Bất chấp những lời khuyên can, Chính phủ Việt Nam vẫn tiến hành hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gọi là để thí điểm. Tuy nhiên theo nhà văn Nguyên Ngọc, dự án Tân Rai đã bộc lộ những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội, kinh tế... nhưng bế tắc nhất là việc vận chuyển đến nơi xuất khẩu.
Thanh Phương/RFI tiếng Việt thực hiện
Những gì các bản Kiến nghị liên tiếp đưa ra trong hai tháng tháng 4 và 5 năm 2009 đến nay ngày càng được thực tế xác nhận. Các ngài còn chần chừ gì nữa? Trước mắt, con đường tối ưu, lại giữ được danh dự cho đất nước, là dừng tất cả mọi dự án lại và từng bước khôi phục môi sinh cũng như văn hóa bản địa cho vùng đất Tây Nguyên.
Bauxite Việt Nam
Bất chấp những lời khuyên can, Chính phủ Việt Nam vẫn tiến hành hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gọi là để thí điểm. Tuy nhiên theo nhà văn Nguyên Ngọc, dự án Tân Rai đã bộc lộ những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội, kinh tế... nhưng bế tắc nhất là việc vận chuyển đến nơi xuất khẩu.
Bất chấp những lời khuyên can của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà trí thức, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho tiến hành hai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, gọi là để thí điểm. Sau chuyến đi thị sát trong tháng Tư vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá rằng, nhìn chung, kết quả triển khai hai dự án bauxite Nhân Cơ, Đắc Nông và Tân Rai, Lâm Đồng “đáp ứng tương đối yêu cầu thi công cơ bản, thực hiện tốt công tác quản lý lao động theo đúng quy định luật pháp, bảo đảm an toàn, an ninh”.
Thật ra thì hiện giờ, chỉ mới có dự án Tân Rai được thực hiện, còn dự án Nhân Cơ cho tới nay vẫn chưa được khởi công. Nhưng theo đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc, người cũng đã đi tham quan các khu vực đang thi công dự án bauxite, tuy mới bắt đầu được triển khai, dự án Tân Rai đã bộc lộ rõ những tác động tiêu cực về mặt môi trường, về đời sống người dân, về hiệu quả kinh tế v.v. đúng như cảnh báo trong những ý kiến phản biện trước đây. Đặc biệt, vấn đề khó khăn nhất, nếu không muốn nói là bế tắc, đó việc vận chuyển alumina từ Tây Nguyên đến nơi xuất khẩu. Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với nhà văn Nguyên Ngọc.
RFI : RFI Việt ngữ hôm nay rất hân hạnh được tiếp chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc để nói về việc thực hiện các dự án bauxite ở Tây Nguyên. Vừa qua, ông có đi tham quan một vòng những nơi đang tiến hành các dự án đó. Trước hết, ông có nhận xét như thế nào về tiến độ thực hiện?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Vừa rồi chúng tôi có đi một số nơi, thứ nhất là Kê Gà, tức là cảng mà từ đó người ta dự kiến sẽ xuất khẩu bauxite, thứ hai là đi ngược từ Kê Gà lên Tân Rai, Bảo Lâm, là con đường cũng được dự kiến sẽ được dùng để chở bauxite, rồi đi Tân Rai, tức là nơi đang xây dựng nhà máy alumina đầu tiên. Chúng tôi không đi Nhân Cơ vì biết là ở Nhân Cơ chưa có làm gì. Sau đó, chúng tôi đi Đà Lạt và Ban Mê Thuột, để gặp những bộ phận có trách nhiệm chung đối với Tây Nguyên.
Ở Tân Rai thì tôi thấy là nhà máy alumina đã làm được khá. Theo những anh em ở TKV, tức là Tổng Công ty Than Khoáng sản, đang làm ở đây, có thể đã làm được từ 70 đến 80% nhà máy. Công việc ở Tân Rai có vẻ là tiến triển tương đối tốt hơn. Còn ở Nhân Cơ thì từ năm ngoái đã làm mặt bằng, nhưng tới bây giờ thì cũng chưa có gì thêm.
RFI: Thưa ông Nguyên Ngọc, khi tới tại chỗ để quan sát tình hình, ông thấy là dự án Tân Rai có đã bắt đầu tác động đến môi trường, rừng, đời sống người dân địa phương hay không?
NN: Những cái này thì bây giờ chưa bộc lộ rõ đâu. Ở Tân Rai thì đã có một nhà máy, mà như tôi đã nói, đã làm được từ 70 đến 80%. Đúng ra thì phải có một nhà máy khác là nhà máy tuyển quặng, phải được xây trước, tức là quặng phải qua đó rồi mới vào nhà máy alumina. Nhưng hiện giờ chưa làm gì cả. Người ta có xây một hồ nước, sẽ cung cấp nước cho toàn bộ khu vực nhà máy. Còn khu vực sẽ rộng lớn hơn nhiều, mà người ta gọi là khai trường, tức là nơi sẽ làm mỏ đấy, thì nay chưa làm gì. Cho nên, những tác động thì chưa có gì. Nhưng nhìn chung thì chúng tôi thấy thế này: Một là tiến độ của nhà máy Tân Rai. Người ta nói là cuối năm nay sẽ ra mẻ alumina đầu tiên. Nhưng tôi nghĩ là sẽ không đạt được tiến độ đó đâu, bởi vì nhà máy tuyển quặng chưa làm. Một cái quan trọng và cái đáng lo nhất là hồ chứa bùn đỏ, thì chưa thấy làm gì, người ta chỉ mới cho biết quy hoạch như thế thôi.
Còn đối với đời sống nhân dân ở vùng này, tôi có đến thăm một làng của người Cơ Ho, bao gồm khoảng mấy chục hộ người Cơ Ho đã bỏ làng đi để nhường đất đai cho nhà máy. TKV đã làm tặng cho dân một cái làng, nhưng khi đến đó thì tôi thấy nó không còn hoàn toàn là cái làng dân tộc nữa, mà giống như một cái phố, nhưng hết sức là thô sơ. Mỗi nhà có bề ngang khoảng 3 mét, dưới dạng nhà ống. Người Cơ Ho chưa bao giờ sống như thế. Bà con ở đó cho biết là ở làng cũ họ có thể chăn nuôi gà, lợn, bò, còn ở đây thì không có điều kiện đó nữa. Cho nên, tổ chức lại đời sống người dân như thế cũng không ổn.
Còn những vấn đề rừng thì ở khu vực này không có nhiều rừng, nhưng đây là vùng trồng chè. Ảnh hưởng lớn nhất đó là đất trồng chè bị mất đi rất nhiều. Người ta có nói là sau khi khai khoáng xong thì sẽ hoàn thổ, tạo điều kiện cho trồng trọt trở lại. Nhưng các nhà khoa học đã phân tích rồi và nhiều người cũng đã nói: vấn đề không phải là đất, mà là thổ nhưỡng, tức là anh lấy đất đi, rồi đổ lại ở đấy, thì sẽ làm thay đổi thổ nhưỡng. Có người nói là phải mất mấy trăm năm mới trở lại điều kiện trồng trọt như trước.
Qua chuyến đi chúng tôi thấy rằng vấn đề khó nhất hiện nay chính là vấn đề vận chuyển. Con đường mà chúng tôi đi từ Kê Gà lên Tân Rai gọi là con đường 28. Đó là con đường rất dốc. Đặc điểm địa hình của Tây Nguyên là ở phía Bắc có dãy núi Ngọc Linh, cao nhất Tây Nguyên và ở phía Nam là núi Chư Yang Sin, cao thứ nhì ở Tây Nguyên, còn ở đoạn giữa thì bằng phẳng. Cho nên từ phía Nam, tức là từ phía Bảo Lộc, Đắk Nông mà đi xuống các vùng ven biển, tức là con đuờng 28, là con đường rất dốc. Có đoạn đèo dài từ 20 đến 30 km, toàn dốc và cua tay áo. Cho nên hiện nay, đường này rất hẹp và sau này nếu mở rộng thì rất khó khăn, một bên núi cao, một bên là vực. Mà dầu có mở rộng thì việc vận chuyển cũng sẽ cực kỳ khó, vì những xe chở alumina là những xe chuyên dụng. Theo những anh em ở TKV, những xe đó phải kéo những container 40 tấn, tôi nghĩ là không thể chạy trên đường đó được.
Phía Nam con đường 28, cũng có một con đường cũng đi xuống Bình Thuận là đường 55. Đường 55 lại còn dốc đứng hơn nữa, càng hiểm trở hơn nữa. Cả hai con đường đó theo tôi đều không thể được sử dụng để vận chuyển bauxite. Còn nếu xây đường xe lửa như ý định trước đây thì sẽ vô cùng tốn kém. Cũng có ý kiến như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải rằng nên sử dụng con đường 14, tức là chở ngược bauxite từ Tân Rai, Bảo Lâm lên gặp con đường 14, con đường từ Ban Mê Thuột xuống Sài Gòn, qua Bình Phước, Bình Dương, đến cảng Gò Dầu của Bà Rịa. Con đường đó là con đường dân sinh, xe vận tải chạy một thời gian ngắn thôi là nát hết đường. Cho nên muốn sử dụng thì phải nâng cấp con đường đó lên. Theo những tin tức từ chuyến đi của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì cũng chưa có ngân sách để nâng cấp con đường cho việc vận chuyển alumina. Cho nên, việc vận chuyển sẽ hết sức gay cấn. Theo tôi, đó là cái bế tắc nhất. Ấy là chưa nói việc vận chuyển sẽ tác hại về môi trường ở hai bên đường.
RFI: Tức là theo ông, những chi phí để xây những đường đó sẽ rất lớn, quá lớn so với thu nhập từ việc xuất khẩu alumina?
NN: Chắc chắn là như thế và điều này thì trong những phản biện trước đây, các nhà khoa học và các nhà kinh tế cũng đã nói rồi. Bây giờ người ta lại làm cách là không tính cái đó vào trong dự án bauxite, mà tính vào hạ tầng quốc gia, để mà tránh đi. Trên thực tế, những con đường đó sẽ không được sử dụng vào mục đích nào khác ngoài việc vận chuyển bauxite. Tất cả những cái đó đều là tổn phí cả và sẽ đưa giá sản phẩm lên rất là cao. Mà ở đây, ta cũng chỉ mới làm đến alumina, tức là nguyên liệu sơ chế, chứ chưa phải là tinh chế, giá của nó rất thấp so với giá nhôm, vì vậy chắc chắn là lỗ thôi. Ấy là chưa nói alumina trên thế giới bây giờ cũng bão hòa và người mua duy nhất là Trung Quốc, mà trong kinh doanh, nếu chỉ bán cho một bạn hàng thì nguy hiểm lắm. Mình sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào người bạn hàng duy nhất đó và sẽ dễ bị ép giá. Thậm chí như một số mặt hàng khác, đôi khi họ không thèm mua nữa. Như các nông phẩm của ta, tự nhiên họ dừng lại, không mua nữa, thì mình chết.
RFI: Qua những trình bày ở trên thì rõ ràng là các dự án bauxite đã bắt đầu có những tác động tiêu cực vê nhiều mặt. Theo ông, trước khi quá muộn, chúng ta có nên dừng hoàn toàn các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên hay không?
NN: Những gì đang diễn ra bây giờ chứng tỏ là những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các nhà kinh tế về cơ bản là đúng, ví dụ như vấn đề đất đai, vấn đề môi trường, vấn đề kinh tế, vấn đề vận chuyển, ô nhiễm nước, thiếu nước, v. v. tuy rằng dự án chỉ mới bắt đầu, chưa có nhà máy nào chạy. Trong chuyến đi vừa rồi, khi chúng tôi đi từ dưới biển lên, thì có một phái đoàn của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng với các lãnh đạo TKV đi ngược từ trên xuống, từ Tân Rai, Nhân Cơ xuống Kê Gà. Chúng tôi được biết là trong chuyến đi đó, ông Hoàng Trung Hải đã thông báo hoãn ngày tính tiến độ, tức là ngày khởi công Nhân Cơ. Trước đây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh khởi công Nhân Cơ từ tháng 2, bây giờ thì Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bảo là hoãn đến tháng 10. Qua chuyến đi đó, ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc TKV, tuyên bố là từ đây đến năm 2020 sẽ không làm bất cứ gì ngoài hai dự án này. Như vậy, TKV đã cảm thấy rất là khó khăn rồi.
Về phần tôi, tôi nghĩ thế này: Đối với Tân Rai thì đã làm rồi, nên không thể dừng được, cho nên cứ phải làm, mặc dù hiệu quả về nhiều mặt, nhất là kinh tế, sẽ bị lỗ. Còn Nhân Cơ thì nên dừng lại.
RFI: Xin cám ơn nhà văn Nguyên Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét