Trang

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Cà phê Sài Gòn xưa và nay

Hồi xửa hồi xưa … có một Sàigòn người ta gọi cà phê là “cà phe”, đi uống cà phê là đi uống “cà phe” với giọng điệu rất là ngộ nghĩnh. Tiếng Tây gọi cà phê là Café, tiếng Anh là Coffee nhưng mấy xì thẩu chợ lớn thì gọi là “cá phé”. Vậy thì café, coffee, cà phê, cà phe hay là cá phé muốn gọi sao gọi nhưng ai cũng hiểu đó là món thức uống màu đen có hương vị thơm ngon, uống vào có thể tỉnh người nếu uống quá đậm có thể thức ba ngày không nhắm mắt…


TRỞ VỀ THẬP KỶ 50: CÀ PHÊ VỚ

          Năm một ngàn chín trăm… hồi đó người Sàigòn chưa ai biết kinh doanh với nghề bán cà phê cả. “Xếp sòng” của ngành kinh doanh…có khói nầy là do các xếnh xáng A Hoành, A Coón, chú Xường, chú Cảo…chủ các tiệm hủ tíu, bánh bao, há cảo, xíu mại. Vô bất cứ tiệm hủ tíu nào vào buổi sáng cũng có bán món cá phé, cà phê, cà phe đi kèm để khách có thể ngồi đó hàng giờ nhăm nhi bàn chuyện trên trời dưới đất.
          Hồi đó chẳng ai biết món cà phê phin là gì đâu? Các chú Xường, chú Cảo, A Xứng, A Hía chỉ pha độc một loại cà phê vớ. Một chiếc túi vải hình phểu được may cặp với một cọng kẻm làm vành túi và cán. Cà phê bột đổ vào túi vải (gọi là bít tất, hay vớ đều được). Vì chiếc vợt cà phê nầy hơi giống như chiếc vớ dùng để mang giày nên “dân chơi” gọi đại là cà phê vớ cho vui. Chiếc vớ chứa cà phê nầy sau đó được nhúng vào siêu nước đang sôi, lấy đũa khuấy khuấy vài dạo xong đậy nắp siêu lại rồi… “kho” độ năm mười phút mới có thể rót ra ly mang ra cho khách. Chính cái “quy trình” pha chế thủ công đầy phong cách Tàu nầy mà dân ghiền cà phê còn gọi nó là cà phê kho bởi chỉ ngon lúc mới vừa “kho nước đầu”.Nếu ai đến chậm bị kho một hồi cà phê sẽ đắng như thuốc Bắc.
          Có mấy khu vực có những con đường qui tụ rất nhiều tiệm cà phê hủ tíu. Ở Chợ Cũ có đường Mac Mahon (đọc là đường Mạc Má Hồng, nay là đường Nguyễn Công Trứ) có rất nhiều tiệm cà phê kho từ sáng đến khuya. Khu Verdun – Chợ Đuỗi (nay là Cách Mạng Tháng Tám cũng đáng nể bởi cà phê cà pháo huyên náo suốt ngày.
          Ở bùng binh Ngã Bảy (góc Điện Biên Phủ và Lê Hồng Phong bây giờ) có một tiệm cà phê hủ tíu đỏ lửa từ 4 giờ sáng cho đến tận 12 giờ đêm. Còn nếu ai đi lạc vào khu Chợlớn còn “đã” hơn nhiều bởi giữa khuya vẫn còn có thể ngồi nhăm nhi cà phê, bánh bao, bánh tiêu, dà – chả – quải đến tận sáng hôm sau.
 TRANG TRÍ CHUNG CỦA CÁC TIỆM
 CÀ PHÊ HỦ TÍU TÀU
          Sách phong thủy Tàu thường khuyên không nên cất nhà ở ngã ba, ngã tư đường vì dễ bị nạn xui xẻo nhưng các chú Xường, chú Hía, A Hoành, A Koón… thì đều chọn các nơi nầy làm chổ kinh doanh. Tuy Sàigòn, Chợlớn, Gia Định, Phú Nhuận, Đa Kao có hàng trăm tiệm cà phê, hủ tíu Tàu nhưng nhìn chung chúng đều có một “mô – típ – made in China” khá giống nhau, tức là quán nào ở phía trước cửa cũng có một xe nấu hủ tíu được làm bằng gỗ thiết kế một cách cầu kỳ. Phần trên của xe được trang trí bằng những tấm kính tráng thủy vẽ những nhân vật Quan Công, Lưu Bị, Triệu Tử Long, Trương Phi trong truyện Tam Quốc Chí khá vui mắt.
Bên trong quán hoặc xếp bàn tròn hoặc vuông. Khách vừa vào trong gọi “cá phé”, song mấy tay phổ ky vẫn bưng ra một mâm nào bánh bao, xíu mại, há cảo, dà chá quải đặt trên bàn. Khách dùng hay không cũng chẳng sao “pà – con – mà!”.
UỐNG CÀ PHÊ PHẢI BIẾT CÁCH
          Như đã nói ở trên, hồi đó không có cà phê ta mà chỉ có cà phê Tàu. Vì thế uống cà phê Tàu phải có một phong cách riêng.
Cà phê được mang ra dân ‘sành điệu” hồi đó ngồi chân dưới chân trên, sau khi khuấy nhẹ cho tan đường bèn đổ ly cà phê ra cái đĩa đặt phía dưới. Chưa uống vội, khách chậm rãi mồi điếu thuốc rít vài hơi để chờ cà phê nguội.
Ông Sáu “trường đua” nay đã 80 kể rằng hồi ông còn là một chú nhóc nài ngựa ở trường đuaPhú Thọ ông cũng uống cà phê theo phong cách nầy, tức uống bằng đĩa chớ không uống bằng ly. Bàn tay phải nhón lấy cái đĩa đưa lên miệng và húp sì sụp: “Uống vậy mới khoái, mới đúng kiểu của dân từng trải”, ông Sáu “trường đua” nói với vẻ tự hào. Ông còn kể cho tôi nghe chuyện ông từng ăn mảnh ở mấy tiệm hủ tíu bánh bao hồi năm sáu chục năm về trước với giọng khoái trá: “Hồi đó tao làm nài ngựa. Hôm nào ngựa thắng độ thì nài được chủ ngựa thưởng cho bộn tiền. Hôm nào ngựa thua thì coi như đói. Không sao, 73 gần trường đua có một tiệm hủ tíu cà phê. Vào búng tay chóc chóc gọi cà phê. Cứ cho mấy thằng phổ ky mang bánh bao xíu mại ra bày trên bàn. Đợi đến khi nó mang cà phê ra rồi bỏ chạy sang bàn khác thì nhanh tay gở miến giấy phía dưới cái bánh bao ra và khoắng ngay cái nhân phía trong tọng vào miệng rồi đậy bánh lại như cũ. Thế là chỉ tốn ly cà phê vài xu mà đã có cái nhân bánh bao to đùng ngon lành trong bụng rồi”.
          Theo ông Sáu “trường đua” thì các chủ tiệm cà phê hủ tíu hồi đó rất chiều khách. Sì sụp húp cà phê bằng đĩa xong muốn ngồi bao lâu cứ ngồi, hết trà cứ hô lên “xà dẵm” là có người mang ra bình trà mới, uống chừng nào chán thì đi. Khi được hỏi tại sao dân “sành điệu” lại không uống bằng ly mà lại… húp cà phê bằng đĩa, ông sáu “trường đua” lắc đầu nói không biết chỉ biết dân “sành điệu” chơi vậy mình cũng bắt chước chơi vậy thôi, vậy mới là… sành điệu!  CÀ PHÊ PHIN HAY CÀ PHÊ ‘NỒI TRÊN CỐC”
          Dòng cà phê… vớ càphê kho lững lờ trôi như thế hằng thế kỷ của thiên kỷ trước là như thế, cứ vào tiệm hủ tíu mà uống cà phê đổ ra đĩa rồi sì sụp húp thì được xem như đó là phong cách của dân chơi sành điệu.
Một người tên ông Chín “cù lủ”, một tay bạc bịp nay đã hoàn lương cho rằng dân cờ bạc, dân giang hồ hồi đó chẳng đời nào bưng ly mà uống như ngày nay. Kẻ ngồi nghiêm túc, nâng ly lên uống như uống rượu bị các đàn anh “húp” đĩa xem khinh bằng nửa con mắt, coi như hạng… “bột” lục hục thường tình không đáng kết giao.
Nhưng rồi cái quan điểm húp cà phê trên đĩa mới… “sang” cũng đến lúc phải lụi tàn, vì bị chê là kiểu uống bẩn, uống thô vụng khi trào lưu cái phin “filtre” bắt đầu xuất hiện và đã làm biến dạng cái kiểu uống cà phê trong tiệm hủ tíu.
Vào thập niên 60 Nhà hàng Kim Sơn (nằm trên góc Lê Lợi – nguyễn Trung Trực) mở cú đột phá ngoạn mục bằng cách bày bàn ghế ra hàng hiên dành cho các văn nghệ sĩ trẻ chiều chiều ra đó bàn chuyện văn chương và… rửa con mắt. Hồi đó cà phê Kim Sơn chỉ có một đồng một cốc bằng giá vé xe buýt dành cho học sinh. Mặc dù chủ quán Kim Sơn lúc đó vẫn là người Hoa nhưng đã tiếp thu phong cách cà phê hè phố của dân Pari (Pháp).
Theo lý thuyết, những giờ uống cà phê là những giờ thư giản hoàn toàn, vừa nhăm nhi từng ngụm nhỏ cà phê dặc sánh vừa ngắm quang cảnh sôi động đông vui của đường phố. Thuở ấy con đường Lê Lợi vẫn còn những hàng me. Vào những ngày me thay lá, dưới ánh nắng chiều phớt nhẹ, lá me vàng khô rơi tản mản như hoa “com – phét – ti” lấp lánh làm cho đường phố trở nên… “mộng mị” và thơ…
Kim Sơn biết tận dụng ưu thế chiếm lĩnh một góc ngã tư, tầm nhìn rộng bao quát để khai thác dịch vụ cà phê hè phố. Cái phin đã trở nên quen thuộc, cao cấp hơn cái vợt cái vớ của cà phê kho trên cái siêu đất “phản cảm” xưa.
Thời điểm nầy những nhà văn, nhà báo, các nhà doanh nghiệp tên tuổi cũng có những quán cà phê sang trọng xứng tầm với địa vị của họ. Những La Pagode, Brodard, Givral, Continental là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới thượng lưu Sàigòn.
CÀ PHÊ TÂY
          Cà phê La Pagode khách không ngồi ghế sắt ghế gỗ mà ngồi trên những salon bọc da để phóng tầm mắt nhìn ra con đường Catinat (nay là Đồng khởi) con đường đẹp và sang nhất của Sàigòn. Cách La Pagode độ trăm mét Nhà hàng Continental cũng mở một không gian cà phê sang trọng đúng phong cách “Phăng – se”. Đối diện Continental là tiệm cà phê Givral nơi nổi tiếng với những món bánh ngọt tuyệt hảo. Tiệm tràn ngập ánh sáng bởi những khung cửa kính nhìn ra Nhà Hát Lớn (nay là Nhà Hát TP) với một bầu trời khoáng đãng. Những nhà báo, văn nghệ sĩ thường ghé đây uống cà phê trước khi tỏa đi khắp nơi cho công việc riêng của họ.
Còn một quán cà phê với một phong cách phương Tây như bàn ghế, trang trí nội thất sang trọng cũng nằm trên con đường nầy là quán cà phê Brodard. Với một phong cách cũng gần giống với La Pagode, không gian Brodard yên tĩnh, ánh sáng thật nhạt để khách có thể thả hồn êm ả bên tách cà phê nóng hổi quyện hương thơm.
Có thể nói từ giai đoạn nầy người Việt Nam ở Sàigòn “thức tĩnh” trước thị trường buôn bán cà phê mà từ lâu họ đã bỏ quên và đã để cho các chú Hoành, chú Koón, chú Xường… tự do khai thác.
Khi qua tay người Việt quán cà phê không còn luộm thuộm những cái ‘đuôi” mì, hủ tíu, hoành thánh, xíu mại, há cảo, bánh bao… nữa mà nó thuần túy chỉ có cà phê nhưng được chăm chút một cách tỉ mỉ hơn, biết tạo ra một không gian tao nhã hơn, thu hút hơn…
CAFÉTÉRIA CA NHẠC
Để gần gủi hơn, thu hút khách hơn và cũng mang tính giải trí hơn, một số nơi đã ổ chức hình thức phòng trà ca nhạc theo dạng Cafétéria.
Cafétéria rộng thoáng hơn những “Tháp ngà” La Pagode, Brodard, Givral, Continental… nơi đây không phải chổ để trầm tư, bàn luận chuyện đời mà hoàn toàn là chổ vui chơi giải trí.
Trên đường Bùi Viện đầu những năm 60 mọc ra một cái quán với tên là Phòng trà Anh Vũ. Tuy là phòng trà nhưng có thiết kế một sân khấu nhỏ vừa cho một ban nhạc bỏ túi đệm đàn cho những ca sĩ tăm tiếng được mời đến trình diễn như Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái… Lúc đó phòng trà Anh Vũ là điểm hẹn của nhiều người dân Sàigòn cũng như những văn nghệ sĩ sinh sống tại đây. Con đường chật hẹp Bùi Viện bổng đêm đêm sáng lên rực rở ánh đèn Anh Vũ, người xe tấp nập đông vui.
Một Cafétéria khác theo cách của Anh Vũ cũng đã mọc lên bên cạnh rạp Ciné Việt Long (trên đường Cao Thắng) với tên Phòng trà Đức Quỳnh. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ tóc dài Đức Quỳnh là chủ nhân của cái Cafétéria nầy. Đức Quỳnh với cây Piano và giọng ca trầm ấm của ông và những ca sĩ Minh Hiếu – Thanh Thúy, Phương Dung đã thu hút một số đông người yêu nhạc đêm đêm đến đây vừa giải khát vừa giải trí một cách tao nhã.
Rồi tiếp theo là cà phê Cafétéria Jo Marcel, trên đường Hai Bà Trưng, Đêm Màu Hồng trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) thi nhau mọc lên đẩy “Nền văn hóa ẩm thực” cà phê lên một tầm cao hơn, tức vừa uống cà phê vừa được thưởng thức những ca khúc do các ca sĩ, nhạc sĩ có tiếng trình bày.
          Một Phòng trà ca nhạc khác cũng khó quên chính là phòng trà Bồng Lai nằm trên sân thượng của Nhà hàng Kim Sơn mở cửa hàng đêm từ 9 giờ tối. Ở đây khách thường xuyên được nghe giọng ca vàng đương thời, ấy là ca sĩ Anh Tuyết với bài hát “Anh đèn Màu”.
Cũng như ca sĩ Cao Thái nổi tiếng với bài “Mexico”, ca sĩ Anh Tuyết mỗi lần trình diển “Anh đèn Màu” là bà hát với những dòng nước mắt. Nội dung ca khúc là nói về tâm trạng của người nghệ sĩ là ca hát để người mua vui để rồi khi ánh đèn màu tắt người nghệ sĩ lại một mình giữa cô đơn… Có lẽ do cái nội dung u buồn ấy đụng chạm vào nỗi lòng của bà nên bà rất ít khi chịu hát nhạc phẩm ấy. Nhưng hầu như đêm nào cũng có người yêu cầu, trừ những người thân quen bắt buộc phải đáp ứng, còn thì Anh Tuyết xin lỗi từ chối khéo. 
 LẠI QUAY VỀ CÀ PHÊ VỚ ĐÔNG VUI
          Những ngày đầu sau khi thanh bình, Sàigòn  lại rộ lên phong trào cà phê hè phố. Những quán cốc che tạm tấm bạt bên lề đường với những chiếc ghế gỗ lùn làm chổ tụ họp của các thanh niên vui đón những ngày hạnh phúc mới.
Vòng quanh Hồ con Rùa, xuống đến Phạm Ngọc Thạch, quẹo qua Nguyễn Đình Chiểu có hàng mấy chục “túp lều” cà phê như thế mọc lên san sát bên nhau.
Trên đường Trần Quốc Thảo gần Hội Văn Nghệ TP, một số anh em văn nghệ cũng mở quán cà phê cóc bên vệ đường để anh em hội tụ, gặp gở sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Chỉ là cà phê hè phố nhưng đông vui, uống một cốc cà phê siêu, cà phê vớ nhưng thoải mài ngồi cả ngày cũng chẳng ai rầy rà. Sau khi hết tiếng súng nổ, hết hỏa châu đầy trời, hết bắt lính, thanh niên, sinh viên Sàigòn vui vẻ chào đón những ngày cách mạng đông vui ngoài phố. Và các ‘quán cốc liêu xiêu một câu thơ” bên các vĩa hè là chổ dừng chân để… “tám” đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
          Chỉ có ai ở tuổi thanh niên vào thời điểm lịch sử có một không hai đó mới thấy được cái thú ngồi quán cà phê bụi lụp xụp mà hầu như đường nào cũng có. Có người còn có thuốc Ruby, Con Mèo để phì phà bên ly cà phê vớ nhưng để… phiêu bồng hơn một số lớn thanh niên chơi… “bốc – lăn – se” tức thuốc vấn. Anh nào cũng thủ sẵn một bọc trong túi xách để sẳn sàng bày ra cho bạn bè tha hồ vừa bốc vừa lăn vừa se vừa liếm vừa dán rồi phì phèo nhả khói
Cà phê quán cóc (nhảy nay chổ nầy mai chổ khác như cóc nhảy ấy mà) thời ấy được coi như thời huy hoàng lãng mạn nhất của nền… văn hóa ẩm thực cà phê cóc Sàigòn. Ban ngày đã rộn ràng như thế đến đêm bên những ngọn đèn dầu lù mù loanh quanh những con đường trong thành phố cũng có những quán cóc để dân mê cà phê, mê hòa bình được tận hưởng những giờ phút, sảng khoái, thanh bình, yên ả nhất của đời mình.
 VÀ CÀ PHÊ ĐƯƠNG ĐẠI
          Cà phê vốn cùng đi với con đường lịch sử, mỗi một thời kỳ nó có một hình thức thể hiện bản chất và hình thái riêng. Trong khoảng 30 năm sau ngày đất nước thống nhất bước đường của cà phê đã có những bước tiến rõ rệt.
Bây giờ là thời kinh tế thị trường, nghề kinh doanh cà phê không còn ở giai đoạn cà phê Tàu ngồi chân trên chân dưới mà húp cà phê vớ trong chiếc đĩa sứ cũ kỷ hay kiểu cà phê lề đường tuy vui nhưng viphạm luật giao thông lấn chiếm lòng lề đường.
          Kinh doanh cà phê bây giờ phải có vốn hàng tỷ bạc. Vì nó không còn ở dạng Cafétéria nữa mà nó là Bar café, bề thế hơn, sang trọng hơn. Cơ ngơi kinh doanh mỗi nơi mỗi thể hiện một phong cách riêng để lưu giữ một số khách hàng riêng.
          Chỉ cần đến Bar café Gió Bắc, Ciao café, Window’s café, Spa café ở vòng quanh hồ Con Rùa thôi đủ thấy người kinh doanh phải bỏ ra một số tiền lớn cở nào để kinh doanh dịch vụ buôn bán món hàng đơn giản từ những hạt cà phê đen tuyền thơm ngát đó. Ngoài việc uống cà phê khách còn có thể nhăm nhimột ly Cocktail thấm mát đầu lưỡi hay một cốc rượu nhỏ Martell, Hennessy nồng nàn vào những buổi chiều. Cà phê Sàigòn TP.HCM bây giờ sang hơn, thời thượng hơn dành cho một thành phần của cư dân có thu nhập cao hơn.
          Và bạn có bao giờ thử một buổi chiều đi vào một Bar café chưa? Đó sẽ là một không gian mát rượi chờ đón bạn. Gọi cà phê hay một cốc rượu nhỏ ngồi đó nghe tiếng nhạc nho nhỏ và bạn cũng chẳng cần nhìn ra khung cảnh bên ngoài làm chi. Ở đây có biết bao “cánh hoa” đẹp: các cô phục vụ bàn, các em PR và những người đẹp từ bốn phương trời ‘đáp nhẹ” về đây.
          Cà phê và rượu sẽ còn phê hơn khi bạn sẽ mản nhản với những đôi chân dài chập chờn trong thứ ánh đèn mờ ảo như ru bạn vào những giấc mơ đến dại khờ… Giá cà phê ở những nơi nầy tất nhiên là hơi đắc, không biết vì tại chổ ngồi sang, vì cà phê sản xuất từ trên Sao Hỏa hay tại các chiếc áo lửng hai dây và những cái chân dài…

TRƯƠNG ĐẠM THUỶ

Đọc thêm!

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

PHÁT ÂM DANH TỪ RIÊNG

Phát âm cho đúng một tên riêng nước ngoài là một điều rất khó. Từ các hãng thời trang như Versace, Louis Vuitton, Pierre Cardin, Nike đến các nhãn hiệu xe hơi Porsche, Lamborghini hay các hãng điện tử, phần mềm như Adobe, Corel, Hewlett-Packard... nếu không biết rõ xuất xứ của chúng thì khó lòng mà phát âm đúng được. Hai trang web inogolo.com và forvo.com sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề này

Trang inogolo.com có ưu điểm là hiển thị cả phiên âm lẫn âm đọc mẫu. Một số từ còn được dẫn đường liên kết tham khảo đến Wikipedia, Youtube hay những cụm từ khác có liên quan. Do được thu âm bởi chính người của trang web nên âm thanh đồng nhất và đúng tiêu chuẩn về cường độ, cao độ cũng như tốc độ. Kết hợp vừa nghe phát âm, vừa đọc phiên âm, bạn có thể tự tin tránh được lỗi sai hay mắc phải là sai trọng âm của từ. Khi bạn tra một từ không nằm trong cơ sở dữ liệu của trang, bạn vẫn có thể bấm vào đường liên kết inogolo name pronunciation name pronunciation search engine để dùng bộ tìm kiếm chuyên biệt của Inogolo để tìm kiếm trên các trang chuyên về phát âm khác. Ngoài ra, trang còn phân loại ra nhiều mục khác nhau như thể thao, chính trị, nghệ thuật... nhưng nhìn chung là chú trọng về tên người và địa danh. Điều thú vị là một họ tộc rất phổ biến của Việt Nam, Nguyễn (Nguyen), được Inogolo xếp loại vào một trong những từ khó phát âm nhất thế giới (có khoảng 40 từ như vậy)
Trong khi đó, trang Forvo.com lại mang tính chất như một mạng xã hội. Ở đây bạn có thể tìm phát âm của mọi từ, mọi lĩnh vực, mọi ngôn ngữ (tất nhiên là cả tiếng Việt). Số người phát âm chính thức của Forvo chỉ là 10 người, nhưng có đến cả một cộng đồng hàng triệu người liên tục bổ sung các phát âm mới. Vì vậy hầu hết phát âm tại trang này là do những người trên khắp thế giới cung cấp. Khi tra một từ, bạn có thể nghe phát âm của từ đó ở những vùng địa lý khác nhau. Nếu cùng một từ của một vùng địa lý mà có nhiều người phát âm khác nhau, thì bạn có thể nghe từng người rồi bỏ phiếu bầu chọn cho phát âm chuẩn xác hơn. Khi tra một từ chưa được phát âm, bạn cũng có thể tự mình thu âm cho từ đó hoặc đưa từ này vào danh sách các từ cần phát âm để các thành viên khác giúp đỡ. Việc thu âm rất đơn giản, không cần phải đăng ký làm thành viên, chỉ việc bấm vào biểu tượng thu âm và phát âm vào microphone. Kho từ của Forvo rất phong phú và vì tính mở của nó nên thường xuyên được cập nhật liên tục từ chính những người dân bản địa trên khắp thế giới

Đọc thêm!

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Từ Bánh Cuốn rồi Bánh Mướt và đến Bánh Ướt

Bà hàng bánh chít khăn mỏ quạ, nhẹ nhàng đặt cái thúng nhỏ xuống đất, gỡ ra chiếc đĩa nhỏ tráng men những lớp bánh mỏng như lụa. Trên mặt bánh là một chút mỡ hành vàng thơm mời gọi.

Món bánh cuốn có từ khi nào, xuất xứ ở đâu, thật chưa thể giải nghĩa được. Ở Hà Nội, đây thực sự là bánh cuốn vì được cuộn thêm một lớp thịt bằm mộc nhĩ, nêm thêm chút hành củ và nước mắm ngon ăn kèm giò chả. Ra Huế, bánh cuốn là những cuốn thịt nướng vàng thơm chấm ngập trong thứ nước lèo (tương) béo thơm sóng sánh, món này được gọi là bánh ướt thịt nướng. Rồi còn bánh ướt tôm chấy, bánh tráng mỏng dính, rắc bột tôm, cuốn lại. Tôi còn thấy những người phụ nữ miền Trung ăn bánh không, chấm mắm nêm hay xì dầu dằm ớt vào những bữa lỡ mà tấm tắc khen ngon.

Ở xứ Nghệ, nhắc tới bánh mướt không ai là không biết. Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị riêng biệt.

Vào đến trong Nam, bánh được phân biệt rất rõ: bánh nhân thịt, mộc nhĩ hành củ được gọi là bánh cuốn và bắt buộc phải ăn nóng mới ngon, còn bánh không nhân được gọi là bánh ướt. Thứ bánh này được bán kèm một hũ hành tím phi vàng, bóc hết lớp bánh bên trên, cô bán hàng lại thoa thêm một muỗng hành thơm phức lên một lớp bánh trên mặt. Bánh được mua về ăn kèm nước mắm tỏi chua ngọt với giá hấp, dưa leo và rau thơm xắt nhỏ. Ngày xưa, ở chợ gần nhà tôi có nguyên một dãy mấy bà mấy chị ở khu Hóc Môn lên bán bánh thứ ướt này...

Bánh cuốn

  
 Bánh cuốn  là loại bánh làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, để ăn khi còn ướt, trong có thể cuốn nhân hoặc không nhân (khác với bánh tráng, (bánh đa) phải phơi khô . Bánh thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống chả lợn pha trong nước chấm khi ăn thường kèm thêm  .

Gạo  ngon, xay mịn, hòa với nước. Đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần cho một muôi bột nhỏ. xoa đều lên bề mặt miếng vải để lá bánh cuốn được mỏng, có thể thoa thêm chút mỡ để dễ lấy ra.

Sau khi bánh chín, dùng đũa to hoặc thanh tre  gạt ra đĩa, lúc này có thể cuộn thêm nhân gồm một ít thịt vai nửa nạc nửa mỡ, tôm, băm cùng mộc nhĩ, nấm hương đã xào chín với các gia vị như mắm, hạt tiêu... Rắc thêm hành khô phi thơm và dùng với nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt.


Bánh cuốn Thanh Trì

Là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội, là đặc sản của phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy.

Bánh cuốn Thanh Trì không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Người bán bánh thường đội thúng bánh trên đầu, di dạo bán trên phố phường Hà Nội. Khi gặp người mua, người bán hàng sẽ hạ thúng xuống, lần giở từng lớp bánh cuốn mỏng, tách từng lớp bánh sao lá bánh cuốn khỏi bị rách. Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành lá màu vàng, nâu đã được phi qua trên chảo. Mỗi lớp bánh cuốn đó sẽ được sắp xếp gọn lại trên đĩa, lần lượt từng miếng bánh một được đặt cạnh nhau. Sau đó, với một nhát kéo, tất cả các lá bánh cuốn được cắt đôi. Công việc tiếp theo là nhấc một nửa đầu bánh cuốn mới cắt đó, đặt lên trên nửa kia để người thưởng thức có thể nhìn thấy rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy. Bánh được ăn với thứ nước chấm đặc trưng cho từng người bán bánh riêng, có thể ăn kèm chả quế, giò lụa hoặc đậu rán rau mùi .
  



Bánh cuốn nhân thịt Hà Nội
Bột làm bánh là gạo được xay ướt nên rất mịn. Sau khi đã được làm chín bởi hơi nước, lá bánh sẽ được cuốn lại với nhân thịt, mộc nhĩ và nấm hương đã được làm chín. Sau đó người làm bánh sẽ dùng thanh tre chia bánh vừa cuốn đó ra làm 4 khúc ngắn hơn và bày vào đĩa. Sau khi xếp lần lượt hết vào đĩa, một ít ruốc tôm sẽ được rắc lên trên các miếng bánh cuốn và trên cùng điểm vài cọng rau thơm như rau bạc hà, rau mùi...Bánh cuốn sẽ được thưởng thức cùng với bát nước chấm có vài lát chả và chút hành khô trong đó...

Bánh cuốn Làng Kênh (Nam Định)

Bánh cuốn Làng Kênh có bí quyết làm riêng và thường chỉ truyền nghề cho con dâu trong gia đình. Gạo làm bột bánh thường là giống gạo Mộc Tuyền. Những người làng Kênh không mang bánh đi bán rong mà họ chỉ ngồi cố định tại một quán bên đường hay một sạp hàng trong chợ.

Bánh cuốn trứng (Lạng Sơn)

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn chỉ bao gồm trứng gà và thịt nạc kho được chà nhuyễn thành từng sợi nhỏ và nước canh là nước được ninh từ xương ống và cho thêm gia vị, hành, mùi, tiêu, ớt. Nhiều cửa hàng tại Lạng Sơn còn dùng nước thịt kho cho vị đậm đà hơn. Trứng gà được hấp bên trong lá bánh, chín tái đủ để tạo một lớp màng mỏng quanh lòng đỏ, giúp trứng không bị vỡ. Ăn món bánh cuốn này không thể gắp và chấm mà phải chan nước canh lên mặt bánh. Khi thưởng thức, người dùng sẽ khéo léo đưa miếng bánh vào miệng làm sao để lòng đỏ trứng vỡ ra trong miệng, hoà lẫn với nước thịt kho và những sợi thịt kho đã chà nhuyễn còn nóng và thơm ngon.

Bánh cuốn Hải Dương

Bánh cuốn Hải Dương ngon là bánh được làm ở khu phố Hàn Giang và phố Bắc Sơn, bánh được tráng thành từng lá mỏng như tờ giấy pơ-luya, sau đó rưới thêm nước mỡ và hành đã được phi thơm ngào ngạt (Mỡ nước ở đây phải được làm từ mỡ khổ, chứ không được là mỡ lá, hay dầu ăn vì bánh sẽ không được thơm, béo, ngậy). Các lá bánh cuốn được rải chồng lên nhau trong một cái thúng có lót lá chuối và một số bao vải, ni lông cách nhiệt nên đến khi ăn bánh vẫn còn nóng. Khi ăn, phải dùng tay để bóc từng lá bánh ở đầu mép bánh ra, cắt thành miếng nhỏ vừa đủ để bỏ vào miệng. Nước chấm được pha bằng loại nước mắm ngon với các gia vị khác để tạo ra một bát nước chấm vừa có độ trong veo của nước sôi tinh khiết, vừa có màu vàng sóng sánh và mùi thơm đặc trưng của nước mắm, vừa có màu đỏ tươi của ớt, vừa có màu đen nhánh và thơm cay nồng của hạt tiêu xay rối, vừa có vị chua của dấm quất thanh pha thêm một chút chua hăng nồng của.. Ăn kèm với bánh cuốn có chả quế. Chả quế được cắt chéo thành từng lát mỏng hình quả trám. Khi ăn vừa có độ dai dai của vỏ, vừa có độ ròn và vị ngọt, bùi, ngậy của ruột.

Bánh cuốn Phủ Lý

Phủ Lý là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội chừng 60km. Bánh cuốn ở nơi đây rất nổi tiếng trong các tỉnh phía Bắc. Các xe du lịch khi đi trên quốc lộ 1A qua thành phố Phủ Lý thường ghé lại thưởng thức món bánh cuốn trứ danh này. Bánh cuốn Phủ Lý có nhiều điểm tương đồng với bánh cuốn Thanh Trì. Bánh cuốn ở đây hoàn toàn không có nhân. Bánh sau khi tráng xong được gấp gọn lại và bày lên đĩa. Nếu như bánh cuốn Hà Nội hoặc ở một số địa phương khác thường được ưa chuộng khi bánh mới tráng xong còn mềm và mướt thì bánh cuốn Phủ Lý không giống như vậy.

Các hàng bánh cuốn tráng bánh từ trước rồi để xếp lên nhau trên 1 mâm lớn. Khi có khách tới ăn, họ bóc từng lá bánh ra gấp và bày lên đĩa. Do đó bánh cuốn Phủ Lý khi thưởng thức có phần cứng và dày hơn bánh cuốn Hà Nội. Bánh được ăn kèm với nước chấm và hành phi thơm rắc lên trên. Bánh cuốn Phủ Lý ăn kèm với thịt nướng chứ không ăn với chả quế, chả giò như nơi khác. Một điều làm tôn thêm hương vị thơm ngon của bánh cuốn ở đây đó chính là thịt nướng hay còn gọi là chả nướng này. Thịt được chọn loại có cả nạc cả mỡ chứ không chú trọng chọn miếng nguyên nạc như thịt ở Hà Nội nên khi ăn cảm thấy thịt ngon, mềm hơn chứ không hề bị khô. Thịt nướng trực tiếp trên than, vừa chín tới, ăn kèm với bánh cuốn, thật là ngon khó tả. Hiện nay ở Hà Nội đã bắt đầu mọc lên nhiều hàng bánh cuốn Phủ Lý rất được mọi người ưa chuộng.
Bánh cuốn ngoài Việt Nam
Ở châu Âu, bánh cuốn bán trong các quán ăn của người Việt có cách làm hơi khác. Vỏ bánh thường được tráng trong chảo có láng dầu thay vì được hấp trên nồi nước sôi.



Bánh cuốn thương phẩm ở Paris           Bánh cuốn ăn với giò lụa


Bánh mướt- món ngon xứ Nghệ

Bánh mướt” có lẽ ít người biết tới, bởi đây là món ăn đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ: Nghệ An – Hà Tĩnh.

Bánh mướt thoạt nhìn trông giống bánh cuốn của miền Bắc, bánh ướt ở miền Nam, nhưng khi ăn thử lại thấy hương vị riêng biệt, không lẫn vào đâu được.

Bánh mướt được làm từ gạo tẻ, gạo ở đây phải đựơc ngâm trong nước sạch nhiều giờ, cho từng hạt gạo ngấm nước, nở đều và mềm rồi mới mang đi nghiền thành bột. Ngày trước bột thường được xay trong những cối đá, phải xay đi xay lại nhiều lần bột mới nhuyễn. Ngày nay hiện đại hơn, người ta nghiền bột bằng máy, vừa ít tốn thời gian mà bột cũng nhanh nhuyễn hơn.

Bột nghiền xong cũng chưa thể tráng ngay thành bánh được, phải để bột lặng trong nước khoảng từ 2 giờ trở lên, người ta gọi đó là ủ bột. Ủ bột để  khi tráng,  bánh mới nở phồng, ăn mới dẻo dai.

Ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, bánh mướt là món ăn được nhiều người yêu thích. Bánh mướt dễ ăn, chỉ cần ăn kèm một chén nước mắm vắt chanh với ớt tươi xắt lát cũng đã thấy ngon miệng.


Nếu dùng bánh mướt để đãi khách thì có thể dùng kèm với thịt heo nướng, bò nướng lụi, chả nem rán, bò lá lốt mỡ chài rất ngon. Đặc biệt hơn,  bánh mướt ăn với bò hấp thố, bò nhúng dấm…cuốn bánh tráng, kèm rau xà lách và đủ loại rau thơm hấp dẫn.
Bánh mướt là món ăn gắn bó với người dân xứ Nghệ, vào những buổi sáng ngoài đồng ruộng, những bữa trưa đãi bạn bè, hay trong những dịp gia đình đãi khách phương xa. Bánh mướt là một phần không thể thiếu trong ẩm thực thường ngày của người dân nơi đây.

Bánh mướt là một món ăn bình dị, dân dã đến lạ thường. bánh được làm bằng bột gạo tẻ - gạo được ngâm nước rất lâu sau đó được vớt ra xay nhuyễn và được ủ trong nhiều giờ liền. Bánh được làm vào những buổi sáng sớm tinh mơ. Người làm bánh phải thức dậy từ khi 2 - 3 giờ sáng để nổi nửa tráng bánh thì mới kịp cung cấp cho khách.

Người Nghệ An dùng bánh mướt trong những bữa ăn hằng ngày. Bánh Mướt không chỉ được bán ở các chợ cho người đi chợ mua vài cân để ăn trong gia đình mà còn được cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng, trong cả những bữa giỗ, liên hoan, đám cưới...

Khác với những món ăn quê khác, bánh mướt không thể mang đi xa . Bánh chỉ làm ra và dùng trong ngày. Ở Nghệ An bao nhiêu bánh làm ra cũng không đủ cung cấp phục vụ cho khách hàng.

Chỉ có những người dân hai tỉnh NGHỆ AN - HÀ TĨNH thì mới biết được thế nào là BÁNH MƯỚT. Hương vị của BÁNH MƯỚT không thể nào quên, bánh chỉ cần chấm với nước mắm chanh, ớt là cũng đủ ăn ngon, ăn no, ăn bao nhiêu bánh cũng không ngán, ăn bao nhiêu lần cũng không chừa .

Trong 64 tỉnh thành phố của Việt Nam, ngoài NGHỆ AN và HÀ TĨNH thì không có tỉnh thành nào có quán/nhà hàng bán Bánh Mướt kể cả Thủ đô Hà Nội & Tp.HCM. Còn đặc biệt hơn, tên gọi Bánh Mướt cũng rất là lạ lẫm ới tất cả người dân trên toàn cõi Việt Nam ngoại trừ người dân NGHỆ AN - HÀ TĨNH




Bánh Ướt (Steamed Flat Cake)

Bánh ướt (hay bánh cuốn) là một trong những món ăn Việt Nam có cách chế biến và cách dùng rất phong phú và đa dạng. Nguồn gốc xuất xứ của bánh là từ Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam ở từng vùng khác nhau, bánh ướt lại được chế biến rất sáng tạo và mang từng hương vị độc đáo riêng. Bánh mang tên “bánh ướt” chính là sự miêu tả tính chất đặc trưng nhất của bánh: Bánh ướt sẽ được dùng ngay sau khi tráng (vẫn còn ướt) mới ngon chứ không phơi khô hay trữ lâu ngày.

Nguyên liệu chính làm vỏ bánh ướt là bột gạo được pha chung với bột năng hoặc bột khoai mì với tỉ lệ nhất định. Tỉ lệ này là một bí quyết của từng nơi làm bánh ướt. Bột gạo, bột năng, bột khoai mì được hòa tan với nước sao cho khi tráng bánh tạo được vỏ bánh ướt thật mỏng nhưng khi tráng không bị rách nhưng cuốn lại thì ăn rất vừa miệng mà không quá dai.

Nguyên liệu làm nhân bánh ướt rất đa dạng theo đặc trưng từng vùng. Nhân bánh theo truyền thống thường được làm bằng thịt heo bằm nhuyễn với mộc nhĩ và củ sắn. Ngoài ra ở khu vực Hà Nội và phía Bắc, nhân bánh được làm bằng thịt gà, thịt heo nướng, các loại hải sản hay cầu kỳ hơn nhân bánh được phối hợp nhiều loại nguyên liệu với nhau và được cuốn lại nên thường được gọi là bánh cuốn. Ở Huế và khu vực miền Trung thì món “ bánh ướt tôm chấy” với nhân được làm bằng tôm khô giã nhuyễn và “chấy” vàng rất nổi tiếng và được xem như là một đặc sản của vùng. Ngược lại nhân bánh ướt của vùng Tây Nam Bộ lại rất ít, thay vào đó bánh sẽ được dùng kèm với chả lụa, pa –tê, nem chua, rau thơm, đậu phộng rang…tạo ra một hương vị rất riêng và đặc sắc.

Cách dùng của bánh ướt cũng không kém phần phong phú. Bánh ướt (bánh cuốn) có thể dùng theo cách cuốn tròn với nhân bên trong chấm với nước chấm, hay cuốn lại rồi cắt khoanh trộn với chả lụa, chả quế, pa-tê… , ngoài ra bánh có thể được tráng mỏng và nhỏ rồi được trải ra sau đó rắc nhân lên trên. Có nơi bánh còn được kẹp với bánh phồng sau đó ép chặt, bánh ướt ăn dạng này còn gọi là bánh “ Đập”.

Nước chấm cũng là một thành phần rất quan trọng quyết định hương vị của bánh ướt. Nước chấm dùng với bánh ướt thường là nước chấm chua ngọt. Tùy từng vùng mà nước chấm được pha theo các cách khác nhau.Miền Nam nước chấm, thường được pha rất loãng với vị chua ngọt hài hòa. Nước chấm bánh cuốn miền Bắc thì đậm hơn và mang một hương vị đặc trưng do được “dầm” cà cuống. Ở khu vực miền Trung nước chấm thường được thêm vào mắm ruột cá biển.

Những đặc điểm trên cho thấy vì sao bánh ướt được xem là một món ăn đa dạng trong chế biến và cách dùng. Hiện nay một số vùng khá nổi tiếng với bánh ướt như bánh ướt Diên Khánh, bánh ướt Nha Trang, bánh cuốn Thanh Trì, bánh ướt tôm chấy Huế, bánh cuốn thịt nướng Kim Long.

Chế biến:

- Bột gạo: với thành phần chính amylopectin và amylose, đây là hai thành phần có khả năng tạo màng tốt khi hồ hóa. Quá trình hồ hóa và tạo màng này diễn ra khi tinh bột được gia nhiệt trên 50oC với sự hiện diện nước. Nên dùng loại gạo có hương thơm để giúp bánh có hương vị thơm ngon sau khi chế biến.

- Hòa tan: Đây là giai đoạn tinh bột được hòa đều và hấp thu nước cho giai đoạn hấp hồ hóa phía sau. Tùy vào nhu cầu về bánh mà có thể pha thêm bột năng và bột sắn để tăng giảm độ trong và dai của bánh. Lượng nước cho vào pha bột ở tỉ lệ bột:nước là 1:2,5. Có thể pha thêm ít muối nhằm tạo vị đậm đà cho bánh.

- Tráng bánh: Bột sau khi pha được tráng thành một lớp mỏng trên một lớp màng vãi. Màng vải này được căng thẳng trên một nồi hơi. Hơi nước có vai trò cấp nhiệt hồ hóa tinh bột gạo tạo màng. Khi nhiệt độ đạt 70-90oC , các hạt tinh bột sẽ hấp thu nước và trương nở, mạch tinh bột sẽ duỗi thẳng ra và đan xen vào nhau hình thành cấu trúc màng. Các phân tử amylopectin với cấu tạo phân nhánh nhiều sẽ đan xen và hình thành mạng lưới tốt, đây là thành phần quyết định độ dai của bánh. Quá trình hồ hóa cũng sẽ làm trong bánh, bánh được hồ hóa càng tốt thì càng trong. Nhưng nếu quá trình hồ hóa diễn ra quá mức thì cấu trúc bánh sẽ kém dai do vì các mạch tinh bột bị đứt vỡ mất khả năng liên kết. Thời gian hấp bánh từ 2 đến 4 phút tùy độ dày của bánh.
       
- Cuốn bánh: Nhân bánh sao khi chế biến sẽ được rải lên một góc bánh ướt và được cuốn lại. Nhân bánh sẽ được thay đổi tùy vùng.

- Khi dùng, bánh được cắt ra, cho thêm các loại nguyên liệu ở trên và nước chấm.

Vỏ bánh ướt có thành phần chủ yếu là bột gạo nên thành phần dinh dưỡng của vỏ bánh cũng tương tự như gạo. Tùy thuộc vào phần nhân bánh mà thành phần dinh dưỡng chung của bánh sẽ thay đổi theo. Bánh ướt hay bánh cuốn thường được dùng kèm chung với các loại thịt và rau nên thành phần dinh dưỡng món bánh ướt khá cân đối và thường được dùng trong buổi điểm tâm hay bữa chính.

Cách chế biến bánh ướt tương đối đơn giản, nguyên liệu sẵn có nhưng bánh ướt lại rất hấp dẫn người dùng do phương pháp chế biến đa dạng hợp khẫu vị, lại là món ăn truyền thống quen thuộc với nhiều người, thành phần dinh dưỡng của bánh ướt cũng cân đối. Vì vậy kinh doanh bánh ướt là một hướng kinh doanh khá thành công. Một số cửa hàng chuyên kinh doanh bánh ướt đã khá nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Sự thành công của các cửa hàng này là do biết cách sáng tạo nhiều loại nhân khác nhau cho bánh ướt cũng như giới thiệu nhiều món bánh ướt khác nhau.

Đọc thêm!

Mắm cá miền Nam

Mắm là món ăn trứ danh của Nam Bộ đã đi vào văn học dân gian, vào thi ca một cách khó phai nhòa trong ký ức của người Việt đi mở cõi phương Nam

 “Con cá làm nên con mắm
Vợ chồng già thương lắm mình ơi! ”.

Chỉ một món mắm mà người Nam bộ chế biến biết bao chủng loại.
Nào là mắm tôm chà, mắm tôm chua Gò Công, mắm ruộc Rạch Giá, mắm ba khía Cà Mau, mắm lòng Đồng Tháp (làm từ lòng cá và ruột cá), mắm thái Châu Đốc, mắm còng Long An…
Mắm làm phải công phu, để lâu ngày cho thắm, ăn mới ngon.
Trong văn học có kể một giai thoại về mắm rất lý thú: Một nhà văn khéo dùng chữ, ngày nọ cùng người bạn đến nhà người thân, giữa lúc chủ nhà đang thăm hũ mắm, khách hỏi: “Mắm thắm chưa bà? ”.
Người góa phụ với nụ cười duyên, khẽ khàng đáp: “Có lẽ còn lâu”.
Tục ngữ dân gian có câu: “Ăn mắm thì ngắm về sau”, ngẫm đúng thật.


Đối với người Nam Bộ, không phân biệt địa vị xã hội, bất luận sang hèn, ở một góc nhìn văn hóa ẩm thực, món mắm dân dã, “hương đồng gió nội”, được coi như một món ăn đậm “quốc hồn quốc túy”, rất hấp dẫn trai gái, trẻ già từ thành thị đến nông thôn.
Ngày trước, mắm là nguồn thực phẩm dự trữ ăn dài dài của dân đồng ruộng thảo dã lúc giao mùa, khan hiếm thức ăn.
Ngày nay, mắm đã trở thành hàng hóa, đặc sản, làm quà biếu, từng góp mặt trong các buổi liên hoan, tiệc tùng, mang đậm bản sắc văn hóa, gợi nhớ hồn quê sâu đậm…
Đầu tiên phải nói đến “mắm sống”, món ăn đơn giản, ngon miệng.
Mắm được làm từ cá lóc, cá bông, cá sặt, cá linh… ăn với bắp nấu chín vừa cạp bắp, vừa cắn miếng mắm sống, nhai hòa tan trong cuống vị, thật không còn chỗ chê! Đang lao động vất vả ngoài đồng áng, khi về nhà bất chợt, lỡ bữa, bụng đói cồn cào, giở nồi cơm nguội, sẵn mắm sống trong hũ đem ra xé ăn, kèm với ít rau sống ngoài vườn, lát gừng xắt mỏng, trái ớt tươi, nghe ngọt lịm đến tận chân răng, ăn không biết no!
Ăn mắm cầu kỳ một chút thì có “mắm chiên”. Đem con mắm to bè, bắt chảo dầu phi tỏi, bỏ con mắm vào chiên cho se lại, thắm đều dầu, rắc ít tiêu đâm nhuyễn, mùi vị thơm cực kỳ, ai mà chịu được! Chuẩn bị chu đáo hơn thì bằm mắm, bằm thịt ba dọi trộn chung với hột vịt, ướp phụ gia: tiêu, đường, bột ngọt… đem chưng cách thủy, xắt ít lát ớt đỏ để lên trên, ta được món “mắm chưng” ăn kèm rau sống, chuối chát, dưa leo…
“Mắm kho” là món ăn thông dụng nhất ở ĐBSCL, nơi nào cũng có.
Nhưng muốn tận hưởng món “mắm kho bông súng” đúng nghĩa phải đến Đồng Tháp.

“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.

Thật vậy, Đồng Tháp là nơi bông súng phát triển tự nhiên không ai gieo trồng, nguồn thủy sản cá tôm dồi dào tha hồ mà ăn cho “đã”. Đặc biệt, bông súng Đồng Tháp cọng nhỏ, ăn mềm, vị ngọt, lúc ăn tước vỏ cho sạch, ngắt ra từng đoạn dài, ngắn tuỳ sở thích. Nhiều người xắt nhỏ trộn với cơm dừa cho vô chén, chan mắm ăn, không cần cơm! Tuy mắm kho đồng quê giản dị với sả bằm, cà tím, cá linh, cá lóc, thịt ba rọi, chan cơm nóng hay chan bông súng cơm dừa, ăn độn với rau dừa, rau muống, đọt lang luộc.
Ngày nay, lẩu mắm được cải tiến từ nồi mắm kho của dân quê và nghiễm nhiên đi vào các nhà hàng “đặc sản lẩu mắm kho” nổi tiếng ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… đáp ứng được yêu cầu của người sành điệu.

Lẩu mắm

Để thực hiện một lẩu mắm ngon, trước hết người đầu bếp lần lượt cho mắm sống vô nồi, kho cho rã con mắm ra, lược lấy nước mắm, bỏ xác.
Xong bắc nồi lên bếp, kho lại, nêm đường, bột ngọt sôi lên lần nữa, cho tiếp các phụ liệu, thịt ba rọi xắt mỏng, cá basa hoặc cá bóng kèo, lươn chặt khúc ướp sả nướng vừa chín tới, mực, ốc, tép, cà tím… tất cả phụ liệu hòa quyện chung nấu lên cho chín rồi múc qua lẩu mắm kho.
Đương nhiên, lẩu phải ăn nóng ở nhiệt độ thích hợp để bảo đảm chất lượng.

Cần nhất phải đầy đủ rau sống: cù nèo, tía tô, bông súng, bông so đũa, bông điên điển, cải bẹ xanh, rau nhúc, dấp cá… cùng nhiều loại rau khác, thể hiện phong cách đậm đà của đất phương Nam, vận dụng tài tình các loại rau, chưa ăn đã phát thèm, lưỡi “đổ mồ hôi”.
Người ăn ngồi quanh bàn tròn, đặt lẩu mắm chính giữa, sôi liu riu, vừa gắp rau, vừa gắp thịt cá… chan vô chén, có trái ớt hiểm đỏ kèm theo, vừa ăn vừa hít hà mới “phê”, mồ hôi mô kê vã ra, thêm chút rượu đế đưa cay, nồng ấm hương vị quê nhà!
Tại Nam bộ, mỗi địa phương có sáng tạo loại mắm đặc trưng riêng.
Cụ thể: Châu Đốc (An Giang) có câu “Mắm Châu Đốc – Dốc Nam Vang”, là tỉnh nổi tiếng “trên cơm dưới cá”, nên ở đây phong phú về chủng loại cá tôm, được nhiều bà con chế biến tài tình món mắm.
Điển hình như mắm cá lóc, cá bông, cá trèn, cá chốt, cá linh, nay có thêm cá basa. Mỗi món mắm là một công trình nghiên cứu về gia chánh mang tính khoa học kỹ thuật có tầm cỡ đã đem đến cho người ăn một cảm giác mê ly và khoái khẩu.
Độc đáo nhất có “mắm thái Châu Đốc” – món ăn khó chê. Làm mắm chỉ cần các nguyên liệu cá – muối – thính, ủ một thời gian là trở thành mắm.
Khâu quan trọng vẫn là công thức định lượng để làm cho con mắm ngon là bí quyết của người làm.
Muốn mắm ngon phải làm sạch và kỹ, nếu không mắm trở, xuống màu, con mắm mềm, hư.
Cách chế biến mắm do kinh nghiệm, tùy con cá tươi hay ươn, lớn hay nhỏ, định lựơng muối cho thích ứng, nếu muối nhiều mắm mất mùi, muối ít mắm ươn.
Thời gian chao mắm, “thính mắm” cho phù hợp.
Mắm ngon thông thường là mắm có mùi thơm dịu, thịt ửng hồng không cứng quá cũng không mềm nhũng.
Quá trình làm mắm cho đến khi ăn được phải từ 6 tháng đến 1 năm.


Mắm thái

Thời điểm mắm được chao đường, chọn đường thốt nốt thắng cho có chỉ rồi thêm phụ gia là lúc màu sắc, hương vị được khẳng định rõ rệt. Mắm thái đòi hỏi kỹ thuật chế biến phức tạp.
Dùng mắm lóc bỏ da, tách xương, thái thành sợi, màu thính phải tươi, hạt thính nhuyễn, đường thắng kẹo nẹo có màu hổ phách.
Đu đủ trộn với mắm phải là đu đủ mới, còn xanh, bỏ vỏ và hột, bào thành sợi mỏng, muối mặn để khoảng 10 ngày cho hết mùi, xả sạch, ép khô cho vào mắm để sợi đu đủ được trong và giòn, mùi thơm, vị không còn mặn cũng không ngọt lắm.
Tỷ lệ thịt và đu đủ vừa phải, sợi mắm không bị bời rời, mềm nhão.
Người sành ăn chỉ nhìn qua chỗ mắm mướt rượt, mượt mà như mưng mỡ là biết ngon hay dở.
Ngày nay, mắm thái Châu Đốc đã có mặt các nước châu Âu trong những bữa cơm gia đình của Việt kiều xa quê.



Mắn chưng trứng vịt

Nam Bộ có nguồn thủy sản vô cùng phong phú. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đồng bưng mênh mông tạo nguồn cá, tôm, tép, còng… dồi dào, ăn không hết phải làm mắm để dự trữ lâu dài. Dân Nam Bộ lại thích ăn mặn, uống đậm.
Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức đã ghi: ở Nam bộ có những kỳ thi ăn mắm và đã có người ăn một lúc cả chục cân. Điều đó đã thể hiện rõ nét mắm đã gắn bó với người Nam Bộ suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm.
Dân miền Tây Nam Bộ ăn mắm đến nỗi bén mùi kỳ lạ không thể thiếu được và khi đi xa là nhớ da diết!
Ăn mắm ngày nay đã được nâng lên thành nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc, không thể dùng ngôn từ diễn tả hết sức diệu kỳ thu hút của món mắm Nam Bộ, loại đặc sản danh bất hư truyền này đã xác định được vị trí ở thị trường trong và ngoài nước.
Mắm chưng thịt ba rọi

CON ĐƯỜNG BÚN MẮM
Con đường chỉ dài khoảng 200m mà đã có gần hai mươi quán bún mắm.
Không biết có phải vì người bán và người ăn đa số là người gốc miền Tây nên bún mắm trở thành món “đinh” ở con đường Nguyễn Nhữ Lãm, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú.
Và có lẽ vì cạnh tranh hay muốn giới thiệu đặc sản quê nhà mà bảng hiệu của mỗi quán đều giới thiệu cả tên địa phương như bún mắm Bạc Liêu, bún mắm Sóc Trăng, bún mắm Cần Thơ…
Nhưng, điều đặc biệt của những quán bún mắm ở đây là giữ được hương vị đậm đà và tô bún luôn có đủ các loại rau miệt đồng với bắp chuối, rau đắng, kèo nèo, bông súng… Giá bình dân, nhưng tô bún mắm ở đây có vẻ phong phú hơn nhiều nơi khác qua những con tôm, miếng mực, chả cá, miếng thịt heo quay…
Ở phố bún mắm này không chỉ có bún mắm. Không một mặt bằng nào bỏ trống là nhận xét đầu tiên của khách khi bước chân qua con đường này. Ngoài cái tên con đường bún mắm, những người quen đến ăn ở đây còn gọi nơi đây là phố ẩm thực hợp tác.
Gọi là phố ẩm thực hợp tác bởi những hàng quán buôn bán ở đây từ đầu đến cuối đường đều biết nhau. Gần như có một quy luật bất thành văn là mọi người cùng hợp tác trong việc buôn bán. Khách ngồi ở một quán nhưng có thể gọi món ăn các hàng khác một cách thoải mái không phân biệt khoảng cách. Khi có ùn tắc ở đâu thì nhóm hàng quán ở đoạn đó phải tự sắp xếp giải toả nhanh, luôn giữ cho con đường đi lại dễ dàng. Vệ sinh môi trường cũng là một trong những điều kiện bắt buộc các cửa hàng cùng nhau gìn giữ…Nhưng quan trọng hàng đầu chính là sự hoà đồng tương trợ nhau mang tính cách chòm xóm láng giềng trong sinh hoạt của người Nam bộ được thể hiện khá rõ nét trong cung cách làm ăn ở phố. Chi, người miền Tây thuê nhà mở quán bán bún mắm cho biết lúc vừa đến còn lạ chỗ lúng túng, bà con chung quanh thấy quán của chị thiếu đủ thứ, áp nhau phụ giúp từ công đến của, vậy mà thấm thoát đã gần mười năm.
Phố hợp tác ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm hình thành khá sớm từ năm 2000. Theo Thông, chủ quán bún, bánh canh Thuý Vy là người cư ngụ tại đây từ lâu.
Ban đầu chỉ có vài hàng ăn mở cửa bán từ đầu đường Nguyễn Nhữ Lãm phía đường Nguyễn Sơn.
Nhờ ở cạnh chợ phường Phú Thọ Hoà nên khách đi chợ tiện ghé ăn hoặc chờ người nhà vào chợ.
Từ từ thấy bán được bà con bắt đầu mở quán bán tiếp và chỉ trong vòng hai năm hàng quán đã ken kín con đường.
Khách hàng của phố ẩm thực ngoài công nhân viên chức, cư dân quanh vùng thì người từ Bình Chánh, quận 12, Lái Thiêu… dịp hội hè đến công viên Đầm Sen thế nào cũng có nhiều người ghé qua phố ẩm thực để thưởng thức những món ăn khoái khẩu.
Món ăn thức uống ở phố ẩm thực không thiếu thứ gì từ món chay, mặn đến ăn chơi, ăn no, chè cháo, tráng miệng, giải khát…
Ngoài bún mắm, ở đây còn có đủ món ăn Âu, Hoa, Ấn, Việt như hủ tiếu, mì Tàu, mì Quảng, mì Ý, bò bíttết, phở, bánh cuốn, cơm tấm, cơm gà, cháo gà, cháo vịt, càri dê, càri gà…
Đa số những món ăn buổi tối có giá trung bình từ 15.000 – 17.000đ/phần, buổi sáng có giá 12.000 – 15.000đ/phần.
Đọc thêm!