần Ngọc Ban (Kiến Thức Xã Hội), Cô Dương Thủy Ngân (Pháp văn), vv. Các giáo sư Việt văn như Thầy Phan Hồng Lạc, Phạm Văn Đang cũng là những nhà giáo nhiều kinh nghiệm, sau chuyển về dạy tại Đại Học Văn Khoa Saigon. Thầy dạy âm nhạc Nguyễn Kim Đài (Nhạc sĩ Lan Đài) và Cô dạy hội hoạ Diệm Phương (Thi sĩ Hoàng Hương Trang) cũng là các giáo sư danh tiếng. Trong các niên khoá sau, những Thầy Cô tuyển về KMTĐ cũng đều là các giáo sư ưu tú của những trường khác và được Giáo sư Khoa trưởng ĐHSP Saigon chọn lựa rất kỹ lưỡng. Chính Ban Giảng Huấn đã soạn thảo ra giáo trình chi tiết cho các môn học tại KMTĐ.
Tuy KMTĐ đã bắt đầu với trường sở tối tân và đội ngũ giáo sư ưu tú, trường cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giáo dục. Lý do chính có lẽ là KMTĐ không nhận được sự trù tính hợp lý, phối hợp khéo léo và yểm trợ tích cực của Bộ Giáo Dục. Chúng tôi xin nêu ra ba thí dụ tiêu biểu. Thứ nhất, địa điểm xây cất trường KMTĐ nguyên thủy là một nơi hoang vắng. Thế mà, không thấy tài liệu nào nhắc đến ngân sách xây dựng hạ tầng cơ sở như điện và nước. Hậu quả là trường đã thiếu điện nước trong mấy năm đầu. Thứ hai, qua thời gian, phương tiện vật chất của trường như thư viện, phòng thí nghiệm, xe buýt, vv xuống cấp, mà không có ngân sách tu bổ, sửa chữa. Thứ ba là vấn đề thiếu thốn nhân sự, nhất là giáo sư, có lúc trầm trọng đến nỗi báo chí đã phải lên tiếng.
Tuy nhiên, nhờ vào các hy sinh và cố gắng phi thường của toàn thể giáo sư, nhân viên và học sinh, trường KMTĐ đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Uống nước nhớ nguồn. Những cái hay đẹp mà học sinh chúng ta đã được thừa hưởng từ KMTĐ là thành quả của:
- dự thảo cải tổ giáo dục trung học của Bộ Giáo Dục miền Nam vào khoảng cuối thập kỷ 1950 và đầu thập kỷ 1960;
- sự tài trợ của USAID vào đầu thập kỷ 1960;
- các đóng góp sư phạm của PĐCV Ohio;
- sự hướng dẫn của ĐHSP Saigon;
- công trình soạn thảo và áp dụng chương trình GDTH của Ban Giảng Huấn KMTĐ, nhất là trong các niên khoá đầu; và
- sự lèo lái của của Ban Giám Đốc và Hội Phụ Huynh Học Sinh KMTĐ, nhất là trong những năm sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét