Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Phản hồi về dự án đường sắt cao tốc sau khi Chính phủ trình bày 6 lý do "cần thiết"

Nguyễn Ngọc Toàn

Xung quanh các lý do mà Chính phủ trình bày, cá nhân tôi cho rằng đó hoàn toàn là những yếu tố bề ngoài, không nằm trong yếu tố trọng tâm của dự án. Cái chúng ta cần được giải đáp thỏa đáng và là yếu tố trọng tâm, kiên quyết phải giải trình là: 

1. Tính hiệu quả khai thác kinh tế của dự án, vì đây là dự án đầu tư công, nếu xem Chính phủ như một doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả đối với số vốn của dân thì yếu tố này là hàng đầu và tiên quyết nhất. Nếu xem các gói đầu tư của nhà nước dựa trên tiền của dân thì dân là các "cổ đông", và phải thực thi quyết định, biểu quyết có tính dân chủ trong vấn đề này. Vậy, hiệu quả ở gói đầu tư này là gì? Chúng ta có nhiều lãng phí đối với tài nguyên đất và rừng vì những dự án hạ tầng không xứng tầm và rất ít lợi ích cho kinh tế, xã hội. 

2. Vốn. Cần khẳng định rõ rằng vốn của dự án chủ yếu là vốn vay và trả lãi. Mặc dù là vốn dài hạn nhưng nợ công của đất nước đang là vấn đề hết sức nóng, không minh bạch, đã chiếm tỷ lệ nợ lên đến 47,5% GDP, cả nợ nước ngoài và nợ trong nước cũng như tình hình thâm hụt ngân sách liên tục trong nhiều năm trở lại đây đang tiềm ẩn những bất ổn trong nền kinh tế. Nếu yếu tố tiên quyết là hiệu quả kinh tế không được giải trình một cách thỏa đáng thì không được đè gánh nặng nợ lên các thế hệ mai sau. 

3. Yếu tố nợ công và yếu tố tác nhân ngoài nước. Đất nước chúng ta dù đã có những thành quả kinh tế nhất định nhưng cũng phải thẳng thắn nói rõ rằng để có những thành quả ít ỏi đó chúng ta đang trả những cái giá rất đắt về môi trường, văn hóa và xã hội (nét văn hóa và cơ cấu các thành phần trong xã hội thể hiện sức sống của một dân tộc), chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát nghèo, mới chỉ là vượt và "tạm" ở trên ngưỡng. Đây là gói đầu tư có giá trị quá lớn chiếm đến 2/3 GDP của chúng ta (thực tế nguồn lợi có được từ GDP chúng ta hưởng rất ít, đa phần được cơ cấu và chuyển ra ngoài nước, sản xuất yếu - không thể tự cung tự cấp, tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa bị thất bại, tỷ lệ lao động xã hội chiếm phần lớn là nông dân và công nhân, thu nhập thấp, lao động có tay nghề và chuyên môn chiếm ít, nên cũng dễ hiểu khả năng tự tồn tại của nền kinh tế chúng ta không mạnh, khả năng tự trả lãi và trả vốn của chúng ta là khó, nếu không muốn nói là vay đầu này đắp đầu kia) phần lớn từ đầu tư vốn đến thu mua thiết bị, kỹ thuật của dự án chúng ta chịu sự phụ thuộc của yếu tố ngoại, khẳng định rằng nếu chúng ta không chủ động (là khả năng có thể tự cung cấp các thiết bị, kỹ thuật thay thế trong công nghệ đường sắt cao tốc) trong quy trình hoạt động tuyến đường sắt cao tốc này là một RỦI RO LỚN KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC. 

4. Và về 6 lý do mà Chính phủ nêu ra để bác bỏ phương án 1, phương án 2, phương án 3 hoàn toàn không liên quan đến các vấn đề nêu trên. 6 lý do mà Chính phủ nêu không làm thỏa đáng cá nhân tôi, chúng ta không có và đi xin vay đến 2/3 GDP để vận chuyển khách? Trên quan điểm này, tôi muốn xác nhận rõ, mục đích kinh tế của dự án đường sắt cao tốc là gì? Chỉ là để vận chuyển khách?!!! Để làm rõ mục đích kinh tế của dự án thì cần xác định chính xác nhu cầu sử dụng của đối tượng (đây là nguyên tắc kinh doanh, marketing hiện đại mà bất kì ai trong kinh doanh cũng phải hiểu rõ). Có phải để kịp ký một cái hợp đồng nào đó mà dự án tàu cao tốc sẽ giải quyết nhu cầu này? Hay để những người thân hai miền Nam Bắc thăm viếng nhau thường xuyên? Hay người ta lên con tàu cao tốc với mục đích gì khác nữa?... thiệt tình cá nhân tôi không xác định được nhu cầu nào thỏa đáng cho mục đích lên con tàu đó, vì nó không có một "thị trường - một khối lượng cầu dịch vụ đủ để khai thác và cung ứng dịch vụ với cái giá mà có đông người có thể chi trả để đi", nên chỉ có thể hỏi những câu ngớ ngẩn như vậy!! 

5. Hiệu quả kinh tế đối với vận tải hiện nay cần khai thác là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường biển... nhằm đáp ứng cho các nhu cầu thông thương và thương mại giữa các vùng miền chứ không phải là vận chuyển những người có tiền thích đi chơi, du ngoạn, hóng gió. 

Cá nhân tôi tự hỏi:  HƠN 85 TRIỆU DÂN NAI LƯNG RA LÀM ĐỂ TRẢ LÃI VÀ NỢ CHO NHỮNG KẺ GIÀU CÓ THÍCH THAM QUAN DU NGOẠN TỪ NAM CHÍ BẮC TRÊN CON TÀU SIÊU TỐC ĐÓ Ư? CÓ THỎA ĐÁNG KHÔNG! QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN TÔI DỨT KHOÁT KHÔNG CHẤP NHẬN. ĐỪNG ĐÁNH THUẾ TÔI NẾU DỰ ÁN ĐƯỢC TIẾN HÀNH. 

NNT Marketing Freelancer.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét