Trang

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam phá 1400 ha đất rừng?

Tô Lan



Ngày 11/5, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam và Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo "Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM". Các nhà khoa học khẳng định đầu tư xây dựng công trình này là đúng đắn và cần thiết nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về vấn đề công nghệ.

Có nên áp dụng công nghệ Nhật Bản?

Ông Đỗ Văn Hạt (Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải), đại diện cho đơn vị liên doanh nhà thầu cho biết, công nghệ lựa chọn là công nghệ động lực phân tán (EMU).

Đây là công nghệ hiện đại, phổ biến (đã áp dụng cho đường sắt Shinkansen của Nhật Bản). Công nghệ này cho phép 2 xe đầu chỉ làm nhiệm vụ điều khiển, còn hệ thống động lực được lắp trên mỗi toa xe.

Hệ thống điện khí hóa theo hình thức lấy điện trên cao, sử dụng điện xoay chiều 1 pha 25KV, tần số 50Hz. Đoàn tàu có từ 8 - 16 toa tùy vào số lượng khách, nên có thể linh hoạt trong khai thác. 

Hiện chưa có phương án làm chủ công nghệ.

Các nhà khoa học cho rằng, đây là công nghệ hiện đại nhưng chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Phải nhớ rằng, điều kiện ở Việt Nam (địa hình, khí hậu...) rất khác so với Nhật Bản.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, ví dụ, đường sắt có khả năng kích thích trượt lở đất, liệu Việt Nam có nhiều tiền như Nhật Bản để bêtông hóa các khu vực xung quanh nhằm chống trượt lở không?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục, nguyên Chủ nhiệm khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng cho rằng nên làm thử nghiệm một đoạn, đúc rút kinh nghiệm rồi mới tiếp tục tính đến những đoạn tiếp theo.

Một vấn đề khác là hiện chưa có phương án làm chủ công nghệ. TS Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT băn khoăn, Hàn Quốc và Trung Quốc, những nước hiện có đường sắt cao tốc, ban đầu cũng phải nhập khẩu công nghệ.

Tuy nhiên, sau đó họ làm chủ được công nghệ và chủ động triển khai ở các tuyến khác, thậm chí bán được công nghệ ra nước ngoài. Còn Việt Nam, khi nào thì làm chủ được công nghệ hàng chục tỷ đô la này?


Phá 1.383,9 ha đất rừng


Ông Đỗ Văn Hạt thừa nhận, trong quá trình xây dựng không tránh khỏi những tác động đến môi trường như tiếng ồn, ô nhiễm nước mặt... Nhưng thời gian thi công khá nhanh và dự án cũng tính đến các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình xây dựng không tránh khỏi những tác động đến môi trường như tiếng ồn, ô nhiễm nước mặt...


Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe lại cho biết, dự án mới chỉ có phần sơ lược điểm danh 9 loại tác động môi trường: giai đoạn thi công (ô nhiễm khí, nước mặt, nước ngầm, đất, chất thải, ồn, rung, sụt lún đất, MT xã hội); Và 3 loại tác động ở giai đoạn vận hành (chất thải, ồn và rung).
Dự án tính rằng phải phá mất 1.383,9ha đất rừng. Con số này chưa chỉ rõ đó là loại rừng gì (rừng đầu nguồn, rừng sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên hay VQG) và các giá trị đa dạng sinh học liên quan...

Xây dựng đường sắt cao tốc còn có nguy cơ can thiệp vào hệ thống thủy văn tự nhiên (gây bồi xói không mong đợi và cạn kiệt các bồn nước ngầm...), cản trở thoát lũ, kích thích trượt lở đất, làm bộc lộ phóng xạ tự nhiên (việc san ủi tạo taluy trên vùng đất dốc nếu cắt qua các khu vực có dị thường phóng xạ tự nhiên sẽ làm bộc lộ nguồn phóng xạ vốn bị đất đá phủ kín)...


Một số thông tin về dự án
- Với chiều dài 1.570km (trong đó có 1.043km cầu cạn), dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ có 27 ga (25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối) trên toàn tuyến, đi qua 20 tỉnh, thành phố.

- Với tốc độ 300km/h, tàu sẽ chạy trong 5h38’ từ Hà Nội - TP.HCM (đối với tàu nhanh, chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang) và 6h51’ với tàu thường đỗ ở tất cả các ga. Thời gian chạy từ Hà Nội - Vinh dự kiến là 1h24’, TP.HCM - Nha Trang 1h30’.

- Tổng mức đầu tư sơ bộ: 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu
USD/km).

TL

15/05/2010
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2981/201005/Duong-sat-cao-toc-Bac-Nam-pha-1400-ha-dat-rung-1753649/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét