Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Vài Con Số Liên Quan Đến Giáo Dục và Đôi Điều Suy Ngẫm

Viễn Xứ

I. Số lượng. 


Theo cơ quan kiểm tra dân số của chính phủ Mỹ thì đến năm 2007 nước Mỹ có 302 triệu người. Nước Mỹ có tổng cộng 4352 trường đào tạo sau chương trình phổ thông trung học gồm 2675 trường đào tạo hệ 4 năm và 1677 trường đào tạo hệ 2 năm. Trong 2675 trường đào tạo hệ 4 năm thì có 653 trường thuộc hệ trường công và 2022 trường thuộc hệ trường tư. Tuy có 2675 trường đại học, nhưng nước Mỹ chỉ có 282 trường đại học đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ. Một con số rất là khiêm nhường, mặc dù Mỹ là nước đi tiên phong trong các lãnh vực khoa học công nghệ cao cũng như Y tế, và xã hội học.


Việt Nam hiện nay có khoản 85 triệu người. Việtnam hiện nay có khoản 400 trường đại học bao gồm cả hệ 4 năm và hệ 2 năm. Trong số đó thì không quá 30 trường là trường tư. Còn lại là trường công lập.  Tuy có 400 trường đại học các loại nhưng Việt Nam có hơn 100 trường đại học đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ. Một con số có thể nói là quá nhiều.


II. Hoạt động của các trường đại học. 

Dù tư hay công, các trường đại học ở Mỹ đều vận hành độc lập với chính quyền tiểu bang cũng như chính quyền liên bang. Nói như vậy không có nghĩa là chính quyền sở tại không có chút ảnh hưởng gì đến các trường đại học. Vì hàng năm, các trường đại học công lập đều nhận được một khoản tiền nào đó từ chính quyền. Nhưng tài trợ tài chính không có nghĩa là chính quyền muốn sao là trường phải làm như vậy. Nhất là những kiểu muốn “Con tôi thiếu một điểm mà anh không cho nó đậu được à?” thì càng không thể xảy ra ở các trường đại học Mỹ.


Hiệu trưởng của trường phải được tuyển chọn công khai như người đi xin việc ở các công ty. Nhiều người nộp đơn cho chức vụ Hiệu trưởng và sau nhiều lần phỏng vấn thì tiểu ban tuyển chọn sẽ chọn người thích hợp nhất dựa vào năng lực, kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng giao tiếp…. Tuyệt nhiên không có chỗ cho sự “quen biết”, “gởi gấm”, hay “chạy chọt chạy chức”… gì cả. Người đứng đầu của  trường đã vậy thì tất cả những nhân viên khác của trường từ Giáo Sư đến người quét rác cũng theo luật đó mà làm là điều đương nhiên.

Các trường đại học công lập ở Mỹ hoạt động như một công ty kinh doanh. Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ thì sẽ dễ dàng ngộ nhận hay có những kết luận sai lầm. Năm ngoái, ở Việt Nam có một số người đưa ra ý kiến nên tư nhân hóa các trường đại học như mô hình trường tư ở Mỹ. Tất nhiên là điều này không có gì sai trái cả. Chỉ có điều khác biệt là các trường đại học tư ở Mỹ kinh doanh kiếm lời nhưng tiền lời chỉ dùng để mở mang trường lớp chứ không vì tư lợi cá nhân. Nếu không phân biệt được điều này và làm được điều này thì tư nhân hóa các trường đại học ở Việt Nam sẽ là một thảm họa.

Đại học Harvard sở hữu môt tài sản và quản lý một kinh phí nhiều tỉ đô la. Nhưng thu chi của trường rất quy củ và chính xác. Bao nhiêu phần trăm để trả lương cho nhân viên. Bao nhiêu phần trăm để đầu tư cho trường lớp. Bao nhiêu phần trăm đầu tư cho nghiên cứu khoa học….. v.v.
Tuyệt nhiên không có những chuyện như “em thủ quỹ thấy tiền thì nay mượn ít, mai mượn ít rồi không trả vì không thấy ai đòi..” Hay trường tự trả lương cao ngất ngưỡng cho một số nhân viên nào đó như chuyện Giảng viên Đại học Ngân hàng ở Việt Nam nhận lương tiền tỉ được báo chí đưa ra dư luận cách đây vài ngày.

Một điểm độc đáo khác biệt của các trường đại học Mỹ là tính “phi chính trị”. Mỹ là xứ nhiều tự do dân chủ. Nhưng trong các trường đại học thì không được phép có đảng phái. Dù là trường tư hay trường công cũng thế thôi: không đảng phái. Do đó, sẽ không bao giờ thấy chi bộ hay chi đoàn, hay Đảng ủy trong các trường đại học Mỹ. Thay vào đó là các hiệp hội như Hiệp hội kỹ sư điện, Hiệp hội kỹ sư xây dựng …. mà thôi.

Tuy nhiên, trường không cấm nhân viên hay sinh viên tham gia các hoạt động chính trị ngoài xã hội. Muốn vào Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, hay Đảng Xanh, Đảng Đỏ nào đó là quyền của mọi người. Đó là thời gian của sau công việc của mỗi cá nhân. Còn khi vào làm việc trong trường thì không được sinh hoạt những chuyện này trong khuôn viên nhà trường. Từ đó, chuyện bè phái đảng nọ đảng kia để rồi bợ đỡ lẫn nhau không có đất để phát triển.

III.Đào tạo và nguồn nhân lực đầu ra từ các trường đại học 

Các trường đại học Mỹ đào tạo theo hướng giúp sinh viên phát triển độc lập thay vì đào tạo theo kiểu cứng nhắc “trước sao sau vậy”! Và càng không có chuyện “định hướng tư tưởng” cho sinh viên. Cũng không có chuyện sợ “hạ uy tín lãnh đạo là Bác Bush hay Bác Obama”! Do vậy, mối liên hệ giữa Thầy và Trò có phần thoải mái hơn vì không có tâm lý sợ hãi.

Các trường đại học coi trọng tính trách nhiệm với công việc. Do vậy, người Mỹ không cảm thấy xấu hổ khi nhìn nhận là mình sai hay nói lời xin lỗi. Hòa đồng với những người xung quanh cũng là một yếu tố quan trọng để thành công trong công việc. Vì vậy, trước khi ra trường, các Giáo sư đứng lớp bao giờ cũng chuyển đến cho sinh viên năm cuối thông điệp quan trọng này. Rồi kỷ luật và tính chấp hành cũng là một điều luôn được các Giá sư nói đến. Do đó, với ngưòi Mỹ, không có gì là xấu hổ khi một Tiến sĩ lại làm việc dưới quyền của người chỉ có bằng Kỹ sư. Công việc là công việc. Quan điểm của người Mỹ là vậy.

Năm ngoái, có vị Tiến sĩ làm việc ở Sở Nội vụ Hànội đưa ra đề nghị sẽ đào tạo hàng loạt Tiến sĩ để đến năm 2020, Hànội sẽ có 100% quan chức là Tiến sĩ. Chỉ vì theo vị Tiến sĩ này thì làm cấp trên mà không có bằng Tiến sĩ thì khác nào “đẽo chân cho vừa giày”! Một ý tưởng độc đáo và quả là không tệ. Chỉ có điều người viết giật mình và té cái đùng xuống đất khi biết những người đứng đầu các công ty danh tiếng của Mỹ như General Electric hay Boeing đều chỉ mới có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (M.B.A) mà thôi! Cả Boeing hay G.E thì có cả ngàn nhân viên có bằng Tiến sĩ. Thậm chí cỡ Khoa học gia hay Bác học cũng có vì đây là những công ty kỹ nghệ khoa học cao nhất nhì nước Mỹ. Thế mới biết bọn Mỹ còn thua ta xa lắm!

Hàng năm, các trường đại học Mỹ cho ra hơn 100 ngàn kỹ sư cho tất cả các ngành. Và số kỹ sư mới ra trường này sẽ vào làm cho các công ty của Mỹ.  Theo nghiên cứu của Hiệp Hội Công Nghiệp Hàng Không của Mỹ thì nguồn nhân lực làm công việc khoa học và công việc kỹ sư chỉ chiếm 4% số người lao động ở Mỹ. Nhưng 4% nhân lực này tạo ra công ăn việc làm cho 96% nhân lực còn lại của thị trường lao đông nước Mỹ.

Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người làm công việc khoa học và công việc kỹ sư? Và nguồn công việc tạo ra từ nguồn nhân lực nào là bao nhiêu? Một con số cần được quan tâm. Ngoài ra, hàng năm các trường đại học cho ra bao nhiêu kỹ sư? Một con số chắc là không nhỏ. Nhưng có bao nhiêu người làm đúng với ngành mình đã học để tạo ra công việc cho người khác. Và nếu như ý tưởng của vị Tiến sĩ đáng kính trên đây thành công thì người lao động chân tay lại phải đi nuôi người có bằng Tiến sĩ!

Đến các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được mệnh danh là “chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm công nghiệp hóa ngành luyện nhôm” của nước nhà. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, và khoa học gia làm việc ở đó? Đến những công việc chân tay như “đào đất, đào giếng..” mà còn phải đem công nhân từ Trung Quốc qua làm. Vậy thì còn có chỗ cho kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, và khoa học gia làm trong các dự án này hay chăng? Một câu hỏi chắc khó trả lời!!!

Ngoài ra, một điều quan trọng khiến các trường đại học Mỹ thành công cũng như nâng cao chất lượng của trường là dám nhìn vào sự thật để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Xin hãy khoan nói đến vị trí các trường đại học Mỹ trên bảng xếp hạng của các trường đại học trên thế giới. Chỉ cần nhìn vào con số các giải Nobel danh giá mà các Giáo sư các trường đại học Mỹ đem về cho nước Mỹ đủ để những người khó tính nhất phải cúi đầu khâm phục. Nước Mỹ đoạt 39% tổng số giải Nobel của Thế giới. Trong đó, các giải Nobel liên quan đến Khoa học tự nhiên là 47% trong tổng số các giải Nobel trong lãnh vực khoa học của thế giới.

Với những con số đáng nể về số trường đại học; với những con số đáng nể về giá trị tài sản sở hữu cùng những khoản kinh phí khồng lồ; với những con số đáng nể về giải Nobel danh giá; với những con số đáng nể về những công trình nghiên cứu khoa học giá trị được công bố trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới; với những con số đáng nể về những công ty khoa học kỹ nghệ cao hàng đầu của thế giới; với cả trăm ngàn kỹ sư ra hàng năm; thì sẽ là một điều ngớ ngẩn nếu như có ai đó nói rằng Chính phủ Mỹ, các trường đại học Mỹ, cùng các công ty Mỹ cần quan tâm và tìm cách giải quyết trước khi khủng hoảng nguồn nhân lực kỹ sư trong tương lai.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội công nghiệp Hàng không của Mỹ năm 2008 thì nếu chính phủ Mỹ, các trường đại học Mỹ, cùng các công ty Mỹ không có kế hoạch thích hợp thì nước Mỹ sẽ lâm vào khủng hoảng nguồn nhân lực kỹ sư trong tương lai. Một điều mà người viết không khỏi ngạc nhiên khi đọc bản nghiên cứu giá trị này.

Điều đáng để mọi người cùng suy ngẫm cũng như học hỏi thì sau khi bản nghiên cứu của Hiệp hội công nghiệp Hàng không của Mỹ năm 2008 được công bố. Không có ai lên tiếng để phản đối hay bảo rằng bản nghiên cứu này là vớ vẩn không đáng tin cậy!

Trong khi đó người Việt Nam chúng ta thì sao? Khi Harvard Việt Nam được công bố, rất nhiều người đã tỏ ra bất bình vì công trình nghiên cứu này. Rồi khi Giáo sư Hoàng Tụy, vị Giáo sư đáng kính, người đi tiên phong trong nền Giáo dục của Việt Nam thời hiện đại viết bài gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho nền Giáo dục đại học nước nhà trên đăng trên Tia Sáng thì Tia Sáng trở thành Tia Tối!
Các trường đại học Mỹ đang ở đâu? Các trường đại học Việt Nam đang ở đâu? Có lẽ, mọi người trong chúng ta đều biết nhưng chỉ vì một vài lý do nào đó mà chúng ta không dám hay chưa thể nói ra chăng? Con đường dẫn lên đỉnh núi thật vất vả và khiến người leo núi phải cố gắng hết mình. Để rồi, người leo núi nhận được một phần thưởng vô giá. Từ đây, anh ta sẽ có thể phóng tầm mắt ra khắp mọi chân trời và tận hưởng những giây phút vô giá vì tầm nhìn của mình không bị che khuất. Trong khi đó, con ếch cũng nhìn được một vòng trời cao vời vợi mà không tốn chút hơi sức nào để di chuyển cái bụng to bự của mình. Chỉ có điều, những gì con ếch có cái bụng to bự nhìn thấy chỉ là một khoảng vòm trời đã bị che chắn. Và đó là một sự khác biệt, một sự khác biệt gấp ngàn lần giữa người leo núi và con ếch trong đáy giếng chật hẹp.


IV. Thay cho lời kết.

Với con số mấy ngàn trường đại học như Mỹ, nhưng vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục đâu có “mất ngủ” hay phải đi đôn đốc kiểm tra chất lượng các trường đại học bao giờ. Vậy thì, tại sao Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lại phải “mất ngủ” và vất vả đi kiểm tra đến thế? Có phải chăng đó là do cơ chế và cơ chế dùng người? Xin được nghe lời cao kiến từ mọi người cho câu hỏi này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét