Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

J-20: “Đại bàng đen” hay cu li hóa thạch ?

Sự tụt hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo tiêm kích thế hệ 5 không phải là 1 năm mà là 12-15 năm. J-20 mà Trung Quốc làm ra một lần nữa lại là nhờ đồ cóp nhặt của người khác 

Trước đây, thỉnh thoảng, người ta đã bàn tán ầm ĩ xung quanh việc phát triển tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc. 

Không lâu trước năm mới 2011, câu chuyện lại tiếp diễn. Xuất hiện những bức ảnh đầu tiên của máy bay này và chúng không bị coi sản phẩm đồ họa máy tính do những thành viên tích cực của các diễn đàn internet Trung Quốc làm ra. 

Sau đó, xuất hiện cả các đoạn video quay cảnh máy bay chạy đà trên đường băng. 

Ngày 11.1.2011, Trung Quốc lại lan truyền đoạn video quay chuyến bay đầu của máy bay mà Trung Quốc gọi là J-20 “Đại bàng đen”. Trước đó, nó còn có cái tên khủng bố hơn là  Mãnh long. Lúc này, khi mà Trung Quốc đã đưa máy bay ra phô diễn, thì ta cũng có cái mà bình phẩm cụ thể.

Bài báo này có thể làm thất vọng lớn những người Nga vốn vẫn hay nghĩ về Trung Quốc như một quốc gia trẻ, thông minh và triển vọng, với những bước đi 7 dặm trong lĩnh vực quân sự đang đuổi kịp tất cả và sắp bắt kịp, sẽ vượt qua và thậm chí sẽ chinh phục tất cả. Thậm chí, có người còn sẵn lòng đồng ý là người Trung Quốc đã giảm sự tụt hậu với Nga trong lĩnh vực máy bay tiêm kích thế hệ 5 chỉ còn 1 năm. Bởi lẽ, Т-50 đã cất cánh 1 năm trước. 

Không, không hề có sự kỳ diệu nào cả, không hề ra đời đối thủ cạnh tranh nào của Т-50 hay F-22A nào cả. Và sự tụt hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo tiêm kích thế hệ 5 không phải là 1 năm mà là 12-15 năm. Và máy bay do Trung Quốc làm ra một lần nữa là nhờ đồ cóp nhặt của người khác.

Nguồn gốc Nga
Một trong những phương án đã được nêu ra là máy bay Trung Quốc được phát triển dựa trên cơ sở tiêm kích thử nghiệm xa xưa MiG 1.44, có sử dụng cả những kết quả nghiên cứu của Nga, lẫn những gì mà Trung Quốc tích lũy được trong dự án tiêm kích sản xuất loạt thế hệ 4 J-10. Bản thân J-10 cũng được chế tạo dựa trên tài liệu thiết kế kỹ thuật của máy bay Lavi của Israel và có sự trợ giúp của các chuyên gia Nga. Với J-20 cũng vậy. Nên chúng ta thấy máy bay này rõ ràng có những đường nét giống với MiG 1.44.
 


MiG-1.44
MiG 1.44 là “mẫu trình diễn công nghệ” máy bay tiêm kích tương lai. Máy bay này được chế tạo theo nhiệm vụ kỹ thuật được đặt ra từ đầu thập niên 1980 đối với tiêm kích mới I-90. Các công trình sư của Viện thiết kế MiG hồi đó đã đi theo con đường chế tạo máy bay đánh chặn tầm xa hạng nặng.
 
Hồi đó, Viện thiết kế Sukhoi cũng chế tạo tiêm kích thử nghiệm S-37 Berkut, với cánh hình mũi tên ngược. Berkut cất cánh năm 1997, trải qua thử nghiệm, trong quá trình đó máy bay đã vấp phải hàng loạt vấn đề, kết quả là dự án này đã bị đình chỉ để chuyển sang thực hiện dự án hệ thống máy bay chiến thuật tương lai PAK FA, mà sau này chính là Т-50.


Tuy vậy, S-37 đến nay vẫn bay, trên máy bay này người ta đang thử nghiệm các giải pháp cho Т-50. Còn máy bay MiG 1.44 chỉ cất cánh năm 2000, mặc dù đã được lắp ráp sớm hơn đáng kể. Nhưng sau khi hoàn thành một số chuyến bay, dự án đã bị đóng lại, để chuyển sang Т-50. Và thực tế cho thấy, đó là quyết định đúng đắn. 



Vấn đề là ở chỗ, các công nghệ được sử dụng ở MiG 1.44 đã lạc hậu, ở trình độ những năm 1980. Nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ trong tương lai bằng các công nghệ lỗi thời đã dẫn đến sự ra đời của một máy bay mà dù là không lạc hậu so với các đối thủ Mỹ, nhưng cũng không có tiềm năng giành ưu thế và tiếp tục phát triển. Các động cơ nặng và to, kích thước và trọng lượng lớn, các bộ dẫn động thủy lực và dẫn động điện, sơ đồ khí động không phải thành công nhất, những kích thước lớn gây ra vấn đề về khả năng tàng hình, trọng lượng lớn gây ra khó khăn trong việc đạt các chế độ siêu cơ động. Tuy vậy, ở 1.44 cũng có cũng có những giải pháp nhất định thành công. Và chúng đã được ứng dụng khi phát triển Т-50.

Thế nhưng MiG-1.44 lại được người Trung Quốc quan tâm. Rõ ràng là họ không được xem gần một mẫu máy bay tiên tiến nào khác ngoài 1.44 đã là vô dụng. Bản thân Т-50 vẫn còn tồn tại trên các bản vẽ và được bảo mật. Còn với Berkut thì Nga còn chưa xử lý nổi một số vấn đề nữa là người Trung Quốc. Có tin, cuối cùng thì Nga đã bán cho Trung Quốc tài liệu thiết kế MiG-1.44. Trung Quốc đã thực hiện nó và với trình độ hiểu biết của họ, đã cố gắng cập nhật hóa các giải pháp của thập niên 1980 để thích nghi với hiện tại và với khả năng của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Kết quả thu được thật tồi tệ.

Cắt dán lung tung
 
J-20
J-20 là một máy bay tiêm kích lớn (dài 21-23 m) và nặng (trọng lượng cất cánh 35-40 tấn), có sơ đồ kiểu “vịt”. Cánh nâng hình tam giác với các gờ nổi ở gốc cánh và có cánh ngang phía trước quay toàn phần. Cánh đứng đuôi kép, quay toàn phần nghiêng ra ngoài và có các tấm đứng dưới thân. Sơ đồ J-20 giống hệt 1.44 và kích thước cũng gần như thế. Nhưng cũng có những khác biệt chi tiết. Máy bay MiG có cánh diện tích lớn, bảo đảm tải trọng riêng nhỏ hơn lên cánh và khả năng cơ động tốt hơn. Các cánh đứng đuôi của máy bay Trung Quốc ngả ra ngoài, không giống với máy bay Nga. Nhưng những nét đó cũng đã có ở các thiết kế mà hãng MiG đã kiểm nghiệm sau thất bại với dự án 1.44, cụ thể là ở thiết kế 1.46. Kết cấu các gờ nổi của gốc cánh, cũng như hình dáng các cánh đứng đuôi và cánh ngang phía trước có vẻ là do Trung Quốc thiết kế. Phần mũi xem ra chép lại từ F-22A của Mỹ. 

Các bộ hút khí rõ ràng là nhái của F-35 lận đận. Vòm kính buồng lái làm theo thiết kế không không tiên tiến và sao chép của Mỹ. Kết quả là có được một máy bay rất xấu được cắt dán, chắp nối từ các giải pháp của các thế hệ, các quốc gia và các trường phái thiết kế khác nhau. Tóm lại, “con quỷ bay” này là “cơ thể” Nga được khâu thêm “cái mõm” Mỹ. Hơn nữa, họ lại khâu bằng chỉ Trung Quốc và bằng kim làm từ kim loại Tàu thật. Với đủ hậu quả từ đó mà ra.

Và hậu quả nhãn tiền

Cùng với sơ đồ khí động của loại máy bay không may mắn 1.44, J-20 cũng ôm lấy những vấn đề của nó mà người Trung Quốc sẽ buộc phải tự mình giải quyết. Sơ đồ khí động với cánh ngang phía trước đối với một máy bay muốn có khả năng tàng hình là sai lầm ngay từ đầu. Cánh ngang phía trước bản thân nó đã gây khó khăn cho vấn đề tàng hình, hơn nữa lại tăng thêm lực cản không khí và làm giảm tầm bay. 

Việc sử dụng các cánh đứng dưới thân chỉ có thể làm các đài radar đối phương vui mừng vì chúng cũng làm tăng độ bộc lộ radar của máy bay. 

Đặc biệt buồn cười là một máy bay hạng nặng sẽ có vai trò lực lượng đột kích chủ yếu của không quân lại sử dụng các bộ hút khí sao chép từ F-35 tốc độ chậm, loại máy bay không hề được thiết kế cho tốc độ bay siêu âm cao. Tuy kích thước của các bộ hút khí cho phép lắp các động cơ mạnh hơn, nhưng hình dáng của nó đơn giản là không cho phép J-20 đạt tốc độ cao quá 1,6M. Có lẽ, tốc độ tối đa của nó sẽ không quá 1,5М ở độ cao lớn, tức là chỉ 1.600 km/h. Bên cạnh đó, họ cũng phải quên đi tốc độ hành trình siêu âm vì máy bay này dù là với các động cơ mạnh hơn cũng sẽ không thể tăng tốc quá tốc độ âm thanh ở chế độ không tăng lực. Có cảm tưởng là Trung Quốc cứ nhắm mắt sao chép tứ lung tung vì nghĩ rằng, cái gì có ở các đối thủ thì cái đó là tốt và cần làm y xì như thế.

Hệ thống thủy lực của máy bay, căn cứ các bức ảnh, thì không được thiết kế cho các áp lực cao, như được làm ở các tiêm kích thế hệ 5 thực sự là Т-50 và F-22A. Vì thế, các bộ dẫn động thủy lực có được lại to và nặng, làm kết cấu trở nên quá nặng. Các giải pháp về cánh đứng đuôi quay toàn phần và các khoang thu càng hoàn toàn khiến người ta nghi ngờ trình độ chuyên môn của những người thiết kế. Các chuyên gia Nga công khai cười cợt các giải pháp này.

Hiện tại, chưa nghe và chưa thấy bất kỳ thành tựu thật sự nào của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo các radar anten mạng pha có trình độ xứng đáng. Mấy năm trước, Trung Quốc có hợp tác đôi chút với Nga trong lĩnh vực này, nhưng sau đó, việc này dường như đã đình chỉ. Bởi lẽ, Nga chẳng có lợi lộc gì khi giúp chế tạo radar cho một máy bay đối thủ cạnh tranh của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 của mình mà bản thân Nga cũng muốn bán sang Trung Quốc.

Vấn đề động cơ

Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất đối với Trung Quốc. Mà là chuyện họ không có động cơ nội địa cho J-20. Động cơ tiên tiến thế hệ 5 WS-15 mới chỉ tồn tại trong giấc mơ và những kế hoạch xa xăm. 

Động cơ nội địa thế hệ 4 hiện có WS-10A không có khả năng hoạt động. Nó có đặc tính động học cực kỳ tồi tệ và độ ổn định thấp ở các chế độ làm việc khác nhau mà một máy bay tiêm kích cần có. Và nó có dự trữ làm việc gần như bằng 0 - chỉ có 25-40 giờ, thay vì 400-800 giờ cần thiết. Việc giải quyết các vấn đề của động cơ này hiện nằm ngoài khả năng của công nghiệp Trung Quốc. 

Trung Quốc hiện cũng không có các lá cánh bình thường cho động cơ máy bay cũng như nhiều thứ khác. Cả hệ thống điều khiển số động cơ cũng không có khả năng tăng dự trữ làm việc. Lắp một động cơ như vậy lên máy bay đơn giản là thảm họa, nếu như nó không được lắp kết hợp với 1 động cơ Nga AL-31F. Bởi vì động cơ này thậm chí còn không được lắp cho loại máy bay dù là hàng nhái Su-27SKK là J-11B, điều đó kết hợp với những vấn đề khác sẽ là dấu gạch chéo cho tương lai của máy bay. 

Trung Quốc cũng có biến thể động cơ mạnh hơn là WS-10G, nhưng dự trữ làm việc của nó có thể còn tệ hơn. 

Trung Quốc hiện có 2 mẫu chế thử J-20, nhưng lại đánh số hiệu giống nhau - đây là mưu lược sáng tạo của Trung Quốc để đánh lạc hướng. Một mẫu được lắp các động cơ Trung Quốc và dường như nó đã cất cánh. Nhưng tải làm việc chính sẽ do máy bay thứ hai lắp các động cơ AL-31FN mà Nga bán cho Trung Quốc để lắp cho tiêm kích J-10, gánh vác. Còn máy bay lắp các động cơ nội địa thì được cất kỹ trong hăng-ga vì nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình. 

Việc các khoang máy của động cơ AL-31FN được bố trí thấp không cho phép Trung Quốc bố trí các khoang vũ khí có kích thước bình thường ở trong bụng máy bay dưới các động cơ. Nhưng có thể họ sẽ sắp xếp được một khoang vũ khí ở giữa 2 động cơ. Tuy nhiên, trên các mẫu máy bay đầu tiên, ta chẳng thấy khoang vũ khí nào cả.

Mức trang bị sức kéo của J-20 là thấp và nó rõ ràng thua kém cả Т-50, cả F-22A, cả Su-35S và Su-30. Cơ hội để Nga bán cho Trung Quốc để lắp trên J-20 các động cơ mạnh hơn, dù là loại động cơ quá độ Nga sang thế hệ mới như 117S là gần như bằng 0. Có chăng thì là bán cả gói trong một lô Su-35 kha khá. Dĩ nhiên là cũng có những khả năng như Nga có thể bán nhiều động cơ hơn số máy bay nếu như hợp đồng được ký kết và nhắm mắt làm ngơ chuyện một số trong các động cơ đó được dùng không đúng quy định. Nhưng việc đó cũng sẽ không giải quyết được những khó khăn của Trung Quốc. Chừng nào chưa có loại động cơ nội địa mạnh và tin cậy thì mọi dự án máy bay thế hệ 5 chỉ là trò trẻ.

Kết luận là Trung Quốc làm ra được một máy bay nặng nề, to xác, không tàng hình với khả năng cơ động và mức trang bị sức kéo thấp, thêm nữa là không có khả năng đạt tốc độ cao tới 2 lần tốc độ âm thanh trở lên. Vì thế tốt nhất nên so sánh J-20 không phải với đại bàng, và thậm chí không phải là với cá voi răng kiếm mà là với con thú to xác Megateri. Ngày xửa ngày xưa, quãng 10.000 năm trước, trên lục địa châu Mỹ từng sống một loại thú dài 6 m và cao hơn con voi, được gọi là Megateri, là họ hàng với con cu li hiện đại và ăn thức ăn cây cỏ.

Vậy thì một máy bay như vậy thì làm được gì? Làm máy bay đánh chặn thì không đủ tốc độ, làm máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không thì quá to, nặng và ì ạch, không cơ động. Kích thước phần mũi khá to, nhưng chẳng có gì để lắp vào đó làm radar. Có thể làm máy bay tiêm kích, nhưng chỉ có điều chưa rõ là vũ khí tiêu diệt mục tiêu mặt đất có bỏ vừa được vào các khoang vũ khí bên trong hay không vì những vũ khí này thường rất to. 

Ở dạng hiện nay, J-20 chỉ có thể trở thành mẫu trình diễn những công nghệ lạc hậu đã 10-15 năm, những công nghệ khó cho phép Trung Quốc chế tạo một máy bay tiêm kích chiến đấu thế hệ 5 (Trung Quốc gọi là thế hệ 4). Nó không thể được xem là mẫu chế thử thế hệ 5. Trung Quốc sẽ còn phải vượt qua con đường này và nó sẽ còn dài lắm.

Show diễn còn tiếp tục

Đặc biệt kinh ngạc là cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vấn đề bảo mật J-20. 
Ở Nga, khi đang chuẩn bị cho Т-50 cất cánh, không có một bức ảnh nào lọt lên mặt báo và internet, còn đủ thứ rò rỉ thông tin từ những người trong cuộc, như sau đó người ta nhanh chóng tìm hiểu ra, phần lớn lại là thông tin giả về hình dáng bên ngoài của máy bay. Và đó là khi mà sân bay của nhà máy nằm ngay trong thành phố! 

Loại xe tăng bí mật Objekt 195 (T-95) của Nga tồn tại hơn chục năm cũng chỉ mới đây mới bộc lộ, còn lại là toàn xuất hiện trong các áo bọc và ở biến thể cũ! 

Còn ở Trung Quốc thì xung quanh sân bay mà J-20 chuẩn bị cất cánh, người ta cắm cả các khu lều trại, dân chúng đi xe đến, mang theo trẻ con, camera và máy ảnh. Tất cả cứ như một sự phô trương cố ý. Để khoe với thiên hạ là: Thấy chưa, chúng tôi cũng làm được như Nga và Mỹ. Hơn nữa, họ lại phô diễn cho công chúng bình dân vốn luôn sẵn lòng phấn khởi với những thành tựu của đất nước mà chẳng hiểu tí gì những điều tế nhị đằng sau, song lại sẵn sàng tuyên truyền ầm ĩ khắp nơi theo giọng điệu cần thiết. 

Công chúng và cả phần lớn báo chí Trung Quốc tất nhiên là sẽ không thể hiểu được rằng thay vì máy bay thế hệ 5 thật, họ đã bị giúi cho một đồ giả. Nhưng liệu ban lãnh đạo Trung Quốc có thể hiểu ra điều đó hay không?

·         Nguồn: AN, 12.1.2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét